Khu phố nhà tôi ở vì tụ tập chủ
yếu dân buôn bán, hóa ra không có nhiều tệ nạn cờ bạc đề đóm lắm, mà tụ điểm phải
bên đê Vạn Hoàng, Tô Hoàng thuộc hai phường bên cạnh. Bây giờ khu Vạn Hoàng đã
khang trang nằm bên đường Trần Khát Chân mới mở, Tô Hoàng cũng khác trước nhiều.
Riêng trong khu Chợ Giời, có mấy
nhà buôn bán ăn nên làm ra, nổi lên nhanh chóng nhưng một khi đã sa vào cờ bạc
thì chẳng mấy chốc họ “bật bãi” đi đâu đó, không còn ở chợ nữa. Tỉ như một nhà
ông H. cứ chiều chiều chở một bao tải tiền con con, đi đánh đề. Chỉ khoảng nửa
năm, ông ta bán nhà chuyển đi đâu mất.
Chỉ còn lại với Chợ Giời những
tay đề đóm “tẹp nhẹp” mỗi ngày đánh vài nghìn đến vài chục nghìn. Tuy nhiên
không vì thế mà sự nghiệp toán học của họ kém sôi động. Ngày nào đẹp trời mà lại
rỗi rãi, cũng nên lang thang ra hàng nước đầu đường mà ngồi hóng mấy tay mê đề
đóm ngồi tính toán.
Cần phải nói thẳng thắn rằng,
anh bạn toán học Ngô Bảo Châu mấy chục năm giải một cái bổ đề đóm gì đó, được
cái món giải Phiu phiếc nào đó được có nhõn… 14 khìn (mười bốn nghìn đô Mẽo),
đúng là dở hơi. Chỉ cần tính chuẩn một cú thôi, là 2 vé biến thành 14 khìn ngay
lập tức. Cũng là một môn bổ đề, thậm chí nâng cao hơn, bổ lô, rồi xiên, xẹo…
Chiều chiều, đội quân “kết quả
đươi” từ trung tâm quay xổ số tọa lạc ở Trung tâm văn hóa thanh niên phố Tăng Bạt
Hổ, túa đi khắp nơi. Trang bị “công nghệ” giấy than, chỉ cần chép một lần mỗi
chú thanh niên có trong tay một xấp kết quả xổ số và phóng xe đạp đi khắp các
phố. Các chú đạp nhanh lắm, vì phải chạy đua với giờ thông báo kết quả của Đài
phát thanh truyền hình Hà Nội cũng chỉ sau đó tầm nửa giờ.
Thế mà cũng bán hết được tập “kết
quả.” Bạn thấy lạ không, dân lô đề không thể chờ được đến giờ kết quả trên
Tivi, mà cố hóng bằng được kết quả dù chỉ sớm vài phút. Thế mới hiểu họ mong mỏi
cái sự “trúng giải bổ đề” đến như thế nào. Về sau được biết không chỉ có đội
ngũ hóng trực tiếp, còn có đội ngũ hóng gián tiếp, chỉ một người đến Tăng Bạt Hổ
ngồi với cái máy điện thoại, hồi đầu còn thuê dây thép của nhà dân xung quanh,
sau dùng điện thoại di động thì họ nhắn tin về các “trung tâm đề đóm” khác của
thành phố. Từ những trung tâm đó, các “kết quả viên” lại phóng ngược phóng
xuôi.
Bây giờ các bạn trẻ nghe thì lạ,
không thể hiểu được tại sao hồi đó có những cách kiếm tiền thú vị như thế,
nhưng hồi đó có chuyện đó thật.
Khoảng năm hai nghìn linh mấy,
buổi tối đi làm về khoảng 19h30 cứ thấy dân chúng bu đen ở cửa một ngôi nhà.
Hóa ra ông chủ nhà bán nước chè, kiêm việc tổ chức hoạt động lấy kết quả xổ số
sớm qua điện thoại – đang công bố kết quả cho bà con hâm mộ môn “thể thao trí
tuệ” này. Dạo này công nghệ thông tin phát triển, nên kết quả được cập nhật qua
tin nhắn di động, chi phí chỉ mấy có mấy trăm đồng nên vụ “kết quả đươi” chết yểu.
Chẳng bù ngày xưa, bọn trẻ mười mấy tuổi có cơ hội kiếm tiền ác ra phết. Mấy
con ma đề là cứ nhại “Chết cả đươi…”
Phải công nhận, cái món đề đóm
này nó không tha ai, từ nam phụ lão ấu, đã rơi vào là mê như điếu đổ. Gần nhà
có ông cụ ngoài 8 “sọi” vẫn mê. Mỗi ngày chỉ “chọc” vài nghìn đồng. Thường là
“tèo”. Hôm sau gặp cụ, hỏi thăm: “Hôm qua “ăn” không hả ông?” Ông cụ thở dài sườn
sượt “Nó không cho ăn!”. Chẳng biết thằng “nó” là cái thằng nào ghê gớm thế!
Dân lô đề, họ có thể bám vào bất
cứ chuyện gì để có được những gợi ý cho trận đấu trong ngày. Tính tôi hay đùa,
thỉnh thoảng rỗi hơi mò ra hàng nước chè vỉa hè, nhìn thấy mấy bộ mặt nửa tỉnh
nửa mê ngồi ngoài đó, máu bông đùa lại nổi lên.
“Gớm, đêm qua ngủ mê khiếp quá…”
“Sao sao, mơ thấy cái gì?”
“Mơ thấy thằng bạn chết…” (Giọng
rất rùng rợn)
“Chết à, chết thế nào?”
“Tai nạn…” (có kèm theo thở
dài)
“Tai nạn sao?”
“Ô tô chẹt chết…” (thêm tí yếu
tố rùng rợn)
“Chẹt thế nào, có máu không?”
“Có máu, cả óc nữa. Ô tô chẹt
vào đầu phọt óc, máu me bê bết mặt đường…”
(Rùng rợn lên đến cực điểm.)
Mấy ông Lanđao, Êvarít Galoa
xông vào tính toán, cãi nhau ỏm tỏi, trong khi thủ phạm ngồi cười thầm. Đột ngột,
Galoa quay ngoắt ra hỏi:
“Này, thế thằng bạn chú bao
nhiêu tuổi?”
“Sinh năm một chín bảy hai…” (Phù,
may quá không nhe răng cười khành khạch)
Galoa quay vào nói với Lép
Landao:
“Đấy, phải có thêm năm sinh nữa
tính mới ra. Tôi đã bảo ông rồi, nam thò nữ thụt, đánh chặn trên, chặn dưới vào
nữa cho tôi!”
Đến đây thì thủ phạm té mất,
cũng chẳng biết hai nhà toán học chiều đó có “ăn đề” hay không. Nhưng tuyệt đối
không lo lắng về vụ trượt đề nếu mai có gặp, tại sao vậy? Bởi vì, nhắc đến đề
đóm, không thể quên chuyện “thơ đề.” Ngày xưa người ta sáng tác trực tiếp trên
giấy, kê lên giấy than ra được chục bản một lúc. Bây giờ, gõ, in vi tính, rồi
phô tô ra hàng tập, bán cho dân mê mẩn cũng chỉ đôi nghìn đồng một tờ. Tôi chưa
thấy có thứ thơ thẩn nào mà lại tối nghĩa đến vậy.
Hôm nay dễ lại 8 về.
Đẹp đôi 2 số, ăn thề cùng ai.
7 rằng ta nói 0 sai.
Mong sao 2 số, tái lai mà về
( Luận: Múc 78 và 87)
Lâu nay mong đợi số ra.
Đợi ngày có 6 để ta vào đề.
3 kia cũng muốn đòi về.
Cuối tuần có kép nó về chiều
nay
(Luận: Bài này thì là 63 và
36)
Vào lồng chẳng muốn đòi ra.
Mặc dù ta biết, rằng ta đã nhầm.
Vì rằng có kẻ mừng thầm.
Đã có được cá, đã cầm giải
to''''...
(Luận: Khó luận quá, em chịu
....)
Có công là số nở hoa.
Có 7 có 6, có 3 cùng về.
(Luận: Vậy thì múc tất cả 76,
67, 73, 37, 63, 36 cho chắc)
Ấy thế mà, hôm nào cũng ngồi
luận, tính toán cứ như nhận được lời thánh truyền. Ông nào cũng lên giọng: “Tôi
đã làm thành bộ luật rồi, cứ thế mà đánh thôi!”
Thời của mạng xã hội len lỏi
vào từng ngóc ngách cuộc sống mỗi người, thì chuyện thơ đề, lô xiên lô xẹo càng
bùng phát. Lại còn có những trò gạ gẫm “rò rỉ thông tin” từ công ty xổ số, bà
con gom tiền đi mà đánh. Toàn lừa đảo cả.
Quay lại với mấy anh luận thơ
đề, thì chủ yếu là trượt, và sáng hôm sau lại ngồi xuýt xoa: “Ngu thế không biết,
đầu ông đít cháu là 63, ông 60 cháu 3 tuổi, thế mà không tính ra!”. Sở dĩ họ được
tôi thầm gọi là những người chân thành nhất thế giới là bởi lẽ, họ không bao giờ
đổ lỗi cho người khác. Thơ đề không bao giờ sai, chỉ có họ giải sai mà thôi!
Giá như tất cả các giáo sư,
các nhà khoa học, và cả các cán bộ trong cơ quan công quyền của chúng ta có được
thái độ chân thành như thế thì hay biết mấy…
Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây
No comments:
Post a Comment