Saturday, July 13, 2019

Câu chuyện hỏa xa


Ngày 21/6 vừa qua, tôi có đi tàu hoả từ Đà Nẵng vào Nha Trang. Cùng cúp-pê có gia đình một nhân viên kỹ thuật chuyên về các tổng đài điều khiển hệ thống chỉ huy chạy tầu. Có mấy câu chuyện thế này...

1. Các trang thiết bị hiện nay ngành đường sắt nhập về, đều từ Trung Quốc, chất lượng hoàn toàn không tệ nếu không muốn nói là tốt. Chắc là do không phải hàng thương mại, không tham rẻ kiểu thương lái... nên cũng không phải hàng rởm. Tuy nhiên giá cao bằng 2/3 của Đức hoặc Thuỵ Điển thì chắc vẫn có "phết, phảy" nằm ở mấy khâu nào đó. Giá khoảng một nửa mới là hợp lý. Rẻ hơn nữa thì là hàng rởm.

2. Tàu bẩn dã man, xuống cấp đến mức không thể xuống được nữa, cũng như ngành ĐSVN mấy chục năm nay chỉ vá víu, không có công trạng gì chỉ ăn tàn phá hại. Anh này còn có cậu bạn nữa là trưởng phòng gì đó ga DT tỉnh BĐ, nói thẳng ngành này cục bộ, khép kín, nếu không phá được cái cục bộ đó thì chẳng giải quyết được gì. Còn ông kỹ thuật kia thì bảo, vài năm nữa là ĐSVN phá sản, không thể tồn tại được, khi đáp lại câu nhận xét của tôi "Vài năm nữa chỉ có chở hàng." Anh ta bảo "Chở hàng cũng chẳng được, chạy chậm hỏng hết hàng." Trong status này tôi sẽ post mấy cái ảnh anh ta diễn lại cảnh một người bị kẹp tay ở cửa buồng vệ sinh. Bao năm nay vẫn thiết kế như vậy, không khác gì cái bẫy. Cậu y tá nhà tàu kể: "Chuyến nào cũng có người kẹp tay rất đau, có người gãy xương ngón tay."

3. Tôi đi "tàu chợ" bên TQ nhiều lần, trong đó đi Nam Ninh - Bắc Kinh một lần. Tàu chợ ở đây là tàu thường, khổ 1435mm nhưng hai chiều, không cần chờ nhau. Từ Thượng Hải sang Vô Tích 135km, tôi thường ngồi tàu mất 1 giờ cả xuống tàu ra đến cửa ga, đồng hồ đầu toa báo nhanh nhất 160km/h. Cũng loại tàu này từ Nam Ninh đi Bắc Kinh hơn 2300km, đâu như 14-15 giờ gì đó. Đáng chú ý là do có hơn chục giờ, tàu rộng rãi sạch sẽ nên không có hoặc ít đến mức không để ý các toa nằm. Điều này cũng làm giảm chi phí đi tàu: vé người lớn khoảng 1,1tr đồng, trẻ em 550k đồng VN. Gần đây thấy anh em còn ở lại bên đó bảo đã có tàu cao tốc kiểu TGV bên Pháp, chạy dưới 10 tiếng Nam Ninh Bắc Kinh, tôi chưa rõ nó như thế nào.

4. Nếu nói hệ thống đường sắt nào phát triển thì không thể bỏ qua Nga La Tư. Tôi đã đi tàu bên đó, không như các bác đi từ thời Liên Xô phân biệt được tàu chạy điện (elektrika) và diesel, tôi cứ trèo lên ngồi và phát hiện ra tất cả các loại tàu kể cả Metro, đều dùng chung đường 1435mm hết. Tàu Nga cũng như hầu hết nền kinh tế nước này, xuống cấp thê thảm nhưng còn bằng tỉ lần mình. Đi tàu TQ và Nga tôi mới rút ra một nhận xét, là nền kinh tế quốc dân bắt buộc phải có một hệ thống đường sắt 1435mm và nếu tính trục Bắc Nam như ta, thì phải là hai chiều.

5. Nếu xét về vận tải hàng hoá đường bộ tính trên tấn/km thì đường sắt là vô địch về rẻ, đặc biệt cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, nhất là những nước như nước ta với chiều dài Bắc Nam đến hơn 2000km như vậy. Nó cần cho các loại hàng nặng, cồng kềnh, không cần quá nhanh như chở máy bay nhưng nhanh hơn đường biển rất nhiều. Thời tôi nhập thiết bị từ TQ về, nếu dùng đường bộ qua Hữu Nghị, cả về đến kho ở Gia Lâm thì đắt gấp đôi dùng đường sắt giao ở Yên Viên, vì cả chi phí kéo hàng bên TQ rất rẻ. Nhu cầu vận chuyển nông sản từ miền Nam của ta sang TQ chẳng hạn, là cực lớn, cứ lên mạng mà xem tin thỉnh thoảng xe ùn lại ở Tân Thanh như thế nào la đủ biết. Nếu kéo đường sắt, hoa quả ít hỏng hơn do nhanh hơn nhiều, chi phí thấp hơn nhiều thì người nông dân được lợi. Ngược lại phân bón thuốc trừ sâu... không mua của TQ thì mua của ai? Cái rẻ của vận tải đường sắt còn là, thay vì nộp tiền mãi lộ cho 100 chú CSGT đường bộ, nay chỉ còn 10 chú CSGT đường sắt.

6. Mấy hôm nay cư dân mạng nháo nhác ồn ào vì vụ "đường sắt cao tốc" (ĐSCT). Rồi lại rộ lên chuyện "2 phương án năm mấy tỉ và hai mấy tỉ." Đáng nói là sự phản đối với lý lẽ: "từ làm hay không làm sang phương án nào." Chuyện làm hay không làm, nó giống như thời ông Ba Dũng muốn làm TGV hay Shinkansen. Tàu Nhật dư lào tôi không biết chứ TGV của Pháp thì tôi nghĩ cũng không nên làm ở VN ta thật - nó quá nhanh và đắt không cần thiết. Tình cờ tôi đọc bài báo về ý kiến của bà Phạm Chi Lan hôm nay, mới phát hiện ra là mình nhầm và quá quan liêu. Hai phương án này đều là tàu 1435mm và hai chiều, nhưng khác nhau về cấp đầu tư nên khác nhau về tốc độ. Phương án hai mấy tỉ chính là cái "tàu chợ tốc độ cao" mà tôi quan sát ở Trung Quốc, nó hoàn toàn không phải là "tàu cao tốc" như TGV. Nếu đúng là nó thì ta cần đồng ý với nhau là cái của này tối cần thiết, khi mà nền kinh tế xập xệ của ta còn mỗi nông sản còn tí đáng giá từ góc độ đẻ ra giá trị. Tiếc là báo chí cũng toàn xài ảnh minh hoạ tàu TGV với Shinkansen, cộng với sự hời hợt quan liêu của thời mạng xã hội, tôi đã nhầm lẫn. Như vậy ĐSCT đang rôm rả, là cái tàu chợ tôi quan tâm, còn "tàu cao tốc" là cái tôi a dua phản đối. Không rõ thằng Giang Cư Mận phản đối cái gì?

7. Có cái đường sắt hai chiều Bắc Nam khổ 1435mm thì ai là người hưởng lợi nhiều nhất? Là nền kinh tế Trung Quốc - khi mà đường sắt 1435 của họ đã xuống đến tận Yên Viên nhà ta. Tham vọng đường cao tốc xuyên Á vẫn chưa thực hiện được, thì nay nếu có đường sắt, chi phí vận tải giảm thê thảm so với đường bộ, hàng hoá Trung Quốc sẽ bá chủ Đông Nam Á, ngõm ngọ cả Úc, Ấn, Trung Đông, Châu Phi... đặc biệt nếu Thái Lan đào cái kênh của khỉ gì đó biến cảng Singapore quay về máng lợn làng chài thế kỷ 19 thì câu chuyện kinh khủng lắm. Vì thế nếu đã có ông TQ nào sẵn lòng làm đường bộ cao tốc Bắc Nam thì chắc chắn cũng có ông TQ khác hay vài ông chung nhau đòi làm đường sắt. Điều này bác nào ghét TQ muốn đào mả bố nó lên là không thích, nhưng sự thật vưỡn là sự thật.

8. Vậy vay vốn của ai? Hôm nay lại có cụ bảo là vay vốn TQ rồi chết dí như Cát Linh - Hà Đông, thế vay của Nhật ở Suối Tiên cũng có xong được đâu? Câu chuyện nó nằm ở chỗ cụ Tổng có tống hết vào lò vẫn không khá hơn được, mà phải đốt luôn cả cái lò của cụ ấy đi cơ.

9. Vậy có cần vay không? Thiển ý của tôi là "cần đếch gì vay!" Đã có ông định làm đường bộ, chắc chắn phải tìm được ông làm đường sắt. Mất chủ quyền hả? Đất của bố mày bố sợ deck - vớ vẩn bố đuổi. Lịch sử đã chứng minh, chúng ta đã nhiều lần quốc hữu hoá của nả của bọn thực dân đế quốc, thế mà bây giờ chúng vẫn phải đến nịnh chúng ta bỏ mẹ, "vị thế lên cao chưa từng có!" - sợ gì bố con thằng nào. Biện pháp phụ là vẩy sơn ném mắm tôm thì ta cũng có nghề... gần đây nhất ta có thể nhân rộng biện pháp cấm đường ở Quán Hàu. Không có khách đi thì nó chết phải nhận tiền trả đường cho ta chứ sống làm sao được?


10. Đường sắt hiện đại là tối cần thiết còn về an ninh quốc phòng nữa. Có một con đường sắt như thế, cấp bảo vệ an ninh cho toàn tuyến tăng lên nhiều lần, nó như một lá chắn bảo vệ toàn bộ vùng tung thâm phía trong nó khỏi sự tấn công từ phía biển, cũng như trên không. Đồng thời khi xảy ra xung đột, thì việc vận chuyển khí tài cần có sự tham gia của nhiều loại phương tiện, trong đó tốc độ là ưu tiên số một, và đường sắt lúc đó là vô địch. Điều đó cho thấy tại sao Nga họ phát triển lực lượng tên lửa chiến lược trên tàu hỏa, vì đất của họ to. Nếu ta có một đường sắt Bắc Nam tốt, việc bảo vệ bờ biển và cả vùng phía trong bằng đường sắt theo cách của Nga, là tuyệt vời. Đến đây thì chắc hẳn chúng ta sẽ thấy nếu là đường sắt tự của Việt Nam đầu tư (vay hay không chưa bàn) chắc chắn sẽ đảm bảo về an ninh quốc phòng hơn là để cho nước ngoài đầu tư tất cả.


Đường nào thì cũng phải bảo vệ nó, nhiệm vụ quốc phòng thì thường giao cho các Tỉnh đội, các quân khu, dưới là các quân, sư đoàn bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, như đường sắt, đường bộ và các đầu mối giao thông... không phân biệt BOT hay ODA... vì khi động dụng tất cả chúng đều nằm trong phương án phòng thủ hết. Thỉnh thoảng đi đường ta vẫn thấy những đoạn đường bộ hoặc đường sắt cỏ mọc um tùm, biết đâu lại là đường phòng thủ chiến lược/chiến thuật.


Ở đây chúng ta cần hình dung, công trình giao thông vừa phải được bảo vệ, vừa tự bảo vệ, lại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các công trình, các điểm dân cư khác. Trong xung đột quân sự hiện đại, tính chất của chiến tranh có nhiều thay đổi khi vũ khí thông minh phát triển, khả năng đem vũ khí đến gần mục tiêu tăng lên nhiều với độ chính xác rất cao, đòi hỏi bên phòng thủ cũng phải tăng năng lực cơ động lên nhiều lần. Từ tư duy đó, những nước như Nga, Trung Quốc... đều nhận ra việc tổ chức phòng thủ đường không bằng đường sắt thuận lợi hơn nhiều so với đường bộ về tốc độ và khả năng triển khai chiến đấu nhanh chóng, có thể khai hỏa ngay từ toa tàu, điều mà từ các xe chuyên xa phải khảo sát địa hình mất thời gian hơn... Vì thế ngoài mạng lưới tàu cao tốc mới phát triển, Trung Quốc vẫn duy trì một hệ thống đường sắt cũ còn nhằm mục đích bảo vệ vùng duyên hải, ngoài mục đích là "tàu chợ."


Bảo vệ bờ biển dài như của ta, dùng tàu thủy thì chắc chắn rồi, ngoài ra còn có trước đây là pháo, bây giờ là tên lửa - nhưng ta vẫn triển khai trên các chuyên xa, ví dụ như giàn S-300 chẳng hạn, để bảo vệ đường không, ngoài ra còn các dàn phóng tấn công đất đối hạm ngoài xa nữa. Nhưng có một đường tàu như thế, thì việc triển khai các dàn phóng đất đối hạm trên tàu hỏa thật tuyệt vời, lúc đó thì người ngại nhất cũng lại là... Trung Quốc, vì lúc đó tàu của họ không phải đối phó với vài hỏa điểm từ đất liền mà nhiều, rất nhiều điểm cực kỳ cơ động.   

Thôi mệt rồi, ngừng viết, chúc bạn đọc cuối tuần vui v.

Quay lại Facebook tại đây


Tái bút: trên đây có một nhầm lẫn nhỏ: đường sắt của Nga là khổ 1520mm.

Đọc lại bài “Tu tu xình xịch

No comments:

Post a Comment