Wednesday, December 25, 2019

Chia tay


Cuối năm ngoái, lớp bơi của Nhi Bá có một bạn gái người nước ngoài đến tập cùng. Bạn cao và gày, tóc vàng, mắt xanh và da thì trắng bóc… Buổi tập đầu tiên, vì lớp quá đông nên cô giáo nhờ ba Nhi Bá ra hỏi mẹ bạn lúc đó đang ngồi trên khán đài: “Xin lỗi, chị có muốn chuyển lớp cho cháu không? Nếu học vào chiều thứ Tư thì lớp hiện đang khá vắng…” Ba của Nhi Bá đã làm quen với mẹ của bạn như thế. Nhanh chóng, ba thân với cô ấy, người rất vui vẻ và hay đùa. Cô ấy bảo: “Anh bảo tiếng Anh của anh còn kém nhưng tôi thấy anh nói người hơn cả tôi!” Và ba Nhi Bá cũng biết tên bạn gái đó là C. (Trong truyện này chúng ta sẽ cứ tạm gọi bạn là C. nhé!)

***

Gia đình C. từ Nam Phi sang Việt Nam, bố cô bé làm hiệu trưởng của một trường phổ thông tại Hà Nội. Bố mẹ C. rất hiền, thân thiện và vui vẻ - khác hẳn với câu thỉnh thoảng mình vẫn đùa: “Chắc là tổ tiên của nhà bạn C. là những tù khổ sai hoặc những cai ngục người Anh sang Nam Phi từ cách đây mấy trăm năm…” Ấy không, biết đâu gia đình C. lại là hậu duệ của những người đi khai thác kim cương thì sao? Mà đến bây giờ thì Nam Phi cũng vẫn đang đào kim cương kia mà!

Thật nhanh chóng, Nhi Bá thân C. – có lẽ cậu ta cũng “thinh thích” cô bé rồi. C. bơi giỏi, do đó Nhi Bá cũng phải cố gắng để không bị thua kém. Hôm nào C. không đến tập, Nhi Bá buồn hẳn, còn hôm nào C. đến thì Nhi Bá vui lắm, thậm chí có thể hơi phấn khích một chút… Ngoài C. còn có Joshua, một cậu trai béo trắng phốp pháp người Mỹ, cùng Nhi Bá làm thành một bộ ba cứ dính vào nhau để nói chuyện. Từ dạo ấy, Nhi Bá giảm hẳn vụ lười nói tiếng Anh, và anh chàng nói khá hẳn lên, làm các thày cô giáo ở lớp rất ngạc nhiên. Nhi Bá học tiếng Anh vào loại khá, đặc biệt nghe rất tốt vì chăm tập nghe cũng như hay xem phim Anh, Mỹ… nhưng còn ngại nói. Mẹ Nhi Bá cười nói: “Trước mắt vụ thích thích này cũng tốt, lại có tiến bộ về tiếng Anh.”

Loáng một cái, khóa học bơi đã hết, đã đến nghỉ hè rồi. Hè, C. sẽ cùng gia đình về nước, rồi mãi đến khi vào năm học cả tháng thì lớp bơi mới tập trở lại. Cũng chẳng ai ngờ sự trở lại lại được đánh dấu bằng một sự kiện mở đầu cho sự giã biệt. Trường học nơi bố C. làm hiệu trưởng có một tai nạn và một em nhỏ bị thiệt mạng. Bác ấy bị sốc nặng, theo lời kể lại thì bác ấy khóc suốt trong những buổi họp với tập thể phụ huynh, với cha mẹ em bé xấu số… Câu chuyện thật buồn, nhưng cũng rất may mắn tập thể phụ huynh của trường 700 học sinh, chỉ vài gia đình cho con chuyển trường, những người ở lại rất đoàn kết. May mà bác ấy không biết tiếng Việt để đọc mạng xã hội, chứ nếu biết thì sẽ còn khổ tâm nữa trước những cái lưỡi bằng kim cương như dao như kiếm ngày ngày rủa xả… Mà nào có ai biết bên trong nội tình người ta có gì đâu, thậm chí cứ lên mạng là chửi: “ngu thế, cho con học trường hàng rởm…”

Dù chẳng tiếp xúc gia đình C. trong thời gian đó, nhưng gia đình Nhi Bá rất thông cảm và cũng rất buồn, vì biết họ đang trong một giai đoạn rất nặng nề. Mãi sau khi lớp bơi tập lại đến mấy tuần, mình mới gặp mẹ C. Cũng chỉ nói đôi lời chia sẻ, chứ nào có biết làm gì được hơn. Chỉ hai tháng sau đó, có tin gia đình C. sẽ về nước, bố cô bé sẽ lại làm hiệu trưởng ở một trường khác nơi quê nhà…

Gia đình Nhi Bá đã cố gắng tổ chức một buổi dã ngoại cuối tuần, cùng mấy gia đình đội bơi đưa gia đình C. lên thăm đỉnh Ba Vì. Mình kể cho bố của C. rằng, năm 14 tuổi, khi đúng bằng tuổi con trai tôi bây giờ, lần đầu tiên tôi đến Ba Vì. Khi đó lớp tôi đi lao động đào hố trồng cây đến cả tuần. Và bây giờ thì cũng 14 tuổi, cũng lần đầu tiên con trai tôi đến Ba Vì… Nó đi cùng gia đình ông, chúng ta tất cả cùng trồng những cây mới, cây của mối quan hệ tốt đẹp.

Sau chuyến đi là những ngày gia đình C. chuẩn bị gói ghém đồ đạc để về nước. Mình hỏi con:
“Con có định rủ bạn đi chơi, hay xem phim lấy một buổi không?”

“Con chưa rõ ạ… Ba thấy thế nào?”

“Cũng nên con ạ. Tất nhiên bạn đến đây học, còn có những bạn khác nữa, và chắc hẳn cũng đã có những buổi chia tay rồi, nhưng quan hệ với con thì cũng thân thân, nên rủ bạn đi, xem phim chẳng hạn. Cũng chẳng biết là có gặp lại được nữa hay không, có điều kiện làm thì cứ nên làm…”

Và hẹn mãi mới được buổi C. không bận… và mẹ Nhi Bá lên mạng mua vé cho hai bạn… và mãi cũng đến ngày.

“Ba chở con đi nhé?”

“Ơ sao hôm trước ba bảo là con đi xe bus hoặc Grab cơ mà?”

“Là do ba tưởng buổi xem phim của con trùng với buổi em đi tập bơi, chứ không trùng thì ba ở nhà cũng không làm gì cả, chở con đi được. Lúc đi ba đưa bằng xe máy, đến tối muộn thì ba dùng ô tô đón cả còn và bạn, rồi ta đưa bạn về tận nhà cho an toàn.”

Đến rạp phim, đứng dưới sảnh, mình tần ngần rồi dặn con:

“Con này, ba có điều muốn nói.”

“Vâng…” con trai đáp, nhẹ như cơn gió thoảng.

“Ba không biết có cách nào để con có thể gặp lại được bạn, nhưng sẽ có cách làm cho con khá chắc chắn để không gặp lại bạn nữa. Nếu con cư xử không tôn trọng bạn, thì rất có khả năng con sẽ đánh mất mối quan hệ đang rất tốt đẹp này. Vì thế ba dặn con một điều, dù chỉ còn gặp nhau khoảng hai giờ nữa thôi, nhưng đó là hai giờ rất đáng quý, con phải trân trọng bạn, trân trọng từng giây phút còn được gặp bạn lúc này đây. Ba không còn dùng từ “tôn trọng” nữa, mà là “trân trọng” rồi. Ba bây giờ đã theo Đạo Phật, ba không cố gắng kết thêm những mối quan hệ mới nhưng một khi đã gặp nhau rồi, thì phải làm sao giữ gìn cho quan hệ thật tốt đẹp. Mà muốn nó tốt đẹp, chúng ta phải trân trọng, thấy nó quý giá và gìn giữ nó.”

“Vâng…” con trai lại vâng, và đi lên thang cuốn.

Đứng nhìn dáng cao cao của con, tự dưng muốn khóc. Đấy, con lớn rồi đấy, đã “thinh thích” bạn gái rồi đấy, mà sao lại chia tay sớm như thế chứ. Thương nó quá, cảm giác ấy cứ bám chặt đến tận tối muộn khi quay lại đón con và C. Ngồi chờ hai bạn trẻ, nhìn lên cái cầu vượt qua đường mà tí nữa con trai và C. sẽ đi sang để rồi chia tay, những dòng xe cộ nườm nượp đi ở dưới chắc chắn sẽ là những kẻ vô tâm không thể biết rằng, tí nữa sẽ có hai bạn trẻ nói lời chia tay và có thể là mãi mãi.

Tiễn C. về nhà, trên đường về mãi mới có thể thốt lên câu mở đầu để nói chuyện với con trai… con có buồn không? “Con cũng bình thường thôi ba ạ…”

Mình biết con trai tính hiền hậu, dễ thương và tình cảm, chắc cũng có buồn. Nhưng nếu mà con trai biết thấy “bình thường” thì tốt quá, buồn là chắc sẽ có nhưng không nhất thiết phải bi lụy. Còn “duyên” thì còn gặp, lo gì con nhỉ. “Nếu con muốn gặp lại, thì cũng phải cố gắng thôi: học tập này, luyện tập nữa này… Sau này con có khả năng thì muốn đi đến tận nơi để gặp cũng dễ. Bây giờ có mạng internet, thế giới trở nên nhỏ xíu mà con…”

Nói thế thôi, chứ đến sống cách nhau vài dãy phố mà có khi vài năm chẳng thèm gặp nhau, cũng có làm sao đâu.

Mấy hôm sau, chở con gái đi học lại qua đúng chỗ đó, vẫn cây cầu vượt, vẫn tòa nhà trung tâm thương mại có rạp chiếu phim... Nhắc cô con gái: “Chị C. thế là phải về nước con nhỉ. Anh Nhi Bá đi chia tay chị ấy rồi đấy, ba thấy cứ thương thương anh. Con thấy buồn không?”

“Có buồn ba ạ…” Cô bé Nhi Bôn ít mau nước mắt hơn trước, nhưng cũng thừ người.

                                    ***
Con trai yêu quý,

Ba chân thành thấy con may mắn – con được tập dượt chia tay ngay từ khi còn trẻ và có ba mẹ bên cạnh giúp đỡ. Ba lần đầu tiên chia tay, thấy điều quý giá tuột khỏi tay mình mà không thể làm gì được là khi bà nội con qua đời, không hề có sự hỗ trợ của ai cả, thật là sự đau khổ tột cùng. Chắc chắn rồi ba mẹ rồi cũng sẽ phải chia tay nhau, rồi chia tay các con để tạm biệt cuộc sống này, nhưng đến lúc đó ba mẹ sẽ không hổ thẹn, rằng ba mẹ đã làm hết sức để các con có một tuổi thơ thực sự hạnh phúc. Ngày xưa hồi ba còn nhỏ, cũng đã thích các bạn khác giới, nhưng không bao giờ được tạo điều kiện như thế, cơ hội do đó có đến cũng hầu như không có, mà nếu có cũng không thể nắm bắt được.

Với các con, đây chính là những kỷ niệm đẹp. Sau này lớn lên, mỗi khi nhớ lại những điều đẹp đẽ tuyệt vời như thế này, các con sẽ nhớ ba mẹ đã từng yêu các con hết lòng đến như thế nào…

No comments:

Post a Comment