Tuesday, April 26, 2016

Câu chuyện thực dân

Thực dân Pháp

Năm 1858, tàu đồng của Pháp nổ những phát đại bác đầu tiên bắn vào Đà Nẵng mà sau đó họ đặt cho thành phố này một cái tên: Tourane. Từ đó bắt đầu “thời kỳ thuộc Pháp” của đất nước ta kéo dài 96 năm, 4 năm nữa tròn một thế kỷ.

Gần đây có nhiều tiếng nói của “nhân sỹ trí thức Facebook” ca ngợi những gì mà người Pháp đã đem đến cho Việt Nam, như những khu phố cổ Hà Nội vuông bàn cờ không mấy khi tắc đường, những ngôi biệt thự kiến trúc nửa tây nửa nhiệt đới, những cầu Long Biên và đường sắt xuyên Việt…

Các “nhân sỹ trí thức Facebook” có thể nhắc là đường sắt Việt Nam từ khi người Pháp quy hoạch như thế nào thì nay còn nguyên thế, có nhiều đoạn còn chưa phải sửa và từ bấy đến giờ Đi-Ét-Vi-En vưỡn giậm chân tại chỗ, có khi còn thụt lùi về… thời gian chạy tàu. Nhưng không nên quên người Pháp làm đường tàu Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng để chở quặng apatít về Pháp. Bóc lột thuộc địa ở đây chứ ở đâu.

Thực dân kiểu cũ là bóc lột, bòn rút thuộc địa đến tận xương tủy. Các nhà ái quốc lớn thời đó cũng đã không thể chấp nhận được chủ nghĩa thực dân kiểu này, mà đưa ra những tư tưởng giành độc lập như Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh.

Chẳng ai rõ thực dân bằng dân Việt Nam ta.

Đến bây giờ người Pháp vẫn có nhiều tư tưởng thuộc địa, không khác trước nhiều. Bạn nào làm việc với người Pháp ở Việt Nam thì sẽ thấy, mình chẳng bàn nhiều.

Mình chỉ thấy nước Pháp rất “chán” – chống cự Hítle chỉ được 3 tuần. Ở Đông Dương, phát xít Nhật cũng chẳng mất nhiều công để “xử lý” tay thực dân này. Chắc thích những hình ảnh công tử ăn chơi lãng mạn Pháp mà ca ngợi thì được.


Thực dân Anh

Thực dân Anh là cái bọn khá giống thực dân Pháp, cũng chiếm thuộc địa để bóc lột, đặc biệt là… gia vị như hồ tiêu, he he. Vì thế nó chiếm Ấn Độ chỉ vì thèm gia vị.

Nhưng cái tư tưởng Anh nó khác Pháp nhiều – mấy cái tô giới của Anh chính là để phục vụ thông thương mà làm thương mại, như Hongkong, Singapore… đều trở thành những trung tâm thông thương hàng hải, sau đó là thị trường tài chính chứng khoán hàng đầu thế giới. Manh nha chủ nghĩa thực dân kiểu mới là ở đây – chủ nghĩa đế quốc, đem tiền ngược lại đầu tư vào thuộc địa, thời đại của những tư sản mại bản, của cá mập tài chính, của bọn buôn tiền.

Các tô giới của Đức (Thanh Đảo) Pháp (Trạm Giang) hay Nga (Lữ Thuận) thì không phát triển mạnh được như của Anh. Riêng Macao (Bồ Đào Nha) thì biến thành chốn cờ bạc không kém gì Las Vegas của nước Mỹ.


Thực dân Nga

Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II có cả một ông nguyên soái người Ba Lan – K.K. Rokossovsky, con của một người lái tàu hỏa người Varsaw. Lạ nhỉ? Không có gì lạ cả - thời đó Ba Lan là thuộc địa của Sa Hoàng, và Rokossovsky lớn lên đi lính, trở thành sỹ quan trong quân đội Sa Hoàng. Thuộc địa của Đế quốc Nga thời đó còn to hơn Liên Xô sau này: Ba Lan, Phần Lan, ba nước vùng Baltic: Estonia, Latvia, Litva. Bạch Nga (Belarus) và Tiểu Nga (Ukraine) đương nhiên được coi là Nga. Các xứ Moldavia, Gruzia, Armenia, Azerbaijan nửa nọ nửa kia với một loạt mấy anh Trung Á có đuôi “stan:” Kazakhstan, Uzbekistan…

Quặt quẹo không thể lết được đến cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất mà Lênin gọi là “Chiến tranh đế quốc” (bọn đế quốc xử lý lẫn nhau) nên nước Nga rút ra, rồi Cách mạng tháng Mười bùng nổ. Đương nhiên chính quyền Xô viết của ông Lênin không thể đủ sức ôm được các vùng đất thuộc địa cũ kia, nên ông ta tuyên bố “trả độc lập cho các nước thuộc địa đó.” Phải nói thẳng ra là ôm cũng không được – vì rất nhiều thuộc địa nhưng chính quyền dân tộc ở đó là mạnh: Ba Lan là một minh chứng rõ ràng nhất – thậm chí “Bạch vệ Ba Lan” còn tấn công ngược lại Nga, vào Hồng quân. Chuyện “Thép đã tôi thế đấy” của Ostrovsky là kể chuyện Paven tham gia Hồng quân đánh nhau với quân Ba Lan là chuyện này. Phần Lan cũng là một nước tuyên bố độc lập chứ chẳng cần phải chờ ông Lênin “trao trả.” Điều này mời bà con lên mạng đọc. Cuộc nội chiến của Nga thời đó là Hồng quân đánh nhau với lực lượng cũ của Sa Hoàng, nhưng đặc biệt phải kể đến sự chống cự của lực lượng dân tộc chủ nghĩa cả ở Belarus lẫn Ukraine, mạnh nhất là Ukraine. Đọc rất nhiều truyện, xem nhiều phim của Liên Xô kể về thời kỳ này mà người ta gọi “lực lượng dân tộc chủ nghĩa” là “phỉ,” để cả ông Bandera mà bây giờ người Ukraine tôn vinh, cũng bị gọi là “phỉ Bandera.” Tất nhiên là dịch sang tiếng Việt thế.

Họ căm ghét người Nga và cả chủ nghĩa cộng sản đến mức mà khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, nhiều lực lượng sẵn sàng cộng tác với người Đức để tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Đây là điều tạo điều kiện cho đến tận ngày nay những người thân Nga cũng như cả từ phía Nga, gọi chính quyền Ukraine là “phát xít Kiev.” Cái gì cũng có lý do của nó.

Năm 1922, theo đúng tư tưởng của Lênin “thành lập Nhà nước liên bang” thực chất Liên bang Xô viết là một Đế quốc Nga kiểu mới vẫn bao gồm các thuộc địa cũ của Sa hoàng, nhưng bây giờ là “Đế quốc Đỏ.”

Thực dân Nga thời Stalin vẫn mong muốn thu hồi những vùng đất đã mất sau năm 1917. Năm 1939, Liên Xô chiếm 1 nửa Ba Lan cùng phát xít Đức, năm sau hành động tương tự được tái diễn với vùng Bessarabi mà sau đó được gọi là “Cộng hòa Xô viết Mondavia.” Cũng năm 1940, Liên Xô sáp nhập ba nước vùng Baltic thành thành viên của Liên bang. “Tái thuộc địa” với các nước này kéo dài 51 năm đến tận năm 1991.

Stalin bị cáo buộc gây ra nạn đói (Голодомор) ở Ukraine năm 1933 và vụ thảm sát Katyn (Smolensk) năm 1940. Đỉnh cao của “chủ nghĩa thực dân đỏ kiểu Nga” là học thuyết về “chuyên chính vô sản” của Lênin, “giải quyết” mọi bất đồng chính kiến bằng con đường bạo lực không qua xét xử.


Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ

Mỹ có thuộc địa không? Có. Ông thứ nhất là Puerto Rico, luôn luôn thuộc Hoa Kỳ nhưng chưa phải là một bang của Hoa Kỳ. Dân của vùng này đẻ ra đã mang 2 quốc tịch là Hoa Kỳ và Puerto Rico. Họ đã nhiều lần đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý để xem có nên trở thành một bang của Hoa Kỳ hay không – nhưng chưa. Trở thành một bang của Hoa Kỳ thì họ phải đóng thuế như dân Mỹ, còn nếu như bây giờ chỉ cần ăn chơi và Mỹ phải nuôi.

Ông thứ hai là ông Philippines. Sau Chiến tranh Tây Ban Nha – Mỹ 1898, có nhiều nước thuộc địa của Tây Ban Nha trở thành độc lập như Cu Ba và thậm chí có khả năng trở thành một bang của nước Mỹ như Philippines. Philippines thuộc Mỹ từ 1898 đến tận trước Chiến tranh thế giới lần thứ 2 và sau chiến tranh luôn luôn được vị trí ưu ái trong con mắt của nước Mỹ.

Chủ nghĩa thực dân mới kiểu Mỹ được thi hành ở các vùng như Châu Âu với “kế hoạch Marshall” đổ tiền đổ của tái thiết để Châu Âu trở thành một vệ tinh của Mỹ, áp dụng các giá trị dân chủ Mỹ. Kế hoạch này còn được áp dụng để tái thiết Nhật Bản và đến nay Nhật Bản là nước giàu có chẳng kém gì Mỹ nhưng luôn luôn là đồng minh tin cậy của Mỹ ở Đông Bắc Á. Một nước nữa kém hơn Nhật Bản chút là Hàn Quốc. “Chủ nghĩa thực dân kiểu Mỹ” là đổ tiền đổ của, bắt dân chúng đi học và cùng làm giàu. Một người dân “thuộc địa kiểu Mỹ” làm giàu cho mình 1, 10 người làm giàu cho đất nước họ 100 nhưng cũng đồng thời làm giàu cho nước Mỹ 1000 nếu họ cộg tác tốt với nhau. Tất cả cùng có lợi, và đương nhiên nước Mỹ sẽ là người lợi nhất.

Một người Việt Nam làm “nail” ở Hoa Kỳ thừa tiền gửi về Việt Nam mua, xây bao nhiêu nhà. Điều đó có nghĩa họ cống hiến cho nước Mỹ 10 lần như thế. Cứ mỗi người Mỹ được làm đẹp bộ móng chân, họ vui họ lại cống hiến cho nước Mỹ, cứ thế nhân lên. Đó là tư tưởng “bóc lột” kiểu Mỹ. Chúng ta thử tưởng tượng “chất xám” thế giới kéo đến Mỹ ùn ùn, làm lợi cho nước Mỹ đến như thế nào – thì nay “chất xám” đó phân bổ khắp Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu… thì còn lợi đến đâu?

Có một đồng minh rất kém may mắn là Việt Nam Cộng hòa. Có thể nói đây là điểm va chạm xung đột có tính lịch sử, giữa một bên là chủ nghĩa cộng sản và bên kia là chủ nghĩa chống cộng (McCarthyism.) Ngay của cuộc Chiến tranh Đông Dương 9 năm cũng có 1 phần đóng góp của “McCarthyism” và đỉnh cao của nó là “chiến tranh Lạnh” và “Chiến tranh Việt Nam 1955 – 1975.”

Bây giờ chúng ta đi thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) sẽ thấy rùng mình vì những hành động thảm sát ở đây. Hành động tương tự của lính Hàn Quốc được tiến hành ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cũng vậy, đó là sản phẩm của “chủ nghĩa chống cộng.”

Người Việt Nam mà thi hành “chủ nghĩa chống cộng” còn kinh khủng hơn người nước ngoài với người Việt – đọc “Mẫn và tôi” của Phan Tứ sẽ thấy “bố con thằng xã Chinh kêu pháo bắn y chóc từng liên gia” là đủ thấy sự thù hằn đến mức nào.

Hôm qua ông bạn nói sự phẫn uất của mình với những trận bom mà Hoa Kỳ nện xuống miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là năm 1972. “Rất nhiều nạn nhân là dân thường, không ai trong số họ là kẻ thù của nước Mỹ.”

Nhưng tất cả những người Việt Nam mình kể trên đây, là nạn nhân của sự đối đầu của hai chủ nghĩa, “cộng sản” và “chống cộng.” Suy cho cùng tất cả cũng là cái số phận đen tối của dân tộc.

Vẫn anh bạn ấy nói, ngày nay duy nhất chỉ nước Mỹ là có hơn 100 nhà tù trên toàn thế giới. Nước Mỹ đề cao những giá trị dân chủ của mình và dân chủ đó có tính phổ quát, nghĩa là muốn áp dụng nó trên toàn thế giới. Điều đó cho phép họ can dự vào tình hình ở khắp nơi: Iraq, Afghanistan… Cũng chính nước Mỹ ngày ngày vẫn đang quằn quại đấu tranh với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, KKK… mà đến tận đầu thế kỷ XXI mới có vị tổng thống da màu đầu tiên. Năm 2016 mới có người phụ nữ da màu đấu tranh cho bình đẳng giới và chủng tộc đầu tiên được in lên tờ đôla.

Nước Mỹ không phải là thiên đường, vì ở đâu cũng có đấu tranh “quằn quại.” Dân chủ Mỹ đã phổ quát được Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada… khu vực nào định đi ngược lại thì ăn bom ăn đạn, như Trung Đông mãi vẫn chưa yên.

Lựa chọn nào là khôn ngoan, tùy bà con đánh giá.


“Sa hoàng Putin”

Mình trước thích anh mật vụ về vườn này, nhưng từ khi anh ta giật dây đệ tử Medvedev sửa Hiến pháp để cho anh ta quay lại ghế Tổng thống – như vậy về lý thuyết nếu không có gì xảy ra anh ta sẽ ngồi cái ghế đó được 20 năm (4+4+6+6=20.)

Quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối. Dù khôn ngoan thông minh mấy mà ngồi ghế quyền lực lâu thế thì cũng điên loạn. Mình thích nước Nga, nhưng không thích Putin và “nước Nga của Putin” là như thế. Putin muốn phục hồi “không gian Xô viết” thì khác nào phục hồi “Đế quốc Đỏ” thời Liên Xô trước đây, với các thuộc địa của nước Nga?

Bất lực trước các “thuộc địa cũ” sa vào vòng tay của “dân chủ Phương Tây” như các nước Baltic, rồi Ba Lan trở thành nước tiến nhanh nhất trong số các nước khối Đông Âu cũ sau khi Liên Xô sụp đổ, anh ta từ khi quay lại ghế tổng thống nhiệm kỳ thứ ba, không yên tâm. Đối tượng mà anh ta nhắm đến, là Ukraine. “Thằng em “đương nhiên là Nga” này mà dám tách khỏi vòng ảnh hưởng của anh, ngõm ngọ ngó sang Châu Âu” thì quả là láo, quá láo.

Tiếc là Putin không học triết lý Phương Đông mấy – “Anh em kiến giả nhất phận.” Nó lớn nó khôn, là một gia đình độc lập thì phải tôn trọng nó, chứ cứ giam hãm nó, thỉnh thoảng quát thét, bắt nó phục vụ thì thằng điên nào nó chịu. Anh em huynh đệ một khi đã tương tàn, còn cừu thù hơn người ngoài, lịch sử đã cho thấy điều đó hàng bao tấm gương. Quan hệ Putin với Yanukovych có thể là quan hệ “chủ - tớ” nhưng không bao giờ có quan hệ tương tự như vậy giữa hai dân tộc Nga – Ukraine.

Can dự vào tình hình Ukraine, chiếm Crimea… Putin đã sai lầm, đẩy nước Nga vào ngõ cụt. “Cái khó cái khôn” tưởng nước Nga vùng lên tự lực tự cường, nhưng sợ thời gian không có đủ và giá dầu thì còn lâu mới lên trở lại.

Bắt chước Mỹ “thực thi giá trị dân chủ” nhưng bây giờ là kiểu Nga, Putin cũng vác bom vác đạn sang Syria, mồm thì nói “đánh IS” nhưng một phần lớn là ủng hộ tay tổng thống đang bị Phương Tây quy cho là “độc tài” và “diệt chủng.” Ai đúng ai sai, mình chẳng bàn, có phải người trong cuộc đâu mà nói – nhưng với Putin tưởng đem cái chiêu bài “chống khủng bố IS” ra là Phương Tây nó ôm chầm lấy, đừng có mơ.

Hôm qua có tin 5 nước cường quốc Mỹ Nhật Bản Anh Pháp Đức rủ nhau họp đâu như ở Paris, tuyên bố lệnh trừng phạt chỉ bỏ khi Putin thực thi nghiêm chỉnh “Thỏa thuận hòa bình Minsk,” nghĩa là một đống bom đạn ở Syria, chẳng xi nhê gì.   

Lựa chọn nào là khôn ngoan, lại tùy bà con đánh giá…


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

1 comment:

  1. Tại sao lại có hình cái xe đạp ở trong bài và che mất đi nhiều dòng ?

    ReplyDelete