Friday, January 23, 2015

Chia sẻ ngang hàng

Hồi 2005 chơi trên các diễn đàn chia sẻ phim, nhạc… của Nga, bắt đầu tiếp xúc với khái niệm “chia sẻ ngang hàng” – chủ yếu là dùng torrent để tải phim, nhạc hoặc bất cứ cái gì về để dùng. Dần dần, mình cũng trở thành một thành viên tham gia vào quá trình đó một cách nhiệt tình – tạo ra torrent và trở thành một trong các “seed”.
 
Vậy các thuật ngữ đó là gì? Bit-torrent đại khái là một giao thức giúp người ta có thể tham gia vào mạng lưới chia sẻ ngang hàng toàn cầu. Khi bạn có một cuốn sách muốn chia sẻ, bạn là một “seed” (đúng là “hạt giống”.) Khi bạn chỉ có một chương, bạn là một “peer” (bằng vai bằng vế.) Khi bạn có cuốn sách, bạn có thể tạo ra một tệp tin chứa các thông tin về nó theo giao thức Bit-torrent và chia sẻ lên internet, khi đó cuốn sách chỉ có một seed, nhưng nếu có 100 người tải cuốn sách của bạn về và tiếp tục chia sẻ tiếp, nó sẽ có 101 seeds (kể cả người khởi tạo đầu tiên.) Đặc thù là bất cứ ai cứ tiếp tục tải nó về, dù chỉ là vài chữ hay một vài trang sách, thì người đó cũng bắt đầu chia sẻ cho người khác những gì mình đã có. Đó mới chính là “peer-to-peer”. Giao thức này như thế không phải là tải dữ liệu về từ một máy chủ, mà là bất cứ ai tham gia vào quá trình tải xuống và tải lên, đều là một máy chủ. Giao thức sẽ dẫn chúng ta đi bằng con đường ngắn nhất đến người khác cùng tham gia quá trình chứ không nhất thiết phải đi đến một cái máy chủ nào đó đặt tận Mỹ và quay về ông hàng xóm ngay bên kia bức tường. Các ông thanh niên Nga có lẽ là rộng rãi nhất trong chia sẻ, chắc cũng bởi vì cái gì các ổng dùng, cũng đều là đồ… đi chôm chỉa cả. Mấy ông Mẽo tôn trọng pháp luật quen rồi, cũng ít dùng đồ đi chôm chỉa hơn…

Đại khái thế. Từ hồi có torrent, mình bỏ sạch kho đĩa DVD mua một đống tiền trong một thời gian dài, mà chuyển sang kéo phim về xem, các loại định dạng, từ nguyên đĩa DVD dạng file ảnh ISO đến cả cái đĩa Bluray được các bạn ấy đưa lên mạng. Có thể nói không có “chia sẻ ngang hàng”, những người như mình không thể được tiếp cận với những thành tựu văn minh đó của thế giới. Ai đó nói rằng như vậy là không tôn trọng quyền tác giả, quyền của người sản xuất chương trình… bờ la bờ la, nhìn chung đúng cả. Nhưng ta là con nhà nghèo, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, cứ chờ có tiền mới mua được cái đĩa phim có mà chết vì dốt nát à? Là cứ ngụy biện thế. Tìm torrent, bạn có thể kiếm được những bộ phim cực hiếm tưởng chừng không thể mua được ở đâu nữa, “nó tuyệt chủng rồi”… hay cả bộ đĩa CD nhạc chất lượng cao của “The Berlin Philharmonic Orchestra” chơi Beetoven… và do đó có một đặc thù nữa, là mặc dù chúng ta đã tải được xong một bộ phim về, nhưng chúng ta vẫn không dừng mà tiếp tục tải lên, cho những người bạn không quen biết trên khắp toàn cầu, lại có mà xem. Dù việc đó là không ai kiểm soát, nhưng đã là cộng đồng “kéo torrent” với nhau, ai cũng coi việc “chơi đẹp” đó là bình thường. Ít nhất cũng phải “chơi đẹp” cho đến khi nào không đủ ổ cứng buộc phải xóa nó đi hoặc di dời nó sang chỗ khác. Lại có điểm đáng chú ý là một khi bắt đầu tải một cái gì đó về, bạn cũng sẽ lập tức tải lên cho người khác.


Nhớ cách đây tầm hơn chục năm bắt đầu có cái món “blogspot” của anh Google, làm cho ai cũng có thể có một trang cá nhân – rồi dần dần nó như trang web riêng của mỗi người. Lại có cái từ điển trực tuyến mở Wiki, mà những người quản trị nó sau khi biên tập đưa vào không biết bao nhiêu link (đường dẫn) đến những trang khác. Nếu như ta đọc cứ mò mẫm theo những đường dẫn đó, thì từ một chủ đề ta lang thang đến không biết bao nhiêu chủ đề khác. Có thể ta về cái gốc của vấn đề, cũng có thể ta rẽ sang nhánh khác. Tri thức của con người cũng vậy, đúng là bé thảm hại so với vũ trụ nhưng là khủng khiếp so với từng cá nhân – hạt cát trong vũ trụ. Đến thời kỳ chơi các diễn đàn trực tuyến, chúng ta là thành viên cấp thấp nhất và trên chúng ta có các “mod” (moderator), rồi sup-mod, các admin… đến là khiếp. Tầng tầng lớp lớp thống trị.

Nếu bạn sống trong một xã hội đã có sự thống trị tầng tầng lớp lớp, bạn sẽ không muốn có bất cứ một ách nào khác, kể cả cái ách ảo. Chính vì thế mà sự ra đời của “mạng xã hội”, cụ thể là Facebook, thực sự nó đem lại cho con người một sự thay đổi hẳn về chất trong cách tư duy. Trên Facebook, mỗi người tự làm chủ một cái “tường” riêng của mình, tô hồng bôi bẩn tùy ý.

Điểm đáng chú ý của Facebook chính là Facebook dùng giao thức chia sẻ ngang hàng. Nếu như chúng ta cùng bình luận lên “tường” của một người bạn chung, chúng ta sẽ rất dễ “tag” cái người đang cùng bình luận đó, mặc dù không phải là bạn. Đó chính là sự thể hiện của “ngang hàng” đấy – Facebook đã giúp chúng ta tìm con đường ngắn nhất đến người đó. Và vì nói chuyện hợp “duyên”, từ người bạn chung chúng ta trở thành bạn của nhau, từ bạn Facebook đến bạn ngoài đời…

Tại sao mình lại viết rằng mạng xã hội đem lại cho chúng ta sự thay đổi hẳn về chất trong tư duy? Đó là sự triệt để tôn trọng tự do cá nhân của nhau, do đó “cái tôi” của mỗi người được thể hiện ở mức cao nhất có thể được. Nếu bạn sợ khi viết những điều đụng chạm, nhạy cảm đến tình hình chính trị, bạn có thể dùng nick ảo, một cái tên không có thật và muốn nói gì thì nói. Nhưng đồng thời bạn cũng sẽ phải tôn trọng người khác đúng y như người ta đang tôn trọng bạn – tính “ngang hàng” còn được thể hiện ở chỗ đó. Facebook không có chỗ cho những người tự coi mình là cha, là chú… lên mặt dạy bảo người khác hoặc cho mình cái quyền sinh quyền sát với các thành viên khác của “cộng đồng mạng.” (Khi viết những dòng này, thực tế mình đã viết những bài chia sẻ kinh nghiệm, như trong chụp ảnh chẳng hạn – giọng rất “kẻ cả”, đàn anh… nhưng đó là những thử nghiệm thuần túy “viết lách”, chứ không có hàm ý lên mặt dạy đời ai được.)

Chúng ta có quyền tự viết một blog, rồi lặng lẽ ngồi đọc, không biết người đọc của chúng ta phản hồi ra sao. Nhưng nếu một ngày bạn viết công khai trên mạng xã hội, bạn sẽ cần phải tự trang bị một trạng thái tâm lý vững vàng, vì trăm nghìn người hàng vạn ý kiến, và chắc chắn là họ sẽ khác ta. Không chấp nhận được sự khác biệt, thì tự đẩy mình vào thế tiêu cực, chửi bới, mạt sát, khẩu chiến. Chấp nhận được sự khác biệt, sẽ học hỏi được rất nhiều ở cái thằng “cộng đồng mạng.”

Mình có vài người bạn thật ở ngoài. Một Đảng viên, kiên quyết không “vớ vẩn chơi bời” gì trên mạng xã hội, chắc cũng một phần vì ngại cho cái vị thế trong công việc. Bạn khác cũng vậy, coi đó là trò vô bổ, mất thời gian. Mỗi người một cái nhìn – điều đó cũng giống mình khoảng 8, 9 năm trước khi mới xuất hiện mạng xã hội, kiên quyết loại nó ra khỏi suy nghĩ có một ngày sẽ tham gia nhiệt tình trên nó. Tưởng bây giờ theo Phật, là Phật tử, lại càng không nên tham gia những “mạng miếc” cho thêm vọng động, nhưng thật ra mạng xã hội lại là nơi kết nối rất tốt những người cùng học Phật mà hợp duyên chia sẻ với nhau, cũng như nhìn thấy điều này, điều kia chưa đúng đắn mà cùng nhau tránh nó ra, hoặc sửa chữa nếu đã mắc phải.

Do đó lên mạng xã hội có nhiều cách chơi – người thu thu co ro, chỉ kết bạn với những người mình quen rồi ở ngoài; và viết cái gì cũng chỉ cho các bạn mình xem. Người thì quá rộng rãi, nhằm mục đích đánh bóng bản thân với những hình ảnh uốn éo, nhà cao cửa rộng, chồng thành đạt con đẹp trai xinh gái, du học nước ngoài… đủ cả. Lại có những người chọn phương án đánh bóng hình ảnh bản thân trong nhóm nhỏ, đỡ bị nhòm ngó…

Khoảng năm 2008, có một người mình quen (ở ngoài) sáng lập một diễn đàn về lịch sử quân sự Việt Nam. Anh ấy lập mô hình quản lý diễn đàn theo kiểu trại lính, kỷ luật sắt, xếp quân hàm cấp bậc cho các thành viên rõ ràng… kinh lắm, cứ như Bắc Triều Tiên ấy. Hôm rồi mò vào “tường” nhà “ảnh”, thấy ảnh “nguyễn y vân” tức vẫn y nguyên. Miệng lưỡi độc đoán, chuyên quyền, chửi người khác cứ xa xả, xa xả… cái tư duy của diễn đàn trực tuyến ngày xưa, nay vẫn bệ nguyên xi sang Facebook. Tất nhiên, ai có quyền của người ấy, tự do tổ chức cái “tường” nhà mình, nhưng có người ngộ ra sớm, có người vẫn u mê trong cái mớ bòng bong của cái tôi quá lớn, những giá trị ảo… mặc dù là Đức Phật dạy “chúng sinh là bình đẳng” – ai cũng như ai đấy…

Cách đây hai tháng gì đó có cái dịch vụ “Taxi Uber” làm cho các cơ quan Nhà nước của chúng ta lúng túng, bối rối. Thật ra “kinh tế chia sẻ ngang hàng” ở các nước đã phát triển tương đối rồi, hôm nay tui chia sẻ lên mạng là tui đi từ chợ Mơ lên chợ Đồng Xuân, ai đi theo được thì đi, tui anh chia tiền xăng. Đó là “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa phải trả phí” theo tiêu chí “cái gì của tui cũng là của anh, miễn là phải trả tiền thuê nó” (không áp dụng cho vợ đâu nhé!.)

Bác thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của chúng ta cũng vừa thừa nhận không thể cấm được mạng xã hội – không phải chính bác Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhờ Facebook mà nắm được tình hình dịch sởi đó sao. “Ngang hàng” làm cho con người có một sức mạnh mà không phải ai cũng đã ý thức được, nhưng rõ ràng nó cực kỳ cách mạng. Mỗi người chúng ta do đó, phải có được tư duy mềm dẻo, sẵn sàng tiếp nhận khác biệt để học hỏi, thì mới tiến bộ. Lại nữa, khi theo học Phật nhiều người băn khoăn, là chính mình chưa chứng ngộ, chưa đạt thành tựu, chưa “độ” được cho mình sao “hóa độ” được chúng sinh. Xin hãy nhớ “chia sẻ ngang hàng”, khi mà bạn bắt đầu “tải” cái gì đó về, bạn cũng “tải” lên cho người khác, và tùy vào đường truyền của bạn (“tùy duyên”) mà bạn có khi đạt thành tựu không nhanh bằng người khác… nhưng rõ ràng, chúng sinh là bình đẳng. Có phải chờ đến lúc thành Phật rồi mới “độ” được cho người khác đâu?

Cứ bịt tai bịt mắt không muốn nghe những điều “mình không thích”, và khi “buộc phải nghe” lại có phản ứng tiêu cực với nó, thì đúng là muôn đời con ếch không nhảy được khỏi cái giếng.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment