Friday, August 7, 2015

Chuyện “báo ứng” cháu cụ Hưng Ký

Sáng nay đi thăm ông bạn học cùng thời vỡ lòng – ngồi nói chuyện với bố của anh chàng, một ông cụ gần 80 tuổi, hơi yêu yếu do tuổi tác nhưng còn nhớ hàng tỉ thứ chuyện.

Cách đây hơn một tuần, anh bạn chia sẻ lên Facebook một video clip có 2 thanh niên, một người gầy như cái que, cởi trần mặc quần dài, đầy xăm trổ kín hai cánh tay đang đánh một người thanh niên kia, còn gầy hơn, đang ngồi dưới đất. Sự việc diễn ra trong phòng kín. Thấy thông tin trên mạng thì một người đi ăn trộm bị bắt, còn người kia lôi vào phòng, tẩn thật lực. Ông bạn lè lưỡi: đánh ác thật, toàn đánh vào bắp tay với đùi non, đau đớn lắm… “nạn nhân” bò lê bò càng dưới đất, ngậm một cái khăn vào miệng để không kêu, còn ông kia thì giật cái khăn ra không cho ngậm, kêu tiếp thì đánh tiếp…

Mình bảo: “Đánh ác quá. Cùng con người với nhau cả, người ta ăn cắp bị bắt, thì cho cái bạt tai là cùng. Của nả thì không mất cách này, sẽ mất bằng cách khác…” (Chuyện ghét cái bọn lười lao động, chỉ thích đi ăn cắp của người khác lại là chuyện khác nhé…)

Ông cụ ngồi bên cạnh nghe chuyện, tham gia vào: “Ừ, xử ác với người có báo ứng cả. Để tao kể cho chúng mày nghe một chuyện. Người làng mình (Lực Canh, xã X, huyện ngoại thành Hà Nội) có ông đi làm kế toán cho nhà tư sản dân tộc Trần Văn Thành hay cụ Hưng Ký, cụ thấy người giỏi có đạo đức, thương mà gả con gái cho, còn mua cho nhà ở… con của hai người đó, tức cháu ngoại cụ Hưng Ký do đó là đồng hương với nhà ta, tao thường qua chơi từ rất lâu rồi. Chuyện xảy ra ở Hà Nội từ thời chưa hòa bình lập lại, bà con dâu làng ta còn có một ông em trai, được cụ Hưng Ký mua cho cái nhà ở số 48 phố Hàng Trống. Cụ Hưng Ký thì mất khoảng năm 1946 gì đó, ông con trai này lấy vợ vẫn ở Hàng Trống, trong sân nhà có trồng một cây doi. Một tối có hai anh em trai ruột đi ăn xin – trẻ con ấy mà, đói quá trèo vào nhà trẩy trộm doi để ăn, ông con cụ Hưng Ký bắt được. Đầu tiên là ông ấy đánh chúng nó, sau đó gọi sếp bót ở Hàng Đậu xuống đưa về bót, lại đút tiền cho sếp bót giữ chúng nó lâu lâu mà không cho ăn uống gì. Được 3, 4 hôm hai anh em ăn mày lả đi. Đêm đó, vợ ông ấy, tức con dâu cụ Hưng Ký ngủ mê, thấy thằng anh van xin, rồi nó chết. Bà ấy sáng dậy nói với chồng, rằng lên bót xin tha cho chúng nó. Ông con nhất quyết: Cho chúng nó chết. Cuối ngày thằng anh chết thật. Đến hôm sau thằng em chết nốt…”

Mình há hốc mồm ra nghe. “Ơ thế ai kể cho chú nghe chuyện đó?” “Cháu ngoại cụ Hưng Ký đấy, cái người gọi ông nhà có cây doi đó bằng cậu ruột. Tao hay sang Hàng Bông chơi ở nhà người ta, người cùng làng, đồng hương mà. Để tao kể tiếp.”

“Đến những năm một chín sáu mươi, chiến tranh hai miền căng thẳng, cả hai con của ông “cây doi” đều bị gọi đi bộ đội, làm cách nào cũng không xin xỏ gì được. Mẹ chúng nó thì linh cảm thế nào chúng nó cũng chết. Đi được một thời gian thì tự dưng bà ấy ngủ mơ thấy thằng bé ăn mày em đến gặp, báo là con nhỏ của bà, ốm trong Quảng Bình. Vài hôm sau nhận được tin ông con nhỏ chết trong Quảng Bình thật. Lại thời gian sau nữa, bà mơ tiếp thấy thằng bé ăn mày anh đến, nó nói “trước giết chúng tao, nay tao giết lại con chúng mày!” và lại nhận được tin người con lớn bị thám báo Mỹ - Việt Nam Cộng hòa bắt rồi giết, mất xác.”

Mình nghe thế nào, chép nguyên lại như thế. Cụ Hưng Ký thì xây cái chùa Hưng Ký dưới Minh Khai, nhiều người biết. Cả dãy nhà ở Minh Khai của cụ, rồi bao nhiêu là nhà ở Hà Nội, cũng không ai còn lạ. Cụ có một bà vợ nhớn và bốn năm bà vợ bé, cũng nhiều người biết. Các con các cháu cụ tài giỏi, đỗ đạt… cũng nhiều người biết.

Câu chuyện hoang đường này cũng có thể giải thích là bà mẹ bị ám ảnh bởi cái chết của hai anh em ăn mày, rồi linh cảm của người mẹ với sinh mạng các con, nên tự tâm khảm bà ấy kết nối các sự kiện, nhân vật… vào nhau mà có giấc mơ, cũng là dễ hiểu.

Nhưng khi đã hiểu rằng tất cả thể xác và linh hồn, cùng một thể sóng… khi người ta chết oan thì trở thành oan hồn, không siêu thoát… có thể luẩn quẩn đi báo oán, đòi nợ… và chính con người sống chúng ta cũng là tập hợp của sóng, của hạt cơ bản… không thể nói là không bị tác động bởi những “thế lực ngoại lai” đó. Nhiều cái khoa học của con người vẫn chưa giải thích được.

Tin hay không tin, chưa cần bàn vội – nhưng cũng là cố gắng chép lại sự kết nối hai câu chuyện “bắt được kẻ trộm” mà cùng suy nghĩ. Có được một cái tâm rộng mở, biết tha thứ với lầm lỗi của người khác, chắc chắn là tốt hơn nhiều so với khởi tâm ác mà đẩy người khác vào cảnh cùng cực, thậm chí vào chỗ chết.

Hết chuyện.


Nhưng chưa hết. Chuyện này đã định gác lại không kể vào đây – nhưng chiều hôm qua có anh bạn trẻ kết bạn, mới biết người anh em làm nghề quản giáo. Trong câu chuyện buổi sáng với ông cụ bố thằng bạn, ông ấy kể hồi hết đại học ra trường, còn vào ngành công an làm quản giáo mấy năm rồi mới được chuyển ngành đi cơ quan khác.

Coi tù là một môi trường quá thuận lợi cho việc khởi tâm ác và các hành vi hành hạ người khác cực kỳ dễ dàng và thuận tiện để thực hiện, nên phần lớn những người coi tù cũng dần dần thấy điều đó ăn sâu vào máu và đó là một bộ phận của cuộc sống thường ngày của họ. Nhiều, rất nhiều người trong số họ có những thăng trầm trong cuộc sống nhìn thấy ngay, tức là cái sự “tổn phước” đem lại ngay lập tức. Ông cụ nói thêm “Hầu hết những người đó, cuộc sống vợ chồng, con cái, gia đạo… không ra làm sao cả.”

Mình nói theo “Nhưng ngược lại trong họa bao giờ cũng có phúc. Chính đó lại là một môi trường cực kỳ thuận lợi cho việc nuôi dưỡng lòng yêu thương của người quản giáo dành cho những người tù…” Gần đây được đọc hai câu chuyện về hai người quản giáo đã có những cư xử đầy tình người đối với những sỹ quan của chế độ Việt Nam Cộng hòa phải tập trung cả tạo – rất cảm động. Đó, tình người thì đâu chẳng có, cứ gì phải theo một lý tưởng chính trị nào đó mới có đâu.

Trước đây khi đọc “Nhật ký bão lòng” của một doanh nhân không may sa vòng lao lý, mình nghĩ nhiều về cái thử thách kinh khủng đó của đời người. Đến khi học Phật, thấy tiếc giá anh ta được học từ trước khi vào tù…

… có lần đọc được chia sẻ của một vị Lạt Ma Tây Tạng, bị chính quyền cầm tù, cụ viết: “Khi ở trong chốn lao tù, điều đáng sợ nhất là có lúc nào đó đánh mất lòng yêu thương của mình đối với những người cai ngục.” Đúng vậy, ở Việt Nam thì không chỉ những người cai ngục, mà cả những bạn tù “đại bàng” thường xuyên hành hạ các bạn tù khác nữa, cần phải yêu thương họ. Làm được điều này không dễ, thật là một thử thách lớn.

Xin viết lại lời của Lạt Ma: “Ở chốn lao tù, điều đáng sợ nhất của cả người tù lẫn quản giáo là có lúc nào đó đánh mất lòng yêu thương dành cho nhau.”


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

1 comment: