Monday, March 24, 2014

Cảm ơn hay xin lỗi?

Ngay hôm đầu tiên xem video vụ “vượt suối công nghệ túi nilông” mình đã băn khoăn – liệu cái túi có chịu được cả một người nặng mấy chục cân không nhỉ? Trẻ con thì trẻ con, nhẹ thì cũng phải hai yến, còn đứa cấp hai bét nhất hơn ba chục cân… Nhà khoa học thực nghiệm lướt mắt nhìn khắp nhà và dừng lại ở cái túi nilông dày ịch vẫn dùng đựng chăn đệm và… thằng cu con học lớp Ba, nặng 34 kílô. Hay đưa hai “vật thể” này ra bể bơi nhỉ?

Khi người ta thử nghiệm máy bay, người ta dùng một thiết bị là “ống khí động”, máy bay được làm ra một cái mẫu giống hệt như thế, cho vào trong ống và thổi qua một luồng khí, với những điều kiện giống hệt như nó đang bay trên trời, và đo đạc… làm như thế rẻ hơn nhiều và cũng đỡ nguy hiểm hơn nhiều. Nếu như ấn thằng cu con, mặc dù bơi như cá và nhịn thở rất tốt rồi – vào trong túi nilông rồi thả xuống bể bơi, nghe chừng tiềm tàng rủi ro lớn quá. Ta chuyển sang chiêu “ống khí động” vậy. Bây giờ ở thành phố các nhà đều ăn ít gạo hơn trước nhiều, nên chuyện đựng gạo bằng bao tải, cũng không còn nhiều nữa, thay vào đó đi mua lắt nhắt vài cân vài cân một, hàng gạo cho vào túi nilông – nặng thì thường lồng vài lớp. Nếu chỉ một lớp, chúng ta sẽ phải bê từ cái đáy túi, chứ xách lên là bục ngay. Nhà khoa học thực nghiệm tìm cái quả tạ gang 3 cân và cái túi nilông thật mỏng, cho vào. Nếu xách thẳng thừng lên, rách toạc, nhưng nếu bó bó lại, cầm trực tiếp vào quả tạ thì vô tư, trong không khí còn được, nữa là cho xuống nước, có thêm cả ông Ácsimét hỗ trợ, không rách túi được đâu.

Xem lại video thấy cái bác “người vận chuyển” cũng túm túi lại rồi bế cháu lên, từ từ thả xuống chứ không xách uỵch phát lên… câu trả lời đây rồi. Nhìn chung, cái túi nilông hoàn toàn có thể chịu được.

Mình theo chủ nghĩa thực chứng là thế - thử được nhìn thấy thì tin. Vì thế đây là câu trả lời cho những người còn chưa tin vào “công nghệ vượt suối túi nilông” – tưởng như khó tin nhưng hoàn toàn có thể.

Hôm qua đọc được trên mạng có mấy ông lão “cắm” cả sổ đỏ nhà để làm cầu cho dân đi – công quả khác gì Bin Ghết đi làm từ thiện châu Phi đâu. Nếu như chúng ta là dân lang thang rừng núi nhiều, va chạm với chính quyền địa phương nhiều, sẽ biết cái cầu qua suối cho bà con, thường chủ đầu tư là Ủy ban nhân dân cấp Huyện – mà cấp huyện thì phụ thuộc cấp trên nào đó về tiền. Và thế là hình thành cái cơ chế vô hình – Huyện là chủ đầu tư, tự lập dự án, lên thiết kế dự toán… và bằng một quan hệ vô hình nào đó, “hê” cái dự án đó ra cho một ông tổ chức / tư nhân nào đó. Ông này lại cong đuôi chạy lên trung ương xin vốn, bất kể nguồn nào cũng được, miễn là xin được, và nghiễm nhiên ông đó sẽ là chủ thầu của công trình xây dựng đó… nhiều khi ông đó lại không đủ năng lực thi công, thì lại phết phẩy sang ông khác mà ăn chênh lệch… mỗi nơi một tí, chất lượng công trình không đảm bảo, đứt cáp lật cầu treo là chuyện bình thường. Cũng có khi với các công trình giao thông nông thôn thì tỉnh cho được món gì đó, ví dụ tỉnh có nhà máy xi măng thì cho xi măng, có thể kết hợp thêm nguồn vốn xã hội hóa (bà con đóng góp, doanh nghiệp tài trợ…) nhưng nhìn chung, “câu chuyện cơ chế” là như thế.

Vì thế rất nhiều trường hợp dự án cầu đường thì có từ tám mươi đời, nhưng bà con vẫn đu dây và bơi túi bóng là như thế, cơ chế của ta quá khủng khiếp để có được một công trình sớm sủa cho bà con.

Cũng vì thế mà nhờ có cái túi nilông lên internet, ngay lập tức bà con có cái cầu ba tỉ mấy, sếp Thăng ký cái rụp. Nhưng, vẫn là nhưng – chuyện mấy ông lão kia đã dẫn đến thông tin thứ trưởng bộ Giao thông bẩu đâu như ở Nam bộ còn cần đến 1200 cái cầu như thế. Sếp Thăng mà rụp rụp rụp 1200 cái cầu thế cũng mỏi tay ra phết… Sếp ký cái rụp ghi bàn thủng lưới thằng cơ chế chỉ bằng ba tỉ mấy tiền của Bộ Giao thông đồng thời ghi điểm vẻ vang luôn – HAI – KHÔNG, tỉ số nghiêng về anh Thăng. Cú “một – không” Chu Va, bà con còn chưa hoàn hồn.

Thế thì khỏi tranh cãi về “anh Thăng cần cảm ơn hay xin lỗi cô giáo Tống Thị Minh?” – anh ấy cảm ơn là đúng rồi còn gì, chuyền quả bóng đẹp thế! Nhà văn Phạm Ngọc Tiến thì gọi là “ông Thăng cầu treo”; dưng nếu kỳ tới anh Thăng mà nên cơm nên cháo, thì mình đề xuất tên âu yếm của anh ấy phải là “anh Thăng túi nilông”, hi hi…


Công nghệ chạy vốn dự án cũng bước sang một giai đoạn mới – giai đoạn “công nghệ túi nilông”. Bộ Giáo dục Đào tạo cùng Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch nên khẩn cấp xây dựng tiêu chuẩn huấn luyện viên, trong đó những “người vận chuyển” của xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên sẽ được đào tạo khẩn cấp để trở thành các huấn luyện viên chuyên nghiệp để “nhân rộng phong trào” vượt suối bằng túi nilông, chỉ cần vượt suối vài trường hợp là sẽ được xây cầu ngay lập tức! Đồng thời, ASIAD 2019 dự định tổ chức ở Hà Nội nên đưa vào môn “Vượt suối bằng túi nilông” mà Việt Nam ta chắc chắn là thế mạnh. Lợi ích kinh tế - xã hội và cả văn hóa, thể thao của “công nghệ túi nilông” là không cần phải bàn cãi.

Nốt này. Tối qua chát với anh Văn Thành Nhân, hẹn tuần này qua anh ấy chơi – nhà anh ấy đâu như ở chợ Bắc Qua. Tiện quá đi, ta tạt qua Hàng Chiếu nghiên cứu mua vét luôn toàn bộ túi nilông cỡ chăn bông, kỳ này, túi có mà cháy hàng…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment:

  1. Ngẫm nghĩ một chút về vụ qua suối bằng túi nilông của bà con trên Điện Biên – và sau đó nhận được phản hồi về việc cư dân trên mạng “chém” vụ đó dữ quá. Nào là “bịa đặt”, “cô giáo tóc vàng, áo da báo”…
    https://www.facebook.com/kouzmic.serguei/posts/770092216342250
    Chúng ta không có ai hiểu biết hơn ai, nhưng chúng ta nên có cái nhìn độ lượng và nếu chưa rõ, thì nghe người khác, nghe nhiều tai nhiều chiều, sẽ rõ hơn. Cách nghĩ chỉ cần đơn giản vậy thôi. Ở trong đoạn video “túi nilông vượt suối” có thể nói đó là con suối đang có lũ, chứ trước đó thì người ta đi bộ qua suối, có đá lổn nhổn thì có khi còn không ướt chân. Đến lúc có lũ thì vẫn là lội qua thôi, chứ xem trong đó ông bác “người vận chuyển” kia có bơi gì đâu? Và lũ vùng cao, sang chưa chiều có, chiều có sáng mai hết là chuyện bình thường; chuyện ở đây có thể có “rùng rợn kịch tính hóa” một chút vì nếu cô không qua thì các cháu nghỉ, mai lũ rút cô qua bình thường… vậy thôi. Còn việc cô “tóc vàng áo da báo” thì ai chẳng có quyền làm đẹp nhất là phụ nữ, càng phải đẹp. Cô giáo vùng sâu vùng xa, lương còn cao hơn miền xuôi, mà tiêu pha thì không có nhiều… trên đó không hẳn là khó khăn về vật chất, mà khó khăn là cái việc mang được “vật chất” lên vùng cao.
    Viết cái này để chốt cho vụ “túi nilông”, anh Đinh La Thăng đã có cơ hội tốt để ghi điểm cho sự nghiệp chính trị bản thân, đồng thời bà con có cái cầu để đi, cả hai việc đều tốt, cái gì tốt, thì ta khen tốt. Tốt thế nào, tốt đến đâu xin đừng lăn tăn, cứ “có lợi cho dân cho nước là nên làm”. Và cũng vì thế, nhìn sự việc đừng trang bị sẵn tư duy ác ý, “chém” cho vui nhưng là “chém” vào tim người khác.

    ReplyDelete