Monday, March 30, 2020

“Kỳ thị” or not “kỳ thị?”



Hà Nội ngày hôm trước thời điểm yêu cầu đóng cửa các hàng quán không thiết yếu (0 giờ ngày 27/3). Chợ đông nghìn nghịt, vẫn lác đác có người đi chợ không đeo khẩu chao.

Tìm được chỗ trống đỗ cái xe máy, chờ bà chủ nhà chưa ấm chỗ thì trong cái ngõ bé tí trước cổng chợ “chui ra” đến 6, 7 chú công an, hóa ra là vừa ăn sáng xong. Chú nào cũng một cái tăm, đưa tay lên miệng xỉa tanh tách. Cá biệt có chú trung tá, cũng là người nhiều tuổi nhất hội, đi đến chiếc xe máy của chú ấy đỗ ngay gần, nhổ phù ra ngoài một miếng thức ăn vừa cậy trong răng ra, cứ tưởng tượng chú ấy tạo một hình nón tỏa đều gồm không khí, bọt nước, khí dung, vi khuẩn, virus, mảnh bún, mảnh thịt gà, vụn hành… mà một cái đầu gối của mình nằm đúng trong hình nón đó, dù đã đeo bịt mặt và mũ bảo hiểm, vẫn rùng cả mình. Chưa hết, chú còn nhổ bồi thêm một bãi nước bọt vào chân tường.


Các chú công an kéo nhau đi xong, hóa ra hôm nay “ra quân” đi nhắc nhở các bà con trên địa bàn Phường về yêu cầu đóng cửa từ ngày mai, để không mua thêm thực phẩm đại loại thế… Thêm hai tay xe ôm cùng kiểu với mình, chở bà chủ nhà đi chợ. Cả hai đều vừa đỗ lại, móc túi lấy bao thuốc lá, bóc rút lấy một điếu rồi kéo bịt mặt xuống cằm, hút phì phèo. Nhìn cái ngón tay sờ vào đầu lọc rồi lại đưa lên ngậm vào mồm, lại rùng mình tiếp. Bọn họ chết thì cũng được, không sao, vì bản thân họ không sợ chết (y) nhưng biến mình thành ổ dịch rồi lây lung tung ra gia đình vợ con thì tuyệt đối không nên.

Thực tế thì trong chống dịch như thế này, để dịch lây lan chủ yếu là do con người thiếu ý thức. Bà chủ nhà là bác sĩ bảo: “Việt Nam khó chống cự được lắm, phải đạt trên 75% người dân thực hiện nghiêm ngặt cơ.” Trong một diễn biến khác, vẫn có những cô, những thím ra hàng quán ngoài chợ ăn sáng trong buổi sáng hôm nay. “Khẩu chao kéo xuống cằm ngồi quán ăn xì xụp” đã là hình ảnh quen thuộc trong những ngày này. Mình thực sự không hiểu đến nước này rồi, người ta yêu cầu ở nhà cũng có nghĩa là tiết kiệm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng thì tự nấu ăn lấy một tí, sao người Việt Nam bây giờ lười nhác đến thế?

Chuyện cái thím 178 hoàn toàn không nằm ngoài đặc điểm “dễ thương đến kinh ngạc” của người Việt Nam ta: thiếu ý thức thì đã đành, nhưng có những cái rất khó thuyết phục để chuyển biến. Mình không phải luật sư, chỉ đi dạy luật nhưng nhiều lần phải tư vấn miễn phí cho người quen, thực sự cực kỳ mệt mỏi dù đã nói nhai nhải: “trong cuộc sống có hai cái dại nhất, một là giấu diếm với bác sĩ, hai là giấu diếm với luật sư.” Ấy thế mà khi tư vấn cho ai đó, y như rằng là cứ son són son són thông tin ra, cực kỳ mệt. Mấy ông bạn bác sĩ cũng kêu um lên như vậy: mình khám cho người ta nhưng người ta rất sợ nghe sự thật, nên cứ giấu bớt đi tình hình thật… Nhiều khi đến lúc nắm được chân tướng bệnh thì đã muộn.

Rất không nên kỳ thị người nước này nước khác, miền này miền khác… nhưng thực sự với người không có ý thức thì cũng rất dễ bị kỳ thị, dù người đó là… chú công an.

Ảnh trong bài chỉ có tính minh ha.


No comments:

Post a Comment