Sunday, July 28, 2019

Ostrovsky và “Người ở lại Charlie”



Năm nay lần đầu tiên họ nhà tôi tổ chức một tưởng niệm nho nhỏ cho hai người đều đã khuất, mà có thể nói trước đây họ ở hai bên chiến tuyến, tuy không cùng thời.

Một người, nếu như lên mạng gõ từ khóa “Ostrovsky của Việt Nam” thì các bạn sẽ thấy bài báo viết về một người thương binh, ông Phạm Hồng Sơn. Không phải tướng Phạm Hồng Sơn của Học viện quốc phòng, mà là ông Phạm Hồng Sơn tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn 307 khét tiếng, và đặc biệt là thời điểm ông là tiểu đoàn trưởng đúng giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc Kháng chiến chống Pháp. Bị thương, được đưa ra Bắc ông không có khả năng tự phục vụ mình, phải ở lại Trại thương binh nặng cho đến khi mất. Điều đáng nói là ông đã nằm trên giường bệnh nhưng tự học tiếng Nga và là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng, để đời. Ông không được phong anh hùng, mãi chỉ mấy năm trước nhờ có những nỗ lực của cán bộ Quân khu 7, đồng ngũ cũng như các thế hệ sau ông, ông mới được nhận danh hiệu đó. Đoàn đã cử người ra tận quê tôi là quê ngoại của ông, cũng như cố gắng tìm về quê nội của ông… cuối cùng thì những mối dây về họ tộc còn lại ở quê tôi nhiều nhất. Ông sẽ được kỷ niệm cùng những người đã khuất khác trong họ của tôi, không phân biệt nội ngoại.

Ông Phạm Hồng Sơn, là em họ của ông ngoại tôi, ông ngoại tôi gọi bố của ông Sơn là cậu ruột. Ông tên thật là Lê Văn Sở, kém ông ngoại tôi 9 tuổi, là người đã tiếp nhận ấn tín của chính quyền cũ Huyện Thanh Oai khi nổ ra cuộc Cách mạng tháng Tám, rồi rời trường Luật ông đi Nam tiến cho đến khi được đưa trở lại miền Bắc.

Người thứ hai, trung tá Nguyễn Đình Bảo, sau khi hi sinh ông được truy phong Đại tá. Nếu ai đã nghe bài ca “Người ở lại Charlie,” chính là bài hát về ông được nhạc sỹ Trần Thiện Thanh là bạn thân của ông, sáng tác tặng ông sau khi nghe tin ông hi sinh. Nếu như ông Hồng Sơn tôi phải gọi là ông, thì ông Bảo tôi phải gọi là bác – ông là con của anh họ ông ngoại tôi, nên phải gọi ông ngoại tôi bằng chú. Họ nhà tôi ngoài những người nổi tiếng khá… kỳ dị như ông Tú Xuất, thì còn có truyền thống về cả học chữ lẫn võ học, trong đó giỏi võ nổi tiếng là chú cháu ông Đình Bảo. Chú ruột của ông Bảo, cũng là người anh họ khác của ông ngoại tôi lại là bạn rất thân của ông ngoại vì học cùng nhau. Khoảng năm 1940 đến 1943, khi ông Bảo còn rất nhỏ, thì ông chú ruột đã đưa hai anh em ông (một người anh trai nữa) vào Sài Gòn sinh sống. Người chú sau này trở thành một nhà thầu các công trình cho quân đội Việt Nam Cộng hòa cùng anh ông Bảo. Riêng ông Bảo thì theo binh nghiệp. Ông thường mặc quần soóc trắng, đeo súng colt xoay và lái xe jeep, nhưng lại rất tự hào về nguồn gốc “học chữ” hay trí thức của mình ngoài Bắc.

Những thông tin về cái chết của ông, xin xem thêm trên mạng, tôi có viết cũng không thể nhiều được bằng như thế. Hai ông này về lý thuyết không có họ hàng gì với nhau, chỉ tình cờ được ở chung trong một buổi tưởng niệm của họ nhà tôi mà thôi. Nhân câu chuyện qua lại về ngày Thương binh Liệt sỹ, khi mà những câu chuyện khác của rất nhiều gia đình khác trên đất nước chúng ta, có đầy đủ các liệt sỹ của hai bên chiến tuyến vẫn tiếp tục được khói hương bất chấp họ đã từng ở phía bên nào. Họ đều đã từng được sinh ra, gọi tiếng “Mẹ” thân thương và cùng máu đỏ, da vàng.  

Tôi sẽ không kể thêm về hoàn cảnh riêng của các ông hoặc quan hệ họ hàng cụ thể như thế nào, vì không cần thiết, nếu có ai đó muốn biết thêm có thể viết email cho tôi hoặc nhắn tin, tôi có thể kể kỹ hơn.

No comments:

Post a Comment