Wednesday, August 19, 2015

Cái bút chì kim

Ba hay dùng bút chì, đặc biệt là trong công việc, lúc thì vạch vào bản vẽ, sơ đồ, lúc thì đánh dấu vào tài liệu đang đọc dở hoặc ghi chú điều gì đó. Điểm tiện lợi của bút chì, là nó không bị nhòe như mực, lại dễ tẩy đi. Từ hồi có bút chì kim còn tiện lợi, không phải gọt bút chì gỗ nữa.

Có lần Bôn Ba Nhi Bá làm bài tập và hết bút chì – tìm không thấy cái nào, thôi bí quá ba cho cậu ta mượn một chiếc bút chì kim để dùng, và hướng dẫn cậu ta cách dùng luôn. Cái bút chì này của Đức, thuộc loại đắt tiền, rất đẹp, mạ crôm óng ánh. Nhi Bá dùng nó thích lắm, rất thuận tiện.

“Ba dặn con nhé, tí nữa phải tìm bằng được bút chì thường, không thì ba sẽ ra ngoài cửa hàng văn phòng phẩm mua cho con, chứ cái bút này, ba cho con mượn dùng ở nhà thôi, con không được mang đến lớp. Nó đẹp quá như thế, các bạn nhìn thấy, rồi người thích, người mượn… thể nào cũng sinh chuyện rắc rối.” Dặn là dặn như vậy – nhưng mình cũng không kiểm soát ngặt nghèo, và đoán là nhiều khả năng ông con không tránh khỏi “cám dỗ”…

Vài hôm sau… một ngày thấy Nhi Bá ngồi học bài nhưng cứ bần thần. “Có chuyện gì vậy con?” “Con mang cái bút chì kim đến lớp, và sau đó không tìm thấy đâu cả ba ạ.” “Đấy, hôm trước ba dặn dò con chưa nhỉ?” “Dạ dặn rồi ạ. Ba dặn không mang đến lớp.” “Con thấy không, ba đã thấy trước là con mang nó đến lớp, thì thể nào cũng có chuyện. Bây giờ con kể cho ba nghe cụ thể, không tìm thấy nó như thế nào nào…” “Con để nó trong hộp bút. Đến giờ ra chơi, con đi ra ngoài và hết giờ vào thì mở hộp bút ra, không thấy nữa. Con nghĩ là con đánh rơi, nên con tìm hết cả trong lớp, ngó dưới gầm bàn gầm ghế, không thấy có…” “Bây giờ con phải nói chính xác là con mất bút như thế nào, có đúng là như con nói không, hay là con đánh rơi. Việc này khá hệ trọng đấy con nhé!” “Thật như thế mà ba!” – nhìn đôi mắt tròn xoe, đen láy của Nhi Bá, mình biết là cậu ta nói thật.

“Thế này con nhé – hôm trước ba dặn con, là vì bút đẹp, con mang đến lớp nhỡ có bạn nào thích quá… bạn “cầm nhầm” – ý là lấy về nhà dùng ấy mà. Hôm nay con mất bút như thế này, suy luận hợp lý thì con không đánh rơi, vì con để trong hộp bút, và con đã tìm khắp trong lớp rồi – có nghĩa là điều ba lo ngại đã thành sự thật, có bạn nào cầm cái bút của con rồi. Con không mang bút đi, thì bạn nào đó đã không bị cám dỗ bởi cái bút quá đẹp, con đem đi, bạn lầm lỡ bạn lấy… rõ ràng là con có khuyết điểm không nghe lời ba ba sẽ phê bình sau, và bây giờ vấn đề của con, là giải quyết chuyện này như thế nào thôi…”

Ông con suy nghĩ căng thẳng. “Bây giờ làm thế nào hả ba?” “Thế này nhé, hôm nay việc mất bút, ngoài con ra đã có ai biết chưa?” “Có bạn Minh ngồi cạnh con, bạn ấy tìm giúp con ạ. Sau đó hết giờ học là con ra xe bus trường đi về.” “Tốt rồi, con chưa nói với ai là tốt, việc này không thể tùy tiện và nóng vội mà làm đâu. Tuy nhiên chắc chắn là cũng có người lấy, thì mình cũng nên giúp người ta suy nghĩ về việc làm không đúng đắn đó. Mục tiêu bây giờ, không phải lấy lại cái bút, mà là giải quyết hậu quả của việc có bạn nào đó lấy cái bút, con hiểu không? Bút tuy đắt tiền, nhưng thực ra so với tiền lương của người lớn, không nhiều, có thể mua lại cái khác được. Bây giờ việc thứ nhất con phải nhớ, là từ mai đến lớp dặn bạn Minh không được nói gì về chuyện mất bút nữa, và con cũng không nói đến việc đó nữa, coi như chưa bao giờ có nó cả. Việc thứ hai, là ba cho con mượn một cái giống hệt như cái đã mất (cỡ chì của nó nhỏ hơn) và mang đến lớp, chỉ một hôm thôi. Con gặp riêng cô giáo và nói với cô về việc hôm nay, đưa cho cô cái bút này, ba tin là ba và cô sẽ có cùng cách giải quyết. Ba dặn lại, con tuyệt đối không được nói ra nói vào, là mất mát, hoặc có người lấy… đấy nhé!” “Tại sao lại thế hả ba?” “Vì mình có biết là thật có ai lấy, hoặc ai là người lấy nó đâu… cái bút thì nhỏ, quan hệ của con với các bạn mới quan trọng, và quan trọng hơn nữa là ai cũng có lúc lầm lỡ, cả ba, cả con, cả bạn… tốt hơn cả là ta tạo điều kiện cho họ sửa chữa, nếu lầm lỡ thật con ạ.”

Chiều hôm sau Nhi Bá về kể, cô giáo lấy bút mẫu, hỏi trước lớp là trong lớp có bạn nào nhặt được chiếc bút như thế này không thì đưa đến cho cô, cô trả lại cho một bạn bị mất… chuyện đến thế là xong. Bẵng đi có đến hai, ba tuần… một buổi tối có số điện thoại lạ gọi vào điện thoại của ba… “Em xin lỗi có phải bố của bạn Nhi Bá đấy không ạ? Em là mẹ của An Khang. Mấy hôm trước em phát hiện ra An Khang có một cái bút chì kim rất đẹp, hỏi là ở đâu ra, thì An Khang bảo là mẹ chẳng mua cho con còn gì… đúng là em có mua cho cháu thật. Nhưng hôm nay em ngờ ngợ lên mạng xem giá tiền, thì cái đó rất đắt, mà em thì không bao giờ mua cho cháu cái bút đắt như thế cả. Em hỏi kỹ lại thì An Khang thú thật, là bút của bạn Nhi Bá. An Khang còn nói, hôm trước cô giáo hỏi có ai cầm cái bút như thế, như thế… không, An Khang lo quá, về tháo rời thành từng mảnh, đến hôm vừa rồi mới quyết định lắp lại để đem trả nhưng chưa lắp được hoàn chỉnh thì mẹ phát hiện ra…” “Đúng rồi cô ạ, chuyện đó mấy tuần rồi…” Mình kể lại đúng những gì hai ba con đã thực hiện. Mình đề nghị mẹ An Khang từ từ giải quyết việc đó, chuyện không to, và An Khang như thế cũng là có một quá trình khá dài trăn trở với lỗi lầm của mình… Tối hôm sau thì cái bút quay về nhà với một loạt các chi tiết – và mình ngồi lắp trong lúc ông con học bài.

Con trai ạ, con không nghe lời, là khuyết điểm – nhưng lại có những bài học khác sau chuyện đó. Quan hệ của con với bạn giữ được tốt đẹp mới là quan trọng, chứ không phải là chuyện phải đòi bằng được cái bút về. Sau chuyện này con học được cách suy luận, rồi phải biết cách cư xử cho tế nhị nữa. Ngày xưa, ba không được hướng dẫn, cư xử ngốc nghếch nhiều lắm, cũng hay cãi cọ và giận nhau với bạn, cũng kha khá và lâu lâu đấy…

An Khang được gia đình đầu tư học bơi bài bản, chuẩn bị đi thi đấu ở Quận. Năm nay, hai bạn An Khang, Nhi Ba ở cùng nhóm bơi thuộc “Top five” của lớp để thày bồi dưỡng đi thi đấu, hai bạn thân ái và rất quý nhau.

Bài liên quan: Hội thi bơi

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment