Wednesday, May 29, 2013

Hành trình đi tìm “kẻ giấu mặt”

Từ hôm trước cũng không biết có nên viết lại chuyện nay hay không, hôm nay nhận được cú điện thoại và cuộc gọi đã khẳng định: phải viết lại.

Người gọi là anh bác sỹ đã mổ cho mình các đây hơn hai tuần. Anh ấy bảo có cô phóng viên bên Dân Trí muốn viết một bài về trường hợp của chú, mà đây lại là một trường hợp… không sẵn lắm, nên một bài viết có thể sẽ rất có ích cho nhiều người.

Ngay từ thời thanh niên mới đi làm, dễ thường cách đây mười mấy hai mươi năm, dù tuổi trẻ đang sức, lại chơi thể thao, tập chạy đi bơi đều đặn, thêm món thể hình nữa… nên ngon nghẻ lắm. Ấy thế mà, cứ thỉnh thoảng thấy quả tim nó mệt, phải hít vào thở ra mấy cái rõ sâu mới thấy bình thường trở lại được. Ông sếp cứ bảo: “Tớ thấy cậu thanh niên gì mà cứ thở hắt ra như ông già sắp chết ấy!”. Hiện tượng đó rất hiếm xảy ra, nên cũng chẳng để ý.

Bẵng đi một thời gian dài mười mấy năm hoạt động hết công suất, từ đi làm đến đi phượt, toàn cưỡi những chiếc môtô bự kềnh đi chơi khắp nơi, ngày đi làm, tối xoay trần sửa xe máy… cứ thế chẳng thấy có gì đặc biệt. Đến một ngày tháng Mười năm 2010, đột nhiên bị choáng và lăn quay ra ngất, kiểm tra thấy huyết áp hơi cao, khoảng 160/120. Hồi đó bác sỹ tim mạch ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là cô Tuyết Minh – cô khám và nhìn bệnh nhân có vẻ rất… nghi ngờ. Bệnh nhân bị xích cổ nhốt trong bệnh viện để kiểm tra, nhưng huyết áp cứ đều tăm tắp 120/80, y như phi công ấy. Tuy nhiên tất cả các xét nghiệm đều nói lên một điều: mình chưa chắc đã bị cao huyết áp, mà là tăng huyết áp kịch phát thành từng cơn.

Đầu tiên là đeo cái máy đo huyết áp 24h – nó cứ tự động khoảng nửa tiếng đến một tiếng nó lại bơm rì rì và đo một lần – thì phát hiện ra ngoài những lúc huyết áp cực tốt, có những cơn lên rất cao, cá biệt có một lần vào khoảng 3 giờ sáng, lúc đang ngủ đo được trên 200. Các bác sỹ đều bảo thằng cha này còn trẻ, lại chơi thể thao đều nên chịu được, chứ phải người khác thì ngỏm lâu rồi.

Xét nghiệm máu, đặc biệt xét nghiệm nước tiểu 24 giờ cho thấy hàm lượng catecholamine tăng cao kinh dị.

Những cái đó đang chứng minh, có một thằng cha vớ vỉn tự dưng vào định cư trong người mình, nhưng không đăng ký hộ khẩu: u tuyến thượng thận.

Lên mạng đọc về nó thì thấy ôn con này là một u lành thôi, cái nguy hiểm của nó là hắn ta kích thích tuyến thượng thận tiết hoócmôn làm cho huyết áp tăng vọt lên thành từng cơn như… lạm phát. Bố trẻ nào mà đường ống không vững, vỡ mạch máu nhất là ở não là tèo luôn chứ chẳng chơi. Dù là u lành, nhưng cái quân đểu cáng này nó cũng có nhiều trò hiểm hóc. Thứ nhất, gọi là u tuyến thượng thận, nhưng nó có đến hai loại, là vỏ thượng thận và tủy thượng thận, chúng nó khác nhau như thế nào, để cho các bác sỹ giải thích. Thứ hai, gọi là u tuyến thượng thận, nhưng nó hoàn toàn không nhất thiết phải dính nhằng nhằng vào cái tuyến thượng thận trứ danh ấy, mà nó có thể loạng quạng đi chỗ khác, gọi là thể lạc chỗ. Cứ 100 người thì có khoảng 15 người thuộc thể lạc chỗ đó, mình là một trong 15 nạn nhân ấy, không tìm thấy ở đâu loanh quanh cái tuyến thượng thận đó cả. Lại nữa, trong 15 người đó có đến một phần ba số nạn nhân là thuộc thể dù có tìm thấy nó, cũng không mổ được, ví dụ như bác sỹ kể có người bị không phải một cái mà đeo một chuỗi ở… trên ngực, và vì lý do gì gì đó, không mổ được và phải chung sống hòa bình với nó. Thứ ba, là cái u thú vị này thường xuất hiện ở người trẻ tuổi, từ 30 đến 40 (tất nhiên là nếu phát hiện ở ông già, thì chắc hẳn nó đã có từ lâu rồi). Bác sỹ kể, có một bà nhiều tuổi, cứ đi tiểu là ngất lăn quay ra, anh ấy phát hiện u tuyến thượng thận dính ở… bàng quang.

Mình đi làm mọi chẩn đoán hình ảnh: siêu âm, cộng hưởng từ, cắt lớp 3D… đều không thấy cái u quái quỷ đó – chính xác là hồi đó tập trung tìm nó ở tuyến thượng thận. Có điều, nó có nằm ở đó đâu mà tìm thấy. Còn một biện pháp nữa: “xạ hình” (chẩn đoán hình ảnh bằng phóng xạ) – mình có một cô bạn là bác sỹ nội tiết trong bệnh viện Bạch Mai giới thiệu một anh rất giỏi về bộ môn đó bên 108, đã có kế hoạch đi sang đó làm rồi đấy chứ…

Những triệu chứng của nó (mà trên mạng có đầy) như thế nào thì với mình, nó y như thế. Thường xuyên mệt mỏi, thở dốc, hồi hộp, nhịp tim tăng, mặt nóng bừng bừng, gáy cũng nóng bừng bừng. Khi đi ngủ, tứ chi, nhất là hai chân: bàn chân, bắp chân buồn bực, gây khó ngủ. Càng nằm lâu, từ buồn bực chuyển sang thành đau nhức, nên mùa hè cũng phải ngâm chân nước nóng mới dễ ngủ. Đặc biệt, là bị rét khi tiếp xúc với nước (lúc tắm), kể cả nước nóng, thậm chí càng nóng, càng rét. Mấy lần đi xông hơi, hoàn toàn không toát mồ hôi, mà rét run cầm cập – trong khi người khác không chịu nổi “chuồn” hết ra ngoài thì bệnh nhân ngồi run như cầy sấy trong cái chỗ mù mịt đó.

Để đối phó, các bác sỹ cho uống thuốc hãm huyết áp, thậm chí ở bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có một anh bác sỹ cho những loại siêu nặng, mà nếu uống thì đảm bảo chức năng về “khoản kia” có mà liệt luôn.

Tự mình cũng phải chống cự với bệnh tật, chứ không thể cứ phụ thuộc vào thuốc men được. Đầu tiên cần phải đối phó với nguy cơ lăn quay ra chết nếu “vỡ đường ống” – cần phải tăng cường thể lực. Không thể để một cơ thể ục ịch 67 kg mà cao có mét sáu nhăm như thế được, cần phải giảm cân. Đồng thời cũng phải tăng cường sức chịu đựng của hệ tim mạch bằng tập thể dục – mình chọn môn bơi, môn mà mình chơi tốt nhất. Việc giảm cân bằng thay đổi chế độ ăn uống kết hợp bơi lội tỏ ra khá hiệu quả, trong vòng hai tháng, mình giảm được 8 kg. Thực đơn xin được đề cập trong một bài viết khác. Trong bài này, mình chỉ viết sơ sơ về giáo án tập luyện. Trước đây mỗi buổi bơi, mình thường bơi 800 mét trườn sấp (crawl) rồi 1200 mét bơi ếch, mất khá nhiều thời gian. Nhưng bơi dài, thì không tăng cường được sức mạnh của hệ tim mạch một cách thực sự hiệu quả và đặc biệt không có tác dụng đối với việc giảm cân – nên mình áp dụng lối bơi biến tốc đã có từ rất lâu, mà bây giờ thịnh hành một phương pháp thời thượng như có vẻ không khác là mấy: HIIT (High Intensity Interval Training). Một buổi bơi chỉ cần 500 mét, thay cho 2000 mét như trước đây. Một lượt bơi dọc bể 50mét chia 2/3 bơi thật chậm, 1/3 bơi nhanh hết sức sao cho nhịp tim lên mức tầm 160 nhịp 1 phút là nhiều nhất, nếu nhiều hơn cần giảm tốc độ bơi đi… sức khỏe cứ như thế lên trông thấy. Vào thời điểm này mình chỉ nặng có 57kg, nhưng rất khỏe, đi lại cứ phăm phăm.

Tất nhiên, cơ thể vẫn mệt kiểu bệnh lý, nghĩa là vẫn thở dốc, vẫn hồi hộp… nhưng trên cơ sở một nền thể lực tốt, có luyện tập.

Đang chuẩn bị lên kế hoạch đi “xạ hình” thì đùng cái, một ngày đẹp trời nó đau. Đau lúc muốn đi tiểu, bàng quang căng lên ấy. Đi tiểu xong, vẫn đau, ròng rã, không đau nhiều, nhưng không hề đỡ đi tí nào. Siêu âm từ bụng, siêu âm từ đằng sau thấy cái gì đó… không rõ lắm. Đi chụp cộng hưởng từ thì thấy tít phía dưới, cạnh túi tinh, có một “tổ chức gì đó đường kính 21mm”. Thế là quyết định mổ. Người mổ cho mình là anh Lê Sỹ Trung, bác sỹ tiết niệu bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, và anh có mời giúp thêm một bác sỹ nữa – cũng toàn “hàng xịn” cả.

Chìm vào giấc ngủ, tỉnh dậy thấy bụng dán đầy băng, cái ống dẫn dịch thò ra và chui vào cái túi dưới chân giường. Đến khi tỉnh hẳn và thật kỳ diệu, thực sự kỳ diệu, dù còn đau, nhưng cơ thể cảm thấy cực kỳ khỏe khoắn, nó cứ nhẹ lâng lâng đi. Cái sức nặng bấy lâu nay đè trên tim, hoàn toàn biến mất. Mọi xét nghiệm đều chứng minh là chính hắn: u tuyến thượng thận đã bị bắt, và có vẻ không còn cái nào khác trên người.

Một trường hợp may mắn hiếm có, tự dưng nó thò ra cho mà cắt. Và hai ông bác sỹ lục lọi thế nào mà cũng bắt trúng được “tên tội phạm nguy hiểm”.

Kết thúc hai năm rưỡi không làm được một việc gì nên hồn, và cuộc sống, lại tiếp tục dòng chảy của nó.


No comments:

Post a Comment