Saturday, August 18, 2018

Một phần tình yêu với Hà Nội ở đó, không thêm được thì thôi đừng có “cắt bớt” đi


Được biết tôi là người có “thâm niên” sinh hoạt ở Cung thiếu nhi Hà Nội từ nhỏ, nên BTV Tuần Việt Nam có đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề đang được đặt ra hiện nay là nhu cầu cắt bớt đất của Cung thiếu nhi cho Thành phố sử dụng. Theo dòng sự kiện, tôi mới rõ việc cắt đất này chính là nhằm vào khu nhà cũ, mà như chúng ta vẫn đang hiểu là khu Nhà truyền thống của Cung.

Nhìn lại quá khứ, nếu nói tôi là người có “thâm niên” sinh hoạt ở Cung cũng không sai, từ nhỏ tôi đã học đủ các môn ở đây, mà lâu nhất là có hai môn: Vẽ và Văn học. Ngoài ra tùy độ tuổi mà tôi đã tham gia học các môn khác nhưng thường là trong thời gian không dài như Nhiếp ảnh, Vật lý. Điều đó có nghĩa là trong một tuần, tôi có đến vài buổi đạp xe từ Phố Huế lên Cung thiếu nhi sinh hoạt, cũng may là thời đó thời gian học hành ở trường, bài vở cũng không đến nỗi nặng nề như bây giờ thì mới làm được như thế.

Có thể nói, với tôi Cung thiếu nhi Hà Nội là một khái niệm cực kỳ gắn bó, đi suốt cả tuổi thơ và là một phần của tình cảm của tôi với Hà Nội. Tôi cũng không nghi ngờ rằng điều này sẽ đúng với cả vạn người con khác của Hà Nội đã từng gắn bó tuổi thơ của mình với cái nơi tuyệt vời này như thế. Ngay cái khái niệm “Lên Cung” đã nói lên quá nhiều điều, với chúng tôi như đến một lâu đài trong chuyện cổ tích. Bạn đọc của Tuần Việt Nam hãy tưởng tượng một thời bao cấp điện thắp sáng còn thiếu, nhà nào, trường nào cũng một màu vôi vàng và tối lờ mờ, được đi sinh hoạt ở một “lâu đài” mới, hiện đại và chan hòa ánh nắng, không có niềm vui nào hơn thế. Mùa hè, cứ sáng thứ Năm và sáng Chủ Nhật, rạp Khăn quàng đỏ lại mở cửa chiếu phim cho thiếu nhi, những bộ phim đầy ý nghĩa giáo dục và với những đội viên đang sinh hoạt của Cung, thì xem không mất tiền. Thế là ngoài những buổi sinh hoạt chính, chúng tôi lại có thêm những buổi phụ, là những buổi xem phim. Cả những tối vui Trung Thu, Tết thiếu nhi 1/6… bao nhiêu niềm vui của chúng tôi, gắn liền với Cung thiếu nhi cả.

Nhưng với tôi, Cung thiếu nhi không chỉ là ngôi nhà cao tầng (bây giờ thấy cũng không cao lắm!) hiện đại, mà còn là những lúc tha thẩn chơi dưới bóng cây cạnh tòa nhà cũ rất đẹp từ thời Pháp thuộc để lại. Tôi còn nhớ hồi đó tòa nhà chỉ có dãy văn phòng ở tầng một nhìn ra phố Lý Thái Tổ là được sử dụng, còn thì gần như bị bỏ hoang. Tuy nhiên, tình trạng của nó hồi đó khá là tốt. Đặc biệt về kiến trúc của nó, thì thật là tuyệt, với hai cái cầu thang lộ thiên nhìn chéo ra quảng trường Chí Linh (trước Ngân hàng Nhà nước) và cái sân trời trên tầng hai, tuy tuổi còn bé nhưng tôi đã rất mê vẻ đẹp của nó.

Về hiệu quả của các môn sinh hoạt Cung thiếu nhi, có thể nói là rất tốt: học gì tôi cũng được các họa sỹ, nhà văn, nhà nhiếp ảnh nổi tiếng; các kỹ sư lành nghề hướng dẫn và đó chính là những hành trang quan trọng để vào đời. Có thể nói quãng học sinh chuyên văn không đem lại cho tôi nhiều bằng những buổi học với nhà văn Tô Hoài, Định Hải, Quang Huy, Phong Thu, Nguyễn Bùi Vợi, Võ Quảng… Hay những giờ học vẽ với họa sỹ Thẩm Đức Tụ, Huy Toàn… cũng giúp tôi rất nhiều, dù không theo nghề vẽ nhưng cũng có hiểu biết kha khá về hội họa.

Mê Cung thiếu nhi đến cỡ như thế, nên “tiếp bước cha anh” các con tôi cũng được đến sinh hoạt ở Cung. Tình thế đã đổi khác, bây giờ nhiều môn đã không còn nữa. Chẳng hạn, ngày xưa trên sân thượng có các anh chị tập bắn súng, một thời gian ngắn đã chấm dứt. Môn Thiên văn học thì hình như chưa bao giờ hoạt động cả. Nhưng cũng có môn thì phát triển mạnh hơn hẳn, như Mô hình máy bay. Những môn mang tính truyền thống của Cung như Mỹ thuật, múa hát… thì vẫn mạnh như xưa. Cung thiếu nhi Hà Nội đã đóng góp cho nghệ thuật nước nhà những ca sĩ thành danh như Thanh Lam, Hồng Nhung… hay MC Lưu Minh Vũ. Đến nay các cuộc thi văn nghệ hay mỹ thuật của Cung tổ chức luôn luôn là những cuộc thi có uy tín dành cho thiếu nhi thành phố, khi con tôi được tham dự, gia đình cũng rất vui khi thấy con mình hạnh phúc.

Nhưng khi con sinh hoạt ở Cung mới thấy… Cung quá tải, đặc biệt vào mùa hè. Năm kia, con gái tôi phải học vẽ trên cái sân trời tầng hai của chính tòa nhà cũ đang bị dọa “cắt bớt,” chỗ đó đã được làm một cái mái che mưa nắng, nhưng vẫn là bán lộ thiên. So với học ở đó, thì học vẽ ở hành lang tầng 3 (Khoa Mỹ thuật) là một hạnh phúc chán vì còn có máy điều hòa nhiệt độ. Tòa nhà cũ không còn bị “như bỏ hoang” nữa, mà được tận dụng hết vừa làm văn phòng, vừa làm lớp học. Con trai lớn của tôi sinh hoạt nhóm Mô hình máy bay là ở tầng một tòa nhà này.

Cung Thiếu nhi đang bị quá tải, thiếu mặt bằng là một thực trạng hiển nhiên, do đó việc sử dụng các phòng của tòa nhà cũ làm lớp học cũng là một biện pháp “cực chẳng đã” vì chúng không đáp ứng được nhu cầu của giáo dục, đào tạo hiện đại. Tình trạng quá tải không chỉ xảy ra cho các lớp học, mà còn là thiếu chỗ chơi cho thiếu nhi và cả… chỗ ngồi chờ con của phụ huynh nữa. Thỉnh thoảng, sân của Cung thiếu nhi được sử dụng cho tổ chức sự kiện thì đúng là không có chỗ len chân, các cháu đi được vào ngôi nhà chính để học còn khó khăn. Tuy thế với điều kiện thành phố ta thì việc sử dụng sân tổ chức sự kiện vẫn là một nhu cầu chính đáng. Cuối cùng là Cung thiếu nhi không chỉ thiếu chỗ cho người, mà còn thiếu cả chỗ cho… xe. Ngày cuối tuần, xe của phụ huynh không thôi cũng đã tràn kín cái sân bên cạnh và cả vỉa hè mặt phố Lý Thái Tổ.

Như vậy chúng ta có thể thấy, Cung thiếu nhi với tòa nhà “mới” và cả tận dụng tòa nhà cũ, cũng đã vừa thiếu thốn diện tích, vừa dần dẫn lỗi thời, công năng cũ không còn phù hợp với tình hình mới. Tòa nhà “mới” đã cũ, số tầng thấp, chỉ có một thang máy… không những thế thiết kế của các hạng mục như rạp chiếu phim cũ không còn phù hợp, đến nay đã tỏ ra là có hiệu quả sử dụng mặt bằng rất thấp.

Tôi vừa viết Cung thiếu nhi quá tải cả về… chỗ ngồi cho phụ huynh ngồi chờ, thể hiện một khía cạnh khác của vấn đề. Hồi nhỏ, trước khi sinh hoạt ở Cung thiếu nhi (cấp thành phố) tôi bắt đầu với một lớp học vẽ do Phường (hồi đó gọi là Tiểu khu) tổ chức và chất lượng của lớp không hề tệ, thậm chí rất khá. Mãi về sau, khi tôi đã “lên Cung” thì các lớp ở cấp Phường và cao hơn, ở Nhà văn hóa Quận cũng rất tốt, chứ không hẳn nhất thiết phải đến Cung thiếu nhi. Nhưng nếu ngày hôm nay, ở năm 2018 nếu ai đó muốn cho con sinh hoạt ngoại khóa, thì câu trả lời gần như là “Không!” với các lớp ở Nhà văn hóa Phường và cả Quận nữa – dù cơ sở vật chất, nhà cửa… đều khang trang hơn trước nhiều. Do (có vẻ) không được quan tâm đúng mức, nên các nhóm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật… cũng èo uột, dần dần chẳng ai muốn cho con sinh hoạt ở những chỗ đó nữa cả. Điều này gây nên sức ép cho cấp thành phố, cả về cung cấp chỗ sinh hoạt cho thế hệ trẻ lẫn chi phí về mặt xã hội, khi bố mẹ phải bỏ nhiều thời gian, công sức ra đưa con đi đón con về, là tôi còn chưa nói đến việc này góp phần vào nạn tắc đường!

Ấu trĩ viên Hà Nội cũ
Nhu cầu của Cung thiếu nhi còn nằm ở chỗ, có nhiều môn hiện nay vẫn được duy trì nhưng sinh hoạt ở trong điều kiện không đủ tiêu chuẩn, như các môn võ, bóng rổ… thày trò vẫn tập trong sân nắng mưa với mặt sân gồ ghề... Và rõ ràng, điều kiện đó thì không thể tốt bằng các nhóm, lớp… đang sinh hoạt ở các Trung tâm thể thao của các Quận được rồi. Như vậy ngoài cách tiếp cận là Cung thiếu nhi cần được nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật; thì còn cách tiếp cận nữa: Cung thiếu nhi cần được xác định rõ thêm về nhiệm vụ và nội dung đào tạo, giảm những môn sở đoản và tăng thêm những môn xã hội còn thiếu. Ví dụ ở Cung thiếu nhi hiện nay đang có môn Kỹ năng sống, nhưng không rõ có giống môn học cùng tên trong trường phổ thông hay không, trong khi xã hội có nhu cầu cho học sinh học “Kỹ năng sống sót” thì chắc chắn chưa dạy được. Những môn mà hiện nay xã hội đang tự tổ chức, mang tính tự phát như những Câu lạc bộ Thiên văn học, nhẽ ra Cung thiếu nhi phải có, thì vẫn chưa bao giờ có.

Hà Nội đang ngày càng phát triển, rất cần có được một Cung thiếu nhi xứng tầm với thủ đô của thế kỷ XXI. Điều đó có nghĩa, nếu chưa thể nâng cấp thì cũng không thể thu hẹp Cung thiếu nhi. Tôi cũng không cho rằng chuyển Cung thiếu nhi đi một vị trí khác là ý tưởng hay, vì ở vị trí hiện nay Cung vừa giữ được truyền thống là “Ấu trĩ viên” có nguồn gốc lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc Cách mạng của dân tộc, vừa còn nguyên những cơ hội để phát triển. Cần bảo tồn ngôi nhà cũ thành Nhà truyền thống hay Bảo tàng của Thiếu nhi thành phố. Thời của đa phương tiện, một ngôi nhà như thế là quá đủ cho những bảo tàng đa phương tiện hiện đại.

Cần lắm một dự án đầu tư nghiêm túc cho Cung thiếu nhi, vừa giữ được Truyền thống, vừa có tầm phát triển vào thời đại mới, thời đại của Cách mạng 4.0. Nhưng có lẽ, chỉ có những người thực sự coi mình là “con của Hà Nội” mới mong mỏi điều đó.

Bài trên Tuần Việt Nam tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment