Saturday, February 16, 2013

Ảnh mình, vợ người

Ảnh: Lan đái châu
(chôm được trên mạng để minh họa)
1. Người ta hay nói: “Văn mình, vợ người”. Văn mình thì hay, vợ người thì ngon. Với mình thì còn tùy. Văn mình lúc thấy được được, lúc viết xong chẳng thèm đọc lại, lủng cà lủng củng như cơm nguội, như đá cuội. Vợ mình cũng vậy, cá nhân mình thấy bà ấy tuyệt vời về mọi phương diện, vợ người thì người “ngon”, người không… nhưng đã không khởi cái “tâm tà” thì chẳng thành vấn đề.  

Lúc nào hứng lên thì còn viết được vài chữ, lúc không có hứng thì đừng có hòng. Ai đó đọc bài viết lăng nhăng của mình, có khi khen lịch sự được một câu, hai câu… nhưng mình cũng thú thực, là càng ngày mình viết giọng văn càng… củ chuối.

Ai cũng vậy thôi, ngay như anh Trần Đăng Khoa, hồi “Góc sân và khoảng trời” thơ anh ấy hay là thế, nhưng sau này, có phải lúc nào anh ấy viết mình cũng thấy hay đâu, hoặc người khác thấy hay, mình chẳng thấy hay – “âu cũng là cái liễn” – chuyện quá bình thường.

Ngày xưa đi học dịch tiếng Anh có học một thày được một buổi, nhưng vì lớp thày đông quá, đến cả trăm người (thày phải dùng micro, amplifier phóng thanh lên) nên mình thôi, tìm lớp khác để học. Đông thế, lại có nhiều gái để ngắm, mình học không vào.

Gần đây lên Facebook, lại gặp thày. Thơ của thày, bài nào thấy hay, mình lẳng lặng share, chẳng xin phép xin tắc gì hết. (Nhiều bạn thường tự ái vì chuyện này, nhưng với mình thì tất cả những bài mình viết, đã “share public” thì cứ việc share lại thoải mái, khỏi cần xin phép). Bài nào của thày mình không thích, thì mình cũng chẳng bình luận làm gì. Phần lớn là thích, nhưng không phải vì thích thơ thày, nói thật là thể loại châm ngôn đọc như là “đồng dao” ấy, mình không khoái, nhưng thích là thích cái tư tưởng của thày trong đó.

Tự dưng thấy có chuyện thày block ai đó cũng là một anh bạn trẻ mình rất quý. Cũng có nhời qua tiếng lại, hơi tiêng tiếc. Giá mà anh bạn ấy cũng như mình, thích thì “thích”, “chia sẻ”, không thích thì thôi, bình luận làm cái gì cho mệt, rồi mất lòng. Giá mà thày chẳng cần block anh bạn ấy làm gì, kệ người ta, đời cũng phải có người này người kia. Chơi trên “mạng”, không chấp nhận điều đó, không được.


2. Nói hết chuyện văn, nói sang chuyện ảnh. Lần trước tán chuyện trên Facebook mình được add vào và tham gia, cả tự lập ra đến 29 cái Group ảnh và liên quan đến ảnh. Cũng đã buôn chuyện “Mua vui cũng được một vài trống canh”, về vụ chê bai ảnh của nhau, rồi đâm chém nhau về hiểu lầm hiểu đúng “đạo ảnh”, “chôm ảnh” gì đó.

Ngày xưa cũng mê chụp ảnh, nhưng chụp máy phim, chụp xong phải rửa ra, chẳng mấy khi xử lý được hậu kỳ, rồi chỉnh sửa như bây giờ. Chia sẻ cũng hạn chế thôi. Thui thủi chụp một mình hoặc vài người, trình độ mãi mãi cùn cùn, chẳng thể tiến lên được.

Thật lòng là bây giờ có internet, đến các diễn đàn trực tuyến rồi đến Facebook, mình được xem ảnh của các bạn trẻ và thấy cảm phục. Họ có công nghệ - ảnh số, rồi có sự chia sẻ trên mạng, có sự đóng góp, học hỏi nhanh chóng – loại trừ những tiêu cực “đâm chém” thì đó là sự “lên tay”, tiến bộ rất nhanh của các bạn ấy.

Các bạn trẻ có cái mà mình không có, đó là những tư duy rất mới, rất hiện đại. Trong khi đó, mình cứ cùn cùn, cũ cũ… chơi ảnh chỉ là ghi lại những gì nhìn thấy, ít có sự thể hiện “cái tôi” (ego).

Vì thế mình thích đi xem “ảnh người”.


3. Nói xong chuyện ảnh, nói tiếp chuyện bài học rút ra từ một người mình thấy rất đáng kính mà chỉ được biết trên Facebook. Bác ấy là thày giáo đại học, có tuổi, đạo mạo và ảnh rất đẹp, ít nhất là mình thấy vậy.

Hôm qua bác ấy post lên một tấm ảnh chụp hoa lan với tiêu đề “Lan tai trâu”. Nhớ mười mấy năm về trước đọc “Mở rừng” của Lê Lựu, nhân vật Vũ cố tìm trong rừng Trường Sơn về cho bố, một người mê lan – một giò lan “đái châu”. Về đến nhà, bố Vũ và người em út đã biến mất cùng căn nhà và thay vào đó là một cái hố bom. Anh đau đớn, và nhân tiện qua thăm con trai của thủ trưởng ở Hà Nội, anh lẳng lặng trong đêm, treo tặng giò lan cho vườn lan chỗ Quán Gió trong Công viên Thống nhất.

Bố của Vũ mê lan và giải thích “lan “đái châu” hay thường gọi là “đai châu” như vòng ngọc” – nhưng Vũ và bộ đội Trường Sơn thì hay gọi là “tai trâu” – chắc chắn không phải là do lá của nó giống cái tai của con trâu đâu.

Đó là Lê Lựu kể thế.

Chữ “ĐÁI” trong tiếng Hán, có nhiều nghĩa như đeo vào, gắn kèm, đới khí hậu cũng là nó – nhưng cũng có nghĩa là cái đai, cái vòng (Từ điển Hán Việt của Trương Văn Giới và Lê Khắc Kiều Lục – NXB KHXH 2004, trang 145). Vì thế nên lan “đái châu” có nghĩa là giống lan trông như vòng ngọc – tên thật đẹp và nên thơ, nhưng không phải ai cũng hiểu, người không để ý Hán – Việt càng khó hiểu.

Đó là từ điển bảo vậy.

Quay lại chuyện hôm qua. Khi đọc được “tai trâu”, mình có viết một câu góp ý sau khi nhấn “like” – “Đai châu bác ạ, nghĩa là vòng ngọc”. Tác giả không trả lời, và đến hôm nay xem lại ảnh thì bác ấy đã sửa “lan ĐẠI CHÂU” – ĐẠI có dấu “nặng” và “CHÂU” “chờ nhẹ”. Không cảm ơn, không nhấn “like” dù ý kiến của mình vẫn còn. Mình chẳng bao giờ cần “cảm ơn”, trên Facebook cũng chẳng bao giờ cần ai đó nhấn “like” cái ý kiến của mình. Ai đó quý, hiểu mình đã hiểu và quý rồi, không cần thêm nữa.

Từ 1 đến 2 đến 3… nhìn nhận được văn mình, ảnh mình còn chán, còn xấu, người khác viết và chụp hay và đẹp đã khó. Thừa nhận mình còn thiếu sót, còn khó hơn. Nhận thức của mình cũng vậy. Tiến bộ đầu tiên: tiền tài là phù du, kiến thức mới là giá trị. Tiến bộ hơn tí, thì tiền tài là phù du, tình cảm là còn mãi.


Đến khi đọc Phật, mới thấy những công quả làm được cho sự tu tập, mới có giá trị cho hành trình tu và đi tìm sự chứng ngộ. Với những câu hỏi và trả lời liên quan đến “ta là ai”, “ta là gì trong vũ trụ” và “làm thế nào để được chứng ngộ”, thì kiến thức và hiểu biết của con người đều rất cạn cợt. Internet làm cho mình thấy một điều là ai cũng có thể làm thày ta – chính xác hơn là ở bất kỳ ai ta gặp ngoài đời và bây giờ là ở trên mạng, ta đều có thể học được một điều gì đó!

No comments:

Post a Comment