Monday, October 7, 2013

Vĩ nhân và ngôi sao


Những dự đoán đã tỏ ra là đúng, ngay cả bài viết cố gắng khách quan hết sức của mình mà còn có người thích nhảy vào tranh cãi, nữa là những ý kiến lề nọ lề kia. Đã thế, chẳng tội gì mà nhịn mà im, ta nói tiếp.

Mình có một người bạn nhớn tuổi, như ngày xưa hay gọi – “bạn vong niên”, anh ấy là bạn thân của anh Võ Điện Biên – lại thêm một cái cầu “vong niên” nữa. Có thể nói nhiều chuyện về gia đình, nhất là các con của Đại tướng mình được nghe và có thể nói khá tin cậy.

Chuyện Đại tướng là anh hùng, được nhân dân kính yêu và nay đã mất, được nhân dân bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn, cũng phần nào thể hiện một điều rằng Cụ cũng phải thế nào, mới giành được khối tình cảm dạt dào đồ sộ như thế… (tất nhiên, không loại trừ vai trò mạnh mẽ của truyền thông chính thống). Khách quan mà nói, Cụ xứng đáng với hào quang đó.

Điều mà mình muốn nói ở đây – là những điều có thật. Sự kính trọng của những đối thủ có hạng bên kia bán cầu dành cho Cụ, là có thật. Điều đó cùng với những hào quang chiến thắng, đưa Cụ lên hàng vĩ nhân của thời đại. Điều mà mình còn thích hơn nữa, là ngay từ thời Cụ còn đương chức đương quyền, các con của Cụ đều được định hướng nghề nghiệp vào các ngành khoa học, kể cả ông “nguyên con rể”, Phó Giáo sư tiến sỹ Trương Gia Bình. Nghĩa là, các con của Cụ, đã chọn cho mình con đường trở thành những người “bình thường”. Những người “bình thường” con của một người “phi thường” – cái phi thường ở chỗ người ta vẫn “bình thường” được, không cần phải có gì đó khác thường.

Đó là căn cứ trên những điều mình được biết.

Không có ai trong số các con của Cụ, đi đánh bạc rồi bắn chết con của lãnh đạo khác khi xông vào bắt mình. Không có ai trong số các con của Cụ, nghiệp ngập giao du xã hội đen. Càng không có ai trong số các con của Cụ, dựa thế bố để giành giật những dự án béo bở, xây cầu làm đường phục vụ dự án của mình và cho ra đi hàng loạt nhà dân…

Có những ý kiến cho rằng vào giai đoạn sau này Cụ đã nhẫn đến mức nhục, ồ, có thể như vậy. Nhưng các con Cụ (như mình được biết), không dựa thế Cụ để trở thành những thằng ăn cắp. Chưa biết ai là người bảo toàn được nhân phẩm của mình đâu! Ai đó đã từng bảo rằng, vượt qua được sự sỉ nhục mà không cần nuôi hận thù – đó mới chính là bậc anh hùng. Từ khía cạnh này, mình coi Cụ là bậc anh hùng. Anh hùng thắng bại, không thể luận trong ngày một ngày hai, cũng không thể chỉ nhìn ở cái sự thắng thế của kẻ tiểu nhân mà bình xét.

Vì thế, không cần phải sáng tác ra quân hàm Nguyên soái cho Cụ. Đại tướng, là Đại tướng, chứ không phải hạng “tướng lợn con đểu” phong lạm phát kia đâu, còn hạng tướng nhóc con, ăn cướp nhâng nháo, mục hạ vô nhân lên đến tận Giám đốc và còn đe lên nữa, càng không được tính.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn… (“Bác ơi” – Tố Hữu)

Sống như thế nào để người ta yêu quý, Phúc cũng đã dày lắm đó. Đừng để đến khi chết vài chục năm rồi người ta còn chửi – ai cũng vậy. Tham lam vô độ rồi cũng một chiều một mét, một chiều hai mét sâu hai mét, đúng tiêu chuẩn mà đào.


Tiếp đến chuyện ngôi sao. Hôm qua anh ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng vào viếng Đại tướng. Chuyện bình thường. Anh ta có quyền đến viếng bất cứ ai anh ta mến mộ - chẳng ai ngăn cấm anh ta cả.

Nhưng cái cách anh ta đến viếng lại làm dậy sóng truyền thông. Nôm na là hành xử đúng như một ngôi sao, “xin” vào viếng trước, không xếp hàng. Có lời giải thích rằng anh ta ngại phóng viên bu vào làm rối loạn lễ viếng, nên cần phải được có quy chế VIP. Ôkê, tạm chấp nhận lý giải đó.

Giả sử, nếu mình là Đàm Vĩnh Hưng, mình sẽ lặng lẽ đứng xuống cuối hàng. Nếu các phóng viên có làm chộn rộn, mình chỉ cần một câu: “Mục đích chúng ta có mặt ở đây, là viếng Đại tướng, chứ không phải quan tâm đến anh chàng Đàm Vĩnh Hưng vô danh nào đó… đề nghị các anh không nên làm mất trật tự” – đảm bảo danh tiếng của mình – tức Đàm Vĩnh Hưng sẽ lên ầm ầm, với một cách hành xử “bình thường” nhưng rất “văn hóa”.

Xem ra, vĩ nhân thì lại dễ dàng chọn cách hành xử “bình thường” – và chính những cái bình thường ấy, biến họ thành vĩ đại. Còn các ngôi sao “made in Vietnam” thì lúc nào cũng muốn vĩ đại và tỏa sáng, nhưng lại thích tỏa sáng một cách “dị thường”, sinh ra quái gở.

Chung quy, vẫn là cái gốc thiếu văn hóa mà thôi.

Tham gia thảo luận trên Facebook ở đây

1 comment:

  1. Chung quy, vẫn là cái gốc thiếu văn hóa mà thôi.

    ReplyDelete