Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Thời gian không đợi ai. Kể từ khi chào đời, chúng ta cứ từng phút từng giây tiến đến gần đoạn kết, về cái chết. Đời sống con người là như vậy, thế giới này, vũ trụ này, tất cả đều như vậy cả…

Tâm của chúng ta đây, cho dù hiện tại chứa đầy vô minh và khổ đau, vẫn có thể chuyển thành tâm giác ngộ của một đấng Phật đà. Nếu nói về vật chất tiền tài thì đúng là nên tri túc, đừng ham muốn. Nhưng trên lĩnh vực tâm linh, vì tiềm năng của tâm thức con người không giới hạn mà đời sống thì lại có hạn, cho nên phải cố gắng tối đa, tận dụng khoảng thời gian sống ngắn ngủi để làm hết những gì tâm có thể làm được, nhờ kiếp người quý giá này…

Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma

Wednesday, February 24, 2016

Con trai và Forrest Gump

Chỉ một lần duy nhất đưa con trai đi cắt tóc ngoài tiệm, thấy đắt gần bằng cắt cho người lớn. Anh bạn Bôn Ba Nhi Bá giống bố, riêng có cái chất tóc giống mẹ về khía cạnh dày, đen và mọc nhanh. Tóc bố cậu ta mỏng, mềm, mọc chậm. Khổ cái vụ mồ hôi đầu thì giống bố như đúc, không chạy đi đâu được cả. Chỉ cần vận động một chút thôi, là mồ hôi ướt cứ như gội đầu vậy. Thế là gia đình quyết tâm đầu tư một cái tông-đơ, chỉ cần hơi dài ra là ba lôi Nhi Bá ra, gọt tròn như quả bưởi.

Tiết kiệm được khối tiền cắt tóc!

Lớn dần, Nhi Bá thích một cái đầu kiểu cách một chút, khổ cái vụ “mồ hôi đầu” không cho phép và thực ra việc đó cũng vượt quá khả năng của bố chú ta, vốn chỉ quen cứ thế “dũi.” Dần dần, ông thợ cắt tóc cây nhà lá vườn cũng nâng cao tay nghề. Ở trên, dùng cái dưỡng dài, xung quanh và sau gáy, dùng dưỡng ngắn. Sau đó là tháo dưỡng ra, “vo” tròn cho mất cái khấc tiếp giáp giữa chỗ dài và chỗ ngắn, là đẹp.

“Con này, trông con thật giống Forrest Gump!” “Là ai hả ba?” “Là tên một nhân vật trong phim của điện ảnh Hoa Kỳ con ạ.” “Ba cho con xem đi!” “Được, cuối tuần này nhà mình sẽ xem nhé!”   

Từ nhỏ chú bé Forrest Gump đã bị những người xung quanh coi là đần độn, và hay bị bắt nạt. Tuy nhiên, chú rất tốt bụng và có những khả năng phi thường mà người khác không thể có được. Chú chạy rất khỏe, rất nhanh. Sau này, nhờ chạy khỏe và nhanh mà chú – à nhầm, lúc này đã là anh Forrest – cứu được rất nhiều đồng đội trong chiến tranh. Anh được thưởng huân chương, và vết thương ở mông đã giúp anh được trở về Mỹ. Nhưng anh tình cờ phát hiện ra một năng lực nữa của mình, đó là đánh bóng bàn. Anh đánh rất giỏi và được đi du đấu trên khắp thế giới. Anh nổi tiếng và có được các hợp đồng quảng cáo, trở nên giàu có… Anh tiếp tục đầu tư tiền có được vào một số kinh doanh (mà không cần biết nó là gì, như hãng máy tính Apple anh vẫn cho rằng đó là một công ty buôn bán hoa quả…) Rồi anh còn mua tàu đi đánh bắt tôm, và cũng trở nên giàu có từ chính việc đó. Anh còn nổi danh vì đã chạy suốt hơn ba năm trời xuyên qua nước Mỹ…

“Con thấy phim có hay không?” “Hay lắm ba ạ. Anh ấy thường xuyên gặp may ba nhỉ!” “Không hẳn đâu con, có mấy ai thường xuyên gặp may được như thế. Phim kể về một nhân vật không có thật, và khéo léo lồng ghép vào đó những sự kiện và nhân vật lịch sử của nước Mỹ hiện đại: Elvis Presley, vua nhạc Rock n’ Roll, sự kiện tổng thống J.F. Kennedy bị ám sát và sau đó có cả vụ Watergate nữa… Đó là những sự kiện làm lịch sử nước Mỹ đi qua những bước ngoặt. Quan trọng hơn cả, đó là cuộc chiến tranh.” “Bên nước mình, ba nhỉ?” “Đúng rồi, ở Việt Nam đấy.” “Tại sao có cuộc chiến tranh đó hả ba?” “Là do có sự hiểu nhầm con ạ. Bây giờ Việt Nam và Hoa Kỳ hòa bình rồi, đã là bạn. Cuộc chiến tranh đã để lại cho cả hai nước nhiều vết thương và tất cả các bên đều muốn chữa lành nó…”

“… Anh Forrest bị mọi người cho là đần độn, nhưng anh ấy rất vô tư, trong sáng không bao giờ nghĩ xấu về người khác. Một khi đã chọn cho mình một con đường, thì anh ấy tiến trên con đường đó mà không có ai có thể đuổi được. Những gì mà người “bình thường” nghĩ ngợi và dằn vặt, không có trong đầu anh ấy. Con nhớ chú trung úy không? Chú ấy đã trách móc anh Forrest vì đã cứu chú ấy, nhẽ ra cứ để cho chú ấy hi sinh trong chiến tranh thì tốt hơn, chú ấy sẽ được tôn vinh là anh hung. Nhưng chính tình người của Forrest sau chiến tranh, đã giúp chú ấy có thêm nghị lực sống, và tìm thấy hạnh phúc của mình. Chiến tranh là đau khổ, nhưng người ta nên để lại nó ở phía sau để tìm thấy hạnh phúc ở phía trước. Forrest không chỉ tự chạy, mà đã đưa người khác cùng chạy với mình.”

“Bộ phim có một nhân vật mà ba thấy rất độc đáo và đáng chú ý: mẹ của Forrest. Cô ấy đã yêu thương Forrest hết mực, và đặt hết sự tin tưởng vào con trai. Từ “đần độn” không có trong vốn từ vựng của cô ấy. Chính tình yêu thương này của người mẹ đã đưa người con tới thành công sau này. Câu nói của người mẹ đã đi cùng Forrest suốt cuộc đời, tức là câu nói của nhân vật đi hết bộ phim là “Người ta không ngu ngốc vì bề ngoài của họ mà vì những việc họ làm”.”


Không dám nói với con trai, mẹ của Forrest có thể là một người nhẹ dạ, do đó đã sinh ra anh mà không có được một người bố cho con trai mình, cũng như sau này đã có quá nhiều người đàn ông đến với bà trong đời. Tưởng là nhẹ dạ, nhưng hóa ra bà lại là người rất sâu sắc trong những gì đã làm cho con trai. Yêu thương thật là kỳ diệu. Đến Forrest cũng vậy, anh yêu cô bạn gái Jenny vô điều kiện, dù cô có lang bạt, nổi loạn đến đâu, trải qua biết bao sóng gió rồi vẫn lại tìm thấy chỗ dựa ở anh.

Bộ phim kết thúc với tình cha con, Forrest và chú bé, con trai nhỏ của anh với Jenny. Chú bé có vẻ không còn ngây ngô như cha của chú, nhưng có lẽ tình yêu thương chú nhận được còn nguyên như bà nội chú đã từng dành cho cha của chú. Cuộc sống lại tiếp tục…

Bộ phim thật hay con trai nhỉ - thông điệp của những nhà làm phim vậy đấy: hãy sống tốt và đơn giản, đừng vận vào đầu những suy nghĩ u tối, hãy trong sáng và luôn tiến lên phía trước. Cũng đừng lo khi người này, người khác nói rằng mình là người chậm chạp, hay ngốc nghếch. Điều quan trọng là đi đến hết cuộc đời có được an lành hay không.

“Người ta không ngu ngốc vì bề ngoài của họ mà vì những việc họ làm.”

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây  

No comments:

Post a Comment