Thursday, August 16, 2018

Sách “Chúng ta là đàn ông” của Steve Senkman


Cuốn sách “Chúng ta là đàn ông” của Steve Senkman (“Мы – мужчиныСтив Шенкман) được dịch và xuất bản ở Việt Nam năm 1987, dưới sự kết hợp của Nhà xuất bản Thế giới Mátxcơva với Nhà xuất bản Thể dục Thể thao Việt Nam. Những người dịch là Phan Bạch Yến[1] và Trần Yến Thoa.

Được cầm nó trên tay lần đầu năm 18 tuổi, từ đó mình ôm cuốn sách này đọc say sưa, và nó giúp mình thành một con người khác. Chơi thể thao; xây dựng lối sống lành mạnh; nói không với thuốc lá, rượu bia; học cách nghỉ ngơi chủ động; sắp xếp thời gian biểu; các quy tắc học tập và làm việc khoa học... và tuyệt nhất ở chương cuối là “How to be a gentleman?”

Cách đây mười mấy năm, lên “nhà ngoại” ở không có chỗ cho mấy nghìn cuốn sách, mình phải để tạm cả đống sách to tướng dưới nhà chú em trai. Riêng cuốn này, ông bạn thân thời “hậu sinh viên” mượn về, bảo “Để tao giữ cho sau ổn định chỗ ở thì lấy về!” Mãi tròn một giáp mới thực hiện được, không phải là “thư viện gia đình" như mong ước, mà là “kho sách.” Cố giữ được khoảng 4000, vứt đi khoảng 6-7000 vì nhiều lý do.

Riêng cuốn này, gọi điện cho ông bạn để đòi nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Làm gì còn, lại chẳng ra hàng đồng nát lâu rồi!” May bây giờ học Phật không thấy hận, nhưng với người yêu quý sách vở như mình, câu trả lời đó quá đau.

Lại bỏ công nhưng không mấy hi vọng, lượn hàng sách cũ. Một ngày thấy trong lòng có gì ngờ ngợ, không dám nghĩ là điều gì. Tranh thủ 10 phút rỗi tạt vào một hàng, gặp nó, cầm nó lên, tay run bắn. Xin chào, người bạn tuổi thanh niên của tôi!

Cuốn sách cực kỳ quý giá cho những ai có con trai đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, nó còn là của báu cho bất kỳ người đàn ông nào, ở bất cứ lứa tuổi nào với phương châm “hãy làm, không có gì là quá muộn.”

Đến nay, ngay cả ở Nga, khi mà Liên Xô không còn nữa, cuốn sách vẫn tiếp tục được tái bản nhiều lần do nhu cầu rất lớn của xã hội đối với nó. Mình đã tìm kiếm rất lâu cuốn này, thậm chí có lần trên một diễn đàn bạn nào đó hỏi, nhưng không có ai chia sẻ nó. Thật may đã mua lại được cuốn sách, và ngay lập tức ngồi vào bàn, scan để chia sẻ cho mọi người.

Nào, chúng ta hãy cùng nhau trở thành những người đàn ông đích thực!

[1] Chị Phan Bạch Yến, dịch giả cho biết họ của chị đã bị in sai thành họ Phạm khi xuất bản, nhưng cũng không muốn sửa vì sách hồi đó in ở Liên Xô chở về Việt Nam.

Tải sách về ở đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment