Monday, January 9, 2012

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa

Tôi yêu hương vị Tết ngày xưa… câu hát rất thú vị. Ngày 27 Tết học sinh bắt đầu nghỉ.

Trước Tết đến nửa tháng, xe ô tô của bộ đội lũ lượt từ rừng về, chở hàng núi lá dong bó sẵn thành bó dài dài. Người ta dựng trong chợ Nguyễn Công Trứ một dãy ki-ốt bằng cót ép để bán lá dong, quy hoạch các ki-ốt bán hàng theo từng phường. Cả quận đổ về đây mua lá dong.

Trận đầu tiên, là đi xếp hàng mua lá dong gói bánh chưng, và xếp hàng mua túi hàng Tết, khoảng 25, 26 gì đó. Túi hàng Tết không có gì nhiều, một miếng bóng bì chiếm chỗ nhiều nhất, một hộp mứt, gói chè, bao thuốc lá, một bánh pháo. Tham gia rửa lá dong để gói bánh. Nhà không có cháu gái, nên lũ cháu trai phải ngồi làm hết, rửa nước vòi công cộng, không hề lạnh trong giá rét. Lại vui, ngồi đùa xả láng.

Trận thứ hai, là đạp xe vào Bình Đà mua pháo. Pháo đốt chiều 30, pháo giao thừa, pháo sáng mùng một… tiêu chuẩn là như thế. Học sinh đạp xe từ Hà Nội vào chật đường. Đánh nhau ngày nổ ra vài trận. Tai nạn cũng không hiếm.

Trận thứ ba, là ngày 28 Tết, tham gia gói bánh. Tôi giã đậu khéo ra phết, nên thường được phân công việc đó. Đậu đồ trong cái chõ, rồi xả ra giã, nắm thành nắm to bằng quả bưởi con, xếp vào rổ. Mỗi nắm như thế, là nhân bánh cho hai cái bánh chưng. Ngồi tham gia gói được vài cái đã chán, ra cùng ông ngoại bắc bếp để chuẩn bị nổi lửa. Hôm đó xác định là ngồi trông nồi bánh đến đêm luôn. Bắt đầu sôi, mẹ tôi để lên trên nóc cái thùng bánh chưng cái chậu nhôm Liên Xô. Khi nó bốc hơi nghi ngút, bà già bắt tôi đi tắm tất niên. Hồi đó, tuần mới tắm một lần nên cái sự tắm tất niên ngày 28 Tết nó hệ trọng lắm. Ghét bẩn của cả năm được xả hết trong một ngày. Tắm xong, ra ngồi bếp củi tiếp. Nhìn những cái bong bóng do nhựa cây sùi sùi ở sau cây củi cũng đã là một điều thú vị.

Ngày 29 Tết, bà ngoại nấu một nồi chè kho để thắp hương. Ông cậu mang bánh vừa vớt xếp lên trên cái ghế băng, rồi gác một thanh gỗ lên và xếp lên trên cùng một cái đe sắt thật nặng. Tôi ngồi giã đỗ để nấu chè. Sau nhiệm vụ giã đỗ, là việc cắt mấy quả quất ra và trộn với cát, đánh mấy cái mâm đồng, đỉnh đồng thật sáng loáng. Cùng với việc đó, quét dọn nhà cửa lau cửa kính chiếm hết cả một ngày. Ông cậu ngồi gói hai cây giò thủ, món này chấm nước mắm ngon rắc tí hạt tiêu thì tuyệt. Ông ngoại thì say sưa với xoong mứt quất, mứt gừng. Ông làm mứt rất ngon, sau nhiều mẻ thử nghiệm hỏng – theo công thức trong cuốn Nữ công thắng lãm của cụ Hải Thượng Lãn Ông.

Trời rét quá, ông ngoại phải đem cành đào ra đốt gốc cho nó nở. Bó hoa Tết thường có viôlét tím tím. Ông ngoại thích năm nào cũng có một cây quất, loay hoay trồng vào trong cái chậu men sứ đã có gần trăm năm tuổi. Nồi chè kho bà ngoại nấu thường được cho thêm ít vani thơm lừng. Nấu xong, ông cậu múc ra từng đĩa, tung tung cái đĩa trên lòng bàn tay, chè đậu đang nóng, lỏng lỏng nhanh chóng se mặt quánh lại và vun tròn trong lòng đĩa, rất đẹp. Mấy hạt vừng được rắc lên hoàn tất đĩa chè kho. Hầu hết bà ngoại thường nấu thêm nồi chè bà cốt, nhưng nấu đặc và cũng đổ lên đĩa, cho nó cứng lại, chứ không như chè bà cốt nấu loãng để ăn với xôi. Hương vị của gừng thơm trong đường ngọt lừ trong chè bà cốt, bây giờ tôi vẫn không quên.

Ngày 30 Tết thường bắt đầu bằng tiếng quang quác của mấy con gà bị đem ra xử lý, để ăn cỗ chiều 30 và cúng Giao thừa. Bà ngoại tiếp tục bận rộn với nồi canh măng khô, cái món này được dùng đến tận ngoài mùng 10. Nồi thịt chân giò nấu đông cũng thường không thể thiếu trong mấy ngày Tết.

Mẹ tôi thường hay trổ tài bằng những món dưa góp, ngâm dấm mấy thứ củ quả tỉa rất khéo, rồi muối hành… là những món rất được việc khi mà bánh chưng thịt thà đã chán. Rồi những món mứt kẹo mẹ làm đều rất ngon, hầu hết những thứ mời khách trên bàn trà đều do mẹ làm. Bây giờ người ta không làm nữa, đi mua cho nhanh.


Chiều 30, bà ngoại thay cái áo dài, suýt xoa đứng khấn vái trước bàn thờ. Lũ trẻ con chạy huỳnh huỵch ra ngóng nghe tiếng pháo nhà ai thỉnh thoảng nổ sớm một tràng. Tạch đùng tiếng pháo lẻ bọn trẻ con ở phố đốt suốt cả ngày. Cả nhà ăn cơm, bữa cơm có một tí chút trầm ngâm nghĩ ngợi về năm cũ. Sau bữa cơm, thường chui vào chăn xem TV chương trình tối 30 và chờ đến Giao thừa để đốt pháo.

Giao thừa, cả thành phố biến thành một trận địa pháo khổng lồ, khói mù, gầm thét. Không ai nói ai nghe gì được nữa. Xe cộ không đi lại được. Càng ngày, cái khu phố buôn bán chỗ nhà tôi càng giàu lên, tràng pháo càng dài hơn và nổ to hơn.

Mấy năm sau này, càng gần cái năm cấm tiệt đốt pháo, mùi khói thuốc pháo càng khét hơn trước (hồi đầu nó thơm kia), nổ dữ dội hơn trước. Bây giờ cấm pháo đã được xấp xỉ hai chục năm, nhiều nhà vẫn nhớ nhung cái vụ đó. Nhà có quan hệ bên kia biên giới thì đi Bằng Tường chơi để đốt pháo. Nhà thì mua pháo lậu đốt. Cái sự thèm thuồng thật chẳng ra sao.

Sáng mùng Một, lũ trẻ con cùng phố ngày hôm qua còn nghịch như quỷ, bỗng trở nên lạ lẫm, đứa nào cũng xúng xính quần áo mới, lộp bộp giày mới… đạo mạo hẳn lên. Chúng nó đi theo bố mẹ sang các nhà chúc Tết, mặt mũi nghiêm trọng. Đến trưa, những bộ mặt nghiêm trọng ấy biến mất dần, nhường chỗ cho vụ đốt pháo và tiêu tiền mừng tuổi. Ngoài đường đã dày một lớp xác pháo. Ngày xưa, người ta thường tả xác pháo bay bay hồng hồng trên hè phố, như những cánh hoa đào. Càng về sau, xác pháo càng thảm dày, nó chảy xuống cống gây tắc, cũng là một thảm họa về môi trường. Nhắc đến môi trường, lại nhớ hình ảnh những người công nhân vệ sinh vẫn đi quét dọn đường phố đến tận Giao thừa, rồi mùng Hai lại thấy họ xuất hiện trở lại – chỉ mùng Ba là đã có cành đào khô như củi vứt đi phải dọn rồi. Chịu khó thế! Năm ngoái, khoảng mùng Ba gì đó, ra đổ rác nhân tiện mừng tuổi cô bé vẫn đẩy xe rác đến gõ keng keng ở ngõ một phong bao màu đỏ. Nhìn ánh mắt cám ơn của cô bé ở trên cái khẩu chao, thấy ấm lòng nhiều lắm.  

Đầu phố, thanh niên tụ tập đánh xóc đĩa, chẳng thấy anh công an nào vào đuổi. Ngày mùng Một cũng là ngày phải đi cùng gia đình đi chúc Tết họ hàng.

Ngày mùng Hai thường lệ cả lớp hẹn nhau ở cổng trường rồi kéo đi hết nhà đứa này đến đứa khác, chán rồi có khi kéo nhau lên những chỗ đông người như Bờ Hồ hay Công viên Thống Nhất. Hết ngày mùng Hai.

Mùng Ba, kéo nhau đi theo lũ bạn khác.

Mùng Bốn, sực nhớ ra bài vở, giở ra, tay cầm bút viết cứ run run, chữ nguệch ngoạc.

Hết Tết. 

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment