Friday, October 16, 2020

Học đi xe đạp

Ảnh của Oscar Gutierrez

Bạn đọc nếu đã đọc “Chuyện con chuyện cha” hẳn còn nhớ chuyện “Tập đi xe đạp” trong đó ba hai bạn Bôn Ba Nhi Bá và Bá Ba Nhi Bôn dùng mẹo tập xe đạp cho hai bạn như thế nào. Chuyện đó lâu quá rồi, từ khi Nhi Bá ba tuổi rưỡi và Nhi Bôn có khi biết đi xe đạp còn sớm hơn nữa. Để mình viết lại một chút phòng bạn đọc nào chưa biết cái mẹo đó: xe đạp có hai bánh phụ hai bên, cho các bạn đạp lấy một hoặc hẳn hai hôm đi, cho quen, rồi dùng cờ-lê nới ốc ra, nâng hai bánh phụ lên cao một chút. Lại đi lấy một hai hôm nữa, rồi nâng tiếp lên. Hồi đó hai bánh phụ của cái xe Nhi Bá đi họ chỉ khoan lỗ, không xẻ khe nên ba của Nhi Bá phải khoan thêm thành một cái lỗ dài… Cứ như thế hai bạn biết đi xe đạp lúc nào không biết, muốn ba tháo luôn hai cái bánh xe ra cho đỡ vướng. 

Nhưng đó là “tập đi xe đạp” – tập để biết khiến cho cái xe nó chạy được, nhưng đi như thế nào để đạp lâu, đi xa không mệt và an toàn, lại là vấn đề hoàn toàn khác. Năm Nhi Bôn lên lớp Năm, học bận ơi là bận vì phải thi và lớp Sáu, đồng thời lo cô bé còn lớn nữa, mình không mua xe mới vội. Thế là cái xe cũ thì không còn vừa, cái xe mới thì chưa có, Nhi Bôn cả năm không đi xe đạp.

Hồi Tết, ba Nhi Bôn xin được một chiếc xe đạp cũ, cỡ đúng cho Nhi Bôn luôn, định đem về sửa để cho bạn ấy đi thì gặp đúng dịch Covid-19. Ngồi ở nhà rỗi rãi thế này, giá mà sửa được xe thì thích quá, khổ cái các cửa hàng đóng cửa hết, không mua được phụ tùng thay. Mãi đến khi mọi thứ mới hơi hơi bình thường trở lại, chiếc xe mới được sửa chữa, phục hồi gần được như mới.

Vừa nhìn thấy cái xe, mẹ của Nhi Bôn nói: “Xe này được đấy, yên thấp chống được chân.”

Điều bất ngờ là lôi nó ra cho con gái đi, cô bé không còn tự tin như trước.

“Con đã biết đi từ lâu rồi, cũng giống như biết bơi, không quên được đâu. Chẳng qua bỏ lâu bị mất độ dạn dày mà thôi. Bây giờ con đạp lại vài ngày là quen ngay.”

Ngược lại với nhận xét của mẹ Nhi Bôn, ba bạn ấy nâng cái yên lên cao vổng, đến mức chống được chân xuống đất rất khó. Nhi Bôn đi rất vất vả, nhưng ba kiên quyết yêu cầu con phải đi được trong tình trạng như thế.

“Đi xe đạp thể thao không ai chống được chân xuống đất hết, mà phải ngồi yên cao để đạp thẳng hết chân, như thế mới không bị mỏi, đạp được lâu. Khi muốn xuống xe, người ta nhổm khỏi yên xe, và xuống đứng trên gióng ngang của khung xe. Trước đây con tập đi xe kia, là “tập để biết đi” nên còn để yên xe thấp, bây giờ con đã biết cách khiến cái xe nó chạy rồi, thì phải học đi cho đàng hoàng chứ.”

Tuổi học sinh, học cái gì cũng dễ, cũng chỉ mất mươi, mười lăm phút chẳng hơn, là Nhi Bôn lại đạp xe, lên xuống xe nhẹ nhàng hơn nhiều. Tuần trước, chở Nhi Bôn ra đón xe buýt trường, vừa ra khỏi đầu ngõ gặp một bác nữ công nhân đi xe đạp, bác ấy đang đạp đều đặn thấy hai ba con cưỡi xe máy ra, giật mình nhảy bổ từ yên xe đạp xuống, chọc cái chân xuống đất, mũi chân băm băm mấy nhát liền trên mặt đất trong khi xe vẫn trôi đi ầm ầm. Đi thêm một đoạn nữa lại gặp một bác gái khác còn cao tuổi hơn đạp xe ra chợ, cũng có những hành động giống hệt: mỗi lần có chướng ngại đằng trước, việc đầu tiên là nhảy bổ xuống, cố chọc cái chân xuống đất. Bây giờ thì mình mới bắt đầu câu chuyện với cô con gái.

“Con nhìn kìa: lúc trước thì một bác khác, bây giờ bác này. Cả hai đều chưa thực sự biết đi xe đạp. Tập đi xong, còn phải học đi nữa, với xe đạp cũng chẳng có gì nhiều: học điều khiển nó đúng cách, đạp như thế nào để ít mất sức, khi có chướng ngại thì bình tĩnh xử lý, đánh tay lái để tránh hay phanh lại, hoặc phanh nhẹ cho giảm tốc độ rồi mà tránh… Tất cả đều phải thực hiện bình tĩnh, khi mình ngồi trên yên xe một cách vững chãi. Thời bây giờ thì làm gì có xe không phanh, thế mà các bác chẳng dùng lại vội vội vàng vàng nhảy bổ xuống đất. Làm như thế rất nguy hiểm con ạ.”

“Nguy hiểm thế nào ạ?”

“Chiếc xe đang đà lao nhanh, phải dùng phanh là thứ hiệu lực nhất, tin cậy nhất để hãm nó lại. Đi xe đạp là hoạt động trên chiếc xe đang chạy, nó chỉ cần hai bánh mà vẫn đứng được, như thế sau này con học vật lý sẽ biết là trạng thái “cân bằng không bền” nhưng dù có thêm cái chân chống xuống đất cũng không cải thiện được gì cả. Chọc chân xuống đất chỉ làm cho xe chậm lại một chút, nên vẫn có thể đâm vào chướng ngại, vả lại nếu chọc bàn chân vào hòn gạch hòn đá, thì tai nạn ngay chứ.”

Nhi Bôn im lặng, chừng chưa hiểu là câu chuyện sẽ đi đến đâu. Ba bạn ấy tấn công tiếp:

“Tất cả các việc chúng ta làm đều như vậy cả con ạ, hầu hết không nên hoặc không thể quay lại làm lại từ đầu, mà đã lên đường rồi thì ta gặp khó khăn ở đâu, giải quyết ở đó, chứ không phải phá sạch đi làm lại. Giống như con bơi qua bể bơi từ chỗ nông đến chỗ sâu, đã quá nửa bể không thể quay lại được mà phải bơi tiếp sang bờ bên kia. Bơi qua con sông cũng thế, phải bơi tiếp, không được quay lại. Đi xe đạp gặp trở ngại nhảy bổ xuống, là luống cuống muốn tìm chỗ vững chắc để đứng. Con người sinh ra tập đứng, rồi tập đi, mấy chục năm quen dựa vào mặt đất rồi, nên lúc nào cũng phải cố tìm cho được mặt đất mới thấy vững chãi…”

Buổi tối, ngồi kể lại rồi nói chuyện tiếp trong bữa cơm, ba Nhi Bôn nói với mẹ bạn ấy:

“Hôm trước mẹ Nhi Bôn bảo là xe thấp chống được chân, nhưng ba yêu cầu bạn ấy đi cao hơn như thế. Con phải được học đi xe đạp, chứ không phải chỉ trèo lên đi được là xong. Người Việt Nam vốn hời hợt, không học cái gì đến đầu đến đũa, càng đơn giản càng coi thường.” Quay sang hai bạn đang tròn mắt ra nghe, mình nói tiếp:

“Ba để ý các bạn trai học đi xong thì có xu hướng thích phóng như bay, như thế được cái nhanh vững chãi, có thể nói là lái giỏi. Trong khi đó các bạn gái thì kể cả đi lâu rồi vẫn không chú ý hoàn thiện các kỹ năng điều khiển xe. Tất nhiên vẫn có thể có người thế này, người thế khác.”

Rất nhiều chị em khi đi học bơi, câu đầu tiên là hỏi: “Bể bơi này nông hay sâu?” Nhưng mình dạy bơi cho trẻ con, sau khi làm việc với bác chúng nó chẳng bao giờ quan tâm đến bể nông hay sâu cả: chưa biết nổi biết bơi thì bám vào tường, hoặc dựa vào phao, biết bơi rồi cứ thế bơi cho đến khi bám được vào đâu đó… Tâm lý “nông hay sâu” là tâm lý muốn dựa vào mặt đất để đứng cho vững chãi, và nó chính là một trong những yếu tố giúp chúng ta… bị đuối nước. Ngã xuống ao xuống hồ, càng cố đứng vào đáy nước thì nó càng dễ trượt ra chỗ sâu, vì đáy dốc dần ra ngoài còn cơ thể thì có xu hướng trôi xuống… Đã xuống nước, phải học dựa vào nước mà tồn tại, như đi xe đạp, phải ngồi vững trên yên mà điều khiển nó.

Các con ạ, sau này các con sẽ còn “bơi” đi rất xa, không phải bằng xe đạp mà bằng đủ thứ khác, ô tô, tàu thủy, máy bay… và dù đến nơi đâu, hãy biết dựa vào đó mà tồn tại và phát triển. Quê hương chôn nhau cắt rốn chúng ta không quên, mỗi lần nhớ về ta lại nhớ đến những kỷ niệm êm đềm và dịu ngọt dưới mái nhà với cha mẹ và ông bà… Nhưng các con có đôi tay, đôi chân… những cặp cánh vững chãi, còn bay cao bay xa hơn nữa. Con chim dựa vào gió để nâng đôi cánh, lúc đó cái tổ ấm của nó chỉ còn là những bài học vỡ lòng của chim mẹ dạy cho nó, thành bản năng để bay lên thật cao…

Bài trên Fanpage tại đây


No comments:

Post a Comment