Tuesday, August 18, 2015

Sập bẫy cảnh sát giao thông

Không phải đến bây giờ mới có, mà trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội người ta đã nói từ lâu tình trạng một số nơi người tham gia giao thông bị phạt liên tục ở những địa điểm nhất định, đồng thời người ta phát hiện ra những chi tiết tạo ra tình huống bắt buộc làm cho người tham gia giao thông phải vi phạm: một chiếc xe đỗ choán gần hết phần đường, làm cho các xe đi qua phải đè vạch, lấn tuyến… và đi một đoạn thì bị cảnh sát giao thông dừng phương tiện, thổi phạt. Không hiếm các trường hợp cảnh sát giao thông còn bố trí cả người chụp ảnh quay phim lấy chứng cứ.

Vậy chúng ta cần có cái nhìn như thế nào về sự việc này?

Khi dạo qua các diễn đàn và mạng xã hội, sẽ thấy hầu hết là tâm trạng bức xúc một cách chính đáng, và cũng hoàn toàn không thiếu những lời lẽ xỉ vả dành cho lực lượng cảnh sát giao thông vốn lâu nay đã, đang và sẽ tiếp tục phải chịu những búa rìu dư luận về những vấn đề tiêu cực liên quan đến ngành này.


Từ góc độ nhìn vào ngành giao thông nói chung (cả lực lượng thanh tra giao thông của các Sở giao thông vận tải) và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng, thì chưa cần bàn sự việc là có “đánh bẫy hay không đánh bẫy,” cần phải nói rằng ngành giao thông chưa hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ của các lực lượng này (mở rộng ra cả thành phần Tự quản của các Phường hay Công an xã) trước hết là đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người tham gia giao thông. Chúng ta cần phải nhìn việc đảm bảo giao thông của từng địa phương chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế xã hội; chứ không phải tiền phạt từ người vi phạm giao thông là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách. Đó chính là câu chuyện của một tỉnh phía Nam, khi biển báo hạn chế tải trọng qua cầu không phù hợp với thực tế của cây cầu, dẫn đến tình trạng cảnh sát giao thông phạt quá nặng tay xe tải qua cầu; điều này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn muốn giải thể vì làm ăn không có lãi.


Thời gian qua lãnh đạo ngành giao thông vận tải đã bắt đầu chú ý đến những chỉ dẫn giao thông không phù hợp, dẫn đến việc “không có bẫy” cũng thành “bẫy” đối với người tham gia giao thông và điều khiển phương tiện.

Nhìn lại câu chuyện “taxi đánh bẫy trên cầu” – việc đầu tiên cần làm của lực lượng cảnh sát giao thông là hướng dẫn phương tiện qua chỗ có sự cố an toàn, đảm bảo giao thông thông suốt, đảm bảo tốc độ thông xe, tránh ùn tắc. Điều này rất phù hợp với ý kiến của một cán bộ của Phòng cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội khi trao đổi với mình; tuy là một sỹ quan công an mới ra trường nhưng đồng chí có cái nhìn rất đúng sự việc: giao thông của thành phố quá tải, lượng phương tiện vi phạm do đó là cực nhiều, nhất là những lỗi đè vạch, lấn tuyến… thường xuyên xảy ra với số lượng lớn. Do đó nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông cần tập trung đảm bảo giao thông là đầu tiên, sau đó là xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có khả năng gây nguy hiểm cao, trực tiếp đến tính mạng của những người tham gia giao thông khác như vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều… còn nếu nhăm nhăm xử lý những lỗi nhỏ mà không hoàn thành nhiệm vụ chính, thì tình trạng giao thông của thành phố còn “thê thảm” hơn nữa.

Còn từ phía người tham gia giao thông thì sao? Thẳng thắn nhìn nhận mà nói, dân ta “sợ công an, không sợ luật” – nếu khi tham gia giao thông nói riêng, mọi hành xử trong cuộc sống nói chung cứ tuân thủ pháp luật trước đã, thì làm gì có cơ hội mà “sập bẫy.” Chúng ta quen với việc nếu có một người vi phạm luật giao thông, thì chúng ta vi phạm theo với lý luận rằng “nó đi như thế.” Trường hợp chiếc xe taxi cũng vậy – nếu người ta đỗ choán phần đường của mình, mình bắt buộc phải đi qua mà không thể không vi phạm luật; chúng ta thường sẵn sàng đi qua cùng với lý luận rằng “mình vi phạm luật là tại lỗi của người khác.” Chúng ta không được trang bị tư duy là người khác phạm luật là việc của người khác, còn việc giữ nghiêm bản thân không phạm luật là vấn đề của chính chúng ta. Nghĩa là nếu chúng ta phạm luật có nguyên nhân từ một hành vi phạm luật khác, thì mỗi người chúng ta đều phải tự mình chịu trách nhiệm với hành vi của mình chứ không đổ lỗi cho ai được.

Thông thường cách hành xử đúng là cần gọi cơ quan chức năng hữu quan đến hiện trường làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông, như gọi điện cho cơ quan công an, thanh tra giao thông. Giao thông không được đảm bảo, chính là quyền lợi của chúng ta, những công dân đang tham gia giao thông, cũng không được đảm bảo tối đa; xin hãy nhớ nhân dân là người đóng thuế để làm đường sá, cầu cống, rồi gần đây là phí bảo trì đường bộ… chúng ta có quyền yêu cầu có được một hiện trạng giao thông thuận lợi và an toàn nhất.

Trong những bức ảnh người ta chia sẻ trên mạng, rõ ràng là chiếc taxi “sự cố” vẫn còn chừa một phần đường cho người đi xe máy, hẹp nhưng vẫn có thể đi được. Nhưng thay vì từ từ đi qua xếp hàng một, người nọ vượt người kia, lấn ra phần đường ô tô… bị phạt là đúng rồi, tại sao còn phải kêu ca?

(Ảnh trong bài chỉ có tính chất minh họa)

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment