Wednesday, November 6, 2013

Xui dại trẻ con


Có hồi mình lên diễn đàn Ô tô Sài Gòn và Ô tô Fun, mới đầu chỉ để đọc, về sau tham gia vì có nhiều câu hỏi liên quan đến luật, ngứa ngáy muốn trả nhời.

Khá hay gặp là những thảo luận kiểu như thế này: Em đi đến chỗ đường chật, có thằng xe tải đỗ ở cạnh đường (hỏng hoặc không hỏng), chỗ đó vạch liền, muốn đi qua là em phạm luật, thế em phải làm thế nào… bờ la bờ la…

Vậy chúng ta sẽ phải làm thế nào khi đứng trước một chuyện như thế?

Nhớ hồi sinh viên học trong trường đại học, khi học về khái niệm lỗi trong luật hình sự, giáo trình viết như thế này “Lỗi là thái độ tâm lý bên trong của người phạm đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra.” – đảm bảo bố thằng tây cũng chẳng hiểu được. Đến bây giờ mình cũng chẳng hiểu cái của nợ “thái độ tâm lý bên trong” là cái ma tịt gì.

Ơn giời hồi đó được nghe giảng của một thày Phó tiến sỹ mới cứng ở Đông Đức về, thày bảo nếu không hiểu thì các nhóc nghe đây, đây là khái niệm lỗi trong luật hình sự của Cộng hòa dân chủ Đức: “Lỗi là cách suy nghĩ dẫn đến hành xử của một người khi đứng trước hai sự lựa chọn và tự do không bị cản trở khi thực hiện một trong hai sự lựa chọn đó, cuối cùng người đó đã lựa chọn cách hành xử phương hại cho xã hội”. Rõ như ban ngày, người bình thường cũng hiểu chẳng cần sinh viên luật. Mình nghe thày nói một lần mà nhớ đến ngày hôm nay.

Vậy thì gặp cái xe tải, ta có thể lái xe vòng ra đè vạch và bị công an phạt. Nhưng lựa chọn đúng, là dừng lại. Việc của ta là tuân thủ pháp luật, nghĩa là không đè vạch. Ta có quyền rút điện thoại gọi công an đến xử lý vấn đề, điều khiển giao thông… khi đó đảm bảo an toàn của cả ta, của người khác khi tham gia giao thông. Còn nếu người lái cái xe tải đó cố tình vi phạm giao thông thì là việc của họ với pháp luật chứ đâu phải việc của chúng ta! Không phải vì họ vi phạm pháp luật mà ta cũng phải chọn một cách hành xử cũng vi phạm pháp luật được. Dương nhân với dương thì ra dương, âm nhân với âm thì ra cũng ra dương, nhưng hai cái sai nhân với nhau không ra một cái đúng mà có khi ra thảm họa.   


Nhớ hồi bé trẻ con nghịch dại. Người lớn túm cổ hạch tội. “Nó xui con làm!” “Con thấy anh ấy làm con cũng làm!”. Nhiều khi câu hoạnh họe lại là “Thế nó xui mày ăn cứt mày cũng ăn à?” “Mày thấy nó ăn cứt mày cũng ăn à?”.

Thế đấy, trong cuộc sống có rất nhiều chuyện mà cách hành xử của người khác nhiều khi không đúng những chuẩn mực của xã hội. Ta nhìn, ta biết vậy. Ta thích thì quay phim chụp ảnh, úp lên mạng cho người khác xem để biết như thế là chưa tốt, vậy thôi… chứ đừng thấy người ta làm được ta cũng làm được, và phải cố làm cho bằng được không thì thua em kém chị…

Ai thích ăn cái gì, kệ người ta.

Tái bút: Câu “Mày thấy nó ăn cứt mày cũng ăn à?” bây giờ chúng ta hiểu là không nên sử dụng nó trong giáo dục con cái, nhưng rõ ràng, có thời, câu đó hoàn toàn không hiếm trong giáo dục cách đây vài chục năm. Điều đó cũng không có nghĩa mình ám chỉ hay chửi bới những người đang vượt đèn đỏ là ăn …ứt. Một phép ẩn dụ mình thấy thú vị vì tính tương đồng của hai trường hợp mà thôi. 

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment