Friday, July 25, 2014

Tu tu xình xịch

Lần đầu tiên đi tàu hỏa thì bé quá, không nhớ được gì, chỉ nhớ hồi đó có hai lần được mẹ đưa xuống Hòn Gai chơi với bà dì ruột dạy học ở đó, một lần đi tàu hỏa xuống Hải Phòng rồi đi tiếp canô ra Hòn Gai, lần thứ hai thì không mua được vé tàu phải đi ô tô khách từ Bến Nứa, qua cầu Long Biên, cầu Đuống…

Lần thứ hai, đi tàu hỏa vào Sài Gòn khi đất nước vừa thống nhất được 4 năm. Lúc đi, được đi tàu nằm, chẳng hiểu làm thế nào mà mẹ mình mua được vé, vốn rất khó vào thời đó. Lúc này thì tàu hỏa mới có thể ghi lại những ấn tượng sâu sắc cho mình, có lẽ là tuyệt vời nhất trong cuộc đời đi tàu hỏa.

Bước chân lên toa tầu – thấy người lớn bảo của Ấn Độ sản xuất rồi viện trợ cho ta, một đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, thấy choáng váng vì nó to và rộng rãi quá. Các cupê không hiểu sao nó rộng lắm, bốn giường mà rộng thênh thang chứ không như bây giờ, các giường nằm chật cứng. Không hẳn là bé con thì thấy cái gì cũng to đâu, rõ ràng là hình như nó to hơn thật đấy, vì bây giờ, thằng bé lớp ba con nhà mình bằng đúng bố nó thời đó, cũng không to cao gì trong lớp, nhưng nằm thấy chật chật cái giường. Toàn bộ trong toa tàu Ấn Độ, dán lớp phoócmica giả vân gỗ nâu bóng loáng, nằm bên giường bên này, soi gương bên giường bên kia được.

Lúc tàu còn đỗ trong sân ga, ngồi nhìn sang đoàn tàu bên cạnh có một vài toa gắn cái huy hiệu măng non, “đoàn tầu kế hoạch nhỏ” đây mà – mình cũng có công lao trong đó đến mấy cân giấy vụn chứ đùa à… tiếc là không được đi cái tàu đó nhỉ. Thật ra may mà không được đi, chứ đi thì có mà xóc tung lên tận nóc toa. Toa Ấn Độ là ngon lành nhất rồi.

Tàu chạy mất bảy ngày, bảy đêm. Trong đó có rất nhiều hôm, buồng tàu chỉ có hai mẹ con, vắng tanh vắng ngắt, chẳng hiểu sao lại như thế, trong khi các toa ghế ngồi thì cứ đông như kiến, chật cứng người. Bộ đội vẫn rất đông, đi ra đi vào trên các chuyến tàu. Cũng là lần đầu tiên được đi dọc đất nước, cặp mắt tròn xoe nhìn đoàn tàu cong cong, cái đầu tầu hơi nước đen thui ở đầu đoàn, cuối đoàn có thêm cái nữa gồng mình ủn đít, leo lên đèo Hải Vân. Ngửng nhìn lên trên, xe khách xe tải, chỉ bé như những bao diêm, ì ạch chạy trên đường đèo, cao tít. Nhìn xuống, nước biển xanh ngăn ngắt như bám lấy chân núi, sủi bọt tạo thành một đường viền trắng như cái riềm đăngten, thật hấp dẫn. Núi rừng Hải Vân vẫn hoang sơ, cây cối rậm rạp xanh mướt mát… đây đó vài cái xác xe ô tô nằm chỏng gọng, cả xe quân sự từ thời chiến tranh, cả xe khách mới lộn xuống trong những năm sau thống nhất. Bây giờ thì không bao giờ còn tồn tại được lâu lâu những xác xe như thế, người ta sẽ tìm cách câu lên bằng được mà cân sắt vụn. Thỉnh thoảng, đang ngắm cảnh thấy trời đất tối sầm, là tàu đi vào trong hầm núi, trẻ con hét lên, người lớn trầm trồ thú vị.

Ga Đà Nẵng, tàu sẽ phải đỗ khoảng nửa ngày là ít nhất, để làm đủ các thứ chuyện, như đổi đầu tầu. Thấy bảo từ đây trở đi, đã là những người lái tàu khác, đầu tầu cũng khác… nên thủ tục hành chính, giấy má kí kọt là cứ phải từ từ. Khách cũng xuống ga đủ thời gian để đi mua nước tắm sau ba ngày ròng rã ngồi tàu hỏa mùa hè. Thậm chí có người còn đủ cả thời gian mò vào thành phố thăm bà con không biết chừng… Mình đói quá, mẹ mua cho một bát phở cho vào cái hộp nhựa mang theo từ ở nhà, một bát phở Ga Đà Nẵng ngọt lừ những đường và có cả giò lẫn chả trong đó.

Từ Đà Nẵng trở đi, đang đi ở cuối tàu, lại trở thành đầu tầu. Đầu tầu hỏa được móc vào đằng kia, lôi đi tiếp. Người lớn bảo, đường sắt vào Ga Đà Nẵng là đường cụt, nên không lôi đi tiếp được mà lại lôi ngược ra ngoài, chạy tiếp. Ông anh họ kể trong chuyến đi trước, rằng qua Đà Nẵng vào buổi tối, nhìn vào bán đảo Sơn Trà sáng như sao sa, thật là cảnh trong mơ… mình thì thấy Đà Nẵng vào ban ngày, đã gặp những đứa trẻ chỉ xêm xêm tuổi, chân đất, da đen, làm đủ các thứ việc gì đó để kiếm sống ở ngoài ga, những thứ mà mãi sau này ở ngoài Bắc mới thấy.

Vào đến Đà Nẵng đã tư bản chủ nghĩa lắm rồi.

Thỉnh thoảng, đoàn tầu lại dừng lại ở một ga nào đó, và đỗ ở đó vài tiếng đồng hồ. Gọi là ga, nhưng nhìn xa xa là những vùng đồi đất đỏ, còn xa nữa là những dãy núi xanh mờ, Trường Sơn đấy. Tàu đỗ chờ tàu tránh trong Nam ra, nhưng tàu trong Nam thì bị sự cố sao đó, chẳng ra gì cả… và ta cứ chờ. Mẹ mua cho một miếng dưa hấu, dưa hấu miền Trung kiểu gì ít hạt mà cứ ngọt lịm đi… ăn xong, ném vỏ luôn xuống đường tầu.

Lần đầu tiên được nghe những cái tên lạ tai ghê gớm: Ga Truồi (Bình Trị Thiên), Ga Gà (Quảng Ngãi), Sóng Thần… Ở Ga Gà, mẹ mua một con gà béo quay, đến lúc mở nó ra, thấy có một khúc đọt chuối chống ngang ở trong bụng, lấy ra thì con gà gày quắt đi, rất thảm hại, và một màu vàng vàng dính vào tay như phẩm, không ăn được. Nhìn con gà mẹ vứt dưới bánh xe tàu hỏa mà thảm hại, dúm dó… từ đó mình rất sợ cái tên “Ga Gà” như biểu tượng của sự lừa lọc… có biết đâu sau này, làm rể Quảng Ngãi, hì hì…

Lúc đi ra Hà Nội, vì không mua được vé tàu nằm, khó khăn lắm mẹ mới mua được vé tàu ngồi, và cuộc hành trình lại bước sang một sắc thái hoàn toàn khác. Biết bao khuôn mặt lạ lẫm vây xung quanh, với trẻ con, đó là một cảm giác bất an khi mà cái ấm cúng trong môi trường nhỏ hẹp đã bị mất đi. Chỉ sau một ngày, dần dần lại cảm thấy thân thuộc với những khuôn mặt đó. Gần như tất cả những người trên tàu đi ra, là người Bắc vào thăm miền Nam lần đầu tiên sau thống nhất, nên mang theo biết bao câu chuyện những ấn tượng đầu tiên, mạnh mẽ về một thế giới khác. Và cũng có nhiều người vẫn còn muốn xem lại cảnh thiên nhiên tuyệt vời của Đèo Hải Vân một lần nữa. Với những chiếc mũ bò Levi’s mới mua ở chợ Bến Thành, họ thò đầu ra ngoài ngắm cảnh, và khi toa tầu vừa thoát khỏi đường hầm ra ánh sáng, thì cái mũ trên đầu họ biến mất. Một thanh niên dáng cao cao, tay trái đã cầm một chồng mũ, cứ nhảy lên một cách nhẹ nhàng, là tay phải đã có thể “vớt” được một chiếc mũ như thế rồi. Mình quay đầu nhìn lại cùng với “nạn nhân”, vẫn còn bàng hoàng như bây giờ vừa mất cái iPhone 5 vậy – còn thấy anh thanh niên kia tươi cười, nhìn theo, ý chừng như cảm ơn vậy.

Đó, ấn tượng của người miền Bắc với “miền Nam tư bản chủ nghĩa” còn là như vậy. Không rõ ở miền Bắc hồi đó đã có cảnh giựt dọc ngang nhiên như thế chưa, nhưng những người thanh niên người Huế, người Đà Nẵng… đó, đã để lại những ấn tương không dễ phai mờ, hoàn toàn không đẹp, đến mức choáng váng.

Đến tối, người đi tàu nằm la liệt trên ghế, dưới lối đi và mắc rất nhiều võng trên các giá để hàng… một lần quãng miền Nam Trung Bộ, có một cô trạc tuổi mẹ, bị ném một hòn đá lên tàu chảy máu đầu, ngất tại chỗ. Vài hôm sau, đoạn miền Trung, đoàn tàu phải dừng lại cả nửa ngày vì có một người hành khách lậu vé, ngồi trên nóc tầu và bị một cái cầu đường sắt thấp quá, gạt chết. Thấy bảo cái đầu của ông khách nông dân miền Bắc ấy, bị nát bét, toa đó máu chảy tong tỏng xuống cửa sổ… 

Thành phố Sài Gòn, hay thành phố Hồ Chí Minh thật là lạ lẫm, xe máy chạy đầy đường, chứ không phải như Hà Nội hay Hải Phòng toàn xe đạp. Người dân mặc đồ dệt kim nhiều hơn ngoài Bắc, chứ không như ngoài Bắc toàn mặc đồ vải may. Quần áo cũng nhiều màu sắc hơn, chứ không đồng phục công nhân xanh, bộ đội lá cây, sinh viên áo trắng hoặc xanh trứng sáo quần tím than…  Lần đầu tiên nhìn thấy những ông da đen cười nhe răng trắng lóa trên biển quảng cáo kem đánh răng Hynos (trong khi ở miền Bắc đánh bằng một thứ bột như vôi, còn đây là tuýp kem bằng kim loại rất đẹp và thơm), lại cũng lần đầu tiên nhìn thấy dòng chữ Coca Cola, nhưng làm gì còn nữa mà uống, chỉ thấy các anh chị họ gọi là “xá xị”, mà cơn bão hàng loạt những từ ngữ lạ lẫm ập đến: “hết xảy”, “xịn”, “dzé xó, chiều xỏ…” (vé số, chiều xổ), “ai cà-rem đây!...” Những chiếc xích lô đạp nhỏ hẹp cao lênh khênh, những chiếc xích lô máy nổ phành phạch với cái bình xăng tròn như quả trứng vẫn còn mờ mờ chữ SACHS… Lại còn những cái xe lam (Lamboro) chạy đầy đường, chở đầy oặc các bà đi chợ mặc áo bà ba, lạ thế, cả những người có tuổi còn mặc áo xẻ hai bên hở cả cái mạng mỡ đen xì xì… Lại choáng váng vì mẹ định mua một hộp kem hay phấn gì đó trong chợ Bến Thành, người bán cố tình đụng vào tay cho rơi xuống đất và ầm ĩ lên bắt mua, thái độ chỉ muốn đánh khách đến nơi rất sợ… Ở nhà một bà bác ngay Quận 1 được vài ngày, chuyển xuống nhà bà bác khác trên đường Xô-viết Nghệ Tĩnh, sát sông Sài Gòn, quận Bình Thạnh bây giờ ấy, mà cứ như quê, với cả cái ao to có bao nhiêu là dừa vòng quanh. Ông bác ấy là cán bộ miền Nam tập kết, sau thống nhất vào Nam luôn giữ chức vụ gì đó to lắm, nên mua cái nhà cũng rõ đẹp trong một cái vườn to gần xí nghiệp nơi ổng làm giám đốc. Nhà của một người nào đó đã bán rẻ để trốn đi nước ngoài, vừa làm xong trước năm 1975, đến gạch lát cũng nhập khẩu, bóng loáng, nằm đến mát…

Lúc đi ra, đi tàu ở ga Bình Triệu, cái xích lô máy leo lên cầu đến khỏe và nổ rõ to. Nhìn xa, cầu vổng lên cao vút, lúc lên cầu, thấy độ dốc của nó, bình thường thôi...


Ra Hà Nội với một đôi dép Sambo, một cái mũ bò Levi’s (không bị giật mất ở Đèo Hải Vân), thằng bé đi học, lộp bà lộp bộp diện nhất trường.

Bẵng đi một thời gian dài, chẳng đi đâu đến tàu hỏa, mãi đến những năm 1990 đi vài cung ngắn, như Sầm Sơn đi tàu Thanh Hóa, Cửa Lò đi tàu Vinh… mãi đến 2006 mới đi tàu Bắc Nam lần thứ hai, đưa em trai vào Sài Gòn nhập học, và 2008 đi Đà Nẵng. Lại thêm những choáng váng mới vì ngành đường sắt, rất nhiều điều hoàn toàn chưa thay đổi gì cả. Vẫn đường tàu khổ hẹp một mét, như cũ, vẫn chỉ một con đường đơn như năm 1976 người ta phục hồi “đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay…” vẫn những cái nhà vệ sinh vừa “đi”, vừa bịt mũi... có cải tiến, một đầu, xí xổm, còn đầu kia, xí bệt (dành cho khách du lịch châu Âu châu Mỹ chăng?) và thà xổm cả hai đầu còn hơn, vì rất nhiều chỗ, vào thấy cái xí bệt đầy ự một thứ dung dịch vàng vàng đen đen, sóng sánh, khiếp quá mà ù té chạy mất xác, eo ơi kinh! Thường kể cả bây giờ, toa điều hòa nhưng nhà vệ sinh vẫn phải mở cửa sổ, vì lý do gì ai cũng đoán được.

Người ta cứ chê tầu hỏa bên Ấn Độ, nhưng Việt Nam ta cũng không hơn là mấy. Mình đã đi tàu Việt Nam chán ra rồi, thì sang đó đi tầu hỏa Ấn Độ, chịu đựng tốt! Còn tầu hỏa Trung Quốc (tàu thường, khổ đường 1435mm) thì đã ngon lành lắm rồi, tàu chợ, chạy chặng ngắn cũng đều đều 100km/h, tàu Nam Ninh Bắc Kinh thì chạy bét nhất cũng 120km/h, êm ru, toa sạch sẽ, văn minh…

Những tưởng sau đợt đi Đà Nẵng, không bao giờ muốn đi lại cái tàu hỏa Việt Nam nữa, nhưng vẫn dính mấy phát, năm kia đi Vinh, năm ngoái phải mua vé tàu Quảng Bình, năm nay, Huế, Lào Cai. Nếu bạn mua vé máy bay trước cả năm vẫn được, thì ngành đường săt của ta, tầm một tháng trước khi đi, đố bạn mua được vé một cách “bình thường” – người ta bảo là “hệ thống không cho phép bán vé sớm như thế.” Nhưng nếu bạn quen biết, bạn có thể mua tốt luôn, không vấn đề gì. Mình toàn nhờ người quen làm ngoài ga mua hộ, “bồi dưỡng” mỗi vé 30 nghìn, nhẹ đầu. Cũng biết tiêu cực là không tốt, nhưng “ở bầu thì tròn” biết làm sao được?

Năm nay người quen bảo mua vé khó hơn, vì từ đầu năm đến giờ, ngành đường sắt bị “đánh”, chả hiểu đánh bằng tay hay đánh bằng gậy? Nhưng thấy có sự lạ, những “bà chị” trùm tiêu cực phụ trách toa, nay được thay một loạt bằng các thanh niên trẻ măng. Tàu Đà Nẵng, một cô bé mặt tròn, rất dễ chịu, hỏi han: “cô chú có thấy toa lạnh quá không để cháu chỉnh?” Tàu chạy khá êm, không lắc lư mấy, cũng không thấy cô bé cho ai lên ngủ nhờ ở đầu toa để “kiếm thêm” như các bà chị trước đây.

Cứ tưởng tiến bộ!

Ai dè tàu Lào Cai thì vẫn thế, dù cũng toàn thanh niên trẻ phụ trách toa. Mình không chịu được khói thuốc lá, thì các bố trẻ đứng đầu toa, hút chưa hết điếu này, châm điếu khác… điều hòa chạy rét run, sợ viêm mũi chúi đầu vào chăn gối, những cái chăn cái gối không biết bao nhiêu người nằm, sờ nhờn nhờn và không rõ là mùi gì nữa kia, cứ rùng hết cả mình. Thế mà đã khấp khởi khi nhìn thấy ở Ga Lào Cai một thanh niên trẻ mặc “quân phục” ngành đường sắt quân hàm quân hiệu đầy đủ, kéo cái vali cỡ nhỏ xách được lên máy bay, đầu chải mượt, giày bóng láng… hùng dũng bước vào ga, trông cứ như… tổ lái máy bay Việt Nam e-lết í, cứ tưởng “bị đánh” là đã tiến bộ rồi.

Một đầu toa không thể vào nhà vệ sinh vì có ba chị buôn hàng chuyến người Phú Thọ, nằm ngay ở cửa, chuyện rôm rả một lúc thì ngủ khò khò. Đầu kia, nhà vệ sinh bẩn ơi là bẩn và không thể rửa tay được khi có cái xe bán hàng rong để chặn ngay ở ngoài…

… và tầu hỏa Việt Nam muôn đời vẫn thế, khi bạn ngồi xổm một tay bịt mũi tay cầm giấy, thì bất ngờ tầu vào ga và dù bạn chưa “hành sự” xong, bạn vẫn phải cố tăng tốc vì tầu vừa vào đỗ trong ga, bỗng dưng thấy đầy người bán hàng rong đứng ngoài cửa sổ, nhìn bạn đang đỏ mặt tía tai rặn một cách rất tế nhị…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây   

No comments:

Post a Comment