Ông Ôn Gia Bảo chơi bóng rổ với học sinh (Ảnh minh họa) |
Cái sân bóng rổ nó được thiết kế đào sâu hoắm xuống đồi, nên
ở trên nhìn xuống nó như cái bể bơi rất sâu. Người ta quy hoạch trong đó 4 sân
có thể thi đấu được, xung quanh là các bậc ngồi xem đổ bê-tông đàng hoàng, xung
quanh là các cầu thang đi xuống. Nhìn chung là nếu xuống được, muốn lên mà có
người chặn cầu thang là khỏi lên luôn. Nôm na thế.
Sinh viên Trung Quốc thường chơi bóng rổ ở đây, Nhà trường
quy định sân nào chơi môn ấy, và họ thực hiện nghiêm túc. Nhưng dân Việt Nam ta, thì
không thế. Thích đá bóng lắm, nhưng ra sân đá bóng thì xa, nên đá luôn ở sân
bóng rổ, cho nó gần ký túc xá. Va chạm giữa sinh viên Việt Nam và sinh
viên Trung Quốc xảy ra nhiều lần như vậy. Hầu hết phần thắng thuộc về sinh viên
Việt Nam ,
vì Nhà trường xử lý rất nghiêm sinh viên Trung Quốc nếu có chuyện với sinh viên
nước ngoài. Còn sinh viên nước ngoài, một phần vì là “nguồn ngoại tệ” của nhà
trường nên nương nhẹ hơn nhiều.
Đỉnh điểm có một lần, sinh viên Trung Quốc họ phản đối một
nhóm sinh viên Việt Nam
đá bóng trong sân bóng rổ. Va chạm xảy ra, như nó vẫn hằng xảy ra. Nhóm sinh
viên Việt Nam
đánh nhau với sinh viên Trung Quốc, trong khi họ chỉ dùng chân tay thì ta xài
“đồ nguội” (gạch đá), và hậu quả là một, hai bạn Trung Quốc bị đánh trọng
thương, chấn thương sọ não đi viện luôn. Nhóm sinh viên Trung Quốc giải tán đưa
bạn đi viện, chịu thua.
Hôm sau và vài hôm sau nữa, không thấy có sinh viên Trung
Quốc đến chơi bóng rổ, và sinh viên Việt Nam thì ngang nhiên đá bóng trong sân
bóng rổ, càng đông hơn. Đùng một cái, có ngày họ đang chơi thì ngửng lên, thấy
không thể về ký túc xá được nữa. Hàng ngàn sinh viên Trung Quốc đứng vòng quanh
sân, tầng tầng lớp lớp, móc cánh tay vào nhau thành những bức tường vững chắc. Họ
không nói năng gì, chỉ nhìn sinh viên ta chơi. Sinh viên Việt Nam thấy vậy,
không dám chơi nữa, đứng nhìn lên. Thỉnh thoảng có ai cần đi vệ sinh, bức tường
kia động đậy một chút, rồi lại khép chặt. Cứ thế đến đêm, đến sáng hôm sau. Họ
tiến hành có tổ chức, có hậu cần cung cấp nước uống thức ăn đàng hoàng, ai mệt
về phòng ký túc nằm nghỉ, rồi lại ra đứng. Cả ngày hôm sau, Nhà trường phải
điều đình với họ - và yêu cầu duy nhất của họ là Nhà trường cần lập lại trật tự
trước những trò ngông nghênh của sinh viên nước ngoài.
Họ đã chiến thắng.
Gần đây, Nhà nước Trung Quốc gây ra những chuyện nọ, chuyện
kia trên biển Đông, rồi biển Nhật Bản. Những hành xử của Nhà nước Nhật Bản khác
Nhà nước Việt Nam khác nhau đã đành. Nhưng những hành xử của con người Nhật Bản
với con người Trung Quốc và cả con người Việt Nam cũng khác nhau.
Người Trung Quốc họ phát động một làn sóng bài Nhật, mạnh mẽ
và có cả bạo lực vì có Nhà nước Trung Quốc đứng đằng sau.
Tạm thời không bàn tới những phong trào biểu tình chống
Trung Quốc ở Việt Nam và thái độ của Nhà nước Việt Nam với chuyện đó, tôi xin
bàn tới thái độ “bài Hán” của người Việt Nam chúng ta thôi.
Những gì Nhà nước Trung Quốc đang làm ở Trường Sa là đáng
lên án và căm giận – người Việt Nam có lương tri đều thấy vậy, và tôi muốn làm
người có lương tri, tôi cũng thấy vậy. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó.
Chúng ta đã bao giờ nghĩ đến việc chúng ta “bài Hán” như thế nào chưa? Chúng ta
đã làm gì để có đủ tư cách và hiểu biết để “bài Hán”?
Tôi cũng ghét họ vì những điều Nhà nước họ đang làm ngoài
biển Đông của chúng ta, nhưng tôi còn thấy ở từng con người của họ có những cái
chúng ta cần học tập.
Có những người tôi gặp, “sờ vào cái đít của con voi Trung
Quốc” còn chưa, chưa biết Trung Quốc như thế nào mà cũng lên giọng “ghét Tầu”
“tẩy chay hàng Trung Quốc”. Ngay bản thân những người đó, tu dưỡng bản thân
mình tôi cũng thấy họ chưa làm được, học hành làng nhàng, tri thức tầm tầm,
hàng ngày xách cặp đi, cắp đít về, cống hiến cho xã hội và gia đình chẳng bao
lăm… nhưng cũng lên tiếng chống nọ bài kia. Chưa dạy được mình, sao dạy được
người, càng không thể chống được người khác. Chỉ dạy được mình, thì mới có sức
mạnh, và chỉ có sức mạnh, mới chống được người khác.
Câu chuyện sân bóng rổ đã chứng minh sự hèn hạ và thấp kém
của sinh viên Việt Nam
ở Quảng Tây so với các sinh viên Trung Quốc.
Chúng ta đã làm gì để thoát khỏi sự hèn kém đó? Chưa làm
được gì cả. Chỉ thấy đi khắp thế giới đâu cũng thế, người Việt Nam mấy ai được
như Ngô Bảo Châu… mà chủ yếu toàn bị căm ghét.
Hãy nhìn lại chính mình, trước khi chống người khác là vậy.
No comments:
Post a Comment