Tuesday, September 8, 2015

EEF của Putin – “Đông tiến” hay “vá víu” quan hệ với Phương Tây?


Có lẽ mười mấy tháng vừa qua kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine đến nay là sóng gió nhất trong thời gian cầm quyền của tổng thống V. Putin. Lần này Nga tổ chức Diễn đàn kinh tế Phương Đông, mục tiêu chính của nó là thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Viễn Đông của Nga trên cơ sở mở rộng hợp tác quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.


Diễn đàn kinh tế Phương Đông được tổ chức lần đầu tiên từ 3 đến 5/9/2015 ở Vladivostok, Liên Bang Nga với một quy mô rất lớn về số lượng người tham gia và số cuộc họp. Mục tiêu của Diễn đàn là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vùng Viễn Đông Nga, tổ chức sự gặp gỡ giữa kinh tế Nga với kinh tế các nước Châu Á – Thái Bình Dương cho sự phát triển của vùng Viễn Đông Nga gắn với sự phát triển kinh tế khu vực. Tổng số vốn của những hợp đồng va thỏa thuận được chuẩn bị ký kết trong khuôn khổ của Diễn đàn đạt 4,7 nghìn tỷ rub, tương đương 70,3 tỉ đô la.

Như chúng ta đã biết, từ khi ông Putin lên làm tổng thống Liên bang Nga, tiềm lực của nước Nga về tài chính được phục hồi mạnh mẽ nhờ giá dầu tăng cao, tuy nhiên nguồn tài chính đó chưa được đưa vào phát triển kinh tế và hạ tầng nước Nga một cách tương xứng. Nền công nghiệp hùng mạnh có hạng thế giới, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng thời Liên Xô cũ, vẫn tiếp tục sa vào trì trệ, lạc hậu so với các nước tiên tiến về công nghệ; nước Nga tiếp tục bị chảy máu chất xám và nền công nghiệp của nó tiếp tục bị thất thoát tài sản. Sự phát triển của nước Nga về địa lý tập trung chủ yếu vào vùng phía Tây, phần thuộc châu Âu của đất nước; còn toàn bộ vùng phía Đông từ dãy Ural cho đến Vladivostok rộng mênh mông và tiềm năng tài nguyên cực kỳ phong phú, thì hầu như chưa được phát triển. Tỷ lệ dân số toàn khu vực rất thưa thớt, hạ tầng yếu kém… chưa được đầu tư thỏa đáng. Nằm trong thế trận càng ngày biên giới của NATO càng dịch chuyển về phía Đông với những sự kiện không có lợi hoàn toàn cho Nga ở Ukraine, và ngay cả quan hệ với những đồng minh truyền thống “tuy hai mà một” như Belarus cũng không phải lúc nào cũng êm thắm… phải chăng nước Nga của Putin sẽ có những dịch chuyển chiến lược mới, đưa trung tâm phát triển của đất nước “Đông tiến?” Chính vì thế mà ông Putin nói nhiều đến tình hình Ukraine, đặc biệt là những sự kiện bi thảm gần đây ở Verkhovna Rada. Quan điểm của ông cho rằng tình hình chính trị Ukraine hiện nay là bế tắc, và có được khai thông hay không “là do chính người Ukraine…”

Trong phát biểu của mình, tổng thống Putin đã thông báo về việc Nga sẽ ban hành các chính sách phát triển cho vùng Viễn Đông, tập trung vào một thể chế tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tự do cạnh tranh. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng thực tế nước Nga thì nếu làm được như vậy là một bước phát triển lớn – vì ngay cả ở vùng phía Tây đất nước, doanh nghiệp nước ngoài cũng đã rất khó khăn trong hoạt động bình thường chứ chưa nói đến tự do cạnh tranh - quản lý kinh doanh ở Nga có những nét rất đặc thù không giống ở đâu cả. Đối với các doanh nghiệp dầu khí trong nước, Tổng thống Putin tự tin rằng, với tiềm năng sẵn có họ sẽ đạt được năng lực cạnh tranh cao cũng như hiệu quả hoạt động kinh doanh – “Sẽ đạt được những ranh giới mới.” Ông đưa ra ý tưởng về việc thành lập một “Cảng (thông thương) tự do” ở Vladivostok trong sự liên kết với tất cả các hải cảng của Nga vùng Viễn Đông. Một đạo luật sẽ được ban hành vào tháng Mười năm nay để thể chế hóa kế hoạch này, áp dụng cho tất cả các cảng Nam Primorye. Quy chế ưu đãi của nó sẽ là giảm tối đa các thủ tục xuất nhập khẩu và những ưu đãi khác về thuế, bảo hiểm… “Cảng tự do” là một phần trong chiến lược xây dựng “đầu mối giao thông và công nghiệp Vladivostok” của nước Nga trong thời gian tới.   

Diễn đàn kinh tế Phương Đông được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế Nga đang ở giai đoạn khó khăn nhất: từ đầu năm 2014 một đồng rub yếu ớt, lạm phát trên 15%, lệnh trừng phạt của Phương Tây và giá dầu thì luôn ở mức thấp… dẫn đến việc người ta ghi nhận tốc độ suy thoái đến 10% chỉ trong một quý. Tỷ lệ thất nghiệp là 5,3% nhưng thực tế thì có rất nhiều nhân viên Nhà nước làm việc không có lương; thu nhập khả dụng của người dân giảm 2,9% một năm. Ngay cả ngân sách quốc phòng, vốn được coi là ưu tiên hàng đầu để “giải quyết tình hình hậu khủng hoảng Ukraine” cũng đã bắt đầu được xiết chặt. Nếu tình hình không được cải thiện, thì nước Nga sẽ còn đối mặt với nhiều bi kịch hơn nữa.

Trong những nỗ lực đưa đất nước thoát ra khỏi khó khăn, về đối ngoại cấp thượng đỉnh tổng thống Putin đã thỏa thuận được cuộc gặp với người đồng cấp Hoa Kỳ Barrack Obama, sẽ được tiến hành cùng dịp với việc ông Putin sang dự cuộc họp ở Đại hội đồng Liên hiệp quốc. Nhưng kết quả của nó ra sao, họ có đạt được điều gì không… thì chưa ai biết được. Chúng ta cần có được một cái nhìn tổng thể hơn nữa với sự kiện Putin gần như cùng thời điểm, vai kề vai Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít ở Bắc Kinh. Hai sự kiện như “chốt lại” một mùa hè không sóng gió kiểu năm 1945 đầy đau thương, nhưng cũng đầy cảm xúc, vì mùa hè vừa qua đã cho thấy sự thay đổi ghê gớm trên bàn cờ địa kinh tế của thế giới. Giá dầu mỏ liên tục duy trì ở mức thấp và thế giới được biết đến nhiều hơn tới công nghệ dầu đá phiến của Hoa Kỳ, Nga bị soán ngôi trên danh sách nhà xuất khẩu dầu khí, nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng mạnh mẽ cùng với những cú lao dốc dữ dội của thị trường chứng khoán Trung Quốc…

Trung Quốc được ghi nhận sự thành công vượt bậc trong thành lập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng Châu Á được coi như đối trọng với IMF và Ngân hàng Thế giới, đang tiếp tục cùng Nga xúc tiến phát triển “Liên minh kinh tế Á - Âu” (EEU) và “Sáng kiến con đường tơ lụa mới” thì thị trường chứng khoán nước này chao đảo, chỉ trong một thời gian ngắn mất hơn 3000 tỷ đô la, gây nên những tác động tiêu cực không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế. Khi việc tái lập quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ còn chưa chắc chắn, thì Trung Quốc chưa thể thay thế vị trí của phương Tây trong nền kinh tế của Nga và các nỗ lực quan trọng để tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai cường quốc này đã được thực hiện trong hai năm qua có thể bị đổ sông đổ biển nếu suy thoái của Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói về kế hoạch “Một vành đai, một con đường” (OBOR) và qua hơn một năm, nó dần dần trở thành điểm mấu chốt trong chiến lược kinh tế đối ngoại của Trung Quốc thời ông Tập. Tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã ban hành một hệ thống chính sách cụ thể cho OBOR với quỹ 40 tỷ đô la Mỹ tài trợ cho nhiều dự án khác nhau trong khuôn khổ OBOR. Thoạt tiên, Kremli nghi ngờ Trung Quốc với OBOR, chính là chiến lược làm chủ vùng Trung Á của nước này, nhưng Bắc Kinh đã rất kiên trì thuyết phục Nga trong việc hợp nhất hai thiết chế OBOR và EEU trong suốt năm 2014, mãi đến tháng Ba 2015 tại Diễn đàn Kinh tế Bác Ngao (26-29/5/2015, Hải Nam, Trung Quốc) phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov mới thông báo quyết định của Matxcơva kết hợp hai tổ chức này. Thực trạng thì OBOR mới chỉ có một quỹ 40 tỷ đô la, nhưng theo một con số khác David Shambaugh đưa ra trong một bài báo trên Foreign Affairs gần đây, Trung Quốc đã cam kết đầu tư tại Châu Á tới 1,4 nghìn tỷ đô la từ bây giờ đến năm 2025. Như vậy hứa hẹn vẫn chỉ là hứa hẹn – OBOR phải chăng là một lời hứa nhỏ trong số rất nhiều lời hứa khác của Trung Quốc và trong năm nay trước những khó khăn của kinh tế trong nước, người ta còn đang quan sát xem Trung Quốc sử dụng kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình để cứu thị trường chứng khoán như thế nào. Hiện nay, kết quả duy nhất của OBOR – EEU là đường sắt cao tốc Matxcơva – Kazan, một dự án bắt buộc phải tiến hành vì nó là một hạng mục đầu tư cho Cúp bóng đá thế giới 2018, nhưng những rắc rối trong nội bộ Công ty cổ phần đường sắt Nga, làm cho dự án ì ạch không biết bao giờ thì tăng tốc…


Đầu tư của Trung Quốc vào Nga riêng trong năm 2014 tăng 250% so với năm trước nhưng đến nay mới đạt mốc 8 tỷ đô la Mỹ. Đa số các thỏa thuận bộ phận của “Hợp đồng khí đốt 400 tỷ đô la tháng Năm 2014” đến nay đều không thực hiện được. Lệnh trừng phạt của Phương Tây áp đặt lên Nga, không phải là không ảnh hưởng đến kim ngạch thương mại hai chiều Nga – Trung: Theo tờ Economist báo cáo trong năm 2015 này hoạt động xuất nhập khẩu hai nước giảm 30% và buôn bán qua biên giới hai nước tiếp tục khó khăn. Tất nhiên, khó có thể nói được con số phấn đấu đưa ra của hai lãnh đạo Putin và Tập Cận Bình là đạt 200 tỷ đô la Mỹ (kim ngạch xuất nhập khẩu song phương) vào 2020 là có thể đạt được hay không.

“Mùa hè lạnh” là từ ví von của các chuyên gia gọi quan hệ kinh tế Trung – Nga năm 2015, có thể mô tả là “nóng về chính trị và lạnh về kinh tế.” Những cam kết tăng cường quan hệ kinh tế song phương đã dần nguội đi, nhưng vẫn còn đó những hình ảnh thân thiết của hai lãnh đạo siêu cường. Nhưng rõ ràng, nước Nga không chỉ trông vào một mình Trung Quốc, mà còn phải “nhìn về phương Đông,” từ Ấn Độ ở Tây Á đến Việt Nam ở Đông Nam Á. Đương nhiên, với nhãn quan này, nước Nga không thể không vá víu quan hệ của mình với Phương Tây.

Quay lại với những gì đã nói ở Diễn đàn kinh tế Phương Đông, Tổng thống Putin nhấn mạnh nhiều đến tình hình khủng hoảng nhân đạo người nhập cư chủ yếu từ Syria vào Liên minh châu Âu và khá thẳng thắn về vai trò hỗ trợ của Nga đối với chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong suốt cuộc chiến kéo dài 4 năm rưỡi, được cho là cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 người. Nga cũng là nước cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria trong suốt thời gian qua, trên quan điểm đó là điều cần thiết để chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo ISIS. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay, có vẻ ông Putin đã thay đổi. Ông nói: “Chúng tôi rất muốn có được một hình thức liên minh quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan. Với mục tiêu này, chúng tôi cần tham khảo người đồng nhiệm Hoa Kỳ và tôi đã nói chuyện riêng về vấn đề này với Tổng thống Obama.” Riêng về chính trị của Syria, tổng thống Nga Putin cho rằng, tổng thống nước này (Bashar al-Assad) đã sẵn sàng chia sẻ quyền lực trong cuộc bầu cử sắp tới, và hoàn toàn có thể có được giải pháp thỏa hiệp với phe đối lập.

Tổ chức Diễn đàn kinh tế Phương Đông lần này với những phát biểu của Putin cho thấy sự mềm dẻo có phần nào hòa dịu hơn trong chính sách của Nga trước tình hình thay đổi nhanh, từ khó khăn chung trong quan hệ kinh tế Trung – Nga đến những triển vọng cải thiện quan hệ với Phương Tây trong từng vấn đề, từ giải quyết khủng hoảng Ukraine đến hợp sức chống lại chủ nghĩa khủng bố và khủng hoảng nhân đạo người tị nạn ở Châu Âu.

Bài trên Tuần Việt Nam (bút danh Phúc Lai) tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment