Friday, November 20, 2015

Hai cái dở hơi

Có anh bạn Facebook hôm trước băn khoăn: “Nói dối; Nói xấu; Không nói. Cái nào nên làm hơn
- Nói dối người ta tốt mà nói người ta xấu và người ta xấu mà nói người ta tốt
- Nói xấu (không dóc): xấu nói xấu => nói thật
- Không nói: không khuyến khích cái tốt bằng lời khen, không ngăn chặn cái xấu bằng lời chê bai.”

Và mình trả lời thế này:

1. Nói cho vui mà không hại đến ai => nói dóc.
2. Tốt nói thành xấu => Nói xấu và là nói dối.
3. Xấu nói thành tốt => Nói tốt và vẫn là nói dối.
4. Tốt nói là tốt => Nói tốt và là nói thật
5. Xấu nói là tốt => Nói tốt và là nói dối.
6. Xấu nói là xấu => Nói thật nhưng không phải lúc nào cũng tốt. Đức Phật dạy không nên nói lỗi người khác.

1. Người ta thường gọi là chuyện phiếm, vớ vẩn rơi sang các trường hợp sau như chơi. Đức Phật nói chỉ khởi ý cũng tạo nghiệp, nên nói dóc chắc chỉ khi nào thật thân, thật hiểu nhau hẵng nên nói. Trên Facebook cũng nên hạn chế.
2. 3. 5. Tuyệt đối không làm. Nếu làm thì tùy trường hợp mà làm tránh được vẫn hơn.
6. Thực tế việc nói lỗi người khác ai cũng mắc phải, kể cả mình, dù bây giờ bản thân mình cũng tự tiết chế, giảm đi nhiều rồi. Quán xét việc có nên làm hay không nên làm mà tránh, làm được thế là tốt quá rồi, đừng chú tâm thêm chủ thể của việc, rồi lại suy diễn người ta tốt xấu thì rất không nên.
4. Đức Phật dạy “Nói thật nhưng không đúng người, không nói. Nói thật nhưng không đúng hoàn cảnh, không nói. Nói thật nhưng phi thời (không đúng lúc) cũng không nói.”

Chuyện ai đó viết trên Facebook về ông chủ tịch tỉnh là “mặt khinh khỉnh.” Khi ta thấy ai đó có cái vẻ mặt “khó tả, khó ưa” thì thực ra, đó là “nghịch duyên.” Trong cuộc đời chúng ta vẫn gặp những người không phải là xấu, thậm chí đẹp; nhưng lại luôn luôn mơ hồ một cảm giác khó tả về họ, cảm thấy họ khó chơi, thậm chí còn... xấu tính - mặc dù họ hoàn toàn chưa như thế, nhưng đã có cảm giác đó ngay từ đầu rồi.

Có người thì đúng là thế thật, nhưng hầu hết không phải như vậy. Các cụ thì nói “Trông mặt mà bắt hình dong,” nhiều khi diện mạo làm cho người ta cảm giác ở tâm hồn mình có con quỷ nhiều lắm. Thật ra, nếu học Phật thì sẽ hiểu, đó là “nghịch duyên,” có nghịch duyên ngay từ những cái nhìn đầu tiên về diện mạo, cách đi đứng, thần khí toát ra. Chúng ta còn nhớ chuyện Phạm Tăng khi nhìn thấy Lưu Bang, than lên “Ta thờ nhầm chủ rồi, đây mới thực là minh chủ!;” khi người ta tu học đến mức nào đó, việc nhận ra cực nhiều điều ở thần khí của người khác, là hoàn toàn có thể.


Nghịch duyên nó nằm trong tàng thức của mỗi người, được huân tập từ nhiều kiếp và chỉ cần gặp nhau một chút là đã đủ nhận ra điều đó. Tuy nhiên, người học Phật cũng sẽ hiểu, “Không có con người xấu, chỉ có hành động xấu,” lấy cái tâm thanh tịnh mà đối đãi với người, thì chắc chắn dần dần ta sẽ không thấy người ta đáng ghét nữa, và nghịch duyên sẽ thành thuận duyên...

Như thế thuận duyên hay nghịch duyên, nó xuất phát từ tâm của ta, chứ không phải do cái “mặt khinh khỉnh” kia. Thấy người ta khinh khỉnh đã là lỗi của ta, lại đem nó lên mạng xã hội chê bai, lại thêm cái lỗi nữa. Chuyện thị phi, tránh được là tốt nhất.

Ấy nhưng Facebook là việc cá nhân, ai nói gì kệ người ta, kể cả nói… về mình, đâu có sao? Nếu người ta nói mình ngoại tình mà mình không làm thế thật, thì người ta có chuyện với luật pháp khi vu khống người khác, còn người ta nói cái cảm nhận cá nhân thì kệ thôi, ai có mồm người ấy nói. Động lòng “huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc” để phạt tiền, kỷ luật… thì thật dở hơi.

Trường hợp này cái dở hơi được xử lý bằng một cái dở hơi hơn.


Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment