Wednesday, August 22, 2018

Có phải máy ATM đẻ ra tiền?


Hai anh em nhà Nhi Bá, Nhi Bôn học thì chẳng mấy hào hứng, nhưng riêng đi chơi thì nhiệt tình vô hạn. Chưa đi hết trận này, hai anh em đã tính toán đến trận khác. Để được đi chơi, chúng nó biết là phải hoàn thành tốt việc học hành, nên cũng có tí cố gắng.

Nhìn chung với nhà mình, thì động cơ học tập rất phi giáo dục. Học có vẻ như không vì kiến thức, cũng chẳng vì tương lai to tát gì, mà chỉ vì những quãng đời vui vẻ đang được hưởng mà thôi. Nói ra thế này khối bố mẹ phê bình chết, nhưng mà đúng vậy, khổ thế!

Có hôm hai anh em ngồi bàn soạn xem sang năm liệu có được sang nhà bác ruột của chúng ở tận Budapest chơi không… Ông anh đã có ý thức hơn về vấn đề chi phí, nói:

“Muốn đi được thì nhà mình phải để dành tiền. Anh và Nhi Bôn đã để dành được mấy triệu rồi đấy, trong con lợn đất gửi bà ấy. Năm ngoái đi thi bơi được hai giải nhất, anh không cho nó ăn được vì phải mua quà tặng cô giáo dạy bơi và góp mua đồ chơi rồi. Tiền mừng tuổi thì vẫn cho vào… nhưng chắc là không đủ đâu.”

Nhi Bôn lanh chanh:

“Sợ gì, nếu không đủ thì ba ra máy ATM rút thêm là đủ.”

Chả là nhiều lần chở hai anh em đi, ba hay dừng lại vào máy ATM rút tiền để chi tiêu, nên cô bé Nhi Bôn nghĩ rằng cứ vào đó rút, là có tiền.

Mẹ hai bạn đến đây mới tham gia vào câu chuyện:

“Thế con nghĩ là cứ ra máy ATM rút là có tiền à?”

“Vâng ạ, cứ ra máy ATM rút là có tiền.” Nhi Bôn trả lời, giọng chắc nịch.

“Theo con thì máy ATM nó là máy gì, in được tiền hay đẻ ra được tiền?” Mẹ hỏi tiếp.

“Con không biết, nhưng con thấy ba cứ mở cửa, cho thẻ vào là có thể lấy ra được tiền mà.”

“Con nghe này, không phải cứ cho thẻ vào là lấy ra được tiền đâu. Ba mẹ phải đi làm, có tiền lương, như làm cho bệnh viện mẹ ấy, bệnh viện trả lương vào tài khoản nên mẹ có tiền. Có tiền trong tài khoản thì mới có thể rút được tiền ở máy ATM.” Mẹ giải thích, còn Nhi Bôn thì nghe và… không hiểu gì cả. Tình thế bắt buộc ba phải “nhảy vào vòng chiến.”

“Để ba giải thích cho con nghe. Con để ý bác Hiền đến quét dọn nhà cho nhà mình trước đây không? Làm xong, bà trả cho bác một khoản tiền, là tiền công lao động. Ba mẹ cũng thế, đi làm cho cơ quan, như mẹ là bệnh viện, người ta cũng phải trả tiền như vậy. Có điều khác, là người ta không trả bằng tiền mặt như bà trả cho bác Hiền, mà người ta trả thông qua hệ thống ngân hàng. Con hãy tưởng tượng như thế này, hệ thống ngân hàng như một cái bể to, mà các bệnh viện (ba nói ví dụ thế, có thể là công ty, nhà máy…) đổ nước vào trong cái bể đó, và cung cấp cho người quản lý ngân hàng hay quản lý bể nước ấy, thông tin là bạn Nhi Bá, em Nhi Bôn… đi làm được trả số nước hay số tiền từng này, từng này… Các máy ATM, là rất nhiều vòi nước trên khắp đất nước, thậm chí ở nước ngoài cũng có thể lấy được nước. Thẻ rút tiền chỉ như cái chìa khóa, để con có thể mở được vòi để lấy nước và nó có thông tin, cho phép con lấy được lượng nước bao nhiêu đó, một cốc hay một xô nước… thường là không được phép quá số nước hay số tiền con có trong bể nước.”   

Nhi Bôn nghe có vẻ hiểu hơn được một chút. Còn Nhi Bá thì lại nghĩ sâu hơn một chút.

“Có thể lấy được nhiều nước hơn số mình có không ba?”

“Có hai cách. Các thứ nhất là chính đáng, khi con là người đáng tin cậy, hệ thống ngân hàng cho phép con rút nhiều hơn số tiền con có, như thế là con đã vay tiền của ngân hàng và khi trả lại, con phải trả cho họ thêm một khoản lãi nữa. Cách thứ hai, là những người đang làm điều xấu vẫn làm: tìm cách rút tiền ở máy trong khi mình không có số tiền đó, bằng những cách như đánh cắp thông tin tài khoản (tức là đánh trộm chìa khóa để mở khóa ấy mà!) hoặc có người còn dám phá cả máy ATM để lấy tiền.”

“Thế thì là ăn trộm rồi ba nhỉ!” – Nhi Bá kết luận.

“Đúng là ăn trộm đấy, con nhớ trong phim gì không? – “Kẻ hủy diệt 2” đoạn John Connor mới 10 tuổi đã đi bẻ mã để rút tiền trong máy ATM đi chơi trò chơi điện tử. Như thế là các con đã hiểu không phải cứ ra máy ATM là có tiền đâu. Chúng ta phải làm việc thì mới có quyền lấy tiền trong máy đó đấy các con ạ.”

Mùa giải năm nay, cả hai anh em đều được mấy giải cả cấp Quận lẫn thành phố, đều cho con lợn đất ăn hết. Hè vừa rồi, Nhi Bá tham gia dạy bơi cho các em nhỏ, và được trả một khoản thù lao rất tượng trưng là 500 nghìn đồng (20 đô-la Mỹ nhỉ!) Rất nhỏ thôi, nhưng là khoản lương đầu tiên của anh chàng, nếu như không tính đôi ba lần rửa xe máy cho ông, cho ba mẹ… thì chưa bao giờ cậu ta được người ngoài trả tiền công lao động cả.

Là một bước tí ti tới chuyến đi Budapest, nhưng là một bước rất lớn trên con đường trở thành người lao động chân chính.

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment