Thursday, February 27, 2014

Ở Ấn Độ, ai cũng tên là Kumar cả…

Để chuẩn bị cho những chuyến đi Ấn Độ, mình chọn đọc cuốn “Lịch sử văn minh Ấn Độ” của Will Durant (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê), và càng đọc càng choáng váng.

Nếu có xuất phát điểm là ham đọc về triết, thì tất yếu sẽ đi đến cái “đỉnh cao muôn trượng” là đọc về những giải thích rất rõ ràng và khoa học của Đạo Phật. Nhưng chỉ qua cuốn sách “Lịch sử văn minh Ấn Độ” của Will Durant, chúng ta đã bắt đầu lờ mờ và dần khái quát được về Ấn Độ, từ con người đến lịch sử, đến tư tưởng và cách sống. Và đùng cái phát hiện ra rằng, Đạo Phật đạt được những đỉnh cao tuyệt vời về triết học như thế, chính vì cả nền tư tưởng Ấn Độ từ cách đây hàng nghìn năm, đã ở một mức phát triển tuyệt vời của Hinđu giáo và Bàlamôn giáo.


Mình thì là một tay lang thang – cái đó rõ rồi, thích ngó nghiêng, mò mẫm cả những chỗ ít người hay mò. Và việc đầu tiên làm ở Ấn Độ, là mò mẫm và ngó nghiêng… Ở Ấn Độ, thích nhất là chúng ta có thể trò chuyện với bất cứ ai không phải phụ nữ, bằng tiếng Anh. Về tiếng Anh thì hầu hết mọi người Ấn Độ đều có trình giỏi như chúng ta, còn tất cả những người Ấn có học thức, chỉ cần hết phổ thông thôi, đã ăn đứt chúng ta rồi, nên chẳng phải lo khâu giao tiếp. Chính xác là mình chỉ mới nói chuyện với vài bà cụ, và phụ nữ thì hai ba cô gì đó, đều rất xinh, nhưng là các nhân viên làm cho các công ty du lịch. Còn phụ nữ bình thường, thì khó bắt chuyện. Ngược lại, đàn ông Ấn Độ thì khá cởi mở và dễ bắt chuyện. Họ có vẻ tò mò và thích tiếp xúc với một thằng cha Đông Á cũng tò mò không kém. 

Toa tàu cho phụ nữ

Anh chàng đeo kính kia rất quan tâm đến "chếnh t'rệ"

Ông trưởng tàu
"Elite" là phải đi toa hạng nhất
... bình dân thì đu cửa tàu...


Để lọ mọ trong thành phố, mình chọn xe tuk-tuk và đi bộ, còn đi xa hơn, đến cuối thành phố và thậm chí đi ra thành phố khác, mình chọn đi tàu hỏa. Cũng đi ra ga, xếp hàng như ai. Mua cái vé 5 rupi là có thể đi lung tung. Mình ung dung cầm cái vé và lên toa ngồi – gặp ngay một ông trung niên đeo kính cận tên là Kumar, rất trí thức. Nói chuyện một lúc, ông ấy bảo là đến ga tới, nên chuyển toa phía sau, vì vé 5 rupi là hạng hai, còn đây là toa hạng nhất. Suýt thì ngất, vì hạng nhất cũng chỉ như cái tàu chợ nhà ta thôi. Vì “tự giác như người Nhật”, mình cũng chuyển sang toa sau và đúng thật: cả một toa đàn ông rất bình dân. Ngồi cạnh một anh chàng nhân viên văn phòng khoảng 30 tuổi tên là Kumar và rất quan tâm đến “chếnh t’rệ”. “Việt Nam các anh là anh hùng lắm, đánh được cả Mỹ; đang xây dựng xã hội chủ nghĩa” – ái chà cái thằng này, cũng nắm được lịch sử của chúng tao đến tận những năm 1980 cơ à… cậu ta rất quan tâm đến chính sách của Hoa Kỳ, đến cuộc chiến chống “kủng bố” và có vẻ rất yên tâm với mức lương khoảng 300 đô-la Mỹ của bản thân. Buồn cười nhất là lên một toa toàn phụ nữ, họ rất ngạc nhiên, tò mò nhìn, và... thôi không nhìn nữa. Hóa ra phụ nữ ngồi một toa, đàn ông ngồi một toa, không ngồi chung.

Gì chứ tè bậy là chuyện
thường ngày ở huyện
Trước đây mình có đề cập một chút đến một “chú cò” trong bài “Cái cò, cái vạc, cái nông”. Chú đó cũng tên là Kumar. Ấn Độ cũng như ta, cũng có cò có kè, nhưng nhìn chung là hoạt động đơn lẻ, không có băng đảng bầy đàn và khá hiền lành. Người hung dữ có khi là mình ấy chứ… Cả hai ông “xe ôm” tuk-tuk cũng đề nghị chở đi những cửa hàng đồ lưu niệm mua cái nọ, cái kia, nhưng không ráo riết lắm, nếu không thích thì cũng không cưỡng ép.

Đọc hai bài “A passage to India – Đền Hindu ở Chennai” ở đâyở đây.

Mình cũng thích mò mẫm vào những khu nhà rất lụp xụp như ổ chuột ấy của thành phố, nơi mà người dân họ sống theo một phong cách cực kỳ tự nhiên. Chúng ta có thể gặp một gia đình Ấn Độ sinh sống ở một góc quây quây những miếng bìa ở vỉa hè, hay công viên… chúng ta có tò mò nhìn đến mấy, họ vẫn thản nhiên sống, chẳng có vấn đề gì hết. 

"Con gái ở trường có vấn đề..."
Đi bộ cũng thích, nhưng có lần mình thuê một chiếc Tata bé tí như cái Matiz của ta để đi đến đền Mahabalipuram – một di tích mới được phát lộ sau trận sóng thần năm 2004 (tác dụng tích cực duy nhất của trận sóng thần) các trung tâm thành phố Chennai 60 cây số. Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem chúng ta ngồi lái một cái xe mà không có gì trước mặt cả: vô lăng, các pêđan ga, phanh, côn… trống trơn – vì nó nằm bên kia, trong tay người lái xe. Chiếc xe lao vun vút phía bên trái con đường y như lao vào đường ngược chiều bên ta vậy, còn chúng ta thì rúm ró với cảm giác bất lực… Vậy người lái xe thì sao? Anh Kumar này một tay lái xe, một tay cầm điện thoại và liên miên chửi mắng một ai đó bằng tiếng Hindu hay Tamil gì đó ở đầu bên kia. Thỉnh thoảng để tăng sức thuyết phục, anh ta bỏ nốt cả cái tay cầm vôlăng và vẽ vào không khí… Dừng cuộc gọi, một cách lễ phép, anh ta quay cả người sang phía ông khách Đông Á mà anh ta vẫn tưởng là người… Nhật Bản, để tay lên ngực và cúi người mà rằng: “Xin lỗi ông, con gái tôi đang có vấn đề ở trường…” “Ồ không sao, việc cần thì cứ giải quyết!” và anh ta lại tiếp tục gọi. Hết cuộc gọi, lại xin lỗi… lễ phép đến mức quay cả người mà không thèm nhìn xe ngược chiều đang lao thẳng vào. Mình sợ líu lưỡi lắp bắp bằng tiếng Việt “thôi bố ơi, nhìn đường hộ cái!” Anh ta nhận ra vẻ sợ hãi của ông khách, cười và quay ra lái xe tiếp…

Kumar đeo kính kia là cựu sinh viên xã hội học
Với khách “Nhật Bản đểu”, nhìn chung những anh chàng Kumar này rất lễ phép và dễ chịu. Mình có nói chuyện băn khoăn với một anh Kumar trước là sinh viên xã hội học, đang ngồi chữa xe ở dọc đường về nạn cưỡng hiếp phụ nữ (cả phụ nữ Ấn, chứ không chỉ khách nước ngoài) trong khi Ấn Độ là một nước có tôn giáo, tư tưởng phát triển lâu đời. Anh ta nói, có nhiều yếu tố - như ở Ấn thì “loại hình kinh doanh” mại dâm không phát triển lắm này, rồi phụ nữ Ấn cũng kín đáo hơn các dân tộc khác này, rồi đàn ông Ấn cũng là một giống người khỏe về tình dục này…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment