Friday, April 1, 2016

Cơn sốt “Hậu duệ mặt trời” và chuyện oán thù lịch sử

(Tựa đề do Biên tập viên Tuần Việt Nam đặt)

Một bộ phim Hàn Quốc sắp lên sóng truyền hình, tưởng nó chỉ như bao bộ phim khác mà lại không phải. Trước mắt nó kéo theo những cơn sốt mặc quân phục lính Hàn, và sau đó là biết bao những ý kiến vào ra trên các mạng xã hội.

Còn nhớ cách đây mười mấy năm một bộ phim khác cùng mô-típ và tựa đề thì cũng… mặt trời: “Hướng tới mặt trời” [1] kể về cũng một anh đại úy hải quân và một cô bác sỹ (cũng “lại” bác sỹ) yêu nhau thế nào đó, anh làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải còn chị thì bảo vệ sức khỏe của nhân dân… Haizzà, gì mà sính “mặt giời” thế!

Tại sao lần này bộ phim lại gây tranh cãi trên mạng xã hội? Đơn giản thôi, vì bây giờ có mạng xã hội, nơi người ta gần như thích nói cái gì thì tùy thích, còn cách đây hơn một thập kỷ, cùng lắm chỉ bàn tán vài câu ngoài hàng cà phê…

… và nay thì chủ yếu vì ý kiến liên quan đến những hành động tàn ác của lính Hàn trong chiến tranh Việt Nam ở các tỉnh Trung bộ: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Chuyện này thì chúng ta nghe đã nhiều, bản thân mình đã có “một nửa” quê ở vùng đó, nghe không biết bao chuyện, gặp cả những nhân chứng sống kể về những hành động như thế. Điều đó giải thích tại sao từ khi có làn sóng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thì các tỉnh trên có rất ít (thời gian đầu từ khi mở cửa là không có) các dự án đầu tư của Hàn quốc vào Việt Nam.

Nếu như bây giờ mình viết những điều nào là “chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước” “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước” hay “người Việt Nam vốn yêu chuộng hòa bình và sẵn sàng tha thứ” thì sẽ là những điều sáo rỗng và không cần thiết. Tất cả đã được thực tế minh chứng, rằng sau 100 năm làm thuộc địa, sau 9 năm chiến tranh nhưng chỉ một thời gian khá ngắn, quan hệ bang giao giữa Việt Nam và Pháp là một trong những mối quan hệ rất tốt, đặc biệt từ phía người dân, rất ít nuôi hận thù với người Pháp. Điều tương tự cũng xảy ra, thái độ của người dân Việt Nam với người Mỹ rất thân thiện. Hãy nhớ lại những lần người dân thủ đô đón chào các ông François Mitterrand và Bill Clinton một cách hào hứng để thấy người Việt Nam như thế nào…

Không chỉ thế, quan hệ của Việt Nam với Nhật Bản cũng tốt đẹp đến mức đặc biệt, cho đến nay Nhật Bản vẫn là nước cung cấp ODA cho Việt Nam nhiều nhất; và chúng ta nghe những ý kiến cho rằng đó là một hành động có tính xin lỗi của người Nhật cho Việt Nam, bù đắp những gì họ đã làm trong chiến tranh. Đồng thời chính người Việt Nam thì lại dành cho người Nhật rất nhiều thiện cảm.

Khi nói chuyện với những người họ hàng ở quê miền Trung, mình nhận thấy một điều, rằng những người dân vùng quê đã từng chịu “cơn bão lính Hàn” tràn qua, họ không căm thù người Hàn quốc. Nói một cách chính xác, họ sợ, rất sợ, còn sợ hơn lính Mỹ nhiều, nhưng không căm thù. Chiến tranh đã từng tồn tại ở “khúc ruột miền Trung” ấy mấy chục năm, có thể nói là ác liệt nhất với những vùng cài răng lược, với những gia đình đầy ảnh trên bàn thờ mà người chết, hi sinh của cả hai phía. Xin nói một điều rằng, đau khổ mất mát, không chỉ vì lính Hàn, mà vì chiến tranh là điều khủng khiếp nhất con người từng phải chịu đựng…

Hôm qua đọc tâm sự của cô bạn thân trên mạng xã hội, có chồng người Hàn quốc – khi đưa chồng về quê, họ hàng kéo đến hỏi “Mày có biết ngày trước quân lính Hàn quốc sang đây ác lắm không?” Anh cúi người xin lỗi, xin lỗi thay cho những hành động sai lầm của đồng bào trong quá khứ. Họ hàng vợ anh hỏi, cũng không phải vì hận thù, mà chỉ vì nỗi đau, nỗi sợ hãi người ta chưa thể quên được, nhưng người ta không vác dao ra để chém “hậu duệ” của những người lính năm xưa.

Hàng năm cứ mỗi ngày Lễ Chiến thắng, người Nga lại mời người Đức sang Quảng trường Đỏ để cùng tổ chức kỷ niệm, vì người ta hiểu và xác định rõ, kẻ thù của nhân loại là “chủ nghĩa phát xít” chứ không phải người Đức. Người Nhật cũng không căm thù người Mỹ vì hai quả bom nguyên tử đã thả xuống Hiroshima và Nagasaki, vì tất cả đều là nạn nhân của chiến tranh, của chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt. Suốt mấy chục năm và cho đến tận bây giờ, người Do Thái vẫn tìm cách bắt được những tội phạm chiến tranh người Đức còn lẩn trốn đưa về xét xử về những tội ác diệt chủng, nhưng điều đó không có nghĩa là người Do Thái phải căm thù người Đức.

Trong câu chuyện này, việc quy về cho tính dân tộc là sai lầm, không có dân tộc người Hàn nào có lỗi ở đây cả, chỉ có những người đi theo tiếng gọi sai lầm của “chủ nghĩa chống Cộng” và coi tất cả những người dân thường là kẻ thù chiến tranh.


Thái độ của người Đức, người Nhật thực đáng học tập. Bỏ qua những đau khổ của chiến tranh, coi đó là sự trả giá cho những sai lầm, họ bước tiếp, và lại trở thành cường quốc. Lần này, thực sự vị thế cường quốc mới đã đem lại sự kính trọng của toàn thế giới. Việc xin lỗi hay không xin lỗi từ Chính phủ của họ với các nước “nạn nhân” nào có quan trọng so với những gì họ đã đóng góp cho thế giới từ khi kết thúc chiến tranh đến nay?

Đọc trên mạng kể về những tay anh chị “xã hội đen” người Hàn quốc chặt ngón tay để tỏ thái độ với người Nhật Bản – mình tin sẽ không bao giờ có người Việt Nam nào chặt ngón tay để phản đối người Nhật Bản đã gây ra nạn đói năm 1945, hay người dân miền Trung chặt tay để phản đối dự án đầu tư của Hàn quốc. 

Với người dân quê ở đó, nỗi đau mất mát của chiến tranh mang lại đã là quá lớn, không còn chỗ để tiếp tục nuôi thêm hận thù nữa. Ngồi viết những dòng này, mình lại nhớ những người họ hàng hết sức hiền lành đó, họ đi qua chiến tranh mà không thiếu những hành động anh hùng, nhưng nay lại sẵn sàng bỏ qua tất cả. Oán thù thì nên cởi, không nên trói. Lịch sử đầy ắp những sai lầm, chúng ta cần công bằng với lịch sử nhưng để tránh không lặp lại sai lầm chứ không phải để mua dây buộc mình mãi mãi vào sự hận thù.

Còn phim thì cứ để cho khán giả xem, thấy bình luận nội dung tốt, phim hấp dẫn mà…

[1] Into the Sun” (2003) của SBS, Kwon Sang-woo thủ vai chính.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment