Monday, March 30, 2015

Châu Nam Cực nằm ở đâu?

Hồi nhỏ mình rất thích học địa lý, say mê xem bản đồ và luôn luôn ước mong có được một quả địa cầu như ở trường. Thỉnh thoảng, mẹ mình mượn ở trường mẹ dạy đem về, khi thì quả địa cầu tự nhiên, trên đó biểu diễn địa hình, sông suối, cao nguyên, sa mạc… Còn có quả địa cầu hành chính, vẽ các nước. Nước Liên Xô, luôn luôn được tô màu hồng. Nay nước Nga, người ta cũng vẫn tô màu hồng, ý là "nước tốt."

Say mê một phần vì những câu chuyện ly kỳ như “Hai vạn dặm dưới đáy biển” “Trên sa mạc và trong rừng thẳm”… nhờ chúng mà mình biết được về những dòng hải lưu Gulf Stream hay Kuroshio (thuyền trưởng Nemo thì phải, giải nghĩa tiếng Nhật có nghĩa là “Dòng sông đen”), rồi những đại dương, những biển kín hay gần kín: Địa Trung Hải, Hồng Hải… Sau này hai tập “Hành trình Kon Tiki” của Thor Heyerdahl đưa mình đến với dòng hải lưu Humboldt, những con cá hoa tiêu, cá nhám voi, những cư dân vùng vạn đảo Thái Bình Dương. Trí tưởng tượng cứ thế phát triển luôn luôn hướng về những nơi xa xôi… Nhà chỉ có cuốn “Tập bản đồ thế giới” do Văn phòng Phủ thủ tướng thời đó ấn hành, mỏng, khổ hẹp và dài, xem cứ là đến nát ra. Có lần xem phim thấy ở trong đó, các bạn trẻ nước ngoài học bằng quả địa cầu mà địa hình trên đó họ làm nổi lên và lõm xuống… gồ ghề [1] thật là thèm quá đi.

Ở Mátxcơva có quả như thế, nhưng bằng tiếng Nga, các con lại không học tiếng Nga nên không dùng được.

Tất cả những ước mơ thời đó không đạt được, nay cố gắng dần thực hiện cho con. Chưa mua được quả địa cầu “gồ ghề,” thì mua tạm quả bình thường ngoài hiệu sách. Hết bạn Bôn Ba Nhi Bá học, nay đến em Bá Ba Nhi Bôn lại dùng nó. Đồ của Việt Nam chất lượng khá thấp, nay đã bắt đầu sờn rách… bong mất một miếng khá to đúng chỗ Thái Bình Dương. Nay anh Nhi Bá đã biết chỉ cho em Nhi Bôn, đây Hung-ga-ri, chỗ của các anh chị và hai bác đang ở… đây là nước Mỹ, còn kia là Trung Quốc… Trung Quốc thì ở Châu Á và nước Pháp ở Châu Âu…

Em Bá Ba Nhi Bôn nay cũng đã đọc được nhiều chữ lắm rồi. Một ngày ba về, em khoe: “Ba ơi con tìm thấy Châu Nam Cực!” rồi lật ngược quả địa cầu, chỉ cho ba, nó đúng ở chỗ cái lỗ mà người ta xuyên cái trục quả địa cầu qua đó. “Thế Châu Nam Cực nằm ở đâu của trái đất hả con?” “Châu Nam Cực nằm ở mông trái đất ba ạ…” cả nhà cười ồ. “Ở Nam Cực có các bạn chim cánh cụt con nhớ xem phim rồi không?” “Có con nhớ xem ở rạp ba ạ!” “Đúng rồi, để ba tìm phim cho con xem để con biết ở Châu Nam Cực còn có các bạn khác nữa, như hải cẩu chẳng hạn…”

Sáng hôm sau em Nhi Bôn nhất quyết xin mang quả địa cầu đến lớp, chia sẻ cho các bạn xem. Em khệ nệ, tay xách túi, tay xách quả địa cầu. Lúc tiễn em ra cửa, ba dặn: “Bạn trái đất hôm nay theo đến lớp ngoan nhé!” “Con yêu bạn trái đất lắm ba ạ!” – Em trả lời, nghiêng đầu áp má vào quả địa cầu. “Con ngoan lắm, biết yêu bạn trái đất thì phải làm sao?” “Con không biết ba ạ!” “Con quên thôi, cô giáo, ông bà, ba mẹ dạy con không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm điện, tiết kiệm nước… là yêu bạn trái đất đấy con!” “À thế con nhớ rồi!”

Nhiều khi cứ quen xem bản đồ, lại nghĩ tại sao nước Anh xung đột với Argentina ở quần đảo Malvinas [2] (hồi đó mình mới 10 tuổi) sao mà họ cử quân đi xa thế để đánh nhau (bản đồ thế giới loại vẽ châu Mỹ ở bên phải), nay nhìn lại trên quả địa cầu, vẫn ở Đại Tây Dương và rõ ràng là… không xa lắm. Lại phát hiện ra rằng có rất nhiều đường bay của máy bay thương mại, như từ Hoa Kỳ, Canada về Châu Á không phải theo đường vĩ tuyến rất xa mà người ta bay theo đường chéo chéo, xuyên qua Bắc Cực, gần hơn nhiều. Rõ ràng già đời, đầu hai thứ tóc rồi mà vẫn không biết bao nhiêu bài chưa học được.

Vậy đấy các con ạ, bây giờ ba đã mua được cho con những thứ mà ngày xưa, chỉ có khi nào bà các con mượn về, hoặc được học ở lớp ba mới được tiếp cận. Ba mẹ dạy anh, anh lại dạy em… Ba vui vì các con yêu “bạn trái đất,” ai cũng được như vậy thì môi trường của chúng ta ngày càng đỡ ô nhiễm hơn.

Nhưng mùa xuân năm nay, người ta đang chặt hàng nghìn cây ở thủ đô yêu quý của chúng ta các con ạ.
___________________
[1] Tiếng Anh là “Raised Relief Globe”

[2] Năm 1982

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment