PhươngNN
Georgy Vasilyevich Chicherin
Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô
1923 - 1930
|
2. Những hiệp ước song phương và đa phương tại châu Âu thời kỳ giữa hai cuộc Đại chiến. Mối quan hệ Xô - Đức.
Thực ra, không thể quy kết cho Xta-lin là đặt quan hệ với Đức quốc xã được, mà ngay từ những năm 1920, khi nước Đức lúc đó chưa có Hit-le cầm quyền, đã đặt quan hệ với Nga Xô-viết và sau này là Liên Xô (trong đoạn này vì có nhiều sự kiện xảy ra trước và sau khi thành lập Liên bang Xô-viết nên tôi tạm viết là Liên Xô, không phân biệt nước Nga Xô-viết hay Liên Xô). Năm 1922 được đánh dấu bằng Hội nghị Gènes, được các nước đồng minh sau đại chiến thế giới 1 tổ chức, đã có nhiều lần nhóm họp không thành công do không mời đại diện Liên Xô (chủ yếu việc không mời này do không muốn thỏa thuận giải quyết nợ nần và chiến phí với người Nga; do những bất đồng Pháp – Anh, do sự xích lại gần nhau Xô - Đức…). Tuy nhiên khi được mời, Liên Xô tham gia với mục đích thuần túy thương mại, đại diện Nga là Georgy VasilyevichChicherin (*). Hội nghị không đi đến được kết quả đáng kể vì kể cả phía phương Tây và Liên Xô đều không nhượng bộ về những khoản nợ nần (Liên Xô đòi phương Tây bồi thường những thiệt hại do quá trình can thiệp vào cuộc nội chiến, đồng thời phương Tây cũng đòi Liên Xô bồi thường nợ nần sau chiến tranh và nhất là những tài sản đã bị Liên Xô quốc hữu hóa sau Cách mạng).
Tuy nhiên, như một hệ quả của Hội nghị, là đã dẫn đến một kết quả bất ngờ: ngày 16 tháng Tư Chicherin và đại diện Đức Rathenau đã gặp nhau ở Rapallo, gần Gènes và ký kết được với nhau một hiệp ước quan trọng mà sau này người ta gọi là Hiệp ước Rapallo. Theo Hiệp ước này, Đức sẽ không đòi lại những xí nghiệp của tư bản Đức đã bị quốc hữu hóa, với điều kiện là Liên Xô cũng không thỏa mãn những yêu cầu đòi bồi thường của các quốc gia khác (với Liên Xô cái này thì dễ quá). Quan hệ ngoại giao và lãnh sự giữa hai nước được phục hồi, hai bên áp dụng cho nhau chế độ tối huệ quốc trong lãnh sự và thương mại. Bộ trưởng, tức Ủy viên nhân dân ngoại giao Xô-viết thời bấy giờ, ông Pôtemkin đã phát biểu: “Rapallo đã làm thất bại âm mưu của đồng minh về lập mặt trận tư bản thống nhất. Kế hoạch phục hồi châu Âu trên cơ sở gây thiệt hại cho những nước thua trận và cho nước Nga, sẽ sụp đổ”.
Rapallo là sự xóa bỏ vĩnh viễn Hòa ước Brext – Litôpxcơ, chấm dứt việc cô lập Liên Xô về kinh tế và chính trị. Nước Đức, thật bất ngờ, đã là nước phương Tây đầu tiên công nhận Liên Xô. Hiệp ước này chưa phải là hết. Nó được ký kết độc lập với quân đội Đức, nhưng tổng tư lệnh lục quân Đức thời gian đó là tướng Von Seeckt đã ngấm ngầm có những quan hệ bán chính thức với Hồng quân. Những cuộc tiếp xúc đầu tiên bắt đầu từ mùa thu năm 1919, nhưng quan hệ tích cực hơn diễn ra vào các năm 1921, 1922. Người Nga tìm cách sử dụng công nghệ Đức để sản xuất vũ khí, còn người Đức thì “lách luật”, né khỏi Hiệp ước Véc-xay để thử nghiệm những vũ khí mới cần thiết cho tái vũ trang trên đất Nga. Một vài nhà máy vũ khí của Đức được xây dựng trên đất Nga. Từ năm 1924 đến năm 1932, có các trại huẩn luyện xe tăng (ở Kama), máy bay (ở Lipetxcơ), hơi độc (Xaratốp) của Đức được xây dựng trên đất Liên Xô. Quân đội Đức có ở Liên Xô một “trung tâm chỉ huy Mát-xcơ-va” (Zentrale Moskau). Nhưng tất cả những hoạt động này, và cả cái trung tâm này bị triệt tiêu khi bắt đầu thời kỳ Hit-le cầm quyền.
Thời kỳ này còn là thời kỳ hợp tan của hàng loạt những liên minh to nhỏ, đều nhằm mục tiêu hướng tới một nền an ninh tập thể. Từ 1923 đến 1925 là thời kỳ mà sớm hay muộn, các nước phương Tây và cả Nhật Bản, công nhận Liên Xô là một thực thể của pháp luật quốc tế.
Ngày 19 tháng Mười một năm 1925, Đức gia nhập Hội quốc liên, một bước cuối cùng của quá trình biến Đức từ kẻ tội đồ của thế chiến I thành một quốc gia đáng gờm, không bị hạn chế. Thời gian này còn được đánh dấu bằng sự xích lại gần nhau của Đức và Pháp.
3. Hiệp ước Đức – Balan năm 1934.
Józef Beck (4 tháng Mười năm 1894 – 5 tháng Sáu năm 1944) |
Sự kiện quan trọng nhất trong câu chuyện của chúng ta có lẽ là việc Hít-le và Đảng quốc xã của y lên cầm quyền. Ngày 30 tháng Giêng năm 1933, Hít-le trở thành Thủ tướng nước Đức. Thời điểm đó Chính phủ của y chỉ có thêm hai đảng viên Đảng quốc xã là Goering và Frick Von Papen là phó Thủ tướng, ngoài ra còn có thêm Von Neurath giữ chức ngoại trưởng. Nhưng nhanh chóng Hít-le đã biến Chính phủ của mình thành Chính phủ độc tài, như chúng ta đã biết.
Thời gian này cũng là thời kỳ của các Hiệp ước an ninh tập thể, hâu như là thất bại, nhằm giảm đi cái vai trò vốn đã không mấy quan trọng của Hội quốc liên. Một trong những ví dụ điển hình là việc Mút-xô-li-ni hô hào ký “Hiệp ước tay tư” giữa Italia, Anh, Pháp và Đức, chủ yếu là nhằm điều chỉnh lại bản đồ châu Âu đang bất lợi cho Italia và Đức. Nhưng vì sự quân phiệt hóa ngày càng rõ nét của hai nước Italia và Đức, đồng thời các Chính phủ Tổng thống Dalalier (Pháp), Thủ tướng Mc Donald (Anh), thì có những lợi ích riêng lẻ khác không hòa đồng được. Giữa Pháp và Balan còn tồn tại Hiệp ước liên minh.
Ngày 19 tháng Mười năm 1934, Đức rút ra khỏi Hội quốc liên, đánh dấu bước đầu sự tan rã của tổ chức này.
Đôi điều về đại tá Beck. Ông sinh ngày 4 tháng Mười năm 1894 tại Vác-sa-va và chết ngày 5 tháng Sáu năm 1944 tại Stăneşti, Rumani. Là quân nhân, sau này là nhà ngoại giao kiêm chính khách, ông đã bỏ nhiều công sức trong việc đưa Balan có một mối quan hệ đối ngoại mềm dẻo giữa hai thế lực là Đức và Liên Xô. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại tá Beck là ủy viên Tổ chức quân sự Balan được Pilsudski thành lập năm 1914. Trong năm 1924, ông đã hoạt động để Chính phủ của Pilsudski được thành lập có quyền lực trên thực tế. Trong các năm từ 1926 – 1930 Beck làm việc tại Bộ ngoại giao Balan và từ năm 1930 đến 1932, là phó Thủ tướng Balan, kiêm bộ trưởng Ngoại giao từ tháng Mười một năm 1932 và giữ cương vị quan trọng đó trong Chính phủ Balan đến tận khi Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Ở Bộ ngoại giao, ông ta thay chân cho cựu bộ trưởng Zaleski, một người thích các biện pháp phi dân chủ. Tuy nhiên, Beck lại luôn ngờ vực những chính sách của người Pháp, nhất là thái độ không kiên quyết của họ thời Laval.
Một trong những thắng lợi của Đức là việc ký kết một tuyên bố không xâm lược với Balan ngày 26 tháng Giêng năm 1934, có giá trị trong mười năm. Beck, vốn bất bình với “Hiệp ước tay tư” (gạt Balan ra ngoài không có quyền lợi gì), tìm cách cân bằng giữa Đức và Liên Xô, bằng những việc tiếp xúc liên tục với lãnh đạo các nước khác nhau, nhất là các cường quốc. Tháng Tư, và cả vào tháng Chạp năm 1933, ông ta đã bí mật đề nghị với Pháp một chiến dịch ngăn ngừa đánh vào chủ nghĩa Hít-le. Khi bị Pháp từ chối, ông ta quay sang Đức và đề nghị ký với Đức một Hiệp định. Trong năm 1933, có nhiều cuộc đụng độ quân sự nhỏ trong quan hệ Đức – Balan, nhất là khi Balan tăng cường quân đội đồn trú ở bán đảo Westerplatte, trên lãnh thổ Dantzig ngày 6 tháng Ba năm 1933. Ngày 4 tháng Năm năm 1933, Hít-le tuyên bố với báo chí là đã có cuộc họp với công sứ Balan ở Béclin, ông Wysoki, bạn thân của Đại sứ Pháp tại Đức, Francois – Poncet, vì thế bị coi là thân Pháp. Sau đó, Lipski thay Wysoki tại Béclin.
Ngày 16 tháng Mười một năm 1933, Hít-le gặp Lipski, đã có một thông báo rằng hai bên sẽ không sử dụng vũ lực trong mối quan hệ với nhau. Ngày 27 tháng đó, một dự án Hiệp ước hòa bình được bộ trưởng Đức Von Molke trình cho nguyên soái Pilsudski. Ngày 4 tháng Giêng năm 1934, Lipsky trình một bản dự án của Balan trả lời cho dự án của Đức, mà chính những dự thảo dự án này đã được đại tá Beck trong khi đi Genève đã rẽ qua Béclin ngày 13 tháng Giêng và có được những thỏa thuận bí mật với Chính phủ quốc xã. Tại sao những thỏa thuận này cần bí mật? Đó là vì trong nội bộ nước Đức có những thế lực Phổ căm ghét Balan, đồng thời thế lực Balan thân Pháp còn mạnh. Thậm chí ngày 25 tháng Giêng (trước hôm ký Hiệp định một ngày), Lipsky còn tuyên bố với đồng nghiệp Tiệp Khắc tại Đức, ông Mastny rằng không đời nào có chuyện “ác” như vậy. Hòa ước được ký kết, tuyên bố “hai Chính phủ muốn mở đầu một giai đoạn mới trong mối quan hệ chính trị hoàn toàn hòa bình… hai Chính phủ sẽ tham khảo ý kiến của nhau và sẽ bao giờ sử dụng vũ lực trong giải quyết những bất đồng”. Bản tuyên bố có giá trị trong 10 năm, và sẽ không làm thay đổi hiệu lực của các Hiệp ước đã ký trước đây.
Trong nội dung của Hiệp định không hề chống lại nước Pháp, nhưng rõ ràng với hoàn cảnh của Balan, thì đó là một việc không khôn khéo. Về danh chính ngôn thuận, thì đó là việc làm không “fair play” với đồng minh Pháp, dù là Pháp còn chưa quyết đoán được chính sách với Đức. Đại sứ Pháp tại Đức Francois – Poncet nói: “Thái độ của Balan đối với chúng tôi và nhất là thái độ của Đại tá Beck, bộ trưởng ngoại giao Balan, không phải là thái độ của một người bạn, mà là của kẻ thù đích thực”.
Như vậy bằng Hiệp ước này, Balan đã đặt một chân vào thảm họa diệt vong.
(*) Tên tiếng Nga: Георгий Васильевич Чичерин
Theo các tài liệu:
- Lịch sử quan hệ ngoại giao – Jean Baptiste Duroselle (Histoire diplomatique de 1919 à nos jours, Paris, Dalloz, 1974, 871)
- Các tài liệu trên Internet, wikipedia…
No comments:
Post a Comment