Monday, February 3, 2014

Đi “mưu cầu hạnh phúc”

Niềm vui khi có được Ấn đền Trần.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa
“Alô, mùng mấy mùng mấy, nhà mày có đi đâu không?” “Tao mùng “này” đưa ông bà nội đi lễ chỗ nọ, mùng “kia” đưa ông bà ngoại đi lễ chỗ kia…”. Đến hẹn lại lên, cứ ra Giêng là đi lễ hì hục. Đó là chuyện chung của toàn xã hội, chứ đâu của riêng nhà nào. Đi lễ, nghĩa là đi cầu xin sức khỏe, tiền bạc, gia đạo yên ấm… nôm na là cầu hạnh phúc. Đi lễ, chính là một hành động “mưu cầu hạnh phúc”, nhưng là đến gõ cửa nhà thần nhà thánh, suy cho cùng, cũng là một việc chính đáng thôi.

Hôm qua vừa bật máy tính lên đọc luôn được tin đầu tiên ở đâu đó: “Năm nay Đền Trần sẽ không thiếu ấn”, chẳng biết nên mừng hay nên buồn nữa. Mừng vì bà con đỡ phải chen lấn lên nhau để kiếm được miếng giấy miếng vải có cái mộc đo đỏ ấn vào đó… Ơ mà này, chen nhau bẹp ruột xin được cái ấn thì còn quý, chứ phát đại trà a la xô thằng nào cũng có, thì còn gọi gì là quý nữa? Hạnh phúc muốn mưu cầu được là phải kho khó một tí, chứ tự dưng rơi vào đầu như ông “tỷ phú xổ số” trong Nam ấy, chia năm xẻ bảy, mỗi cháu thân cháu sơ, cháu giời ơi đất hỡi đến xin một tí, rồi cũng lại bần hàn. Về chủ trương “lạm phát” ấn Đền Trần này, đề nghị các cấp các ngành nên xem lại. Hạnh phúc chia đều cho tất cả mọi người là không bao giờ có được, cũng như “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” là không tưởng. Chắc chắn tất cả những người năm ngoái đi chen nhau để kiếm được cái ấn, năm nay sẽ thấy hụt hẫng. Hệ lụy xã hội là khôn lường.

Nói đi ta lại nói lại. Đã ai nghĩ đến tầm các anh như anh Dương Chí Dũng, thậm chí oách hơn nữa… thích thì có mà có cả tạ ấn Đền Trần. Nhưng bao nhiêu anh như thế năm rồi đi bóc lịch mà ấn vẫn còn đỏ chóe ở nhà?

Trước đây, cứ cuối năm đầu năm, người ta đi mua những cuốn sách (lậu – chắc chắn!) bói toán, rồi vận hạn đầu năm… mua xong rồi đọc, đọc xong thì năm mừng năm lo, năm cả mừng cả lo… rồi cuối năm thì vứt. Chẳng mấy ai ngồi thực sự nghiêm túc ngẫm rằng, cái cuốn đó, nó chỉ ra vận mệnh cho mình đúng được bao nhiêu phần trăm, hay những lời lẽ mù mỡ, tối nghĩa trong đó, hiểu kiểu gì cũng được, và kiểu gì thì nó cũng có cách giải thích đúng… xem ra sự chân thành đến mức ngây thơ của mấy ông bà “giải thơ đề” không còn là độc quyền nữa rồi. Mấy năm gần đây trên mạng internet bùng nổ các trang web kiếm tiền bằng bán vật phẩm phong thủy, rồi đủ các thứ buôn thần bán thánh khác, họ câu khách bằng những phần mềm xem bói tự động như thế…

Đến đây sẽ có rất nhiều bạn “hiện đại” theo “duy vật biện chứng” sẽ lên tiếng. Đầu năm chúng tôi xem vận hạn trong năm cho vui thôi, để thấy lạc quan yêu đời hơn, để biết, đi lại cẩn thận còn tránh… Nhưng cũng có rất nhiều người khác, không bao giờ cần những cái đó, mà vẫn lạc quan yêu đời và luôn luôn cẩn thận. Cuộc đời mà, biết bao người, biết bao khuôn mặt và biết bao cuộc sống. Người thì cần phải có những thông tin như thế, mới đủ nghị lực và sức mạnh để sống. Người khác thì không cần, vẫn sống.

Nói chán chuyện sống, ta nói đến chuyện… chết. Ông ngoại mình hồi xưa, lúc mất tròn 70 tuổi, “cả mụ” là 71, một mức thọ bình thường, không cao, không sớm. Nhưng ông lúc khỏe đã ghê gớm đến mức bất bình thường, thì lúc ốm rồi chết, càng không bình thường, đến mức tai quái. Con cháu thương thì rất thương, chăm vẫn phải chăm, nhưng thâm tâm cũng mong ông đi nhanh nhanh, cho cả ông và mọi người cùng đỡ khổ. Ông nội mình mất sau ông ngoại cả chục năm lúc gần 90 tuổi, nhưng lúc sống ông mẫn tiệp, tình cảm, nhẹ nhàng, lúc mất ông nhanh thản, nhẹ nhõm đi như ông tiên. Lúc ông mất ông như đang ngủ, không như ông ngoại, một đời dằn vặt in dấu lên mặt ông cả khi chết.

Ai cũng sẽ già và chết. Bây giờ sẽ đến lượt bác mình, bố mình… cũng đều ngoài 80 cả rồi. Người già như lá vàng trên cây, chẳng biết sẽ đi lúc nào. Nhưng các cụ đều khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn và rất thoải mái so với rất rất nhiều người già khác.

Vậy hỏi mình cầu mong gì hả? Cầu mong như ông thầy đồ viết câu chúc Tết trong câu chuyện ngày xưa, ông ấy viết cho người xin chữ “Ông chết, bố chết, con chết, cháu chết”. Vài năm nay, những điều còn vướng mắc với các cụ, mình quên đi được hết, những điều tốt đẹp với các cụ, mình lục lọi lại được hết, tâm tình với cụ, mình tâm sự được hết. Và mình thực tâm lúc nào cũng mong cụ chết, chết như ông nội mình ngày xưa, nhẹ nhàng, khỏe mạnh, thanh thản…


Đầu năm nói chuyện chết chóc, cũng kỳ phải không? “Ông chết, bố chết, con chết, cháu chết” là lẽ tự nhiên, chứ cháu chết trước con, con chết trước bố, bố chết trước ông, là lẽ bất thường, đó mới là bất hạnh.

Vì thế, hạnh phúc đang có sẵn đây rồi, cần gì đi đâu mà cầu. Chúc các bạn của Người lang thang cuối cùng một năm mới an lạc với hạnh phúc sẵn có của mình.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment