Tuesday, June 30, 2020

Ngày hái quả



Tặng cô giáo, tiến sĩ N.T.H., thày Đ.A và cô H.

Ai đó phải ở Hà Nội mới biết được sự khủng khiếp của vụ thi vào lớp Mười nó như thế nào, mà sự khủng khiếp này không chỉ áp lực lên các sĩ tử mà với bố mẹ thậm chí cả ông bà, cũng mệt mỏi không kém. Nhiều người bảo: “trượt lớp Mười đáng sợ hơn trượt đại học rất nhiều, trượt đại học thì sang năm thi lại được, trượt lớp Mười thì không được thi lại và có khi bắt buộc phải học trường vớ trường vẩn…”

Nôm na là năm nay Bôn Ba Nhi Bá cũng phải thi vào lớp Mười, bốn năm trước khi vào lớp Sáu nhà nước cấm các trường tổ chức thi, anh chàng “thoát hiểm.” Năm nay đang tính chuyện “né” thi bằng cách xin học bổng một trường nào đó nhóm “oách xà loách” như V, T, W… thì đùng một cái, dịch Covid-19. Số là Nhi Bá lên kế hoạch sẽ “chiến” giải Hội khỏe Phù Đổng thành phố, cố nhặt ít nhất lấy một Huy chương vàng và cùng thời gian đó sẽ thi IELTS, đủ mức hòm hòm sẽ nộp đơn. Vì dịch Covid-19, bể bơi đóng cửa, lớp tiếng Anh cũng đóng cửa, thậm chí chỗ tổ chức thi tiếng Anh cũng đóng băng nốt. Anh chàng tiếp tục học ôn để thi… bình thường như biết bao bạn khác trong thành phố. Cũng chẳng sao: may mà trong họ hàng Nhi Bá có bà trẻ (ba cậu ta gọi bằng mợ, 35 năm trước bà về làm dâu, lấy cậu ruột của ba Nhi Bá) là giáo viên toán, bà nhắc là cần chú ý nắm vững kiến thức của năm lớp Bảy, và quan trọng hơn nữa là ý thức học tập tự giác của sĩ tử… Vì thế, Nhi Bá không lo trượt.

Đến khi nộp đơn vào các trường, Nhi Bá tự lo “mảng” các trường thuộc hệ thống trường công, mảng này ở trường hỗ trợ các bạn làm. Còn các trường khác thuộc hệ thống dân lập hoặc bán công, công tự chủ gì đó, ba Nhi Bá lo, dù sao thì hắn cũng đang phải đến trường học nốt những tuần cuối cùng, bắt hắn ta lo sao được? Đi nộp đơn cho hắn vào một trường chuyên ngoại ngữ, ba hắn tò mò lắm khi nhìn thấy một cái biển tuyển sinh cho một trường khác.

“Ừ thì tìm hiểu!” – tính oái oăm, đã tìm hiểu là phải lục tung hết cả lên để xem – mình ngoài việc “hoạnh họe” mấy cô nhân viên tuyển sinh, còn mò xuống tận trường đến ba lần để ngó nghiêng. Lần đầu, “tra khảo” mấy cháu công an được nhà trường mời sang làm bảo vệ cho trường. Lần sau, có nhiều thời gian hơn ngó xem chỗ ăn chỗ ở, khu vệ sinh và tập thể thao… Lần sau nữa, lại mò vào văn phòng tuyển sinh của nhà trường… Ấy thế mà ba con nhà Nhi Bá vẫn lỡ một chuyện: cứ nghĩ rằng tiêu chuẩn tuyển thẳng (không phải thi) của trường là phải có giải văn nghệ thể thao cấp toàn quốc, nên chẳng quan tâm, không ngờ ít hôm sau trường công bố tuyển thẳng có bao nhiêu bạn được giải thưởng cấp thành phố...

Chuyện này là lỗi của mình, từ trước đến nay cứ nghĩ con bơi được là tốt rồi, sau thì bơi giỏi là tốt rồi… quan tâm gì đến những giải thưởng. Có giải thưởng là tốt, cũng là để con vui, có động lực mà tập tiếp, chứ ai nghĩ có ngày nó hữu ích đến thế. Và mình đến gãi đầu gãi tai với cô nhân viên tuyển sinh: “Học bạ của cháu nó đây, các thành tích của cháu, anh chỉ có thể liệt kê ra như thế này, hôm trước điền form xin học bổng trường V. nó cũng chỉ khai như thế thôi…” Nhưng quy định là quy định, trường là trường công nên theo quy định của Nhà nước, cần có giấy chứng nhận, đến đoạn này thì mình nản chí thực sự. Cả đời đi làm, mình mặc dù chạy vạy giỏi có hạng, nhưng cứ nghĩ đến chuyện đụng vào thủ tục của thành phố thủ đô ta, là khiếp. Không ngờ về đến nhà thì nhận được điện thoại của… cô hiệu trưởng, và sau đó thì còn phải quấy quả cô thêm vài lần nữa. Cô đọc hồ sơ của Nhi Bá và nói, cũng rất muốn có một bạn như thế trong đội ngũ học sinh của trường. Mình biết không phải là danh sách huy chương đâu, mà cả vì những lời phê của thày cô giáo cho con trong học bạ nữa… con hồn hậu, vui vẻ, nghiêm túc nhưng hóm hỉnh, ai mà không yêu quý con cơ chứ? Chẳng cần thành tích học tập gì ghê gớm, cũng chẳng cần huy chương, con cứ được mọi người yêu quý thì ba mẹ dạy con như thế là thành công rồi.

Cũng chỉ cầu may thôi, gọi điện cho thày phụ trách thể thao Quận, lại một sự bất ngờ nữa – thày và cô phụ trách mảng thể thao của Phòng giáo dục Quận nói phải giúp con bằng được. “Nhi Bá nó ngoan và chăm chỉ, lần nào đi thi đấu cũng rất cố gắng mang thành tích về cho Quận… nên phải giúp con chứ!” Hóa ra tất cả giấy khen của Nhi Bá trên Sở giáo dục đã làm hết cho từng giải thi đấu, nhưng bị thất lạc ở đâu đó, và cô phụ trách phải xin Sở cấp lại cho bạn ấy giấy khác…

<<<>>> 

Vì đã quá hạn xét tuyển thẳng, cô hiệu trưởng phải đề nghị thành lập một Hội đồng riêng để xét cho Nhi Bá vào ngày hôm sau. Chỉ đến khi có kết quả được báo từ cô nhân viên tuyển sinh là con được tuyển thẳng, mình mới dám nói với con, kể về những vất vả của ba, của cô hiệu trưởng, của thày và cô phụ trách bên Ủy ban Quận… Mình đã bắt đầu quên những ngày mưa bão đứng trên thành bể trông con tập ở dưới, đã bắt đầu quên cái nắng như thiêu trên khán đài bể bơi khiến sau buổi tập mấy ba con người đỏ như con cua luộc… Nhưng mình lại nhớ đến câu chuyện đã viết về con trai từ rất lâu: “Học sinh giỏi xèo mông.”[1] Có vẻ như con trai cũng gặp may, nhưng luôn luôn ở tư thế… xèo mông, may mắn chăng? Cũng vậy mà chẳng phải vậy, nếu như không có sự cần mẫn và nỗ lực lâu dài, làm sao con được hái những quả ngọt của ngày hôm nay?

Chờ mãi mới có cơ hội nói chuyện với con lâu lâu.

– “Ba con mình đã cùng xem phim “Đối mặt với những người khổng lồ[2]” rồi, mà con tỏ ra không thích…”

– “Con có nói là không thích phim đó đâu…” Nhi Bá lí nhí “cãi.”       

– “Con còn nhớ hình ảnh người cha ngồi xe lăn, bác ấy gượng đứng dậy để động viên con trai ghi bàn quyết định đưa đội nhà đến chiến thắng trong trận chung kết không?”

– “Có ạ.”

– “Là con không để ý thôi, chứ trừ giải bơi đầu tiên ở trường quốc tế U là ba không làm, tất cả các giải khác khi đưa con đi, ba đều làm những điều tương tự, như lần trước ba cũng vừa động viên con để con yên tâm thi đấu và mang Huy chương bạc về, trong khi con đã tuyệt vọng đến nơi rồi. Ở đây chúng ta còn có không chỉ người cha, là ba của con, mà còn có rất nhiều người khác ủng hộ con: ông bà, mẹ con, các thày cô… Con có nhớ mỗi lần con đi thi đấu, từ thày thể dục ở trường, thày cô phụ trách thể thao ở Quận đều rất tận tâm với con, từ tấm ảnh dán vào thẻ dự thi đến chai nước cho con uống. Thậm chí cả cô chủ nhiệm theo sát từng thông tin của con ở giải đấu và khi biết con được huy chương, các bạn ở lớp con đã reo lên mừng rỡ như thế nào… Vì thế khi tham gia mỗi giải đấu, ba luôn cố gắng làm cho con có cùng suy nghĩ và thể hiện ra cho mọi người thấy: chúng ta nhiệt tình, khiêm tốn và sẽ cố gắng hết mình. Tất cả mọi người đều nhận thấy điều đó ở ba con mình, và quả ngọt ngày hôm nay con nhận, là kết quả của cái “nhiệt tình, khiêm tốn và cố gắng hết mình” ấy đấy con.”

<<<>>> 

Mình rất muốn đặt tên cho chuyện này là “Đối mặt với những người khổng lồ” – cả cuộc sống của chúng ta luôn vừa đối mặt, vừa đồng hành với người khổng lồ. Anh ta là những khó khăn mà chúng ta phải vượt qua, là những thuận lợi mà chúng ta tranh thủ được như là trèo lên vai anh ta mà đứng… người khổng lồ ghê gớm nhất là trong chính bản thân mỗi chúng ta đây, ngày ngày đều có những khó khăn để trèo qua. Nhưng cái trái ngọt hôm qua con trai được hái, nó hấp dẫn quá, và nghĩ đến sự nhiệt tình và hết lòng của mọi người cho con, mình lại xúc động… Đó chính là “những người khổng lồ” bình thường nhưng tốt bụng, đã chìa vai ra cho con đứng lên ngày hôm nay.

Hãy cứ sống như vậy con nhé: “nhiệt tình, khiêm tốn và cố gắng hết mình,” con sẽ còn hái được rất nhiều quả ngọt trong tương lai.

Bài trên Fanpage Facebook tại đây




[1] In trong cuốn “Chuyện con chuyện cha,” NXB Trẻ, 2015
[2] “Facing the Giants” (2006) – Đạo diễn và đóng vai chính: Alex Kendrick. Bộ phim mượn đề tài thể thao học đường ở Hoa Kỳ để kể về sự nỗ lực đấu tranh với bản thân mình theo ánh sáng của Chúa, để cuộc sống mỗi người tốt đẹp hơn. Alex Kendrick nổi tiếng về thể loại phim này, đặc biệt với phim “Fireproof” (2008) về đề tài hạnh phúc gia đình.

No comments:

Post a Comment