Thursday, December 12, 2013

Mùa “thi hành án”

Hồi sinh viên có dịp đi dự lễ sang cát cải táng cho một anh bạn chết trẻ. Khi chết, mới 21 tuổi, chưa yêu đương gì, chỉ học và chơi thể thao. Mấy thằng thanh niên kéo xuống Văn Điển từ tờ mờ sáng. Đứng một lúc thấy có mấy ông “thợ bốc” lục tục kéo ra, mặt mũi khá vênh váo và quan trọng.

Gia đình đã có tuần rượu sớm để đãi các ông ấy. Cuối năm là dịp cải táng hàng loạt, đội cải táng thì lực lượng mỏng, nhu cầu lại đông, mà chỉ làm được một lúc lúc trời chưa sáng

Mấy thằng thì thào bảo nhau “Đội thi hành án đó hả?” Nói thì phải tội, nhưng mà thanh niên, có thể đùa được trong mọi trường hợp, bạn mất thì cũng đã lâu rồi…

Thật lòng, đó là một nghi lễ rùng rợn. Trong Nam chôn là chôn luôn, khỏi bốc mộ, riêng ngoài Bắc ta vẫn giữ cái hủ tục này. Chôn lần đầu là hung táng, ba năm sau bốc lên chôn lại thành cái mộ xây đàng hoàng, là cát táng. Hung là hung dữ, cát là tốt lành… chả biết tốt lành hay không, đang yên vị tự dưng đào lên, người nào phải chỗ khô, hoặc uống nhiều kháng sinh không tiêu hết có khi đội thi hành án phải lấy dao róc thịt cứng đờ ra khỏi xương, sợ chết khiếp.

Thế mà hôm qua nghe ông anh quen kể, tuần rồi đi bốc mộ ông bác, cái ông bác ấy tai biến nằm 11 năm, lúc gần chết cấm khẩu rồi nhưng khi nghe người nhà con cháu bàn “Đưa cụ đi “Hóa thân” cho sạch sẽ rồi đưa về quê xây mộ luôn” là ông cụ giãy lên ầm ầm trên giường. Nhiều cụ cứ nói “Đừng đưa tao đi Hóa thân Hoàn vũ, thiêu “nóng” lắm!”. Sao cụ biết là nóng nhỉ?

Thế kỷ 21 đã đến, nhưng vẫn có những nhà vợ-chồng chết trẻ hẳn hoi, nhưng vẫn duy trì hủ tục. Lúc đám tang báo mọi người đến viếng đã đành, ba năm sau cải táng lại huy động ba bốn trăm con người bỏ công bỏ việc về tận quê vài chục cả trăm cây số, dự “thi hành án” xong rồi ăn rồi uống… riêng ngồi dự lễ cầu siêu mất toi cả nửa ngày, về không xong mà chờ cũng khốn khổ.

Với nhà Phật thì cầu cho người chết được siêu thoát là tốt, nhưng huy động cả vài trăm con người gây lãng phí thời gian, tiền bạc, lại giết mổ linh đình, thì lại tạo nghiệp lớn hơn, lại cản trở quá trình siêu thoát đó. Thân xác, là giả tạm, chứ nào có quan trọng gì. Làm thế nào mà giản tiện cho người sống, lại sạch sẽ bảo vệ môi trường là tốt nhất.


Đưa cụ đi Hóa thân Hoàn vũ, “đặt hàng” thiêu ra đến bột cũng được… rồi về thả xuống sông, đâu có sao. Ông cụ nhà mình bảo: “Hôm rồi chú nhà văn Nguyễn H. bạn tao chú ấy dặn trước là thiêu xong, thả xuống sông Hồng. Thế là cô ấy nhờ lão Băng S. cũng nhà văn và là bạn thân nhất, chở cô ấy ôm cái bình lên giữa cầu Thăng Long, khấn một câu rồi thả xuống. Tao chết, mày cũng cứ ném tõm mẹ nó xuống sông như thế!” Mình đùa thêm: “Thôi ông cho bọn con đưa ra vịnh Hạ Long, cũng nên tạo điều kiện cho các con, các cháu đi chơi một bữa!” “Được, muốn ném đâu thì ném!”.

Nếu chỉ một cái sự ra đi đó thôi, lại gây phiền nhiễu quá mức cần thiết cho người còn sống, suy cho cùng ngoài sự lạc hậu, thì còn thể hiện một sự ích kỷ và nghĩ đến bản thân mình quá nhiều.    

Thời sinh viên sáng sớm mùa đông hay dậy tập chạy dọc theo phố Ngô Thì Nhậm qua Ngô Quyền lên Bờ Hồ. Không khí trong lành, quang đãng của một Hà Nội vắng vẻ, chưa xô bồ. Hít thứ ô-xy lạnh lạnh ấy vào phổi, nhìn vòm lá reo rào rào trong gió mùa đông bắc… thật yêu buổi sáng sớm Hà Nội.

Và chỉ mong nếu mình ra đi, chỉ cần vợ con và vài người bạn thân tiễn đi vào lúc mờ sáng ấy của Hà Nội, chưa có dòng người nghìn nghịt tắc nghẽn thê lương kia, cố nghe được tiếng gió và những tia nắng đầu tiên… và sau đó…

… cát bụi, lại trở về với cát bụi. Cho tôi xuống sông Hồng, thế là xong.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment