Saturday, November 21, 2015

Mẹ hiện đại dạy con

Từ mùa hè năm nay, mình được tiếp xúc nhiều với một số bà mẹ trẻ, hiện đại và rất quan tâm đến con cái. Sự tích cực của các cô hoàn toàn không cần phải bàn cãi, nhưng càng về sau khi tiếp xúc nhiều hơn, thì trong mình lại dấy lên sự băn khoăn… không hề nhẹ.

Trước hết mình muốn nói đến sự tích cực trong tìm tòi của các bà mẹ hiện đại này: tìm tài liệu, chia sẻ với nhau… và hơn thế, là tích cực vận dụng, tự học rồi tự dạy con học. Thực sự đây là những điều rất đáng thán phục. Nhưng đến khi mình được nhìn vào danh sách các tài liệu mà các cô sưu tầm được, lên đến hàng trăm cuốn sách, tài liệu, phim, phần mềm… như vậy thì mình bắt đầu hoang mang. Có lẽ một bộ óc cỡ như Anhxtanh cũng chưa chắc đã nhồi hết vào đầu trong mấy năm tuổi thơ, nữa là trẻ con.

Chính vì thế mà đến đầu hè năm nay (2015) mình cảm thấy con của các cô sẽ chịu hết nổi khi các cô xin nhau một cái “thời gian biểu” được làm bằng phần mềm Excel, trong đó bôi xanh bôi đỏ các hoạt động học tập của con cứ là kín bưng, không có lúc nào cho nó thở nữa. Xin cái lịch đó về, các cô chỉ cần sửa đi cho phù hợp quỹ thời gian của gia đình là ô kê, cứ thế hì hục tiến hành.

Mình có tiếp xúc ba cô giáo, thì cả ba cô, con đều có vấn đề. Cháu thứ nhất con một cho đến mười hai tuổi, quá được nuông chiều và hay khóc, có những cư xử rất tiêu cực. Cháu thứ hai, lầm lì như đến mức tự kỷ đến nơi, nhưng lại thường xuyên cư xử hoang dã, có khuynh hướng sử dụng bạo lực hoặc rất thiếu tinh tế, không có sự tế nhị cần thiết. Cháu thứ ba thì sử dụng bạo lực thường xuyên để tranh cạnh, giải quyết bất cứ vấn đề gì với các bạn, dù lớn hơn nhiều lần… được các bạn lớn hơn nhường, chú ta lại tưởng thắng thế, lại tiếp tục sử dụng bạo lực trong những lần tiếp theo. Cả ba chú này cùng có một điểm chung: được chăm chút cẩn thận, đặc biệt từ mẹ, và cũng đặc biệt được lựa chọn áp dụng các chương trình học tập rèn luyện hiện đại theo đúng… “tiêu chuẩn:” đàn sáo có, võ vẽ có… và đương nhiên không thiếu các tài liệu hiện đại, phần mềm học tập để nâng cao khả năng tư duy, rèn trí thông minh. Những “vấn đề” tồn tại của cả ba chú bé, đều khá rõ rệt vì không chỉ một mình mình nhận thấy mà từ nhiều phụ huynh khác khi có những hoạt động của lũ trẻ với nhau, nhận xét chung như vậy.

Những khiếm khuyết của giáo dục Việt Nam thì báo chí mạng mẽo nói mãi rồi, không ai còn lạ. Và thế là để “đối phó,” một mặt thì chạy trường tìm cô tìm thày, mặt khác các bà mẹ tìm cách “tự nâng cấp” bằng sưu tầm tài liệu và áp dụng. Điều này không sai, thậm chí là tốt. Tuy nhiên… gần đây có một vài phương pháp giáo dục mới được đưa vào Việt Nam, ví dụ như một phương pháp có câu khẩu hiệu “Bạn có thể không phải là thiên tài, nhưng bạn hoàn toàn có thể là cha mẹ của thiên tài.” Cái gì cũng có hai mặt của nó, ngay cả câu khẩu hiệu này. Tích cực, nó đem lại cho các bậc cha mẹ động lực để tìm tòi phương pháp dạy con. Tiêu cực, nó cho chúng ta cái tham vọng thực sự muốn được làm cha mẹ của thiên tài, trong khi đó, chúng ta chưa rõ khả năng thực hiện của chúng ta đến đâu, và khả năng tiếp thu của con mình như thế nào. Điều này giống như xưa nay chúng ta chê người Việt Nam ăn cơm nhiều quá, ít ăn đa dạng chất đạm, chất béo, vi lượng và nay chúng ta tiếp xúc với “tiên tiến hiện đại” chúng ta nhồi thật nhiều những KFC và McDonald, ngay cả trong khi chính “Tây” họ cũng cảnh báo chúng ta về tác hại của đồ ăn nhanh, hoặc ăn quá nhiều thịt thà cá mú…

Lại xin nhắc lại xung quanh chúng ta không thiếu những “tấm gương” con cái ngược đãi cha mẹ, vợ chồng đối xử với nhau không ra gì, thậm chí biến mình làm kẻ thủ ác (vụ ông tiến sỹ giết vợ ở Nga trước đây là một ví dụ) mà không thiếu những người con đang có hành động bất hiếu đó, có học hàm học vị đàng hoàng. Chỉ đến một ngày chính chúng ta là người trong cuộc phải chịu bi kịch, thì chúng ta mới hiểu, hóa ra kiến thức, học hàm học vị… của những người con đó, khi họ thi đỗ, giành học bổng nọ kia… chỉ làm mát mặt cha mẹ được lúc đó thôi. Đến khi họ bất hiếu, thì nhận được không biết bao thị phi, cười mỉa của người đời: “Đấy, thế mà trước đây vênh vang ông nghè ông cống!!!”

Cái trí óc của con người nó có hạn, kiến thức thì vô biên – cái con người học được chỉ bằng một hạt cát so với những cái chưa học được, như vũ trụ. Càng nhồi, càng làm cho con cái quá tải. Lòng yêu thương, biết mở lòng, biết nhìn nhận sự vật một cách mềm dẻo, không khô cứng, chấp nhặt đúng sai… biết gạt bỏ những điều không còn phù hợp, biết tìm thông tin, kiến thức lúc cần, biết để sang một bên vấn đề chưa cần thiết phải giải quyết trong lúc này… đó mới là điều cần thiết để dạy cho con cái của chúng ta.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

Bài trên Webtretho tại đây

No comments:

Post a Comment