Monday, July 21, 2014

Tại sao cứ nhất thiết phải là “tình báo Nga”?


Chiếc máy bay thứ hai của Hàng không Malaysia rơi chỉ trong vòng năm tháng, đưa số nạn nhân của hai vụ tai nạn lên đến ngót 600 người, thật là một thảm họa đối với Hàng không Malaysia nói riêng và thế giới nói chung.

Cả hai vụ, đều kéo theo một cơn bão thông tin, truyền thông trong dư luận thế giới. Một vụ thì máy bay biến mất đem theo vài trăm người Trung Quốc trên khoang, và ngay lập tức bị gắn với âm mưu khủng bố của người Hồi Giáo Tân Cương. Lần này, máy bay bị rơi ở vùng chiến sự đông Ukraine lại càng làm tình hình trở nên nóng hơn, và nếu bình tĩnh suy nghĩ một chút, chúng ta thấy có rất nhiều điểm đáng ngờ trong chuyện này.

“Ai bắn máy bay?” “Ai có lợi và ai lâm vào thế bất lợi sau khi máy bay bị bắn rơi?” – đó là những câu hỏi được hỏi nhiều nhất. Điểm băn khoăn đầu tiên của vụ này, dường như phía Ukraine đã khá nhanh chóng đưa ra những bằng chứng, những cáo buộc… cho lực lượng li khai và đổ tội cho cả phía Nga “chống lưng” cho lực lượng này trong vụ việc. Một mạch logic rất rõ ràng: sau những sự kiện Nga sáp nhập Crưm, rồi một loạt các thành phố phía đông Ukraine đòi độc lập và li khai khỏi Ukraine “có Nga đứng đằng sau”, ngay cả Phương Tây từ trước đến nay cũng cáo buộc Nga như thế.

Chúng ta đều hiểu, nếu Nga đứng đằng sau chuyện này và sự việc bị chứng minh, thì hậu quả của nó là nghiêm trọng, và Nga sẽ bị đẩy vào thế bất lợi. Do đó, không có ông Putin nào, hay cơ quan tình báo Nga nào lại dại dột đến cỡ đó – tổ chức bắn hạ máy bay hành khách. Nếu như cho rằng họ cần đất, và cần một Ukraine bất ổn, thì họ đã đạt được mục tiêu rồi, và cái mà Nga cần bây giờ là sự ổn định và vững chắc về vị thế - cái vị thế vốn đang dần bị Phương Tây xiết chặt lại. Với Nga, đây là một việc không mong muốn.

Hoặc nếu Nga đứng đằng sau vụ này, thì mục đích của họ hoàn toàn không thể hiểu nổi với những người bình thường như chúng ta.

Một băn khoăn thứ hai, là nếu đổ tội cho quân li khai đông Ukraine, thì liệu họ có thể sử dụng hệ thống phòng không đó một cách hoàn hảo đến mức bắn hạ được máy bay hành khách ở độ cao mười mấy nghìn mét như vậy? Với những thông tin trên internet mà tìm hiểu, thì ở mức độ “du kích”, tầm cao xạ kích hữu dụng của hệ thống chỉ là 6000 mét, còn với một mục tiêu như chiếc MH17 thì phải là lực lượng phòng không của quân đội chính quy. Mach logic ở đây vẫn là “bàn tay của tình báo Nga” đứng đằng sau lực lượng li khai để bắn máy bay. Nhưng chính cái mach logic này lại đẩy chúng ta vào ngõ cụt của câu hỏi trên đây: Nga có lợi gì với cái máy bay rơi tai tiếng, đình đám và thê thảm này? Không có lợi gì cả, ngoài những thiệt hại nhỡn tiền.

Đường bay của KAL-007
vào không phận Liên Xô 
Vậy thì còn một lực lượng nữa có thể bắn được máy bay một cách chính xác như thế - quân đội Ukraine! Bắn máy bay, thế lực thân Phương Tây của Ukraine có lợi. Chúng ta thử nhìn lại những sự kiện quốc tế từ tháng Hai đến giữa năm nay: tháng Hai tổng thống Hoa Kỳ có chuyến công du Châu Á, mà kết quả quan trọng nhất của chuyến đi là quan hệ hợp tác chiến lược Hoa Kỳ - Malaysia, thì khoảng ba tuần sau xảy ra vụ máy bay MH370 mất tích. Số đông hành khách trên máy bay này là người Trung Quốc. Với Hàng không Malaysia một chiếc máy bay đã có hợp đồng bảo hiểm, với Trung Quốc, mạng người không là gì đã là truyền thống nghìn năm… nhưng nếu chứng minh được có người Hồi Giáo Tân Cương đứng sau vụ này để khủng bố, thì chỉ có nhà cầm quyền Trung Quốc là có lợi. Tiếc là những thông tin xung quanh nó còn quá nhiều điều không rõ ràng, nên chẳng ai chứng minh được điều gì cả. Lần này, chiếc MH17 làm chúng ta đặt câu hỏi, “Tại sao cứ phải là Hàng không Malaysia?”

Năm 1983, một máy bay của Hàn Quốc bay từ New York về Seoul lạc sang không phận Liên Xô đến 500km, bị máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn hạ. Tổ lái đã “phớt lờ” các cảnh báo của Liên Xô thậm chí ngay cả sau khi bị bắn cảnh cáo. Tại sao lại có hiện tượng kỳ lạ đến như thế, đem tính mạng tổ lái và hàng trăm hành khách, bay “diễu hành” vào chỗ chết? Nhưng thời điểm đó chính là thời điểm đỉnh điểm của cuộc chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, và chính đây là sự kiện được coi là bộ phận quan trọng của cuộc chiến tranh lạnh đó. Sau sự kiện, người ta còn nói rằng trên chiếc máy bay đó có những thiết bị do thám của tình báo Hoa Kỳ muốn do thám tình hình bố phòng quân sự của Liên Xô ở vùng Viễn Đông. Đó cũng là quãng thời gian mà các nước xã hội chủ nghĩa cứ một năm lại quốc tang một lần do Đảng Cộng sản Liên Xô phải thay tổng bí thư mỗi năm một lần vì… chết già! Lúc chiếc KAL-007 bị bắn hạ, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô ông Yuriy Andropov rất yếu, và bị cho rằng có nhiều quyết định không tỉnh táo và sáng suốt. Sự kiện đã kéo theo những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cho Liên Xô trên trường quốc tế cũng như về chiến lược quân sự: một chiến dịch truyền thông rầm rộ được phát động để chống Liên Xô, một loạt các biện pháp trừng phạt về kinh tế thương mại, như Hàng không Soviet Aeroflot bị cấm hạ cánh ở nhiều sân bay Hoa Kỳ… và quan trọng nhất là việc triển khai tên lửa Pershing II của Hoa Kỳ tại Châu Âu, hướng về Liên Xô và các nước thành viên khối Vacsava…

Chiếc KAL flịght-007
Cả Hàn Quốc lẫn Malaysia đều là các đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ vào từng thời điểm. Và cả hai đều chủ yếu sở hữu máy bay Boeing của Hoa Kỳ! Đó có thể chỉ là những sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay lịch sử đang được lặp lại? Kịch bản hoàn toàn có thể là NATO đưa quân vào Ukraine để “dẹp loạn”, một hàng rào quá đẹp cho họ được dựng lên ở Đông Ukraine mà Nga không thể ngăn chặn… để đạt mục tiêu này, chứng minh lực lượng li khai bắn máy bay MH17 đã là quá đủ. Còn nếu chứng minh được Nga đứng sau, thì lại là cả những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn nữa? Trên thực tế, để chứng minh bắc cầu đến kết luận này không khó, vì sẽ có lý lẽ kiểu “lực lượng li khai không thể vận hành được hệ thống phòng không Buk nếu không có hỗ trợ kỹ thuật từ Nga”. Nếu theo dõi truyền thông Nga trong những hôm vừa rồi thì chúng ta có cảm tưởng, Nga bị động và đang lúng túng trước diễn biến của tình hình, còn Phương Tây thì lại rất nhanh nhảu trong việc đưa ra cáo buộc Nga (dù hầu hết chưa khẳng định 100%) đứng đằng sau vụ việc này, còn các thông tin nào là “lộ clip giàn Buk được chuyển từ Nga sang” và “Ba giàn Buk tháo chạy về Nga sau khi bắn…” được lộ dần một cách có chủ ý.

Người đời có câu rằng “Cái gì không thể mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền”, điều này có thể không sai với lực lượng li khai ở Đông Ukraine. Vậy thì tại sao họ có thể được tài trợ bởi Nga, lại không thể trở mặt nhận tiền của “một ai đó” khác, với một con số “khủng” hơn rất nhiều? Đâu cứ phải nhất thiết là toàn bộ lực lượng đó phải trở cờ, mà chỉ một vài nhân vật quan trọng thôi, và có thể thực hiện được một kế hoạch hoàn hảo như thế? Mối dây “chính quyền Ukraine – tình báo nước ngoài – lực lượng li khai” dường như trở nên logic hơn bao giờ hết…

Băn khoăn chỉ là băn khoăn, chỉ có gia đình các nạn nhân là sống với sự đau thương mất mát không gì bù đắp nổi.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment