Thursday, January 22, 2015

“Thoát ly”

Ngồi dưới bếp ăn sáng, xem VTV 1 có chương trình giới thiệu về một cụ cán bộ Nguyễn Tạo nào đó “Người thành hoàng làng cộng sản” – được dân một làng ở đâu mạn Thái Bình, suy tôn làm thành hoàng của làng.

Một. Đại khái cụ Nguyễn Tạo quê Hà Tĩnh bên bờ sông La, sinh năm 1905, năm 1923 khi mới 18 tuổi đã “thoát ly” đi làm Cách mạng. “Thoát ly” là gì vậy? Theo “Từ điển tiếng Việt” thì “thoát ly là tách khỏi, không còn liên quan nữa” (Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội 1977, trang 739 cột giữa, mục từ thứ sáu từ trên xuống.) Đọc sách ta cũng hay gặp từ “thoát ly” ngoài trường hợp “đi làm Cách mạng” trên đây: phi công điều khiển máy bay tiêm kích “thoát ly” khỏi trận đánh – thường do hết dầu, hết đạn… không tiếp tục tham gia chiến đấu nữa, nhưng không có nghĩa là “đào ngũ.” Như vậy “thoát ly đi làm Cách mạng” như trong ví dụ của Từ điển tiếng Việt là “Thoát ly gia đình” nghĩa là không còn liên hệ gì với gia đình nữa, đặc biệt là về quan hệ nuôi dưỡng. Quan trọng hơn, có thể mục tiêu của hành động này là loại trừ mối quan hệ với gia đình để tránh bị liên lụy.

Hai. Chị Võ Thị Sáu 16 tuổi đã làm du kích, ném lựu đạn tung truyền đơn, đại khái hoạt động như… IS bên Syrie, Iraq… Bác Nguyễn Tạo 18 tuổi đã “thoát ly” đi làm Cách mạng. Anh Lý Tự Trọng cũng mười mấy tuổi đã thành anh hùng. Rồi bao nhiêu thanh niên như thế: Phạm Hồng Thái, Nông Văn Dền… toàn nhỏ tuổi cả (xin phép không kể Lê Văn Tám vào đây). Cái tuổi mà người ta thích làm sự khác biệt với những chuẩn mực chung của xã hội. Đến bây giờ vẫn có các bạn trẻ khác làm sự khác biệt, như những cô gái, chàng trai như Phương Uyên, Nguyên Kha, Nhật Uy… Thời Pháp các chiến sỹ của ta hoạt động như khủng bố, thì bây giờ các bạn trẻ kia cũng thế, không khác là bao, tất nhiên có những đặc điểm của thời đại công nghệ thông tin, vậy thôi. Đúng sai, hay dở… không thể đánh giá ngay vào thời điểm này được, lịch sử cần có thời gian để đánh giá. Không có gì tồn tại mãi, kể cả hệ thống chuẩn mực đánh giá của xã hội, nó tồn tại cùng chế độ chính trị thống trị trong nó, chế độ thay đổi, chuẩn mực cũng sẽ phải thay đổi.

Ba. Sau khi ra trường đi làm ở cơ quan Nhà nước, nhiều khi vẫn gặp từ “thoát ly” được vận vào mình. Các bác có tuổi hay hỏi: “Đã thoát ly hẳn chưa hay vẫn dựa vào gia đình?” – gia đình ở đây là bố mẹ, anh chị em trong nhà. Sinh viên ở các tỉnh về thành phố học, rồi ở lại làm việc luôn, là thoát ly dứt điểm từ khi có lương không hô bố mẹ dưới quê bán thóc gửi tiền ăn lên thành phố nữa. Còn thanh niên thành phố chưa có nhà riêng vẫn ở với bố mẹ, có khi đi làm Nhà nước chỉ đủ tiền nước chè thuốc lá, có mà mùa quít mới “thoát ly.”

Bốn. Thanh niên trốn nhà đi chơi đêm chơi hôm, rồi tụ tập bạn bè… không thiếu chú bỏ đi luôn không dựa gì vào gia đình nữa, may ra có được chút thông tin, có chú còn biệt tích. Như thế thì không phải “thoát ly” thì là cái gì? Cái chú nào tự dưng ăn nên làm ra được, trở nên có của giàu có, thì gọi là “tự lập sớm, tự lập thân” không phải dựa dẫm vào ai, trở thành tấm gương, được ca ngợi để chú khác noi theo. Chú nào đi mãi theo bọn du thủ du thực, hút xách… thân tàn ma dại chết đường chết chợ thì “cá không ăn muối cá ươn” “sẩy nhà ra thất nghiệp”…


Năm. Đấy, nhìn những tấm gương “chíp hôi thoát ly” đi làm Cách mạng các anh các chị ấy như thế chứ, từ bé đã trăn trở với vận mệnh nước nhà. Bây giờ thì mười tám đôi mươi, có quyền công dân đầy đủ cả rồi, mà vẫn chơi nhong nhóng, ngửa tay xin tiền, đòi xe đòi cộ, nước hoa thơm lừng, gôm xịt dựng đứng, rượu chè cần sa, thuốc lắc chích choác… nhẹ ra thì hai mấy vẫn gà tồ công nghiệp, ngơ ngơ ngác ngác… Bố mẹ cũng nên xem lại cách giáo dục của mình với con cái. Phương Tây là họ chỉ nuôi đến đủ 18 tuổi thôi, còn thì tự sống. Đây bố mẹ Việt còn phải lo chạy cho con cả đến tận khâu… lên chức.

Sáu. Thôi thì mỗi người một số phận. Thanh niên thời nào cũng là thanh niên, thừa sức lực và nhiệt huyết nên cũng là đối tượng dễ được tuyên truyền mà thành tâm tin vào những điều mà họ cho là tốt đẹp. Người thì cho rằng phải đi ngược lại cường quyền áp bức, độc tài… người thì lại bảo vệ những điều đó. Và họ cứ thế, đối đầu với nhau mãi, chẳng bao giờ dừng được cả. Thời gian sẽ làm họ thay đổi. Làm cha làm mẹ thì chỉ tạo điều kiện cho con học hành, giáo dục con điều hay điều tốt… “ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học, bất tri lý” – tự con cái có học hành, thì sẽ chọn được con đường sáng…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment