Wednesday, May 17, 2017

“Bàn đạp” Syria của Putin: vững chắc hay sa lầy?

Cuộc gặp ở Sochi, 5/2017
Putin - Erdogan
Cho đến trước thời điểm năm 2014, Syria là nước duy nhất mà Nga còn duy trì căn cứ quân sự của mình ở nước ngoài. Thời điểm năm 2014 cũng là năm mà cả thế giới đổ dồn những cặp mắt vào Putin và nước Nga, khi mà nước này – sau sự kiện Maidan ở Ucraina đã nhanh chóng sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước mình.

Việc Nga mở “mặt trận thứ hai” bằng chiến dịch không kích ở Syria từ cuối năm 2015, được đánh giá như một nước cờ cao của Putin để thoát khỏi tình trạng khó khăn do lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt, cũng như có thể tìm tiếng nói chung, và có được chỗ ngồi vững chắc bên bàn đàm phán về một Syria sau nội chiến.

Có thể nói, sự gia tăng hoạt động quân sự của Nga ở Syria đã đem đến sự thay đổi đáng kể của cục diện nội chiến ở nước này. Quân Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad đã thu được nhiều thắng lợi, bước đầu thoát ra khỏi tình trạng bấp bênh và đã có chỗ đứng vững chắc hơn trên chiến trường. Kết quả này giúp Nga, không chỉ củng cỗ chỗ đứng về mặt địa chính trị ở khu vực, mà còn là một kế hoạch tương lai với khả năng tham gia dàn xếp nhân sự của Syria sau chiến tranh. Mặt khác, bằng chiến dịch này Putin đã chứng minh một điều, Nga vẫn là một thế lực lớn của thế giới về quân sự, và là nhà cung cấp tiềm năng khí tài, công nghệ quân sự hiện đại, giá phải chăng và mà lại rất hiệu quả.

Đến nay, chiến dịch gia tăng hoạt động quân sự của Nga ở Syria đã kéo dài được khoảng một năm rưỡi, và ngoài những thành công khá vừa phải của quân Chính phủ Syria thì chúng ta dù mong mỏi, cũng chưa thấy có thêm kết quả đáng kể nào khác. Kéo dài chiến dịch, đồng nghĩa với việc tăng chi phí cho nó càng lâu càng tốn kém. Không những thế, thời gian gần đây tổn thất về nhân sự của lực lượng Nga ở Syria cũng gia tăng do việc tăng thêm quân, điều này cho thấy nhu cầu sớm “kết thúc trận đánh” đã xuất hiện.

Với “vấn đề Syria,” ông Putin thừa hiểu rằng sẽ không thể có được một kết cục thắng lợi đầy đủ, nghĩa là không thể giúp được Chính phủ của al-Assad thu hồi được toàn bộ lãnh thổ và “đuổi” hoặc tiêu diệt hoàn toàn được các lực lượng nổi dậy. Không chỉ ông Putin, mà tất cả đều hiểu cuộc nội chiến sẽ phải được chấm dứt bên bàn đàm phán – có điều kết quả của đàm phán như thế nào có lợi nhất cho phía mình, sẽ do thực tế chiến trường quyết định.

Khi những trận không kích đầu tiên của Nga diễn ra ở Syria thì ở nước Mỹ, vẫn còn tổng thống Obama với thái độ ôn hòa đến mức… nổi tiếng của mình. Lúc đầu, chiến dịch không kích này được giải thích là “cuộc chiến chống khủng bố” – thì Phương Tây đại diện là Obama không tỏ ra mấy vồ vập. Không những thế, Phương Tây còn quay ra chỉ trích Nga là ủng hộ quân Chính phủ Syria và tấn công vào các lực lượng nổi dậy đối lập – tùy thuộc vào nước nào ủng hộ nhóm nào.

Một trong những nước liên quan nhiều nhất đến tình hình, là Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng ta sẽ nói chuyện này sau – mà nói chuyện Phương Tây trước đã. Nước Nga dường như chứng minh cho thế giới thấy dám có những hành động quân sự mạnh mẽ, khi mà ngay cả những nước mạnh hơn nhiều về kinh tế như Nhật Bản hay Trung Quốc, cũng chưa dám làm, thì Nga vẫn làm. Nhưng ngay cả khi “làm” rồi, Phương Tây vẫn chẳng có động thái gì thêm ngoài những gì đang làm, thậm chí còn có phần kém nhiệt tình hơn. Đáng kể nhất là việc xúc tiến chia sẻ “thông tin bay lượn” trên trời qua đường dây nóng với lực lượng không quân Nga, có vẻ chủ yếu để tránh… tai nạn.

Dường như thực lực các bên như thế nào, Phương Tây nắm rõ không kém gì Putin, và tất cả đều hiểu rằng “chuyện chỉ đến thế thôi.” Và chắc hẳn, trên bàn đàm phán sẽ chẳng có sự nhượng bộ nào cả, và hòa bình thì cũng sẽ còn lâu mới đạt được.

Vì Phương Tây hiểu, chiến dịch của Nga càng kéo dài, thì thắng lợi của Putin và al-Assad trên bàn đàm phán, càng xa vời. Đó chính là lý do mà một mặt, họ vẫn duy trì ủng hộ các lực lượng đối lập, mặt khác cũng chẳng mặn mà gì với việc cần phải kết thúc cuộc nội chiến đã gây đau khổ cho nhân dân Syria mấy năm nay. Ai cũng chỉ nghĩ đến mối lợi của mình trước hết. Đó là lý do mà các lực lượng nổi dậy Syria đã rời khỏi bàn đàm phán ở Astana (Kazakhstan) hôm 3/5 vừa rồi.

Tất nhiên, để đối phó với tình hình, không phải là ông Putin không có phương án nào – và “con bài” Thổ Nhĩ Kỳ được ông đem ra “chơi” với Phương Tây. Cuối năm 2015, quan hệ Nga – Thổ đã căng thẳng do sự kiện F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc cường kích Su-24 của Nga chỉ vì một lý do “xâm phạm lãnh thổ” ở một tình huống như đánh bẫy. Gạt ra bên cạnh những khúc mắc và mâu thuẫn, không bao lâu thì Nga và Thổ đã lại làm lành vì giữa hai nước có những lợi ích quá lớn, đặc biệt về kinh tế.

Gần như đồng thời với hội đàm Astana, đầu tháng Năm năm nay, tổng thống Nga V.Putin gặp người đồng cấpThổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdoğan ở thành phố nghỉ mát Nga bên bờ Biển Đen, Sochi. Có thể coi đây là một diễn biến tiếp theo của những động thái bắt đầu từ cuối năm ngoái, với những nỗ lực của Putin tìm cách nói chuyện với Hoa Kỳ.

Câu chuyện quan trọng nhất giữa hai tổng thống, chắc hẳn không phải gì khác, là nội chiến Syria. Là một nước có can dự sâu sắc vào cuộc nội chiến, Thổ Nhĩ Kỳ không dễ từ bỏ những lợi ích, hay nói cách khác, từ bỏ “vốn đầu tư” đã thả vào “canh bạc Syria” của mình. Mặt khác, trên thực tế thì chính Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng dễ dàng thuyết phục lực lượng nổi dậy Syria mà mình ủng hộ để từ bỏ những gì họ đã làm và đã đạt được cho đến nay. Hơn thế nữa, ai cũng sẽ có những kế hoạch riêng của mình và sự can dự của Mátxcơva vào tình hình chắc chắn ảnh hưởng đến kế hoạch của Ankara, điều mà hai bên chưa làm được là tăng cường hơn nữa lòng tin vào nhau về “vấn đề Syria.”

Lòng tin – dường như đến nay vẫn là điều xa xỉ cho quan hệ Nga với Phương Tây, bằng chứng là chẳng rõ vì động cơ, mục đích chiến lược gì mà đầu tháng Tư ông Trump hạ lệnh bắn 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ quân sự Syria, chỉ vì lý do nước này sử dụng vũ khí hóa học. Đây sẽ là câu chuyện thường xuyên bị “lôi” ra, đặc biệt khi lực lượng của Putin – al-Assad thắng thế và Phương Tây “bí cờ.”

Nếu cứ tiếp tục giằng dai như thế này, thì cũng chẳng khác nào Putin đang “sa lầy” ở Syria, và nếu không đạt được kết quả trên bàn đàm phán, thì nhiều khả năng Nga sẽ phải có kế hoạch dần dần giảm bớt lực lượng, quay lại với tình trạng ban đầu hồi trước khi có chiến dịch không kích.

Là cựu sỹ quan tình báo, cũng là một người lính – hơn ai hết ông Putin hiểu rằng, “một khi anh đã bắt đầu trận đánh, thì anh phải biết cách kết thúc nó.” Ông Putin sẽ phải tìm được lối thoát cho “chiến dịch Syria” của mình trước cuối năm nay, nếu không thì chính nó cũng sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử tổng thống Nga vào năm sau, 2018.

Tuy nhiên, với mưu lược của mình, nếu Putin biết cách làm người Nga hiểu được việc Nga can thiệp quân sự vào Syria là cần thiết cho lợi ích quốc gia, thì chưa biết rằng tỷ lệ người Nga ủng hộ ông sẽ tăng đến đâu. Chờ đợi xem câu chuyện diễn ra như thế nào, cũng là việc thú vị, và chúng ta sẽ cùng chờ xem…

Bài trên Sức khỏe và Đời sống tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment