Thursday, January 1, 2015

Những cú sốc dầu mỏ thế giới trong thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI - Phần 1

Vùng Trung Đông của thế giới luôn luôn là điểm nóng trong lịch sử loài người hiện đại từ đầu thế kỷ XX, chủ yếu là gắn liền với các quốc gia về nguồn năng lượng hóa thạch dầu mỏ và khí đốt. Ở khu vực này có thể điểm mặt người Anh, người Pháp, người Đức (nói riêng hay phe Trục trong Chiến thành thế giới lần thứ hai) Hoa Kỳ và từ sau Chiến tranh, còn có cả người Nga (Liên Xô.)

Có thể nói thế kỷ XX là thời gian thành lập nhiều quốc gia trong khu vực Trung Đông, của thế giới Arab… vốn là những vùng ốc đảo có các quốc vương cai trị và ngăn cách nhau bằng những vùng sa mạc rộng lớn. Chỉ khi tiềm năng dầu mỏ được phát hiện người ta mới quan tâm đến “vàng đen” đằng sau những cồn cát – trước đó hầu hết những cuộc chiến tranh trong khu vực là để giành nguồn nước, hay xung đột tôn giáo thì nay đã thêm một mục tiêu mới, các giếng dầu.

Người Anh, can thiệp vào tình hình của nhiều nước nhất trong khu vực Trung Đông và thế giới Arab, như Aicập, Iran, Iraq, Transjordanie… vốn dĩ trước đây nước Anh có quyền bảo hộ với nhiều vùng lãnh thổ từ cuối thế kỷ XIX, thì đến giữa thế kỷ XX đã dần lùi bước. Đây là thời kỳ người ta mệnh danh là thời kỳ giành độc lập [1]. Aicập giành thắng lợi hoàn toàn trước nước Anh năm 1947; Iraq giành thắng lợi một phần khi bỏ hàng loạt quyền bảo hộ của nước Anh vào năm 1948; chỉ có ở Transjordanie là Anh một mặt công nhận nền độc lập của nước này và vẫn đạt được một hiệp ước liên minh 25 năm. Với người Pháp, họ là người yếu thế trong Chiến tranh nên từ 1944 đã bị giảm dần ảnh hưởng với hai lãnh thổ bảo hộ của họ là Syrie và Liban. Chỉ có nhờ lãnh tụ kháng chiến Pháp Charles De Gaulle, người chủ trương trao lại cho hai lãnh thổ này quyền độc lập, thì hai nước này cũng đã không rơi vào tay Đế quốc Anh – Pháp và Anh đã trải qua nhiều cuộc đàm phán và cuối cùng cũng đạt được thỏa thuận rút cả quân Anh lẫn quân Pháp khỏi khu vực…

Người Mỹ thực sự chứng tỏ vai trò trong khu vực trong việc thành lập Nhà nước Do Thái vào năm 1948. Israel trở thành quốc gia của người Do Thái còn nhận được sự công nhận của Liên Xô, thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc và cũng do những quan điểm bảo vệ người Do Thái là nạn nhân bị tàn sát ghê gớm nhất do thảm họa phát-xít.

Từ đó, bản đồ dầu mỏ thế giới thực sự định hình với các quốc gia “máu mặt” vùng Trung Đông – thế giới Arab: Iran, Iraq, Saudi Arabia, Lybia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… Nhà sản xuất truyền thống từ thế kỷ trước vẫn là Hoa Kỳ, đồng thời có thêm Liên Xô, nước có những vùng dầu tiềm năng như Ajerbaizan, Kazakhstan hay Biển Bắc.

Đến năm 1960, khai thác dầu khí trên thế giới hầu hết do các Công ty Anh – Mỹ đảm nhiệm thông qua các hợp đồng thuê mỏ dầu và thu tiền cho thuê mỏ (royalties), thỉnh thoảng cũng có những cuộc đấu tranh, thậm chí xung đột vũ trang để định lại tiền thuê mỏ này, như ở Mexico thời kỳ giữa hai cuộc Thế chiến, hoặc ở Iran thời Mossadegh từ 1951 đến 1953. Nếu như người Venezuela đạt được thỏa thuận cho thuê mỏ dầu là 50/50(%) vào năm 1948 thì cũng trong thời gian này, các nước Trung Đông chỉ đạt được 12,5%. Chính sự bất bình đẳng đó đã dẫn đến quá trình sắp xếp lại mọi thứ, từ việc loại dần quyền bảo hộ của đế quốc, điển hình là Anh quốc, thành lập các quốc gia độc lập trong khu vực và sau này, tiến tới thành lập một tổ chức đa quốc gia chung cho các nước xuất khẩu dầu mỏ.

Đặc điểm của thời kỳ này là giá dầu mỏ được duy trì ở mức thấp, đã làm cho thế giới chuyển dần sang dùng dạng năng lượng hóa thạch này.

NHU CẦU NĂNG LƯỢNG THẾ GIỚI SO SÁNH THEO NĂM
Nguồn năng lượng / năm
1950
1960
1972
Than đá
55,7%
44,2%
28,7%
Điện
6,5%
6,4%
6,9%
Tổng than đá + điện
62,2%
50,6%
35,6%
Dầu mỏ
28,9%
35,8%
46%
Khí tự nhiên
8,9%
13,5%
18,4%
Tổng Dầu mỏ + khí tự nhiên
37,8%
49,4%
64,4%
Tổng cộng
100%
100%
100%

Như vậy từ chỗ chỉ chiếm 1/3, dầu khí đã chiếm tỷ trọng 2/3 nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn thế giới, đồng thời từ năm 1950 đến năm 1965, tổng lượng tiêu thụ năng lượng thế giới cho tất cả các nguồn đã tăng gấp đôi, còn tính đến năm 1972 đã tăng gấp ba lần.

Năm 1960 các nước xuất khẩu dầu mỏ  Iran, Iraq, Kuwait, Saudi Arabia và Venezuela đã tiến hành cuộc đàm phán tại Bagdad (từ 10/9 đến 14/9 năm 1960) đi đến thành lập “Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa” (OPEC), sau đó các nước  Qatar (1961), Indonesia (1962), Libya (1962), Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (1967), Algérie (1969) và Nigeria (1971) lần lượt gia nhập tổ chức này. Mục tiêu thành lập của tổ chức là thống nhất về chính sách cân đối cung cầu về dầu mỏ và khí đốt, để đảm bảo thu nhập của các nước thành viên cũng như chủ động về giá dầu mỏ - trên thực tế tạo ra khan hiếm hoặc dư thừa dầu mỏ một cách giả tạo để giữ độc quyền trong lĩnh vực này, trong bài này chúng ta sẽ nghiên cứu vai trò của tổ chức này trong các cuộc chiến dầu mỏ mà nước này sử dụng để chống lại nước khác.[2]

Cuộc chiến đầu tiên của OPEC là chĩa mũi nhọn tấn công về phía các công ty, tập đoàn dầu mỏ. Việc đóng cửa kênh đào Suez bắt buộc các Công ty phải tăng kích thước tầu chở dầu chẳng hạn, là một minh chứng cho cuộc chiến này. Đồng thời OPEC cũng rất hiệu quả trong việc tăng tiền thuê mỏ - hội nghị tại Caracas (Venezuela) từ 9/12 đến 12/12/1970, OPEC đã thành công trong việc tăng tiền thuê mỏ dầu lên 55%. Mặc khác OPEC đề ra mục tiêu tăng dần lượng giếng dầu được quốc hữu hóa trong các quốc gia thành viên để giảm mức phụ thuộc tư bản nước ngoài. Algerie và Lybia là hai nước rất thành công trong mục tiêu này. Năm 1971, Algerie tuyên bố quốc gia chiếm 51% cổ phần trong các công ty dầu khí nước ngoài, vốn chủ yếu nằm trong tay các Công ty Pháp. Năm 1973 Lybia cũng có tuyên bố tương tự.

Liên Xô là nước có nhu cầu sử dụng dầu khí tăng khá nhanh: năm 1960 Liên Xô chỉ sử dụng 37% hydrocarbon, thì đến năm 1975 là 63,7% (xấp xỉ nhịp độ của thế giới.) Liên Xô đồng thời cũng là nước rất chủ động trong nguồn cung cấp vì là nước có tiềm năng lớn trong trữ lượng dầu mỏ. Năm 1975, Liên Xô sản xuất được 490 triệu tấn dầu thô và vượt Hoa Kỳ vốn là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới thời đó. Cũng năm đó người ta đánh giá trữ lượng dầu mỏ của Liên Xô là khai thác thoải mái đến hết thế kỷ XX, thực tế nước Nga hiện nay cho thấy tiềm năng này là lớn hơn rất nhiều.

Năm 1975 Hoa Kỳ là nước sản xuất được 420 triệu tấn dầu thô, nhưng vì nhu cầu trong nước quá cao nên năm này Hoa Kỳ nhập khẩu 40% lương tiêu thụ và đạt 50% vào năm 1980. Cùng với Liên Xô, Hoa Kỳ là hai nước rất ít bị ảnh hưởng bởi “khủng hoảng năng lượng.” Thập niên 1980 Việt Nam tham gia vào danh sách những nước xuất khẩu dầu mỏ, thì cũng trong năm này Indonesia ra khỏi OPEC và trở thành nước nhập khẩu dầu. Năm 1991 được đánh dấu với sự tan rã của Liên Xô, và trên bản đồ năng lượng thế giới xuất hiện những nhà xuất khẩu dầu mới: Liên Bang Nga, Ajerbaizan, Kazakhstan, Turmenistan, Uzbekistan.


 Trong suốt mấy thập niên, Hoa Kỳ đi từ nước sản xuất dầu truyền thống (từ thế kỷ XIX), giảm dần sản lượng do có sự thay đổi chiến lược trong chính sách năng lượng, chuyển sang trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ có hạng của thế giới. Tuy nhiên trong vài năm gần đây, việc Hoa Kỳ thành công trong công nghệ khai thác dầu từ đá phiến theo phương pháp khoan ngang, đã làm cho nước này giảm mạnh nhu cầu nhập khẩu dầu mỏ, tạo điều kiện cho sự áp dụng chính sách thao túng giá dầu để “gây khó” cho các nước dựa nhiều vào nguồn thu dầu mỏ này: Nga, Iran. Từ cú sốc giá dầu 2007-2008, giá dầu thế giới tiếp tục giữ ở mức cao trên 100 đôla Mỹ một thùng, cho đến tận “Cuộc chiến giá dầu 2014” của Obama, chống lại nước Nga của V. Putin. Một lần nữa cùng với Saudi Arabia, Hoa Kỳ của Obama lại sử dụng vũ khí dầu mỏ. Chỉ từ tháng 6 năm nay giá dầu Brent còn ở mức 115 đôla một thùng, thì nay giá chỉ còn phân nửa, chấp nhận bù lỗ cho các Công ty dầu đá phiến trong nước có điểm hòa vốn là từ 70 đến 110 đôla một thùng. Nước Nga là nước có sản lượng 10,6 triệu thùng một ngày với điểm hòa vốn là khoảng 90 đôla, đứng trước những khó khăn, mà như nhiều chuyên gia dự đoán, nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới.

Trước một tổng thống Putin đầy quyết tâm, chắc chắn Hoa Kỳ và đồng minh sẽ phải tiếp tục cuộc chiến giá dầu thêm một thời gian không ngắn nữa. Giá dầu thế giới trong năm 2015 còn tiếp tục giảm, điều này là có căn cứ. Ông Christof Rühl, nhà kinh tế trưởng và Phó chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí đa quốc gia BP đã thổ lộ sự cảm thấy bất ngờ tích cực của giới chuyên gia. Đối với đá phiến dầu, họ cho rằng việc khai thác ở Mỹ trong những thập niên tới sẽ giảm sút. Nhưng điều đó sẽ được bổ sung từ các khu mỏ ở những nước khác, lượng bổ sung này sẽ cao hơn chứ không phải chỉ cân bằng. Theo tính toán của BP, đến năm 2030, khai thác dầu từ đá phiến sẽ đạt khoảng 7% so với tổng sản lượng dầu mỏ nói chung của thế giới.


[1] Việt Nam là một trong những nước giành độc lập sớm trong giai đoạn này.


[2] Theo lịch sử tóm tắt của OPEC
_______________ 
Tài liệu tham khảo:
1. “Lịch sử quan hệ ngoại giao từ 1919 đến nay” – Jean Baptiste Duroselle, những người dịch Lưu Đoàn Huynh, Quách Ngọc Bảo; bản xuất bản của Học viện Quan hệ quốc tế (nay là học viện Ngoại giao), 1994. Có tham khảo thêm bản pdf “Histoire diplomatique de 1919 à nos jours” Paris, Dalloz, 1974, 871 trang.


2. Các bài viết trên các báo, trang web: Website chính thức của OPEC (Opec.org), Telegraph, Stanford.edu, Brookings.edu, New Scientist, v.v…

Hết phần 1

Đọc tiếp phần 2

Đọc tiếp phần 3

Bài trên "Tuần Việt Nam" (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment