Wednesday, September 19, 2018

“Người lang thang” ở Kuala Lumpur

Ganesh và con mèo
của cậu ta
Tôi đã từng đến Kuala Lumpur một lần vì công việc, đối tác thu xếp cho ở một khách sạn sang trọng nên chỉ thấy được những mặt hào nhoáng của thành phố. Có lần chat với một bạn nước ngoài trên diễn đàn trực tuyến về “du lịch bụi,” cậu ta bảo cũng ngay trung tâm thành phố thôi, có những khu rất thú vị, hãy thử ở lại đó vài ngày, sẽ thấy nhiều chuyện hay.

Tôi quyết định sẽ tới ở khu phố mà cậu phượt thủ nước ngoài kia đề nghị để “trải nghiệm.” Đặt khách sạn “một sao” theo đánh giá trên Agoda, nhưng thực tế là khá rẻ tiền, tiện nghi rất không đầy đủ nhưng phù hợp yêu cầu là chỉ cần chỗ để ngủ riêng biệt một chút và chẳng mất nhiều thời gian, những câu chuyện hè phố đã chiếm mất của tôi vài ngày...

Từ sân bay KLIA2, tôi đi xe bus về nhà ga trung tâm thành phố, rồi cuốc bộ về khách sạn chỉ cách khoảng 2km. Vừa ngửa cổ nhìn đường và phố xá, vừa ngó nghiêng cái điện thoại xem bản đồ, tôi gặp một bộ mặt rất quen thuộc, như người Việt: cậu thanh niên trẻ măng kia, ngơ ngác và lo lắng, đang ngồi bệt trước cửa hiệu bánh ngọt. Ngồi xuống bên cạnh vừa để nghỉ chân, vừa muốn hỏi chuyện anh chàng, mới biết không phải người Việt mà là người Myanmar mới đi theo đường bộ sang Malaysia được vài hôm nay. Giọng nói mệt mỏi, cậu thanh niên dùng tiếng Anh rất khá, kể lại cho tôi về quyết định theo lời kêu gọi của bạn bè đã sang trước, sang đây tìm việc làm sau khi tốt nghiệp đại học. Tiếc là từ hôm tới thành phố đến nay, đã được ba ngày mà không thể gọi được điện cho bạn bè.

Xếp hàng lấy bữa tối
Từ vài năm nay theo luật mới của Malaysia, những người nào sang nước này theo diện đi lao động mà không có người sử dụng lao động đón thì sau 6 giờ đồng hồ sẽ mặc định trở thành người lang thang. Điều này tôi biết được qua một nhân viên hải quan ở sân bay – với khách du lịch từ các nước ASEAN không áp dụng chế độ này, mà chỉ áp dụng với người lao động thôi. Tôi hỏi, vậy với những người nhập cảnh theo chế độ đi du lịch rồi tìm cách ở lại thì sao? “Những trường hợp như vậy không hiếm, và cảnh sát sẽ tìm họ để trả về nước.” Trên xe bus tôi cũng gặp một công chức người Malaysia, anh ta kể về nhiều trường hợp người nước ngoài sang tìm việc như vậy – hiện nay nước này đang tìm cách quản lý như phạt những cơ sở thuê người nước ngoài nhập cảnh vào bằng visa du lịch và cuối cùng thì họ chuyển sang thuê lao động chui. Trường hợp cậu người Myanmar kia sẽ đúng như vậy: nhập cảnh vào không cần visa từ một nước Đông Nam Á, rồi trước sau cũng sẽ lao động chui. Nếu làm việc được, họ sẽ tìm cách hợp pháp hóa bằng một hợp đồng lao động qua công ty môi giới lao động nước ngoài, rồi cậu ta lại phải xuất cảnh và nhập cảnh trở lại một lần nữa. Tất nhiên việc này có những khó khăn nhất định vì cậu ta đã cư trú bất hợp pháp trên đất nước Malaysia một thời gian rồi, trên hộ chiếu mới có một dấu nhập cảnh chứ chưa xuất cảnh khỏi đất nước.



Khu phố mà tôi ở lại cứ về đêm lại đông đúc nhộn nhịp đầy những người vô gia cư, phải tới cả nghìn người. Mỗi người chỉ cần một miếng các-tông, đêm đến chiếm một chỗ dưới hàng hiên là có thể ngủ được. Đất nước lúc nào cũng là mùa hè, không phải lo chuyện rét mướt. Tò mò, tôi ra tìm cách bắt chuyện với một vài người trong số họ, hầu như không có kết quả vì hoặc là họ không hiểu hoặc hiểu ít và cũng không muốn trò chuyện. Đã định thôi rồi, thì cặp chân gầy, đen đúa và bẩn thỉu thò ra dưới đống chăn bên cạnh, ngọ nguậy. Chủ nhân của cặp chân thò đầu ra, giương đôi mắt đen lánh ranh mãnh nhìn tôi, nhe hàm răng khấp khểnh cười dưới bộ râu đen rối bù, bẩn thỉu và cứng quèo. Cậu ta cởi trần, nước da đen và đầy ghét bẩn đến mức không thể bẩn thêm nữa, bộ tóc dài búi tó thành một cục trên đỉnh đầu đã hoàn thiện bộ dạng rất thú vị của anh chàng. Giơ bàn tay bẩn với những móng tay dài lâu không cắt đen thui thui ra cho tôi bắt, cậu ta tự giới thiệu: “Ganesh!”


Ganesh năm nay 24 tuổi, người thành phố Johor Bahru của bang Johor, sát Singapore. Mỗi ngày, thành phố này có 3000 sinh viên vượt qua sông sang học tập tại Singapore. Ganesh học công nghệ thông tin tại Đại học công nghệ Nam Dương (Nanyang Technological University) trong 4 năm rồi có một công ty của Singapore thuê cậu ta làm việc. Cuối năm ngoái, cậu ta cưới vợ thế rồi, biến cố xảy ra. Cô vợ trượt chân ngã trong nhà tắm, không cứu được, đã ra đi mang theo đứa nhỏ của họ vẫn còn trong bụng mẹ. Ganesh buồn lắm, về Johor, rồi anh họ rủ lên Kuala Lumpur chơi. Lái xe lên thủ đô, Ganesh mới biết anh họ sống ở đây theo diện vô gia cư. Anh họ cậu ta mượn ngay chiếc xe, lái đưa cô bạn gái đi chơi ở cao nguyên Cameron đến nay đã hai tuần, còn Ganesh thì ngủ lại ở vỉa hè và chờ đợi. Theo lời hẹn thì chỉ vài hôm nữa anh họ cậu ta sẽ về, chỗ ngủ này là của ông anh họ - anh ta đi chơi để lại cho Ganesh cả một con mèo mẹ với mấy con mèo con làm bạn. Ganesh bế lên tay con mèo trắng đen rất hiền, cười toe toét và “thơm” nó một cái. Mấy con mèo con bé tí, kêu meo meo… làm Ganesh ngoác mồm cười lần nữa, bảo: “Đấy, bây giờ em có một lũ con nhỏ…” Rất nhiệt tình, Ganesh mời: “Tối anh ra đây ăn cơm. Có nhiều tổ chức phi Chính phủ đến cho cơm và quần áo.” “Thật ư?” “Thật, tối anh cứ ra thì biết. Cơm ngon lắm.”

Mấy người anh em chuyển giới đang bắt chấy cho nhau
Cô lễ tân khách sạn người Ấn thì bảo: “Anh đừng có tin lời chúng nó kể. Có người còn hoang tưởng mình là triệu phú nữa kia. Chẳng chịu đi làm, cứ ra đây lấy cơm ăn mãi thôi. Mà người ta cứ phát cơm mãi làm họ lười mãi.” Còn cậu nhân viên tin học của khách sạn người Bangladesh kể thêm: “Ở ngoài vỉa hè em biết có những người rất giàu. Người ở nhà của mình chỉ ra buổi tối lấy cơm ăn. Có người ngủ lại luôn. Như chị Wang vẫn ngồi thềm khách sạn mình ở đây này. Chồng không biết ở đâu rồi, con cái lớn ở nước ngoài cả, chị ấy cứ ra đây từ chiều, chờ lấy cơm đủ ăn cho cả ngày, rồi tối muộn lại về.” Wang, hay chị Vương (họ của người phụ nữ gốc Hoa) ngoài 60 tuổi, mái tóc cắt ngắn kiểu con trai điểm bạc, trông đúng như bất cứ người phụ nữ đến tuổi hưu trí nào tôi đã gặp ở Singapore hay Trung Quốc. Từ chối kể bất cứ điều gì liên quan đến chồng con, chị Vương chỉ bảo: không có. Hỏi có nhà không, chị bảo có, nhà to, ở một mình buồn lắm. Chị vẫn có lương hưu, nhưng ra đây lấy cơm ăn, đỡ phải thổi nấu…

Mấy người anh em chuyển giới đang bắt chấy cho nhau, có giám sát ;)
Đúng thật, từ khoảng 7, 8 giờ tối trở đi, có đến cả chục nhóm Thiện nguyện đưa các suất ăn và cả quần áo đến phân phát. Người vô gia cư đang nằm trên vỉa hè, vùng dậy hết ra xếp hàng. Mỗi người một hộp cơm, một chai nước; cơm ăn hôm sau thì chờ một lúc lại lấy thêm được, đem về cất ở chỗ nằm là yên tâm. Có vẻ bộ dạng của tôi khá… vật vờ nên có cô bé mặc đồng phục áo pull xanh sẫm, cố ấn vào tay một suất ăn. Đưa hộp cơm cho một người vô gia cư, tôi cố quan sát thấy suất ăn đầy đặn, đủ chất và sạch sẽ. Nghĩ bụng, không sạch không được, làm không đảm bảo vệ sinh rồi lại khổ vì đưa họ đi cấp cứu do ngộ độc thực phẩm…

Vỉa hè bên kia thì một nhóm khác đồng phục đỏ, cắm cúi làm gì với đám rõ đông người vô gia cư. Sang ngó ngó, bị ngay một cậu thanh niên túm tay, ấn xuống ghế: “Tên anh là gì, bao nhiêu tuổi…” Hóa ra họ đang phỏng vấn, và sau màn phỏng vấn người vô gia cư được chuyển sang bàn bên cạnh cho bác sỹ khám bệnh. Tìm hiểu thêm, thì tổ chức này sẽ cố gắng lấy máu để xét nghiệm ma túy, HIV cho người vô gia cư… Trên bàn có để hàng xấp thẻ nhận dạng có dán ảnh cẩn thận, chuẩn bị được phát cho những người đã được tìm hiểu thông tin. Từ chối cậu thanh niên trẻ nhiệt tình, “người vô gia cư” cố gặng hỏi xem có bao giờ có những đồng hương người Việt ở đây không… Cậu ta cười: “Chưa bao giờ gặp, người nước khác thì cũng đã có, thậm chí có cả mấy anh Tây. Nhưng trách nhiệm của tổ chức họ là phải báo ngay cho chính quyền, và chính quyền thì phải “túm cổ” cái tay nước ngoài kia ngay lập tức, trao trả lại cho lãnh sự quán. Chính phủ Malaysia không chịu trách nhiệm chi phí để gửi cái anh lang thang cơ nhỡ ấy về nước, mà lãnh sự quán nước anh ta phải chịu. Ở khu vực này là chính quyền có ý để cho những người vô gia cư tập trung lại, còn những khu vực khác cũng truy quét khá gắt. Nhưng ở đây cũng là điểm phức tạp, tội phạm thì không có gì nghiêm trọng nhưng người nghiện, mại dâm cũng nhiều.” Góc tường khách sạn nơi tôi ở, có thấy mấy cái ống tiêm vứt lăn lóc…

Đồng phục của một tổ chức từ thiện
Ban ngày, tôi bắt gặp những tay thanh niên chẳng rõ có phải chuyển giới hay không, son phấn lòe loẹt nhưng chẳng sạch sẽ hơn kỹ sư Ganesh là mấy, là mấy cái xác ve sau những bộ ngực độn cao chắc toàn mút… Họ dùng những chất giọng khàn khàn vịt đực trò chuyện rôm rả, cãi cọ, rồi lại cười với nhau… Một cặp còn ôm ấp nhổ tóc bạc hay bắt chấy gì đó cho nhau, rất thân ái. Đứng từ xa, bấm máy ghi lại mấy kiểu ảnh rồi qua hỏi chuyện, họ hỏi ngay: “Ông có đi chơi không mà hỏi?” “Chơi gì?” “Thì vui vẻ…” (“Have fun”) “Em” gày nhất trong đám, ốm đói tương tự Ganesh giải thích: là dùng miệng làm cho anh vui vẻ. Giá cả là 50 ringhit. Tôi giả vờ nghe nhầm: “Mười lăm ấy à?” “Em” nhấn mạnh: “Năm mươi!” (“fifteen” và “fifty”) và hỏi lại: “Thế có đi không?” “Tôi theo đạo, không đi được.” Cậu ta phẩy tay, ý đuổi đi. Buổi tối, những “cô gái” này đi đâu hết, chẳng thấy ai.

Có một tay cứng cứng tuổi không đứng đường, nhưng cũng õng ẹo như vậy bảo: “Anh muốn đi xem “động” của các cô gái Việt thì đưa 100 ringit đây tôi dẫn đi. Bây giờ còn ít lắm, cảnh sát bắt nhiều quá nên anh khó tìm đấy.” Không còn nhiều thời gian nên dù tiếc rẻ, tôi đành từ chối đề nghị đó, định bụng để dành cho dịp khác.

Thanh niên áo xanh này là khách du lịch Trung Quốc
đang được cấp cứu. Chẳng có giấy tờ tùy thân gì hết
Nhân kể về việc cảnh sát phải túm khách nước ngoài gửi về lãnh sự quán, có chuyện người ta bắt gặp một cậu thanh niên nằm lăn ra co giật trên đường phố gần tháp Kuala Lumpur. Xe cấp cứu đến, thì cậu ta ngồi dậy, lấy tay chùi bọt mép, ngơ ngẩn nhìn xung quanh. Hỏi thì cậu chỉ trả lời được một câu duy nhất: “người Trung Quốc, đi du lịch.” Cảnh sát đương nhiên lại phải tới hứng trách nhiệm… Người sỹ quan cảnh sát đứng giám sát nhân viên công vụ làm thủ tục lôi cậu thanh niên lên xe rất vui chuyện, kể cứ vài ngày lại phải xử lý một trường hợp như thế này. Không rõ khách du lịch Trung Quốc đến bằng cách nào và lúc nào, trong người không có một thứ gì: không hộ chiếu, không giấy tờ, không tiền, không điện thoại di động. Họ chỉ nói tiếng Trung Quốc phổ thông và khi đưa về trụ sở cũng chẳng chịu cung cấp thêm thông tin gì. Cuối cùng thì lại đành phải trả họ về cho cơ quan lãnh sự nước họ để tự giải quyết với nhau…  

Bài trên An ninh Thế giới tại đây

Tham gia thảo luận trên Facebook tại đây

No comments:

Post a Comment