Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thursday, April 9, 2015

Sinh nhật của Chí Cường

Bôn Ba Nhi Bá đi học xe buýt trường thường ngồi cạnh một “em” lớp dưới, rất thân – Chí Cường. Chữ “em” trong ngoặc kép là vì Chí Cường sinh đầu năm sau, trước Tết nên cùng tuổi Âm lịch, nhưng sau một năm Dương lịch, học dưới một lớp. Chí Cường người béo và thấp, da trắng trẻo, hai má bầu bĩnh phinh phính, bẹo rất chi là sướng tay…

Hai chú “thanh niên” rất thân, nói đủ thứ chuyện. Thế rồi một ngày, Nhi Bá xin ba mua quà tặng cho Chí Cường, vì mai là sinh nhật anh bạn đó. Hai ba con chở nhau ra hàng đồ chơi, ba giao hẹn, ba sẽ cho con chọn quà tặng bạn với số tiền dưới 100 nghìn đồng thôi nhé. Ấy thế mà ra hàng đồ chơi, ông con nhất quyết phải chọn mộn món lên đến 200 nghìn đồng.

“Tại sao con lại muốn tặng em Chí Cường món đồ chơi đó?” “Là chúng con bàn suốt mấy hôm nay, em Chí Cường thích được tặng cái đó ba ạ.” “Thế nhưng bây giờ nó quá số tiền ba và con hẹn nhau, con thấy sao?” Bôn Ba Nhi Bá đứng bần thần.

“Thế này nhé, ba đề nghị chúng ta đã hẹn nhau như vậy, thì cứ vậy đi, con chọn món khác dưới 100 nghìn.” Đây là một việc rất khó, vì thay đổi kế hoạch còn bị động lúng túng cả với người lớn chứ đừng nói gì trẻ con. Cuối cùng thì cũng chọn được một thứ, và mình quyết định, gác câu chuyện lại đó, để đến mai “chính hội” xem có gì xảy ra rồi tính tiếp.

Một ngày sau, đi đón Nhi Bá về, thấy cậu còn bần thần hơn lúc chọn đồ chơi. “Có chuyện gì vậy con? Con tặng quà cho em Chí Cường chưa?” “Con tặng rồi, và hình như em giận con ba ạ. Em trả lại quà, bảo là không thích quà này.” “Thế con nhận lại à?” “Vâng ạ, em nhất quyết trả lại.”

Mẹ của Nhi Bá biết chuyện, nói với bạn ấy thế này: “Con thấy không, em Chí Cường như thế là không được, vì người khác đã tặng quà cho mình thì đó là tình cảm người đó giành cho mình, mình phải trân trọng, quà gì cũng là quý con ạ.” Mình lại quyết định gác câu chuyện lại thêm một ngày nữ, sáng hôm sau đưa Nhi Bá ra xe buýt, mới nói tiếp.

“Mẹ con đúng đấy, ngày sinh nhật là để mình có cơ hội thể hiện sự quan tâm của mình đến người có ngày sinh nhật. Ba khen con quan tâm đến em Chí Cường, con rất ngoan. Nhưng ba nhận thấy một điều thế này – hôm đi họp phụ huynh, các bố mẹ nhận được thư các con viết cho, trong đó là tình cảm của các con, là hứa hẹn học tập tốt… nhưng con thì viết: Con đã cố gắng học tập và hứa học tập tốt hơn nữa. Con xin ba mẹ tặng cho con cái này, cái kia vào ngày sinh nhật… Đó là con suy nghĩ quá nhiều đến ngày sinh nhật; nghĩ đến người khác là tốt, nhưng nghĩ quá nhiều đến sinh nhật mình, là đã bắt đầu ích kỷ rồi đấy.” “Ích kỷ ấy hả ba?” “Đúng con ạ, nghĩ đến mình nhiều quá, là ích kỷ đấy. Còn chuyện sinh nhật Chí Cường lần này, con thấy việc em Chí Cường trả lại quà, con có lỗi gì không?” “Không ba ạ.” “Mẹ con không biết chuyện, nên lúc nãy cũng không nói, nhưng ba biết thì ba phải góp ý với con về điều này. Con quá ám ảnh ngày sinh nhật, cả của con lẫn mọi người. Ba nhắc lại nó chỉ là cơ hội để mọi người thể hiện sự quan tâm đến nhau thôi, trước hôm đó ta nhớ, ta chuẩn bị quà, qua ngày đó rồi thì thôi… không nên ám ảnh quên hết cả học tập, mà con vốn dĩ đã không tốt trong việc tập trung học hành rồi. Lần sinh nhật này, ba thấy con và em Chí Cường bàn soạn từ tuần trước, tuần trước nữa rồi. Một việc nữa là về chuyện tặng quà. Việc con muốn biết em Chí Cường thích quà gì để tặng là việc rất tốt – tặng quà mà đúng thứ người ta thích thì là tuyệt vời rồi. Vì con chưa biết thì ba hướng dẫn: việc tìm hiểu người ta thích quà gì để tặng, phải kín đáo, còn gọi là “tế nhị” ấy mà – nghe em nói chuyện để hiểu em thích quà gì… Thiếu sót của con là hỏi thẳng em thích cái gì, em nói em thích cái này cái kia… nhưng điều đó có thể được nếu con đã đi làm và có tiền riêng, nhưng bây giờ con còn phải xin ba mẹ, sao thực hiện được như vậy? Thế có đúng là con có thiếu sót không nào?”

Đấy, tưởng là chuyện trẻ con, mà có khi phức tạp ra phết… chuyện này gần đến sinh nhật cậu ta, lựa lựa lời và lúc thích hợp, lại nhắc lại thì mới nhớ, mới thấm được.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment