Saturday, April 2, 2016

Thượng trí và hạ ngu

“Tử viết: “Duy thượng trí dữ hạ ngu bất di”” – Khổng Tử viết “chỉ có bậc cao sáng suốt và hạng ngu si là không dời đổi” (Luận Ngữ.)

Khổng Tử cho rằng hai hạng người đó người sinh ra trong gia tộc nhiều đời tu đức tốt lành, nên bẩm sinh đã tính thuần thiên nhiên ban đầu, học hành cũng thuận lợi, còn hạng kia sinh ra trong hệ thống gia đình họ hàng ô trọc, nên cư xử lỗ mãng, học hành cũng không ra gì.

Khổng Tử cũng cho rằng, phần lớn chúng ta thường thường bậc trung, có thể cải thiện được tâm trí, cũng có thể “tụt hạng.”

Sáng nay ngồi chém gió với một chú nhà báo trẻ mà mình rất tâm đắc với những chia sẻ của chú ấy trên Facebook, nên sẽ đưa những ví dụ liên quan đến nghề báo.

Nghề báo là nghề có “vòng ảnh hưởng” thuộc loại mạnh trong các nghề của xã hội, khi bạn viết một bài, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu… mà các độc giả sẽ tìm đến bạn, hoặc xa lánh bạn… tùy vào cơ duyên của tâm trí bạn tác động được đến độc giả. Dần dần, vòng ảnh hưởng đó lớn dần lên, hoặc co hẹp lại đến mức biến mất.

Sẽ có những nhà báo dần dần trở thành “lều báo,” nếu viết về người mẫu sẽ tập trung vào mông vào đùi, vào những chi tiết đời tư của người ta, có thể khai thác được thành đề tài ăn khách. Thế gian chúng sinh vốn mê mờ, nên thích những chuyện giật gân thị phi, mấy mà có vòng ảnh hưởng to lớn. Nhưng làm như thế là làm giảm cái phúc đức của mình đi, cũng là một bước từ hạng trung lùi xuống phía “hạ ngu.”

Nhưng cũng chuyện cô người mẫu, lại góp ý về những cư xử còn chưa khôn ngoan, lại nhìn từ những góc độ họ làm được cho xã hội từ những việc làm từ thiện… thì một bước tiến lên “thượng trí.”

Tác động lên cộng đồng cùng đi theo hướng tốt đẹp, là tạo phước. Lôi họ đi theo hướng mê mờ, tất cả cùng phá phúc đức của mình đi.

Khổng Tử nói dường như đúng, “thượng trí” là tu nhân tích đức từ nhiều đời, nhưng dường như ông ta cho rằng “hạ ngu” thì không thể lên đến “thượng trí” được, ít nhất trong đời này kiếp này. Có thể ông ta đúng.

Nhưng có điều ông ta chưa chắc đã đúng. Lục Tổ Huệ Năng cả đời quét tước, chữ không biết nhưng hóa ra là bậc thượng căn, chỉ một bước đã khai mở trí tuệ bằng hạng phàm phu có vài chữ tưởng đã là “thượng trí.” Cái khai mở trí tuệ nó như một bước tiến kỳ diệu làm xuất hiện một con người khác.

Mình không cho rằng khó khăn như Khổng Tử khẳng định. Nếu chúng ta muốn, chắc chắn chúng ta làm được. Một bước cũng là đi. Nửa bước cũng là tiến. Và điều đó không khó. Mở lòng ra học hỏi, là một bước. Yêu thương đồng loại, là một bước. Người khác chưa hoàn hảo, nhìn thấy để cùng sửa, sửa mình, giúp người khác cùng sửa, lại là một bước nữa. Bí quyết ở sự “mở lòng,” không nằm trong ngôn từ, càng không nằm trong chữ nghĩa, đặc biệt không có chỗ cho sự phi đạo đức hoặc tầm thường hóa tâm hồn. Giữ tâm trong sáng là bước đầu đi đến với bậc “thượng trí” rồi.

Chưa tỉnh ngộ, chửi bới hàng tôm hàng cá, dù có thông minh sắc sảo đến mấy thì cũng mãi mãi kẹt ở bậc “hạ ngu.” Do mình cả thôi – càng đanh đá, thì càng kẹt.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây  

No comments:

Post a Comment