Sunday, December 11, 2011

Lừ lừ như tàu điện vào ga

Với dân Hà Nội thời những năm 80 trở về trước, không thể không biết đến tầu điện. Các bác tôi ở trong quê ra thăm, đi bộ hoặc xe ngựa hơn chục cây số đến thị xã Hà Đông là đã có tầu điện đi nốt ra “Hà Nội”.

Đường tầu điện từ Chợ Mơ chạy tuốt lên tận Bưởi, có những chỗ tàu tránh rất đáng chú ý như Ô Cầu Dền, Hàng Bài, Bờ Hồ… ở Bạch Mai – Phố Huế, nó đi giữa đường. Lên Đinh Tiên Hoàng, nó “tạt” sát sang vỉa hè cạp quanh hồ Hoàn Kiếm. Đường phố bỗng rộng thênh thang. Khi đường tàu ở giữa đường, nó còn có một tác dụng nữa là làm giải phân cách giữa hai làn đường ngược chiều nhau (Bạch Mai) hoặc giữa cơ giới với thô sơ (Phố Huế, Hàng Bài, Quan Thánh…).

Cái tàu điện đi thật là rẻ. Cô bạn học nhà tận cuối Trương Định, lớp 4 đã phải xin trường giấy giới thiệu để mua vé tháng, một miếng bìa nho nhỏ màu trắng, in chữ tim tím có hình cái tàu điện. Trưa nào cũng thấy cô nàng xinh xắn nhảy vọt xuống tàu ở chỗ rạp Đại Nam.

Cũng vì đi tàu điện rẻ nên các bà bán hàng từ khắp các vùng quê ra Hà Nội, chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển chính trong thành phố. Do đó, ở đằng sau tàu điện nhiều khi là nơi treo quang gánh của các bà buôn thúng bán mẹt đó.


Tôi không được chứng kiến tàu điện thời Pháp sơn màu nâu, ghế ngồi ngang như ô tô buýt bây giờ, nhưng tàu điện thời hòa bình lập lại đến khi người ta bỏ nó, sơn màu vàng – đỏ, ghế dọc, bằng gỗ. Toa đầu, có người lái, cửa ở hai đầu toa. Toa sau, một cửa to ở giữa. Tàu thường có 3 toa. Trẻ con thì hay nhảy tàu lắm, thấy người soát vé chúng nó nhảy xuống đường rồi lại nhảy lên toa sau, rất nguy hiểm. Tôi thì nhát, hồi 10 tuổi nhảy tầu một lần bị ngã bổ chửng, cạch luôn từ đó.

Chỗ tránh tàu Ô Cầu Dền, cũng là “tứ giác đen” của bốn tiểu khu (*): Phố Huế, Cầu Dền, Lê Đại Hành và Thanh Nhàn nên cũng là khu tập trung nhiều ăn cắp, nhất là bọn trong đê Tô Hoàng kéo ra, trong xóm liều Vạn Hoàng và đê Trần Khát Chân kéo xuống. Ở đầu ô có cửa hàng Bách Hóa, cạnh Phòng Giáo dục quận (hồi đó là “Khu”) Hai Bà Trưng, có mấy mụ ăn cắp mặt rô, rất gớm ghiếc. Bây giờ nghĩ lại, khéo “chúng nó” chỉ khoảng 19, 20 tuổi thôi, như thế đến năm 2012 này cũng tầm 50 tuổi rồi. Hoạt động của bọn ăn cắp vẫn như bây giờ: móc túi là chủ yếu. Về sau có thêm kỹ thuật rạch túi bằng dao cạo. Đồ ăn cắp được thường truyền tay nên người mất của dễ bị mất phương hướng. Tàu chuyển bánh, chúng nhảy lên hành sự rất nhanh rồi nhảy xuống, chạy mất dạng lên đê Trần Khát Chân, phát hiện cũng khó mà đuổi được.

Công an tiểu khu Phố Huế hồi đó có một anh tên là Đó, thường phóng chiếc YAMAHA thể thao bô vắt màu đỏ, rất năng nổ. Anh ấy thường xuyên bắt đường mấy con mụ móc túi đưa vào đồn ngồi. Vì thế, ở ngoài ô Cầu Dền thường có câu “tục ngữ”: “Gặp anh Đó, khó làm ăn; chạy đi chúng mày ơi!!!...” Hôm rồi ngồi uống bia gặp một chú em nhà 289 Phố Huế cho biết anh Đó đã mất được một số năm, không biết có phải không?

Tôi nhớ mang máng, tàu điện hồi đó lúc đầu đi vé 2 xu, lên 5 xu, đồng 5 xu bằng nhôm nhẹ nhẹ có cái lỗ ở giữa. Sau nó còn lên 1 hào rồi 2 hào. Đi tàu điện từ cuối Phố Huế nhà tôi có thể lên chơi được Bờ Hồ, ăn kem; xa hơn một tí, là chợ Đồng Xuân. Hồi đó đi mua cá chọi có ba địa điểm đều dính đến tàu điện: Chợ Hôm, Chợ Đồng Xuân và làng Nghi Tàm. Lên Nghi Tàm thì xuống tàu ở đền Quan Thánh rồi đi bộ tiếp.

Tàu chạy, cái cần bằng đồng cong vút có cái pu-li tì vào dây điện ở phía trên, tóe lửa khi puli qua các điểm nối. Phố có đường tàu điện, cũng là một sự hạn chế chiều cao của xe ô tô chở hàng. Phố có đường tàu điện, cũng có nghĩa đó là mối nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ con, cả người lớn, nhất là người đi xe đạp. Người đi xe đạp sa bánh xuống đường tàu, bị ngã dúi dụi, tàu điện đến mà không nhảy ra được thì tai nạn như chơi. Tàu điện phanh kém lắm. Trông hắn chạy không nhanh, mà trên thực tế gây nhiều tai nạn ra trò.

Tàu điện chạy ở bến Bờ Hồ, chỗ Hàm Cá Mập bây giờ
Hồi tôi học lớp 4, một hôm có cô giáo trong trường, đưa đến lớp chúng tôi một em nhỏ là con của cô, lúc này đang dần phục hồi sau một tai nạn hãi hùng. Cô chở em về trên phố Bạch Mai bằng xe đạp, bị sa bánh xuống đường tàu và ngã. Chú bé bị tàu cán cả hai chân. Lúc em đến thăm lớp tôi, thì đã ngồi được xe lăn và vẫn còn phải băng. Nhìn chú em khá xinh trai, ai cũng thương. Về sau này, gần đây tra cứu thông tin trên mạng, biết được chú em đó tên là Hồng Lĩnh, hiện đang sống bên Nga, lấy vợ người Nga thì phải. Về sau tôi còn gặp cô giáo đó nhiều lần, một cô giáo hiền từ, nhỏ người, trắng trẻo có khuôn mặt tròn, hay để tóc đuôi sam với cái áo khoác nhung nâu.

Tôi thường được bà ngoại cho đi theo thăm họ hàng ở Bưởi. Mỗi lần tàu chờ tàu tránh ở chỗ đình Đông Xã (phố Thụy Khuê) bây giờ, ngồi trên toa tàu nhìn ra ngoài là làng Hồ như một câu chuyện cổ tích, hoang sơ, đầy cây cối, đúng chất làng mạc. Tàu nhiều khi chờ cả ngày, vì cái chuyến ngược lại từ chợ Bưởi chạy xuống có khi nó bị trục trặc. Đi một chuyến lên Bưởi, từ sáng đến trưa vì tàu phải chờ đến mấy chỗ (Hàng Bài, Chợ Đồng Xuân).

Có một anh công an thứ hai được đề cập trong câu chuyện. Một lần, tôi đi cùng bà ngoại, chờ tàu tránh ở Chợ Đồng Xuân. Chẳng hiểu sao ở ngoài cửa chợ có cái phuy xăng, người ta làm thế nào nó bốc cháy. Anh công an đang làm nhiệm vụ giữ trật tự ỏ cổng chợ đã nhảy lên dùng chân để dập, đúng lúc nó phát nổ. Người anh như bó đuốc, cởi sạch quần áo quân phục để dập, cố chạy khỏi đống lửa bốc cao. Người ta đưa anh đi Việt Đức cấp cứu. Mấy hôm sau có tin đồn anh ấy chết chiều hôm đó, bỏng nặng quá.

Xe điện bánh lốp "hiện đại hóa"
Một dạo, biến mất cái tàu điện, dù đường tàu vẫn còn. Sau đó một thời gian người ta bóc hết đường tàu điện đi. Đường phố bỗng “chạy vo vo”, thênh thang và… chán. Xuất hiện cái món tàu điện bánh hơi hay bánh lốp, trông khá văn minh, nhưng đáng sợ hơn rất nhiều. Nó chạy êm thin thít, không phát ra tiếng động nên chẳng ai biết nó đến, đâm ra nó cứ phải bấm còi be be luôn mồm. Đã lừ lừ, lại còn “êm lừ”, nó gây khá nhiều tai nạn. Đã thế, nó linh động, lái qua lái lại được như ô tô, nên nhiều khi phải tránh xe đạp, bác lái xe đánh lái làm nó văng tê ra lề đường. Nếu là ô tô, chỉ cần cài số lùi và tiếp tục đi, nhưng anh bạn này thì buộc phải có xe cần cẩu, hoặc ô tô kéo về giữa đường mới có điện chạy tiếp. Té ra, công nghệ của hắn vẫn là công nghệ cũ của thực dân Pháp, chỉ có cái vỏ là của Karosa Tiệp Khắc mà thôi. Có lần tôi bắt gặp một bác xe điện bánh lốp chúi đầu vào vỉa hè chỗ Trại Găng trước cửa xí nghiệp vôi, à quên, xí nghiệp hóa chất Ba Nhất, tắc cả đường. Bây giờ chỗ ngõ Văn Chỉ đó đã thành ngã tư.


Xuất hiện trên báo Hà Nội Mới tranh châm biếm, tranh vẽ từ phía sau cái xe điện bánh lốp, có hai thằng người máy, đầu hình hộp chữ nhật, mũi là hai cái bóng đèn đỏ Rạng Đông, có ăng ten trên đỉnh đầu, mỗi thằng cầm một cái dây thừng giật cái cần pu-li tiếp điện trên nóc tàu điện, tiêu đề tranh là “Hiện đại hóa”. Nhanh chóng, tàu điện bánh hơi chết yểu.

Bây giờ, ngoài cái hồn “Công ty xe điện Hà Nội” đang kinh doanh xe buýt và taxi, thì tàu điện vẫn còn sống trong một chỗ ít ai ngờ. Đó là trong luật giao thông đường bộ: trường hợp được vượt bên phải xe khác: vượt xe điện, xe công trình… đang lưu thông giữa đường.

Hà Nội có tàu điện,
Đi về cứ leng keng…
(Trần Đăng Khoa)
____________
(*) Bây giờ là Phường

Bài trên Fanpage Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment