Wednesday, December 11, 2013

Trẻ con thích đi dép trái

Không chỉ thế, trẻ con ở quê còn thích đi đất. Đi dép trái, nó chặt chân hơn so với đi bình thường. Chính cũng vì tiện lợi cho việc chạy nhảy, mà chúng nó thích đi đất hơn.

Có lẽ mình kỹ tính từ bé, ở nhà mọi người cũng cẩn thận trong những chuyện kiểu như thế, từ ông bà đến bố mẹ… cứ thế mà theo, mà thi hành. Đến khi theo mẹ sang vùng quê dạy học, thì thấy trẻ con ở đó mặc dù có dép nhưng vẫn không đi, lạ lắm. Đứa đi dép thì đi dép trái, cũng chẳng có vấn đề gì, bố mẹ chúng nó cũng chẳng nhắc, không như nhà mình, nhắc song sóc suốt ngày điếc cả tai. Cả đứa đi học rồi lớp ba lớp bốn cũng kệ, chẳng quan tâm phân biệt chiếc dép nào vào chiếc dép nào.

Đến khi có con rồi, cũng lại theo nếp cũ, dạy con kỹ lưỡng từ cả việc đi dép, đi giày. Buổi sáng đi học, ngồi xuống ghế xỏ chân vào giày, buộc dây cẩn thận chắc chắn mới đi. Có tin đồn rằng nhà bác học vĩ đại Anhxtanh ngay cả lúc buộc giày cũng chỉ nghĩ đến việc buộc thế nào cho chặt nhất.

Những việc bé tí cũng phải học, từ lời ăn tiếng nói đến cách so đũa xới cơm, “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “học ăn học nói, học gói học mở”.

Ấy thế mà đến trường con học, thấy có những cô rất trẻ rất xinh, đưa những cô bé con cũng rất xinh đi học và… bé đi dép trái. Để ý hết hôm này đến hôm khác, mấy bé đó vẫn đi dép trái. Và thường tập trung vào mấy gia đình đó.

“Cái răng cái tóc là góc con người.”

Đó là chuyện người bé, còn người lớn cũng vậy. Có một số bà mẹ chắc làm trong ngành công an, được phát giày quân phục, đi giày kiểu dẫm bẹp cái gót giày xuống như đôi xục, rất cẩu thả. Người ta bảo, đừng bao giờ nên đi một đôi giày vẹt gót. Mình quần áo xoàng xoàng, không có đồ gì đắt tiền, tính lại tiết kiệm nên dùng đồ bền lắm. Ngồi trên ghế, muốn di chuyển thì nhẹ nhổm dậy chuyển vị trí, không di một cái, chóng mòn đít quần. Đi lại nên đi nhẹ nhàng, nhấc gót chân, vừa đỡ mòn gót giày lại đỡ phản cảm, làm phiền người khác… và nếu vẹt gót thì hai ba chục nghìn đồng đi dán lại cái gót giày. Nhiều người đi giày cứ vẹt hai bên phía ngoài gót, nhìn rất chán.

Bạn có thể không diện đắt tiền, nhưng trông bạn luôn luôn là người chỉnh chu mà vẫn phong cách được, điều đó mới là quan trọng. Thời trang đẹp nhất là những gì phù hợp nhất. Chú bé phục vụ trong quán cà phê lại gần. “Cho anh hỏi em mua cái quần jeans này lâu chưa?” “Mới anh ạ, đang mốt đấy. Anh thấy đẹp không?” “Quần thì đẹp nhưng em mặc cái thứ cạp trễ này, lại đúng quy định của nhà hàng bỏ áo trong quần, lưng em dài gấp đôi chân của em.” Mốt mà không phù hợp, lại còn phản cảm.

Quê hương vùng chiêm trũng, đặc điểm là bàn chân người dân rất to. Thanh niên nông thôn lên thành phố cũng nhiều bạn nhìn biết ngay nhờ đôi bàn chân to đùng ấy. Chẳng có gì là xấu, chân to thì đứng vững, chứ chân bé như tớ, mua giày đến khó, chẳng nhẽ mua giày con gái à? Khổ cái mốt bây giờ mặc quần jeans bó chẽn vào hai cái cẳng bé như que, lại xỏ vào đôi xăng đan quai nhỏ, thế là đôi bàn chân bàn cuốc ngang nhiên tố giác nguồn gốc chiêm trũng của các bạn… mà đôi xăng đan đó, có khi đắt hơn đôi giày.

Xứ ta là xứ nhiệt đới, nên nhiều người bảo là “nóng không chịu được khi đi giày”. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó, nóng mà đi dép thì mồ hôi chân vẫn ra, và cùng với bụi đường thì hai bàn chân đã đen xì xì, thật thiếu thiện cảm khi phải đi làm việc, có khi còn gặp khách hàng, đối tác... đôi dép da có thể đắt tiền chẳng thể thay thế được đôi giày… (Ở nhà suốt ngày ra vỉa hè hàng nước chè tán chuyện không bàn ở đây).


Có lần cùng một “thủ trưởng” người nước ngoài tuyển dụng nhân sự, kể cả sinh viên sắp tốt nghiệp cũng được thi tuyển. Trong số hàng chục bạn, chọn ra được một cô bé rất khá, từ hồ sơ đến kết quả thi tuyển. Mình gọi điện cho bạn đó đến phỏng vấn, hỏi giờ này giờ nọ, em đến được không? Mau mắn trả lời, được ạ, và cô bé đến đúng giờ.

Chỉ tiếc là cô bé mang theo ba lô đi học và loẹt quẹt đôi dép xỏ ngón đến phỏng vấn, dù ăn mặc hoàn toàn bình thường. “Em nghĩ hôm nay đi học không thôi nên đi dép lê anh ạ, không ngờ các anh lại gọi”. Tiếc là “thủ trưởng” còn kỹ tính hơn mình, ổng rất tiếc nhưng kiên quyết không chọn “dép xỏ ngón”.

Cô bé ạ, ngay từ khi sinh viên đi học, không bao giờ anh đi dép lê, nhất là dép xỏ ngón đến trường. Chính cái thói quen tùy tiện đó, làm cho em mất đi cơ hội công việc lương đến cả ngàn đô…

Thảo luận trên Facebook tại đây và tại đây

No comments:

Post a Comment