Friday, March 4, 2016

Chí Cường bỏ ăn sáng

Các bạn có nhớ em Chí Cường trong chuyện “Sinh nhật của Chí Cường” không? Đấy, chính cái em Chí Cường học dưới Nhi Bá một lớp ấy đấy! Từ ngày em gái Bá Ba Nhi Bôn vào lớp Một, nhóm có ba bạn ríu ra ríu rít suốt trên xe bus tới trường và từ trường về, rõ là vui. Bác cũng rất quý Cường, hay ôm và… bẹo cặp má phính. Chí Cường hiền và ngoan, hay kể chuyện ở nhà…
 
“Bác ơi, tiền mừng tuổi của con mọi năm mẹ con để dành mua vàng cất đi để sau này con đi học nước ngoài, nhưng năm nay không được nhiều nên để đi học tiếng Anh chứ không mua vàng nữa bác ạ…”

Năm ngoái lớp Ba, Chí Cường đã từng tâm sự với Nhi Bá, là em phải cố gắng học tiếng Anh thật chăm để được ở lại học trường này, em thích học trường này lắm. “Sao vậy hả ông?” – mình hỏi ông ngoại Chí Cường trong một lần đứng chờ đón các bạn nhỏ. “Bố nó làm hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh, cứ chê tiếng Anh của cái trường này dạy không ra cái gì. Sang năm có khi phải cho chuyển trường. Thằng bé nghe thấy lo lắm, nên nó cố gắng.” Công nhận chú bé ngoan thật!

Từ đầu năm lớp Bốn, em Chí Cường rất tiến bộ, có thể nói là rất cừ - tự đi bộ đến điểm xe bus trường đón, trên đường đi qua chợ mua luôn một gói xôi ăn sáng, rồi vừa ngồi chờ, vừa ăn. Sáng thứ Hai đầu tuần này, đột nhiên thấy cậu ta ngồi rất buồn, không ăn sáng.

“Sao vậy Chí Cường, hôm nay con không ăn sáng à?” “Không ạ, con không muốn ăn.” “Bác trông Chí Cường có vẻ mệt mỏi lắm, con ốm à?” “Không ạ, con buồn ngủ.” “Ồ, thức khuya phải không? Tối qua Chủ Nhật chắc mải chơi?” “Không ạ, con học bài. Nhiều bài quá con phải thức khuya làm mãi tận 12 giờ đêm mới hết…” Mình và Nhi Bá, hai bố con nhìn nhau. Nhi Bá vốn ít tập trung, nên hoàn thành bài xong muộn nhưng cũng không đến mức như thế.

Và sau đây là câu chuyện buổi chiều. “Ông ạ, sáng nay cháu cứ tưởng Chí Cường nhà mình nó ốm, nhưng nó bảo là buồn ngủ, học nhiều quá. Sao mà nhiều bài thế, lại không cố làm hết từ thứ Bảy đi…” “Đâu, là bố nó không ngủ được, lôi nó ra kiểm tra tiếng Anh, rồi bố con cứ ầm ĩ lên bắt thằng bé học đến đêm” – ông ngoại Cường được lời như cởi tấm lòng, bao nhiêu bức xúc đem ra xả với mình. “Con nhà cháu thì bị cái lề mề, ít tập trung, nên thường phải nhắc học khẩn trương lên còn đi ngủ sớm. Thật ra trẻ con cần được học, nhưng không hẳn là cố nhồi nhiều kiến thức, mà là học để có thói quen học tập và học phương pháp tư duy. Riêng môn tiếng Anh thì có phải cố nhồi một ngày thật khuya là giỏi được đâu…”

Sáng hôm sau, thay vì ra đứng nói chuyện với anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn, Chí Cường đứng tít đằng xa, dựa vào cái cửa cuốn của một cửa hàng vẫn còn đóng. Mình bảo: “Nhi Bôn đứng ở đây với ba, còn Nhi Bá thì ra hỏi hộ ba xem em Chí Cường hôm nay làm sao thế?” Nhi Bá đi ra một tẹo rồi quay trở lại – “Em không sao ba ạ!” Hừ, lạ nhỉ!

“Chí Cường sao thế con?” “Con không sao mà bác.” Mình khoác vai chú bé, đưa ra chỗ đón xe – “Thôi đi ra đây. Vui lên đi nào. Đi học mà tâm trạng không thoải mái là không thuận lợi đâu.” Ra đến nơi thấy áo Chí Cường bẩn như bị ngã – à dựa vào cái cửa quá bụi đây mà, hai bác cháu phủi, cái áo chỉ gần sạch được thôi.

Chiều về thấy anh em Nhi Bá, Nhi Bôn nói chuyện ríu rít, là Chí Cường tâm sự “Bác (là mình đấy!) nói chuyện với ông, ông về mắng mẹ và mẹ lại nói với Chí Cường. Vì thế Chí Cường không vui.” À hóa ra cháu giận bác, vì bác nói chuyện với ông ngoại…

“Nhi Bá này – mỗi người có một thế mạnh riêng, như con đi học toán không giỏi, tiếng Việt hay môn văn cũng không giỏi… chỉ ở mức khá, nhưng con thích, ham và học giỏi tiếng Anh, do đó ba mẹ cho con đi học thêm ở ngoài nữa, cũng là một cách để con có một môn xuất sắc, là niềm vui và động lực ở trường. Đi học mà không có môn nào xuất sắc trong khi các bạn rất giỏi hết môn này môn kia, kể cũng buồn. Nhưng ba chưa bao giờ quá quan tâm chuyện điểm số. Ngay cả những lần nhà trường cử con đi thi tiếng Anh giải này giải khác, thường con cũng không dẫn đầu trong số mất bạn của lớp, vì con hay sai sót những lỗi nho nhỏ, nhưng đủ để bị trừ điểm, cả ba lẫn mẹ đều vẫn vui, và không trách móc gì con cả. Con nhớ ba thường xuyên dặn con phải tập trung học thật khẩn trương để làm gì không?” “Dạ để có thời gian chơi, đọc sách và đi ngủ sớm ạ!” “Đúng quá rồi. Con đi học không hẳn là học lấy nhiều, mà học lấy thói quen học tập, học lấy phương pháp tư duy… từ đó kiến thức nó tự sẽ nhiều, chứ cố mà nhồi nhét thì không được, nhất là tiếng Anh. Chuyện em Chí Cường chỉ là ba quan tâm mà hỏi thăm em thôi, không ngờ ông ngoại của em cũng bức xúc sẵn mà thành ra chuyện như vậy.”

Không thiếu ông bố bà mẹ như thế, đi họp phụ huynh thấy điểm của con thấp hơn của con người khác về đánh mắng con ngay được. Có khi chỉ cần nói chuyện với bạn thấy con của bạn (là nghe khoe thế, chứ có lôi cháu ra kiểm tra tại trận đâu mà biết ngọn ngành) có cái này giỏi cái kia giang cũng về ép con ra bã…

“Chuyện của em Chí Cường con thấy không, trung tâm của câu chuyện là ai?” “Là em Chí Cường ạ.” “Đúng rồi, là em Chí Cường. Từ năm ngoái bố em đã muốn ép em học tiếng Anh thật giỏi “giỏi như bố” và đã từng dọa cho chuyển trường rồi còn gì. Năm nay chú ấy vẫn tiếp tục, lôi con ra kiểm tra thấy không đạt chuẩn (chuẩn của chú ấy, tất nhiên) là lại ép con học đến đêm. Rồi ba quan tâm khi thấy em Chí Cường mệt mỏi bỏ ăn sáng. Rồi lại ông ngoại em cũng quan tâm nữa, và cả mẹ em thì quan tâm đến em nhất rồi. Hai bạn Nhi Bá, Nhi Bôn thì thường xuyên quan tâm chứ còn gì… Một chú bé, với sự nhìn nhận vấn đề liên quan đến chú ta rất khác nhau, mà thành ra kết quả lại không được vui vẻ cho lắm.” “Ai có lỗi hả ba?” “Không ai có lỗi cả, à mà có thể có, nhưng không nhiều. Bố em muốn em học giỏi là tốt, nhưng phương pháp không tốt, dù chú ấy giỏi tiếng Anh. Ông em muốn em khỏe mạnh là tốt, nhưng lại nóng tính quá – có lần ba thấy ông kể ông mắng mẹ em Chí Cường rất dữ… Ba từ bây giờ biết thế ba sẽ không nói chuyện với ông theo kiểu đó nữa, rồi chuyện nó lại to ra không ra sao cả…”

Các nhà cứ đua nhau cho con đi học ngoại ngữ, ngoài ở trường còn ở trung tâm – mỗi gia đình một định hướng. Như bạn Nhi Bá học ngoại ngữ để… giải trí, thích học quá nên phải cho đi học thêm, chứ nhà mình thì không có điều kiện để cho con đi du học. Học ngoại ngữ là cần thiết, nhưng học quá sớm và một tuần thêm có một hai buổi như vậy chưa chắc đã có kết quả. Nếu đi học đại học trong nước và học chỉ phục vụ mục tiêu sau này đi làm, thì chỉ cần vài năm học thật nghiêm túc trước khi ra trường là đủ…

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment