Thursday, April 30, 2020

Giở võ 9: Giải pháp nào cho biển đảo Việt Nam hiện nay?



Hai chiến hạm USS Bunker Hill và USS Barry 
trên Biển Đông ngày 18-4/2020 
Nguồn ảnh: Hải quân Mỹ
Trong bài “Giở võ 8: Kiện cái gì?” tôi đã viết về tương quan các bên có ít nhiều can dự vào Biển Đông, nổi lên là quan hệ giữa Trung Quốc và các nước xung quanh vùng biển này. Chúng ta cần điểm qua lại một chút về quan niệm của các bên về tranh chấp và xử lý tranh chấp cho đến lúc này.

Như chúng ta đã biết, Biển Đông là một vùng biển có lịch sử khá thiếu rõ ràng, các quốc gia xung quanh đều cố gắng đưa ra hoặc nhiều thì ít, những sử liệu cho thấy người thuộc dân tộc mình đã định cư ở đó từ sớm. Thực tế thì cả Hoàng Sa và Trường Sa, đặc biệt là Trường Sa không phải là những quần đảo có điều kiện thuận tiện để người dân xưa kia sinh sống, do đó ngay cả những quốc gia có nhiều sử liệu nhất cũng không đưa ra được những bằng chứng đủ thuyết phục, do đó tranh cãi vẫn tiếp tục là tranh cãi. Như vậy, về bằng chứng lịch sử, gần như không có ý nghĩa gì trong việc này, do đó chỉ còn là vấn đề ai là người chiếm cứ thực tế mà thôi.

Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và mặc dù chậm chân, nhưng Trung Quốc cũng dần dần cho thấy tham vọng của mình để trở thành cường quốc đại dương. Tất nhiên, để trở thành cường quốc đại dương, Trung Quốc còn rất nhiều việc phải làm và hiện nay, họ chọn Biển Đông làm địa bàn tác chiến chính. Thực sự chiếm cứ quần đảo Hoàng Sa năm 1974, họ đã bộc lộ dã tâm độc chiếm Biển Đông và tất cả những nước cờ của họ đều có tính toán rõ ràng. Năm 1988, chiếm 3 “đá” ở Trường Sa (sự kiện Gạc Ma) ngay trước khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, từ đó họ luôn thực hiện những hành động có chủ đích rất nhịp nhàng phù hợp với tình hình trong nước trong tương quan phù hợp với quan hệ đối ngoại. Quan sát những đường đi nước bước của họ trong ván cờ Mỹ Trung, rồi bàn cờ nhỏ Biển Đông, rõ ràng lãnh đạo của họ ở một tầm khác hẳn, mà lãnh đạo Việt Nam chỉ là trẻ con so với họ thôi – không biết bao giờ mới đến tầm xách dép cho họ, chỉ hóa hổ hóa rồng bằng mồm với cái tàu hỏa kinh tế toàn đầu tầu mà không có toa nào.

Chiến lược của Trung Quốc đối với Biển Đông luôn luôn là tự gây ra tranh chấp, để bên liên quan không yên tâm được mà buộc phải đàm phán với mình, nhưng đàm phán để… cho vui và không bao giờ đi đến kết quả, và cuối cùng Trung Quốc lại ra vẻ kẻ cả: thôi đằng nào cũng sẽ không giải quyết được ngay, ta “gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác.” Nhưng đồng thời, tôi xin nhắc lại ý đã viết trong “Giở võ 8: Kiện cái gì?” là chiến thuật của Trung Quốc luôn chia nhỏ tranh chấp, chỉ đàm phán song phương với từng đối thủ trong khu vực, không bao giờ có ý định để rơi vào thế “mãnh hổ nan địch quần hồ.” Trung Quốc luôn cần một ASEAN không đoàn kết, nên luôn luôn triệt để lợi dụng những mắt xích yếu Miến Điện, Ai Lao, Chân Lạp… thỉnh thoảng lôi được cả Xiêm-la, Nam Dương trong một số vấn đề.

Cụ thể với Trường Sa, Trung Quốc sẽ tránh việc xung đột trực tiếp, mà tận dụng thời gian qua có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ, cùng với thành quả củng cố chân đứng vững chắc về tiếp liệu hậu cần (tốt nhất khu vực quần đảo) nên họ sẽ đánh lấn từng bước bằng cách chiếm dần những rạn san hô, đảo lúc nổi lúc chìm… và kiên cố hóa thành đảo nhân tạo. Với tay “to đầu” trong khu vực là Việt Nam, nước chiếm được nhiều nhất với những đảo quan trọng nhất quần đảo, trước mắt họ sẽ không sa vào một xung đột quân sự trực tiếp, nôm na là oánh nhau, bắn phá, đổ bộ chiếm đảo… Vì nếu như vậy có thể sẽ gây ra những hậu quả: chính quyền Việt Nam buộc phải phá thế chư hầu với chính quyền Trung Quốc, tay bo thực sự luôn để bảo vệ sự vững chắc của mình ở bên trong, nếu không thì chính bên trong chưa chắc đã đảm bảo được làn sóng chống Trung Quốc biến thành làn sóng lật đổ chính quyền. Hiện nay Việt Nam với Trung Quốc, như mũi dao cắm sâu vào tim khối các nước Đông Nam Á, dù quan hệ của Trung Quốc với các nước khác trong khối tốt đến đâu thì cũng không bằng quan hệ của họ với Việt Nam được. Họ sẽ phải giữ kỳ cùng chuyện đó.

Như vậy trước mắt, chiến thuật của Trung Quốc vẫn sẽ là cắn từng miếng râu ria, thường xuyên gây căng thẳng trong khu vực, không cho nước nào ăn ngon ngủ yên cả.

Ý thức được chiến thuật này, các nước liên quan đến Biển Đông trong đó có Việt Nam, cũng triệt để tránh việc sa vào đi giải quyết tranh chấp song phương với Trung Quốc, điều mà Trung Quốc rất muốn. Đi vào tranh chấp song phương, thì dù kết quả như thế nào chăng nữa, Trung Quốc đã đạt được mục đích đầu tiên là “để lại dấu vết trong khu vực,” chẳng hạn ai đó tuyên bố “đá Vành Khăn không phải của Trung Quốc” với bằng chứng rõ ràng, thuyết phục thì Trung Quốc đáp lại với thái độ vừa khẳng định vừa mập mờ: “Trung Quốc cũng có bằng chứng thuyết phục, thế mới phải nhảy vào tranh chấp chứ ai muốn!” và với họ như thế là quá đủ.

Vậy đâu là đối tượng được Trung Quốc quan tâm nhất trong khu vực? Không phải ai khác là Việt Nam. Chiếm được 6 đảo Việt Nam đang giữ ở Trường Sa, là chiếm được cả quần đảo. Vậy cơ hội nào cho Trung Quốc? Bài học Crimea năm 2014 còn nguyên – Putin chỉ cần lợi dụng một Maidan lộn xộn ở Kiev là đủ để chiếm được bán đảo, thì bây giờ Trung Quốc cũng sẽ thế. Mọi quân bài của Trung Quốc về Hải Quân, đã đặt vào cửa Trường Sa, chỉ chờ Việt Nam có biến. Ở đây có hai mặt của vấn đề: Việt Nam có biến ảnh hưởng đến chuỗi các quân bài thế trận Trung Quốc (Việt Nam, Hongkong, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông…) nhưng nếu thế trận Đại lục của họ còn vững, thì nếu Việt Nam có biến là cơ hội cho Trung Quốc chiếm Trường Sa.

Việc đề xuất một giải pháp cố gắng để Hải quân Việt Nam đứng ngoài mọi chính biến và tập trung giữ biển đảo, gần như không khả thi vì cơ cấu quốc phòng Việt Nam có một lực lượng Hải quân phụ thuộc vào Bộ Quốc phòng, tính độc lập thấp, và hầu như thân cô thế cô không có đồng minh, đặc biệt về quân sự. Chưa có giai đoạn nào Việt Nam lại ở tình thế nguy hiểm như thế này. Theo thông tin tôi nắm được, các sỹ quan Việt Nam từ cấp tá trở lên đến cấp tướng, nhiều người nói Việt Nam sẵn sàng chơi “tất tay” với Trung Quốc nếu có xung đột, nhưng chưa ai nghĩ đến việc đất nước hoàn toàn có thể có bất ổn về chính trị (có cái gì là vững chãi vĩnh viễn đâu!)

Để giữ được biển đảo, Việt Nam cần có đồng minh quân sự, càng nhanh càng tốt để khi trong nước có biến, (mà chắc chắn nếu có biến thì dù ai là người thay thế chính quyền trong nước, thì quan hệ đồng minh chỉ có tốt lên!) lực lượng Hải quân trong quan hệ đồng minh vẫn đủ sức giữ được biển đảo. Chưa dám bàn xa hơn đến việc cái chuỗi mắt xích trên đây của Trung Quốc sụp đổ, thì biết đâu dấn lên tí đòi lại được Hoàng Sa.

Nhưng trước mắt, cái gì làm được trong hòa bình thì phải làm khẩn trương, thật gấp. Vụ Philippines thắng kiện Trung Quốc là một cú tuyệt hảo, vì mặc dù nhìn ngoài vào là tranh chấp song phương nhưng thực ra phạm vi của nó là đa phương, có ảnh hưởng quyết định đến quyền tự do hàng hải toàn khu vực, và có ý nghĩa với toàn thế giới. Có lẽ chưa có một cú pháp lý ngoạn mục nào như thế ở đầu thế kỷ 21 này, nó là đầu tiên và nếu có ai đó nói với tôi rằng có người Mỹ đứng đằng sau, tôi cũng tin lập tức. Còn tất cả những vấn đề khác có thể đem ra kiện được, thì đều có khả năng rơi vào chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc cả.

Câu chuyện Biển Đông không chỉ đơn giản mua tàu ngầm máy bay về để đánh nhau, cũng không phải cứ hô hào rủ nhau đi kiện, mà phải đặt tất cả vào trong một câu chuyện lớn đủ các mặt kinh tế, quân sự, quan hệ quốc tế. Đẹp nhất là xây dựng được một hệ thống mắt xích Việt Nam – Philippines – Malaysia – Brunei xung quanh… Hoa Kỳ. Để đạt được điều đó thì chỉ có thay đổi hẳn quan niệm của lãnh đạo Việt Nam, xoay hẳn về Mỹ đi, đừng ỡm ờ nữa. Về kỹ thuật, cần phải phân định càng nhanh càng tốt, thật rõ ràng vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế giữa các nước nói trên – “càng yêu nhau càng phải rào dậu cho kỹ.” Về chiến thuật quân sự, phải đầu gấu lên, cho tàu ra đổ bê tông hả, bố bắn luôn, kể cả là bắn dọa chưa chết người, nhưng mà cho thợ đến xây tường rào mà có thằng cứ ném đá thì bố nó cũng chẳng xây được.

Chuyện cho vui vậy, chứ Việt Nam làm được thế cũng đến Tết Công-gô. Còn cái tiếc nữa, là nước Mỹ đã bầu cho một ông Tổng thống chẳng mấy quan tâm đến chiến lược toàn cầu của quốc gia, chỉ quan tâm đến… kiếm tiền.

Bài trên Fanpage tại đây

No comments:

Post a Comment