Wednesday, September 16, 2015

Đắc nhân tâm

Nhóm bơi phân thành nhiều trình độ khác nhau, Bôn Ba Nhi Bá tập mấy năm rồi nên tập giáo án riêng, các bạn còn lại thì người chênh nhiều người chênh ít, hôm tập riêng, hôm tập chung.

Nhi Bá cũng hay hỏi, hôm nay ai tập tốt, ai tập chưa tốt… “Hôm nay anh Khang tập tiến bộ con ạ.” “Ba có khen anh Khang không?” “Có chứ, khen ngay chứ, được khen tập cố gắng, có tiến bộ anh Khang vui lắm, cười toe toét con không thấy à?” “Thế còn Chu Sơn và Nam Phước thì sao ạ?” “Hai anh em đó có năng khiếu hơn anh Khang một chút, nên dù kết quả có tốt hơn nhưng thực tế, anh Khang phải cố gắng nhiều hơn mới được thành quả, nên cần động viên anh ấy nhiều hơn con ạ. Giống như con đi học, cái bạn cứ lẹt đẹt 5, 6 điểm mà cố lên 8 điểm khác hẳn cái anh chàng 9 điểm sẵn rồi, chỉ lên 9 điểm rưỡi thôi… Mỗi người có điểm bắt đầu khác nhau thì quãng đường đi được chắc chắn cũng khác nhau.”

Ngẫm nghĩ một lúc… “Thế thì phải khen nhiều để mọi người vui ba nhỉ!” “Ừ, nhìn chung thì khen người khác là tốt, ai cũng thích được khen cả. Nhưng khen thì phải xuất phát từ lòng trung thực, chứ không nên xuất phát từ những suy nghĩ không thật thà.” “Là sao hả ba?” “Có những lời khen nhằm mục đích có lợi cho bản thân, như trong chuyện ngụ ngôn “Quạ và Cáo” của La Phông-ten con đã đọc rồi đấy…”

“Quạ kia nhặt được bánh bơ
Thông cao quạ đứng, quạ chờ sắp ăn…”

Nhi Bá nhe răng cười - “Con nhớ rồi ba ạ. Con cáo nịnh con quạ để nó hát, hát lên một cái là rơi cái bánh ra, cáo vồ chén luôn!” “Đúng rồi, quạ thì chỉ có gào “quà, quà” một cách khàn khàn thôi, chứ hát hò gì. Biết thừa người ta không làm được điều đó mà cứ khen thì rõ ràng là có mục đích kiếm lợi rồi, thế là không tốt. Tuy nhiên thực tế cũng có những lời khen không hẳn xấu như vậy.” “Là thế nào hả ba?”

Ba có một nhóm “bạn” nhiều tuổi hơn ba – trong đó có một ông con phải gọi bằng ông, với một bác chỉ hơn ba mấy tuổi có hai chị con gái mà con đi chơi cùng mấy lần rồi ấy. Lần gặp trước, ông kia kể đã từng đi sang Pháp chơi cùng chuyến với bố vợ của cái bác kia – tức là ông ngoại của hai chị con gái con bác ấy. Lần gặp sau, có mặt một trong hai chị, ông ấy chỉ chị ấy và nói: “Ông ngoại của cô bé này giỏi tiếng Pháp nhất Việt Nam!” Tất cả ngồi ở đó im lặng, không ai nói gì, đặc biệt là cái bác có ông bố vợ “giỏi tiếng Pháp nhất Việt Nam” kia, càng không nói gì.

“Tại sao không ai nói gì và bác ấy lại càng không nói gì hả ba?” “Vì ngại. Bây giờ nếu ba nói “Bôn Ba Nhi Bá bơi giỏi nhất trường…” thì sao?” “Ấy không không…” Cậu cả ngại ngùng, kêu lên. “Đó, hội thi của trường đã tổ chức đâu mà biết ai nhất ai nhì… đã thế có khi người bơi giỏi nhất hôm thi bị đau bụng mà con vượt được bạn ấy, thì sao… Đã có căn cứ gì mà cho rằng ai giỏi nhất, ai giỏi nhì. Ông kia khi khen như vậy, chắc chỉ nhằm cho bác ấy vui lòng thôi, ý của ông là tốt, nhưng khen quá lên, khen không có căn cứ, không có cơ sở, thì chỉ làm cho người ta ngại ngùng thôi con ạ. Nói gì cũng phải đúng sự thật. Khen, đúng mức độ như nó có. Hồi trước ba có đọc một cuốn sách tên là “Đắc nhân tâm” nhưng do một bác tiến sỹ tâm lý người Việt Nam viết lại từ một cuốn khác của nước ngoài, cứ khuyên người ta phải khen người khác để lấy lòng người khác…”

“Lấy lòng là gì hả ba?” “Là làm thế nào có được cảm tình của người khác con ạ.” “Thế nào thế nào để khen đúng mức độ như ba vừa nói?” “Thì phải học thôi, học giỏi ở trường chưa đủ, còn phải học cách quan sát cuộc sống, trò chuyện với mọi người, lắng nghe mọi người, biết cái hay cái chưa hay… thì mới khen được. Khen cũng khó lắm, đâu có dễ, nhỉ?”

Vậy đó, khen gì thì khen, cũng vẫn cứ phải thành tâm, trung thực con à.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment