Tuesday, December 30, 2014

Đô lên, dân Nga chết đói và dân Âu chết rét

Kính thưa quý vị độc giả kính mến, như trước đây đã trình bày, nhà mình có một cô mù tịt, nay tự dưng quan tâm đến tình hình đô lên, dân Nga có chết đói không và dân Âu có chết rét không. Thế là phải trả nhời. Xong phần mở bài.

Đang ăn sáng cô mù tịt tự dưng thắc mắc: “Này Việt Nam mình tự dưng hôm qua đô cũng nhích lên. Có dính dáng gì đến dầu mỡ đâu mà cũng lên như đô bên Nga í nhể?” Quái lạ, chắc ở cơ quan có bạn nào mò đi “lướt đô, lướt vàng” đây, mới về tung tin vào tai mới có chuyện quan tâm bất thường thế này chứ.

Không dính dáng là không dính dáng thế nào chứ? Cái gì cũng có dính dáng với nhau hết, Việt Nam ta bây giờ có ảnh hưởng cực lớn đến kinh tế thế giới đấy, kinh lắm đấy chứ đùa đâu. Giá dầu giảm, ta cũng xuất khẩu dầu thì thu về ít đô hơn, đô khan hơn một tí. Cuối năm là dịp người ta tăng nhập khẩu hàng hóa về bán phục vụ dịp Tết, lại gom tiền mua đô trả nợ chủ hàng nước ngoài… tất cả đều dẫn đến cầu tăng và hơi giảm cung trên thị trường, đô nhích lên là đúng rồi. Còn việc đô bên Nga tăng vọt thì chúng ta cứ tưởng tượng như thế này nhé: Việt Nam mình cũng có lúc đô với vàng lên chổng phộc, như hôm trước bà con chẳng chen nhau bẹp ruột mua vàng SJC, nhiều bác không mua được lại mua PNJ rẻ hơn mấy giá “vàng nào chẳng là vàng” đấy còn gì. Tâm lý đám đông đâu chẳng có, đến Mỹ tuyết rơi dày cái là kéo nhau đi xếp hàng lũ lượt mua thực phẩm đấy thôi. Ai có tiền lo tích trữ thì cứ lo, chứ cứ như nhà mình có xu nào tiêu hết xu ấy, thì đô với vàng có lên thế chứ lên nữa cũng kệ, biết cái gì đâu!

Xoạt, cà phê vẫn còn nóng nguyên. “Ơ thế liệu dân Nga có chết đói không?” Chết là chết thế nào, vớ vỉn. Phát xít Đức bao vây 900 ngày đêm mà nhân dân Lêningrát anh hùng còn không chết đói hết nữa là, họ ăn cả mùn cưa trộn vào bánh mì nhé! Thực tế, con số thống kê cho thấy giá nhu yếu phẩm của thị trường Nga mới lên giá khoảng 9 – 10% thôi, do đó không ảnh hưởng quá lớn đến đời sống dân Nga đâu mà. Những mặt hàng phải nhập khẩu thì sẽ tăng nhiều, do lý do trên đây: giá đô tăng, đô càng khan, càng tăng… lại lệnh trừng phạt, hàng hóa nhập khẩu vào thị trường càng khó khăn hơn, thì lại càng tăng giá, nhưng không có nghĩa là không có, bằng nhiều con đường nó vẫn vào được thị trường chứ. Lúc đó người dân sẽ phải chấp nhận với những hàng hóa có chất lượng thấp hơn từ những nhà cung cấp khác không bị ngăn chặn bởi lệnh trừng phạt, Trung Quốc chẳng hạn.

“Ơ thế người ta không trồng cấy gì à?” Có chứ, trồng cấy bình thường chứ, nhưng Nga vốn dĩ không dễ dàng trong phát triển nông nghiệp do điều kiện tự nhiên, ví dụ như trước mắt là mùa đông rất lạnh, rồi thổ nhưỡng, bao la nhưng không nhiều chỗ thuận lợi… tất nhiên khó khăn thì cũng phải ló ra giải pháp. Các doanh nghiệp Nga, rồi của người Việt Nam tại Nga và đặc biệt là người Trung Quốc tại Nga, sẽ phải ngẫm nghĩ đến việc phát triển trồng cấy để bù vào thâm hụt thị trường chứ. Tuy nhiên ngay bây giờ thì chưa, việc vực dậy một nền sản xuất cần có thời gian, nhưng họ sẽ làm được, nôm na thế.

“Thế nhưng mà họ cũng vẫn khó khăn chứ?” Chắc chắn rồi, đến lãnh đạo Nga như ông thủ tướng còn nói kinh tế Nga nhiều khả năng suy thoái đến 2 năm cơ mà. Cái mà nhìn thấy rõ nhất là cách đây 2 tuần tivi Việt Nam bẩu, khách Nga đến Mũi Né, Nha Trang sụt 40%; đến bây giờ là sau 2 tuần thì có mà chẳng còn ai ấy chứ. Nó là tổng thể của nhiều nguyên nhân: cuộc sống khó khăn, mua tua thanh toán bằng rub nhưng Công ty du lịch họ tính toán bằng đô, thanh toán cho đối tác nước ngoài cũng bằng đô, rồi bấy lâu nay dân Nga đi du lịch nước ngoài bằng tiền đi vay ngân hàng, mà ngân hàng thì lại khó khăn… Cái khó khăn đó là thấy được, tất nhiên không đi du lịch nữa thì ở nhà, chẳng ai chết cả. Còn thực tế thì như Nhà nước ta phải bán vàng ra bình ổn giá, thì Nhà nước Nga cũng phải quăng đô ra thị trường. Dân người ta thấy mua được đô, từ ít đến nhiều hơn tí… rồi lại giá giảm dần, yên tâm hơn mà dừng dần cái vụ hoảng hốt đó, dần hết sốt đi đến bình ổn ở mức cao. Đó là hoạt động thường thấy, không có gì lạ cả.

“Vậy ai sẽ “chết”?” (chữ chết trong ngoặc kép, ý là không phải là nhắm mắt xuôi tay thở hắt ra.) Những người lâu nay ký ca ký cóp tiền tiết kiệm bằng rub, nay quy ra đô nó bốc hơi tầm một nửa. Nhưng nếu bà con Việt Nam nào mà kịp cất trữ đô từ hôm nó còn thấp, nay mang ra mua nhà thì ngon, vì về lý thuyết nhà có thể giữ giá bằng rub nhưng quy ra đô thì có thể nó xuống nhiều… người “chết” có thì cũng đầy người sống khỏe re là thế. Doanh nghiệp Nga nào vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, chết; đơn vị nào mất cân bằng thanh toán đôla – rub, chết; chứ dân Nga thì không có chết, họ chỉ sống khó khăn hơn một chút, thế thôi. Việt Nam ta cũng vậy, khó khăn đến mấy rồi cũng qua, đổi tiền đổi nong, rồi bỏ bao cấp… chỉ có phá lúa trồng đay mới chết đói thôi, chứ bây giờ thì không đến nỗi thế đâu mà.

“Cơ mà trong môn kinh tế chính trị người ta bảo đồng tiền nội tệ mà giảm giá thì xuất khẩu được lợi cơ mà?” Thì đúng, nhưng là với trường hợp xuất khẩu bình thường có lãi, chứ đây là xuất khẩu dầu, đang lỗ chổng vó mà, càng xuất tiếp, càng lỗ, càng chết chứ. Chết là chết do giá dầu giảm, còn giá đô lên là mất cân bằng thị trường ngoại hối, chứ không phải là biện pháp duy trì nội tệ giá thấp để kích thích xuất khẩu như Trung Quốc đã định làm. Ở đây có các yếu tố như mấy ông sản xuất dầu mỏ các ông ấy tăng cung, năm nay mùa đông không lạnh như mọi năm nhưng điều này rủi ro, không ai tính toán cả do đó đồng thời điều quan trọng hơn cả là cả Mỹ lẫn Châu Âu đều giảm cầu cả dầu mỏ lẫn khí đốt.

“Vậy thì tại sao họ lại giảm cầu, không sợ chết rét à?” Này ấy ơi, ấy ở bên Châu Âu có thấy nhà người ta có hệ thống sưởi xoắn xoắn ở dưới cửa sổ, mà thỉnh thoảng ta hay phơi đồ ướt lên đó không? Nôm na thế này nhé, hệ thống đó chạy bằng nước nóng, nó từ trung tâm làm ấm của thành phố chạy đến các nhà từ một cái bồn to chôn sâu dưới đất. Trước khi vào bồn đó, nước được đun bằng một cái lò, hoặc bằng khí đốt, hoặc bằng điện hoặc bằng bất cứ nguồn nhiệt nào khác. Bồn thì chôn sâu dưới đất để giữ ấm. Nước nóng đến các nhà còn chạy dưới sàn nhà, có tác dụng làm ấm sàn, nên ấy cũng thấy cái sàn nhà ấm ấm chân là thế, rồi chạy qua cái bộ xoắn xoắn đó, chảy ra vòi để tắm táp một phần, còn thì nó lại phi ra hệ thống tuần hoàn của thành phố. Lâu nay dân Châu Âu là cái dân kỳ lạ nhất thế giới, không sợ chết rét mà suốt ngày đi biểu tình tuần hành chống… biến đổi khí hậu, tự nguyện dùng ít nhiên liệu hóa thạch (than, gas, xăng dầu…) đi, mà chuyển sang dùng các nguồn năng lượng khác như… biogas từ vỏ chuối chẳng hạn, he he… Cái hệ thống đun nước nóng đó do đó nó cũng phải thay đổi cải tiến, bổ sung khả năng đun bằng điện, hay đun bằng… vàng mã như ta hóa vàng ấy chẳng hạn, hi hi hi. Đấy là tớ đùa thôi, mấy năm nay họ bổ sung thêm một hệ thống tận dụng năng lượng mặt trời chẳng hạn, (Bồn Tân Á chăng? Hé hé) tăng thêm nhiệt cho nước nóng mà giảm chi phí đun nấu đi. “Nhưng mùa đông lấy đâu ra mặt trời?” – vẫn có mặt trời. Ấy nhớ không, những hôm nắng vàng rực rỡ, tuyết trắng xanh là những hôm rét, buốt lên được ấy chứ. Nhưng nếu ngồi trong cửa kính, hoặc ô tô, sẽ thấy rất nóng do hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng này được tận dụng. Rồi là ở bển thì mùa hè vẫn dùng nước nóng, chứ có tắm bùm bũm nước lạnh như ta đâu mà, nên người ta tiết kiệm được vào mùa hè thì những nguồn năng lượng kia, đem bù cho mùa đông ít mặt trời… tổng hòa cả xã hội phải tính cả năm, cả vài năm chứ ai tính mỗi mùa đông không thôi đâu. Như vậy trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc bán dầu khí của Nga, là do Châu Âu người ta chủ động giảm cầu, mà việc này đã có chuẩn bị lâu nay rồi chứ không phải đến bây giờ người ta lâm trận mới làm. (Xem ảnh dưới)



“Thế nếu Nga họ cắt khí đốt thì có chết rét không?” Nói chung là cũng rét, he he… nhưng mà về nguyên tắc thì khí đốt khai thác lên, bán tống bán tháo đi bằng đường ống là ngon nhất. Nếu không thì chỉ có đem hóa lỏng, do đó không dễ dàng như cất dầu mỏ, và do đó khó khăn và chi phí cao hơn. Khai thác lên rồi không bán cũng chết, mà nó không cấp cho để mua thì cũng căng… đại khái thế - thế giới người ta cần nhau là vậy. Châu Âu không quay lưng với khí đốt Nga bao giờ, mà Nga có tuyên bố thì tuyên bố, cũng chẳng bao giờ dám cắt khí đốt cấp cho Châu Âu bao giờ là thế. Đối thủ vẫn là đối tác, đừng lo. Tất nhiên là với châu Âu, mua luôn khí của Nga cũng là ngon nhất, chứ bây giờ chuyển dùng nguồn khác, đương nhiên là chi phí sẽ tăng, nhưng rõ ràng bây giờ đó không phải là vấn đề sống còn nữa rồi, nên họ có quyền ép Nga về giá, Nga mà căng lên họ chuyển nguồn khác là như thế. Tất nhiên là Nga cũng không sợ lắm, ép cùng lắm là cho đến khi đường ống bán cho Trung Quốc xong, thì lại có thị trường. Tuy nhiên, hợp đồng ký với Tàu là từ tháng Năm, giá dầu chưa xuống, do đó giá bán cho Tàu mặc dù có thể rẻ nhưng bây giờ thì kiểu gì cũng bị cao, nên thằng Tàu chắc nó không chịu, chắc chắn nó sẽ hoạnh họe lại về giá, nếu không thì nó giở chứng thì cũng mệt. Nhìn chung là ai cũng vào tình thế khoai chuối, không ai dễ chịu khi đánh nhau cả. Vì thế chắc chắn sẽ không thấy cảnh người dân châu Âu đốt báo cũ để sưởi ấm đâu nhé.  

“Thế thì giá dầu hạ liên quan gì đến khí đốt?” Thì đều là năng lượng cả, cái này hạ thì cái kia cũng hạ. Như vừa nói đấy, cái hệ thống đun nước nóng, có thể dùng nhiều nguồn. Thým Angela Merkel mà thấy chú Putin làm mình làm mẩy về khí đốt hở, sẵn dầu thô rẻ, suy ra dầu điêden cũng rẻ, ta đem chạy máy phát điện mà đun nước chứ có gì đâu… cứ như thế thì đã dầu rẻ, khí đốt cũng phải rẻ theo, có thể nó chỉ trễ lấy một thời gian thôi. Lâu nay cứ dầu mỏ thế giới tăng là mấy cái thằng vác bình ga đến nhà mình nó cũng tăng giá đấy thôi… Xong phần thân bài.

Phù, nguội hết cả cà phê sáng rồi… chốt lại nhé, đô lên nhưng nhà ta chẳng liên quan, không đầu cơ, không lướt liếc gì hết; dân Nga không bao giờ chết đói và dân Châu Âu không bao giờ chết rét; không được nghe tuyên truyền của những thế lực ba lăng nhăng, rõ chưa? Kết luận cũng xong nốt, chào bà con, chúc bà con một đợt nghỉ lễ Tết Dương lịch vui vẻ đầm ấm bên gia đình, hì hì…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây    

No comments:

Post a Comment