Tuesday, May 10, 2016

Nước mắt người cha

Những ngày này không người dân Việt Nam nào yên tâm trước những tin tức dồn dập về cá chết trắng biển miền Trung. Và hai đứa con nhỏ của mình cũng không phải là ngoại lệ. Đầu tiên là bạn Bá Ba Nhi Bôn về nói với mẹ: “Mẹ ơi, các bạn con nói đang có nhiều cá chết lắm, ở ngoài biển ấy!” Còn anh trai của cô bé thì đương nhiên nó biết rõ, vì ở nhà người lớn mỗi khi xem tin tức trên ti vi đúng giờ ăn cơm, là nói “chuyện cá chết.”

Có muốn trốn tránh cũng không được, tất cả các bài học của cô giáo dạy ở trường và cả ba mẹ ông bà dạy con, là cần bảo vệ môi trường từ những việc nhỏ nhất, không vứt chỉ một mảnh rác nhỏ ra đường… Con cũng bị bao vây bởi rất nhiều thông tin về một bờ biển ngập xác cá. Con là người tốt, thì con sẽ đi theo đúng con đường đó, không thể khác. Con, ba, tất cả chúng ta đều sẽ đau khi thấy biết bao sinh linh của biển cả gặp kết cục như vậy.

Con trai còn biết cả chuyện có những cuộc tuần hành để bảo vệ môi trường nữa. “Ba ơi, đi tuần hành, biểu tình đó có tốt không hả ba?”

“Tùy mục đích con ạ - như tuần hành bảo vệ môi trường là tốt, vì môi trường là không khí chúng ta thở, nước chúng ta uống và thức ăn chúng ta ăn; đó là điều thiết yếu với tất cả, với từng người. Nếu làm hại môi trường, chính là làm ảnh hưởng đến tính mạng của tất cả mọi người.” “Hôm qua con xem phim thấy có các anh chị sinh viên ở Pháp biểu tình để chống việc người ta đem cổ vật của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ… đi bán đấu giá ở nước ngoài…” “Đúng rồi, đó là biểu tình, tuần hành để bảo vệ di sản của một đất nước không bị rơi vào tay một nhà sưu tầm nào đó, thứ nhất nó sẽ bị đem đi khỏi đất nước, thứ hai là đại đa số mọi người sẽ không được xem những di sản, di vật lịch sử đó nữa. Còn có những cuộc biểu tình vì hòa bình, chống chiến tranh, chống vũ khí hạt nhân… như ngay trong lòng nước Mỹ những năm chiến tranh Việt Nam, người ta tổ chức rất nhiều cuộc biểu tình chống chiến tranh. Đó là những cuộc biểu tình tốt, vì sự sống của con người. Biểu tình là một hoạt động bình thường ở một xã hội văn minh, người dân được tự do biểu lộ thái độ của mình trước một vấn đề nào đó của xã hội. Cả ba, cả con đều có những quyền đó.”

“Biểu tình như thế nào là không tốt hả ba?” “Biểu tình ôn hòa thì là tốt, còn có những biểu tình nhằm những mục đích xấu thì là không tốt.” Câu chuyện đến đây có vẻ khó hiểu.

Trên mạng xã hội có một bức ảnh anh thanh niên trẻ lắm, đang được người khác dùng chai nước rửa mắt vì anh bị cảnh sát xịt hơi cay vào mắt.

“Anh thanh niên này chỉ hơn con có 5 tuổi thôi, mới 16 tuổi con ạ.” “Sao ba biết?” “Vì anh ấy là con của bạn ba, bác ấy ở trong Sài Gòn.”

“Thế cảnh sát sao lại xịt hơi cay vào mắt anh ấy? Anh ấy làm gì?” “Có thể không làm gì cả!” “Lạ thế hả ba?” “Không có gì là lạ. Một cuộc tuần hành, biểu tình… có thể có hàng trăm, cả nghìn người tham gia và không phải người nào cũng giống người nào – cũng có thể có những người mang theo những mục đích xấu đi trà trộn vào đám đông. Từ việc tủn mủn như ăn cắp ăn trộm, đến những việc xấu hơn như kích động đám đông gây bạo loạn, sử dụng bạo lực chống lực lượng an ninh, cảnh sát. Chính vì thế mà nhiều khi giữ trật tự, cảnh sát họ không thể biết được ai là người như thế nào, và chuyện va chạm, bị thương… có khi chỉ là tai nạn thôi. Ở nhiều nước trên thế giới, hay ba nói là bất cứ nước nào, khi có các cuộc biểu tình, đều có thể có bạo lực từ cả hai phía. Thậm chí, một trận bóng đá cũng có thể nổ ra bạo động, đầu tiên là giữa hai nhóm cổ động viên của hai động va chạm xích mích, rồi đánh nhau… cảnh sát đến là đàn áp, trong khi có những người chẳng liên quan gì đến bóng đá cả, lại tranh thủ đập phá cướp bóc các cửa hiệu. Ba kể cho con nghe, hiện nay Nhà nước ta đang rất cố gắng soạn thảo một Luật rất có ích là Luật Biểu tình, nó cho phép người ta tổ chức những cuộc tuần hành, biểu tình ôn hòa để tỏ thái độ trước một vấn đề hệ trọng của địa phương, đất nước… và cũng giúp cho lực lượng an ninh, cảnh sát bảo vệ trật tự, để cả những người dân không tham gia lẫn những người tham gia được an toàn.”   

“Ba nói là con cũng có quyền đi biểu tình?” “Đúng vậy, con cũng có quyền, bình đẳng như tất cả mọi người.” “Con ví dụ nhé, nếu bây giờ người ta định bán Văn Miếu đi, và con không đồng tình thì con sẽ được đi biểu tình phản đối?” “Đúng vậy, nếu con chưa đủ khả năng đi được đến nơi thì ba sẽ chở con đi. Thậm chí nếu ba ủng hộ bán Văn Miếu đi, ba sẽ tham gia vào lực lượng biểu tình ủng hộ, chuyện đó là hết sức bình thường. Nhưng quan trọng hơn cả là con còn nhỏ chưa đủ 18 tuổi, dù ba không tỏ thái độ tán thành hay phản đối, ba vẫn phải đi cùng để bảo vệ con.” 

Cậu cả ngồi suy nghĩ, phút lặng lẽ kéo dài như bất tận.

Con trai ạ, ba chưa bao giờ muốn làm ảnh hưởng đến con từ những suy nghĩ có thể là méo mó, hoặc lệch lạc của ba, không ai có thể nói là đúng hết cả. Nhưng con là tờ giấy trắng mà cha mẹ có bổn phận phải cùng con viết lên nó những điều tốt đẹp, để tờ giấy ấy trở thành những tác phẩm có ích, chứ không phải được viết nên những điều vô nghĩa.

Con trai ạ, không phải ba cần bảo vệ con trước những sự tấn công của bạo lực, mà điều quan trọng là cố gắng ngăn không để cho con làm điều dại dột. Ranh giới giữa ôn hòa và bạo động, là rất mong manh. Và ranh giới giữa hợp pháp với bất hợp pháp, cũng mong manh như thế. Mà con trai thì ba chỉ có một thôi…

Là cha, ba yêu con và yêu cả những suy nghĩ mỗi ngày một lớn của con – có thể ba không đồng ý với con về chuyện này chuyện khác; nhưng ba vẫn yêu những suy nghĩ và lựa chọn đó. Là cha, ba muốn đi cùng con hết đời ba cũng được, để bảo vệ con, nhưng con còn cần phải tự bước đi, tự bay bằng đôi cánh của mình. Ba chỉ giúp con rèn luyện đôi cánh đó mà thôi.

Tặng một người cha hôm qua đã khóc, đã muốn dùng nước mắt của mình rửa mắt cho con.


Tham gia thảo luận trên Facbook tại đây 

No comments:

Post a Comment