Tuesday, August 11, 2015

Bà nội của con trai


Con trai ngày một lớn phổng phao, mới học lớp Bốn mà nó lộc ngộc như bố nó ngày xưa hồi học lớp Sáu vậy. Sáng nay thấy nó đứng cạnh bà ngoại đã cao đến tai bà rồi, mình bèn bảo: “Con lớn nhanh quá, bây giờ đã cao thế này rồi!”

Cậu cả hỏi lại: “Con cao khoảng mét bao nhiêu hả ba?” “Nếu chính xác thì để sáng mai đo, còn ước lượng thì ba đoán khoảng một mét bốn mấy đó. Con đã cao bằng bà nội con ngày xưa rồi, vì bà nội con là người rất nhỏ bé.”

“Bà như thế nào hả ba?” “Bà nhỏ bé nhưng xinh gái lắm con ạ. Bà cực kỳ hiền lành nên nhiều người quý mến lắm.” “Bà mất năm bao nhiêu tuổi hả ba?”

Mình lặng người đi… Bà con mất năm bà chỉ 45 tuổi thôi, đến chú của con lúc đó cũng mới chỉ 8 tuổi, còn nhỏ hơn con bây giờ. Trước khi bà mất khoảng 2 giờ, ba đã bế bà xuống cầu thang, để bà nằm cái giường ở dưới nhà. Bà nhỏ như một em bé ấy con ạ, bé hơn con nữa cơ. Bệnh ung thư đấy, chỉ một thời gian ngắn là người bé xíu lại như vậy…

Tại sao lại phải đưa bà xuống nhà hả ba? Vì bà và ba ở trong cái phần nhà, ông ngoại của ba ngày xưa xây nó là nhà phụ, nên cầu thang của nó hẹp. Nếu người mất rồi, sẽ rất khó khăn để đưa được xuống cầu thang, nên ba đưa bà xuống nằm dưới tầng một cho sau bà mất rồi, đỡ kinh động đến bà. Con thấy không, ai cũng có thể ốm yếu, rồi già đi, còn các con thì lớn lên. Ba ngày xưa cũng vậy, không to cao nhưng ba tập thể thao, nên khỏe mạnh lắm, bế bà nội con cứ nhẹ bồng bỗng ấy. Đó là quy luật của cuộc sống, nên không bao giờ nên có suy nghĩ khinh khi với người già, mặc dù lúc đó trong mình đầy sức lực của tuổi trẻ. Và sau này con sẽ thấy mỗi khi nhớ đến cha mẹ của mình, mình luôn tưởng tượng mình là đứa trẻ nhỏ xíu, còn cha thì cao to như người anh hùng, mẹ cũng vậy, lúc nào cũng có thể che chở cho mình được… Kể cả khi ta thành ông cụ, bà cụ; nhưng ký ức về cha mẹ thì vẫn vậy.

“Bà có theo (Đạo) Phật không hả ba?” “Không con a. Là không kịp…”

Đọc sách đọc báo, thỉnh thoảng thấy có những bài ca ngợi cha mẹ, công ơn đúng là vĩ đại. Nhưng bây giờ nhớ lại ngày ấy, tối nào sau khi chấm bài soạn giáo án mẹ cũng khâu áo len, thêu những bông hoa, con bướm… trên đó để phụ thêm thu nhập mà nuôi con. Chẳng có gì là vĩ đại cả. Bây giờ đến lượt mình cũng vậy, cuộc sống đúng là cũng vất vả và nhọc nhằn, nhưng thấy nó cũng bình thường vì ai cũng phải làm những việc như vậy, ai cũng có con có cái, có những người cần đến mình phải lo lắng. Và mình thấy được cuộc sống có người để lo như vậy là hạnh phúc. Cũng vẫn chẳng có gì là vĩ đại cả.

Nhìn lại thì luôn luôn thấy so với sự phát triển bây giờ, ngày xưa những cố gắng của cha mẹ nó nhỏ bé và giản dị mà làm sao bây giờ để có mình của hôm nay, chúng vĩ đại đến thế. Đó, sự vĩ đại, bắt đầu từ những cái bình thường.

“Chơi” trên mạng xã hội internet, gặp nhiều người bạn thật tuyệt. Mình băn khoăn lắm, rằng mẹ ngày xưa không được biết nhiều về Phật pháp, rồi ra đi khi tuổi còn trẻ, thậm chí còn đẹp đến lúc mất. Một người bạn, có thể nói một Đạo Hữu nói: “Anh hãy cố gắng tu học, nếu đạt thành tựu thì cha mẹ nhiều đời và con cái nhiều kiếp được hưởng phúc.” Chỉ một câu nhẹ hết cả lòng… Điều trả ơn cha mẹ tốt nhất là mình phải sống tốt, có trách nhiệm, nuôi dạy các con tốt, vậy thôi. Mình đi đến cái nhẹ nhõm ngày hôm nay từ những giây phút ngồi một mình, bất lực khi nhìn căn bệnh đến xồng xộc cướp Mẹ đi mà khóc vì bất lực, đến những ngày vất vả hoàn thành nhiệm vụ Mẹ giao, đã có những lúc tưởng mất sạch, không còn gì… Để có ngày hôm nay mọi chuyện rõ ràng, không còn nghi hoặc những gì đã mất, đã không còn tiếc vì Mẹ chưa kịp theo học Phật. Và “con đường đi sáng sủa đó, trước mặt, con đi đi!”

Hà nội, 20/3/2015. Viết tiếp và post lên mạng nhân ngày giỗ Mẹ, 21 năm.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment