Vụ người đàn ông nào đó có
hành vi được cho là tấn công tình dục với một cô gái trong thang máy bị công an
quận Thanh Xuân, Hà Nội xử lý hành chính, phạt 200 nghìn đồng nhưng lại được
báo chí tường thuật lại là hành vi “cưỡng hôn” thật vô cùng thú vị… Ít nhất là
nó thú vị về tiếng Việt.
Vậy “cưỡng hôn” là gì? Theo “Từ
điển tiếng Việt” của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1977 thì “cưỡng hôn
là ép duyên, ép buộc lấy vợ lấy chồng” (trang 229, cột 3, mục từ số 5 từ dưới
lên.) Khái niệm này được luật hóa trong Luật hôn nhân gia đình của Việt Nam năm
2014, ở điều 3 “giải thích từ ngữ” thì “cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa,
uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc
người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ” (khoản 9.) Như vậy “cưỡng
hôn” chính là một cách nói tắt, viết tắt của “cưỡng ép kết hôn” chứ không phải
là cưỡng bức người khác phải cho mình hôn hoặc hôn mình.
Hiểu “cưỡng hôn” là hành vi cưỡng
bức người khác cho hôn hoặc hôn mình giống như chuyện trào phúng khi anh chàng
học trò phân tích, giải thích câu Kiều “nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng”
thành việc hôm nay Kiều bị nó hôn mà mai nó lại bắt hôn lại, khốn khổ thân Kiều.
Quay lại câu chuyện của chúng
ta, hành động tấn công tình dục không phải lúc nào cũng phải bằng hành vi tác động
có tính vật chất, tác động vào cơ thể mà có thể bằng lời nói, thậm chí chỉ cần
bằng những câu chuyện cười tục tĩu. Trong Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định
về tội danh “hiếp dâm” ở điều 141, thì “hiếp dâm” bao gồm “giao cấu hoặc thực
hiện hành vi tình dục khác” – nếu xét từ quan điểm thân thể của con người là
thiêng liêng và bất khả xâm phạm (như rất nhiều nước trên thế giới áp dụng, đặc
biệt là ở những nước theo Thông luật như Anh, Mỹ) thì hành vi “cưỡng hôn” (có
ngoặc kép) có thể được coi là cấu thành tội hiếp dâm. Ở đây người có hành vi đã
có ý muốn thực hiện tội phạm hiếp dâm nhưng chỉ do một số lý do nào đó, như
chưa đủ thời gian… mà anh ta chưa thực hiện được tội phạm. Tất nhiên chúng ta
cũng không loại từ động cơ hỗn hợp, nghĩa là nếu gạ tình được thì gạ, sẽ tiến tới
quan hệ lâu dài với nạn nhân một cách tự nguyện; nếu không gạ được thì hiếp
dâm.
Trước đây chúng ta cũng đã từng
nghe những chuyện, chỉ cần đi qua đường thấy đám đánh nhau, hô to mấy câu “đánh
chết mẹ nó đi!” mà bị ghi nhận, đã đủ căn cứ cấu thành tội giết người với vai
trò người kích động, xúi giục. Trường hợp này nếu muốn, cơ quan tố tụng hoàn
toàn có thể chứng minh được người có hành vi tấn công cô gái kia, có mục đích
hiếp dâm và đủ cấu thành tội danh.
Cũng cần phân biệt rõ giữa “hiếp
dâm” và “cưỡng dâm.” “Cưỡng dâm” là lợi dụng tình trạng phụ thuộc của nạn nhân
vào người phạm tội về kinh tế, về đủ thứ khác để bắt quan hệ tình dục. Với tội
danh này, tội phạm thường được thực hiện trong một thời gian dài với tính chất
lặp đi lặp lại nhiều lần. Chúng ta đã chứng kiến những vụ bố dượng ép con gái của
vợ quan hệ tình dục, đó là hành vi cưỡng dâm. Tùy thuộc vào tuổi của nạn nhân
mà tội danh cũng có thể thay đổi (như dưới 16 tuổi hoặc 13 tuổi.) Như
vậy bản thân các nhà báo yêu quý của chúng ta khi hiểu từ “cưỡng” không thôi
cũng sai nốt, nếu xét từ góc độ pháp lý – mà đã nói chuyện xử lý hay không xử
lý, xử lý như thế nào thì chẳng phải từ góc độ luật pháp mà nói thì từ góc độ
nào nữa! Đã sáng tạo thì sáng tạo cho trót, nhẽ ra phải dùng từ “hiếp hôn” mới
là chuẩn.
Tất nhiên để xử lý hình sự được
cũng phải đầy đủ chứng cứ, theo pháp luật tố tụng Việt Nam cũ thì băng video,
ghi âm… không được coi là chứng cứ mà chỉ là yếu tố xem xét tham khảo thì theo
luật 2015, “dữ liệu điện tử” cũng đã được coi là một nguồn chứng cứ. Như vậy có
thể nói không khởi tố vụ án và khởi tố bị can trong trường hợp này, nhiều khả
năng cơ quan điều tra đã mắc sai lầm.
No comments:
Post a Comment