Monday, May 22, 2017

Câu chuyện tình yêu thứ nhất: “Điểm Gờ là điểm gì?”

Một ngày đẹp trời, mình có được cái diễm phúc đến “làm việc” với hẳn cô giám đốc Nhà xuất bản. Thế nào mà lúc chia tay tiễn biệt, mình còn được ưu ái tặng đến ba cuốn sách cầm về mà ngâm cứu.

Khiêm tốn mà khoe một tí, mình có một tài năng rất lớn là cắt móng tay, móng chân cho trẻ con, khéo ghê lắm, hi hi… Chẳng hiểu sao nhiều nhà, cắt toàn lẹm vào sâu tay và chân con, làm cho bé khóc ré lên và cái sự “cắt ăn sâu” đó nó để lại di chứng rất lâu, mãi thịt mới đùn ra được. Mình để ý, các nhà toàn mua cái bấm móng tay bé xíu rồi cắt theo kiểu bấm dồn từ một khóe ra, cứ đi một lúc là lẹm. Trong khi đó mình toàn xài cái bấm móng tay thật to, “càng to, càng khỏe” và lựa lựa, đặt nhẹ nhàng vào và bấm thẳng tưng một nhát, rồi lại lựa, cắt nhát nữa… cho đến khi nào được cái móng tay tròn trịa thì thôi.

Mẹ bọn trẻ bảo, nhìn hai ba con ngồi cắt móng tay cho nhau rất là yêu, thằng / cô bé ngồi đối diện, ngoan như con cún con, chìa tay ra và ông bố thì còng lưng, bấm tanh tách, thiếu mỗi cái kính lão…

Bọn trẻ con nhà mình cũng rất khôn, chẳng muốn nhờ ai cắt móng tay, ngoài ba của chúng nó.

Buổi tối, Bá Ba Nhi Bôn mè nheo: “Ba, tí nữa ba cắt móng tay cho con. Cô giáo bảo móng tay của con dài quá rồi, sẽ bị trứng giun chui vào bụng.” Sau khi ăn cơm xong, lúc ba nó đang nằm dài trên giường thì nó cầm cái bấm móng tay từ phòng anh nó sang.

“Con phải kiếm tờ giấy hay tờ báo để hứng móng tay chứ, không thì tí nữa ai mà đi quét dọn được.”

Cô bé nhìn quanh quất, thấy cuốn sách để ở đầu giường, nhặt luôn để hứng móng tay, ba của nó cũng chẳng chú ý là cuốn gì vì cái bìa trước bị úp xuống dưới. Cắt xong, nó tự giác, lạch bạch cầm cuốn sách đi đổ móng tay vào sọt rác, nhân tiện trả anh nó bấm móng tay luôn, còn ba nó thì nằm tiếp, đang mải chat chit với cô nào trên Facebook, chẳng nhớ nữa.

Văng vẳng giọng cô bé từ bên phòng anh nó, vọng sang:

“Anh Nhi Bá ơi, “Điểm Gờ” là Điểm gì hả anh Nhi Bá?”

“Anh không biết, nhưng chắc là “Điểm Gơn” (Girls) đấy…”

Mình nghe mà chết cười – hóa ra cuốn sách mà nó dùng để hứng móng tay, tựa đề “Đàn ông cũng có “Điểm Gờ”…” [1] Nhẽ ra phải được cất đi để chúng nó khỏi nhìn thấy, đỡ mất công giải thích, vài năm nữa hẵng hay, thì lại trưng ra đó…

Hôm sau lúc hai đứa bé đi học rồi, có “hai đứa” lớn đầu còn ngồi lại ăn sáng trước khi đi làm, kể cho nhau nghe chuyện bạn bé hỏi bạn lớn “Điểm Gờ” là gì, và hi hí cười với nhau. Vui đáo để.


Bẵng đi mấy hôm, mãi mới có dịp hỏi ông con.

“Hôm trước em bé hỏi con, “Điểm Gờ” là gì phải không?”

“Vâng ạ, sao ba biết?”

“Thì ba ở bên phòng ba, nghe hai anh em nói chuyện với nhau và cả câu trả lời của con, làm ba buồn cười quá đi.”

“Con đoán “Điểm Gờ” nghĩa là “Gơn” (Girls) đúng không ba? Vì cuốn sách tên là “Đàn ông cũng có “Điểm Gờ”” – nghĩa là điểm đó phải là của phụ nữ.”

“Bắt đầu logic rồi đấy, nhưng “G” ở đây không có nghĩa là “Girls” mà là chữ cái đầu của một nhà khoa học hay bác sĩ gì đó người Đức [2], tên là gì nhể ba không nhớ - Gu-ten-béc à? Không phải… Gớt à? Càng không phải. Nhưng mà thôi, không sao. Nhà khoa học hay bác sĩ gì đó ấy nghiên cứu và tìm ra rằng, trên cơ thể người phụ nữ có một điểm nhạy cảm về thần kinh, mà nếu bị kích thích vào đó thì người đó sẽ cảm thấy rất rung động cả thể xác lẫn tinh thần. Con đã học về giới tính rồi, nên có thể nói chuyện này được: sau này khi mà con lấy vợ chẳng hạn, tức là có quan hệ nam nữ, sẽ cần biết cái điểm đó như thế nào và ở đâu để phục vụ cho cuộc sống của con thêm sâu sắc, hạnh phúc thêm bền vững.”

“Thế cái điểm ấy ở đâu hả ba?”

“Hừm, thực ra ba cũng không biết chắc lắm đâu, vì thấy sách vở bảo là mỗi người có những điểm nhạy cảm trên cơ thể khác nhau, chứ không hẳn là phải cố định ở một chỗ như sau này con sẽ tìm hiểu thêm. Có người thì ở sau tai, có người lại ở chỗ hõm dưới cổ… khi được yêu thương, âu yếm, chẳng hạn hôn vào đó thì người phụ nữ rất thích. Nôm na thế…”

Con trai tròn xoe mắt vẻ sợ hãi – ánh mắt thể hiện một sự… giằng xé, he he, rất giông bão của tuổi sắp lớn.

“Tạm thời con biết vậy thôi, còn có rất nhiều thời gian để con tìm hiểu tiếp. Con có thấy tựa đề cuốn sách đó rất thú vị không? Chữ “Điểm Gờ” nhiều khi còn phải cho vào trong ngoặc kép, là nghĩa bóng. Theo ba hiểu, ai cũng có một “Điểm Gờ” và ba muốn nói với con rằng, ngoài “Điểm Gờ” trên cơ thể vật lý còn có cả “Điểm Gờ” trong tâm hồn nữa. Con có biết, trong thơ ca, các bài hát… nhiều bài có khái niệm “Touch my heart” hoặc “Touch my soul” không? Vì có những lúc, có những thứ sẽ đụng vào trái tim, tâm hồn của người khác, làm người khác rung động. Sau này con có bạn gái, ý là có người yêu ấy, con sẽ muốn và phải làm rung động được trái tim của cô ấy, bằng hành động, bằng lời nói… Muốn làm được như thế, hành động, lời nói của con phải xuất phát từ trái tim của con, chứ nếu con không thực sự muốn yêu, muốn sống cho người ấy thì con không đụng vào “Điểm Gờ” của người ấy được đâu.”

Cậu cả cười cười. Hắn độ này nhãng đi, không còn thích cái bạn Quế học cùng nữa rồi thì phải.

“Con có thấy gia đình mình: ba mẹ, các con… đang sống rất hạnh phúc không? Có hả? Đó, con thấy không, hạnh phúc không cầu kỳ cảnh vẻ và đòi hỏi quá nhiều, mà nó chỉ cần được nuôi bằng những hành động, lời nó, cử chỉ rất nhỏ… nhưng quan trọng là mỗi điều nhỏ nhặt ấy, đụng được vào “Điểm Gờ” trong tâm hồn của người khác.”

“Tìm ra có khó không hả ba?” (Ý cậu ta là hỏi về cái “Điểm Gờ” trong tâm hồn ấy!)

“Tuyệt đối không khó, nếu như con thực sự yêu và có thể giành hết sức mình cho tình yêu ấy. Nếu con thiếu nhạy cảm, nhưng được yêu lại thì người yêu của con sẽ tìm cách cho con biết, đừng lo…”

Câu chuyện tình yêu thứ nhất kết thúc – điều quan trọng của hạnh phúc bền lâu không phải là chuyện “Điểm Gờ” của cơ thể vật lý, mà là có thể biết được “Điểm Gờ” về tâm hồn của nhau…

[1] Đàn ông cũng có “Điểm Gờ” của Hoàng Anh Tú, Di Li, Tâm Phan – Nhà xuất bản Phụ nữ.2017.

[2] Bác sỹ phụ sản Grafenberg người Đức.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây 

No comments:

Post a Comment